ASEAN: Thị trường cũ, cơ hội mới

Có đi sâu bóc tách bức tranh thương mại của ASEAN mới thấy những cơ hội còn bỏ ngỏ cho xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới...

Giao thương giữa các thành viên ASEAN

Số liệu thống kê về thương mại hàng hóa nội khối ASEAN cho thấy giao dịch giữa các nước thành viên ASEAN hiện chiếm khoảng 23,9%.

Trong số 10 mặt hàng giao dịch chủ yếu đang chiếm tới 67,6% tổng giá trị thương mại nội khối, đứng đầu là nhóm chương 85 trong bảng mã HS-máy và thiết bị điện (chiếm 24%), tiếp theo là nhóm nhiên liệu, khoáng sản (13,1%)… Ngoài ra, còn một số mặt hàng khác như hóa chất hữu cơ (2,1%), sắt thép (1,9%), cao su và sản phẩm cao su chiếm 1,8%.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của asean.org

Tỷ lệ giao dịch nội khối so ngoại khối của nhóm nông sản - thực phẩm, khoáng sản vật liệu xây dựng cao hơn so với nhóm hàng công nghiệp chế biến.

Nếu so sánh giữa các nhóm hàng với nhau có thể thấy, phần lớn những mặt hàng có tỷ lệ giao dịch nội khối cao thường thuộc về nhóm nông sản và khoáng sản vật liệu xây dựng. Cụ thể:

Ngoài nhóm nguyên vật liệu xây dựng chương 25 có tỷ lệ giao dịch nội khối chiếm 48,17%, nhóm sản phẩm là từ đá, thạch cao xi măng, mica 44,35% tổng giá trị thương mại mặt hàng đó của ASEAN thì các nhóm còn lại chủ yếu là nông sản như ngũ cốc, đồ uống, động vật tươi sống, đường ăn, cà phê-chè.

Chỉ một số sản phẩm công nghiệp có tỷ lệ giao dịch nội khối cao gồm có giấy và sản phẩm từ giấy (36,9%), gốm sứ (22%), kính và sản phẩm từ kính (30%). Trong nhóm kim loại, thiếc có tỷ lệ giao dịch nội khối cao nhất (48,3%) còn thấp nhất là kẽm (9,3%).

Trong khi đó, các sản phẩm công nghiệp khác như phân bón chỉ chiếm 19,2%, da giày (9,6%), nhóm hàng chế biến chế tạo cao cấp như máy móc thiết bị, đồ nội thất tỷ lệ giao dịch nội khối khá thấp (chưa tới 20%).

Việt Nam: Chưa tận dụng hết các cơ hội trên thị trường ASEAN

Nhìn vào biểu đồ so sánh tỷ trọng xuất khẩu và nhập khẩu trong ASEAN của các nước thành viên, có thể thấy giao thương nội khối của Việt Nam vẫn còn rất hạn chế, với tỷ trọng gần như thấp nhất trong số các nước thành viên và chỉ bằng một nửa mức tỷ trọng trung bình của cả khối.

Cụ thể, nếu không tính trường hợp đặc biệt của Lào do đi sau trong quá trình hội nhập thì so với các nước có nhiều mặt hàng xuất khẩu cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Thái Lan (nông sản), Philipinnes (thực phẩm, hàng tiêu dùng), Malaysia (nhiên liệu, dầu thực vật), Myanmar (gạo) tỷ trọng xuất khẩu trong nội khối của Việt Nam đều thấp hơn hẳn. Theo đó, xuất khẩu sang các nước ASEAN chỉ chiếm 11,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong khi tỷ lệ này lần lượt là 32,3% đối với Singapore, 28,9% với Thái Lan, 28,1% đối với Malaysia, 22,3% đối với Indonesia.

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của ASEAN

Đẩy mạnh xuất khẩu sang ASEAN: Nên tập trung vào đâu?

Việc hội nhập sâu hơn vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) trong giai đoạn tới sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam. Theo đó, rào cản thuế quan được dỡ bỏ và cơ hội hợp tác ở nhiều phương diện sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa, dịch vụ, vốn, lao động kỹ năng của Việt Nam được lưu chuyển dễ dàng hơn trong khu vực ASEAN. Bên cạnh tiềm năng từ thị trường nội khối với khoảng 625 triệu dân và GDP hàng năm đạt gần 3.000 tỷ USD, ASEAN là khu vực giao thoa của nhiều hiệp định thương mại song phương giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối và với các khu vực khác trên thế giới. Do đó, các doanh nghiệp sẽ có lợi thế hơn khi xuất khẩu sang các thị trường ngoài khối có quy mô kinh tế lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ôt-xtrây-lia, Niu Di-lân, Ấn Độ, Hồng Kông thông qua các FTA ASEAN+1 đã có và Hiệp định ASEAN - Hồng Kông, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong tương lai.

Để tìm kiếm các cơ hội mới từ các nước ASEAN, đầu tiên cần nhìn vào danh mục các mặt hàng mà khối đang nhập siêu, tức là nguồn cung nội khối chưa đáp ứng đủ nhu cầu (có thể về lượng, chất lượng hoặc giá chưa cạnh tranh).

Mặt hàng ASEAN đang nhập siêu nhiều nhất hiện nay là sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, tiếp đến là nhiên liệu khoáng sản, phế phẩm của ngành công nghiệp thực phẩm, phân bón, hóa chất vô cơ, kim loại, dầu thực vật, sữa, nhựa và sản phẩm từ nhựa, dược phẩm, thịt và sản phẩm từ thịt, nguyên liệu da, ngũ cốc, giấy và sản phẩm từ giấy, động vật tươi sống và các sản phẩm từ động vật. Trong số các mặt hàng này, những mặt hàng Việt Nam có lợi thế và tiềm năng xuất khẩu gồm có nhóm dầu thực vật, nhựa và sản phẩm từ nhựa, thịt và sản phẩm từ thịt, ngũ cốc, giấy và sản phẩm từ giấy, động vật tươi sống, phế phẩm của ngành công nghiệp thực phẩm.

Đây là những mặt hàng mà Việt Nam nên tập trung đẩy mạnh xuất khẩu sang khối ASEAN trong thời gian tới. Tuy nhiên, để khai thác các thị trường này, một mặt cần tận dụng những cơ hội có được từ việc tham gia AEC, mặt khác tự nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Tăng cường hợp tác với chính các nước thành viên ASEAN khác trong việc thiết lập các chuỗi cung ứng đảm bảo chất lượng và giá cả cạnh tranh cho thị trường nội khối là một phương án nên sớm tính đến. Điều này một mặt giúp hạn chế nhập siêu chung của toàn khối đối với các mặt hàng trên, mặt khác cải thiện nền sản xuất nội địa và chỗ đứng trong những kênh phân phối chính tại ASEAN. Nhìn rộng hơn, những nỗ lực hợp tác xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng nội khối còn rút ngắn khoảng cách giữa Việt Nam với các các thành viên khác, giảm bớt các chi phí thương mại và vận chuyển, từ đó tăng tính chủ động của Việt Nam trong AEC.

Đinh Linh