Bắc Giang: Phát triển kinh tế - xã hội gắn với công tác bảo vệ môi trường

UBND tỉnh Bắc Giang vừa đề ra mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường (BVMT); hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; từng bước phục hồi, cải thiện chất lượng môi

Mục tiêu của tỉnh Bắc Giang từ nay đến năm 2020 là thu gom được 60% chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn; 50% các thôn, bản có điểm chôn lấp rác thải và có tổ, đội vệ sinh môi trường; 100% các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 100% các cơ sở mới áp dụng công nghệ sạch và trang thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải đối với 33 làng nghề đã được công nhận của tỉnh; hoàn thành xử lý triệt để 4 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 64/2003 của Thủ tướng Chính phủ là làng nghề Vân Hà, làng nghề Phúc Lâm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh.

Một góc TP. Bắc Giang

Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh Bắc Giang tập trung làm tốt 7 giải pháp BVMT sau:

1) Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục pháp luật BVMT, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tài nguyên và môi trường bằng các hình thức phù hợp. Đưa công tác BVMT trở thành mối quan tâm chung, thường xuyên của cả cộng đồng.

2) Thực hiện tốt các quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững các đô thị, khu, cụm công nghiệp, làng nghề nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

3) Đẩy mạnh xã hội hóa công tác vệ sinh môi trường, khuyến khích cộng đồng và mọi thành phần kinh tế tham gia các hoạt động BVMT và giám sát thực hiện pháp luật về BVMT. Phát triển đô thị, xây dựng các khu - cụm công nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với nhiệm vụ BVMT.

4) Củng cố và kiện toàn bộ máy tổ chức, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về môi trường, nâng cao chất lượng chuyên môn của các cán bộ làm công tác BVMT từ tỉnh đến xã. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về BVMT. Tích cực thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường. Quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản ương việc chấp hành pháp luật về BVMT.

5) Khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tăng cường quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất. Đẩy mạnh công tác quy hoạch tài nguyên nước. Quản lý chặt chẽ việc khai thác, chế biến khoáng sản, tránh lãng phí tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường. Tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ rừng, nhất là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Khai thác có hiệu quả các khu du lịch, công trình văn hóa, tôn tạo cảnh quan môi trường, bảo tồn các vùng sinh thái đặc thù của tỉnh kết hợp với bảo tồn các di sản lịch sử văn hóa gắn với BVMT.

6) Tăng cường đầu tư cho công tác BVMT, đa dạng hóa các nguồn đầu tư, tập trung ngân sách nhà nước cho công tác BVMT theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; phát triển các tổ chức tài chính, ngân hàng, tín dụng về môi trường. Khuyến khích các tổ chức và cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư BVMT, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho BVMT. Mở rộng các mối quan hệ hợp tác quốc tế về BVMT.

7) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực về môi trường. Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, quan trắc, dự báo, cảnh báo về tài nguyên và môi trường. Đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật phục vụ công tác nghiên cứu, đánh giá về môi trường. Ứng dụng và chuyển giao các giải pháp công nghệ trong xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái và sự cố môi trường; sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, ứng dụng và phát triển công nghệ sạch thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực BVMT.