2016 thay đổi mạnh mẽ tư duy của cán bộ công đoàn

Hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đặt ra cho tổ chức Công đoàn Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức. Công đoàn Công Thương Việt Nam (CĐCT) cũng không

PV: Thưa ông, năm 2015, CĐCT đã có nhiều hoạt động khá thành công, nhưng có vẻ như, năm 2016 sẽ là năm tổ chức công đoàn nói chung và CĐCT nói riêng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn khi Hiệp định TPP được ký kết?

Chủ tịch Lý Quốc Hùng: Đánh giá một cách khách quan thì năm 2015, CĐCT đã hoạt động tích cực và đạt được những thành công trên tất cả các lĩnh vực như bảo vệ người lao động, tuyên truyền giáo dục, tổ chức các phong trào thi đua, đổi mới phương thức hoạt động, nữ công, tài chính, hợp tác quốc tế…

Trong khi Việt Nam đang hội nhập sâu với kinh tế quốc tế thì những nỗ lực này chứng tỏ CĐCT đã nhận thức rất sâu sắc những thách thức và cơ hội mà tổ chức công đoàn đang và sẽ phải đối mặt khi hội nhập kinh tế quốc tế và khi Hiệp định TPP chính thức có hiệu lực. Khi công đoàn có sự chuẩn bị về tầm nhìn và phương thức hoạt động hiệu quả, thiết thực thì sẽ hạn chế những tiêu cực, phát huy tích cực theo cách có lợi cho sự phát triển của công đoàn Việt Nam, đó chính là cơ hội mà TPP mang lại. Và năm 2016 sẽ là năm mà tổ chức công đoàn cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để thích ứng.

PV: Vậy CĐCT đã nhận diện những thuận lợi và khó khăn đó như thế nào?

Chủ tịch Lý Quốc Hùng: TPP tác động về lao động, việc làm, đời sống người lao động và do đó, tổ chức công đoàn cũng phải có những thích ứng phù hợp để đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Việc tham gia TPP đưa đến sự tăng nhanh số lượng lao động và đơn vị doanh nghiệp, là nguồn phát triển đoàn viên và thành lập các công đoàn cơ sở đối với tổ chức công đoàn. Áp lực về việc làm dễ phát sinh mâu thuẫn giữa người lao động và người chủ sử dụng lao động, là điều kiện thuận lợi để công đoàn tập hợp, vận động người lao động tham gia tổ chức công đoàn. Tham gia TPP đòi hỏi hệ thống pháp luật cần hoàn thiện, phù hợp với thông lệ và pháp luật quốc tế, sự minh bạch và bảo đảm thực hiện nghiêm túc, giúp hoạt động công đoàn được thuận lợi hơn, phát huy vai trò và thực hiện chức năng, nhiệm vụ tốt hơn.

Bên cạnh đó, TPP cũng tác động tiêu cực tới tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích của người lao động, khi bộ máy và năng lực cán bộ chưa được hoàn thiện. Tự do hóa thương mại và cạnh tranh lành mạnh có thể làm nhiều doanh nghiệp phá sản, thu hẹp sản xuất, đặt ra vấn đề về một bộ phận lao động sẽ mất việc làm và làm thế nào để ổn định cuộc sống cho họ. Hay những vấn đề về chính sách, quy định pháp luật về lao động, công đoàn cũng cần thay đổi để phù hợp và thích ứng với hội nhập.

Về phía CĐCT cũng đã phân tích những thuận lợi và khó khăn đối với tổ chức công đoàn trong năm 2016 để có những giải pháp phù hợp, đặc biệt là sự đổi mới trong tư duy của các tổ chức công đoàn trước xu thế hội nhập.

PV: Và những giải pháp CĐCT đưa ra để khắc phục những khó khăn và phát huy cơ hội trong năm 2016 sẽ như thế nào, thưa ông?

Chủ tịch Lý Quốc Hùng: CĐCT đặt vấn đề trọng tâm trong năm 2016 là tuyên truyền phát triển và giữ vững đoàn viên; bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; Đào tạo đội ngũ cán bộ công đoàn. Tức là về cơ bản giải pháp vẫn vậy, nhưng quan trọng nhất phải là thay đổi tư duy. Tư duy của người cán bộ công đoàn phải thay đổi mạnh mẽ, triệt để, không còn tư duy làm công đoàn là làm phong trào mà cán bộ công đoàn phải hiểu biết về chuyên môn, nắm vững các qui định về pháp luật, sâu sát với người lao động và đặc biệt là cần có khả năng ngoại ngữ để chủ động trong các mối quan hệ với đối tác nước ngoài.

Trong năm 2016, CĐCT sẽ tập trung vào công tác đào tạo đội ngũ cán bộ công đoàn với các kế hoạch chi tiết cụ thể. Phấn đấu thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ II CĐCT đề ra “100% cán bộ công đoàn từ cơ sở đều được đào tạo”. Bên cạnh đó, hoạt động hướng về cơ sở cũng sẽ rất sát sao để người lao động luôn được chăm lo chu đáo, gắn bó với doanh nghiệp.

PV: Theo kế hoạch, đầu năm 2016, CĐCT sẽ tổ chức Hội nghị giữa nhiệm kỳ. Xin ông cho biết công tác chuẩn bị Hội nghị như thế nào?

Chủ tịch Lý Quốc Hùng: Thực hiện chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, CĐCT sẽ tổ chức Hội nghị giữa nhiệm kỳ nhằm đánh giá kết quả thực hiện các Nghị quyết Đại hội XI của Tổng Liên đoàn, Đại hội II CĐCT. Hiện nay, công tác chuẩn bị của chúng tôi cũng đã tương đối. CĐCT đã chỉ đạo các đơn vị công đoàn cấp trên cơ sở và công đoàn cơ sở trực thuộc tổ chức sơ kết, đánh giá trong hệ thống, lồng ghép trong buổi tổng kết cuối năm và có báo cáo về CĐCT. Nội dung sơ kết đảm bảo hai tiêu chí: Những việc đã làm được trong nửa nhiệm kỳ vừa qua và chuẩn bị các nội dung, cũng như giải pháp thực hiện trong nửa nhiệm kỳ còn lại. Trên cơ sở đó, CĐCT sẽ tập hợp ý kiến để đưa ra thảo luận tại Hội nghị, nhằm mục tiêu thống nhất các nội dung và giải pháp hoạt động cho thời gian nửa nhiệm kỳ tới.

Hy vọng cùng với quá trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam với kinh tế thế giới, tổ chức công đoàn cũng ngày càng thể hiện vai trò quan trọng của mình, cùng người lao động cả nước thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh tế, đưa đất nước phát triển bền vững.

PV: Trân trọng cảm ơn ông và chúc ông cùng CĐCT năm mới thắng lợi mới!