10 đồ dùng công nghệ đã bị lãng quên

Công nghệ chưa bao giờ ngừng phát triển. Thiết bị điện tử mới ra đời thường đi kèm với một thiết bị cũ đã từng rất thông dụng dần đi vào quên lãng, nhưng quên lãng đi để đi đến những thiết bị mới hơn và năng suất hơn.

1. Máy nghe nhạc

Trong khoảng những năm 80, "giới trẻ" chúng ta thường sử dụng đầu đọc CD hay đài Cát - sét nho nhỏ để nghe nhạc. Có một vài máy còn được trang bị cả micro để thu lại vào băng cát - sét những gì mà mình muốn, đây rõ là một tính năng gợi nhớ lại kỷ niệm về thời đại chưa có những thiết bị ghi âm cao cấp hơn như hi-fi.

"Walkman" là tên gọi cho một thiết bị cầm tay của Sony từ năm 1979. Walkman được xem là máy nghe nhạc đầu tiên trên thế giới và là "tổ tiên" của những máy nghe nhạc nhỏ nhẹ hay cả phần mềm nghe nhạc trong điện thoại bây giờ.

2. Đĩa mềm

"Đây không phải là biểu tượng để lưu tài liệu đâu. Đây thực sự là một thiết bị đấy."

Hãy tưởng tượng ra tình huống mà bạn phải giải thích về biểu tượng đó với những ai không biết chiếc đĩa này, đặc biệt là với những người sinh sau năm 2019. Vì rõ ràng là họ không có cơ hội tiếp xúc và họ chỉ thấy biểu tượng này đi kèm với việc lưu lại tài liệu.

Trong những năm 70 đến cuối những năm 90, đĩa mềm đã từng rất thông dụng vì giá rẻ và nhẹ. Sau này, đĩa mềm đã hoàn toàn bị thay thế khi xuất hiện đĩa CD, DVD và USB được phát minh ra từ những năm 2000. Hơn nữa, những thiết bị này đều có dung lượng khổng lồ so với đĩa mềm.

3. Máy ảnh dùng một lần và cuộn phim

Có thể một vài trong số chúng ta cũng đã quên đi, nhưng đã có một thời gian chúng ta phải rửa ảnh sau khi chụp xong mới có thể thấy mình chụp gì và để lưu trữ lại. Cách này khá bất tiện vì nếu muốn chụp nhiều ảnh, chúng ta phải thay cuộn phim mới và không tái sử dụng lại được.

Để đáp ứng nhu cầu những người hiếm khi động vào máy ảnh hay không muốn bỏ ra quá nhiều tiền cho một chiếc máy ảnh lớn, nhiều công ty đã đưa ra máy ảnh dùng một lần với giá tương đối hợp lý.

Sau này khi máy ảnh số rẻ hơn và ngày càng nhiều người có, cũng như máy ảnh được tích hợp cùng điện thoại di động, máy ảnh phim giờ đây đã bị thay thế bằng những chiếc máy ảnh số tiện lợi:

- Không mất công rửa ảnh;

- Chất lượng ảnh tốt hơn;

- Lưu trữ một khối lượng lớn ảnh.

Chà, giới trẻ ngày nay chắc không hiểu được những điều phiền phức này đâu.

4. Băng cát - sét

Dần biến mất từ đầu những năm 2000, băng cát - sét (hay còn gọi là băng từ_ đã từng làm chúng ta vô cùng phấn khích. Giá rẻ, có thể ghi lại, gọn nhẹ chính là những ưu điểm được yêu thích nhất bởi những gã nhạc sĩ non trẻ.

Thế nhưng, băng từ lại có kha khá điểm yếu khi cần một thiết bị khác để ghi lại, tốc độ ghi cũng giới hạn chất lượng âm thanh, thời lượng ghi không nhiều và chất lượng âm thanh giảm theo từng lần nghe.

Mặc dù ngành công nghiệp âm nhạc đã cố gắng để khắc phục điểm yếu nhưng một lần nữa, khi đĩa CD xuất hiện đã giải quyết dứt điểm 3 điểm yếu nói trên của băng cát - sét.

5. Buồng điện thoại công cộng

Ở nước ngoài, buồng điện thoại công cộng là một hình ảnh quen thuộc với người dân trong khoảng 20 năm từ năm 1970 đến những năm 90. Hình ảnh này đã trở thành biểu tượng của ngày viễn thông. Trên cả nước Pháp thời đó có đến hơn 250000 buồng điện thoại được lắp đặt, tính trung bình là mỗi thành phố có ít nhất một buồng.

Những buồng điện thoại đầu tiên bỏ tiền xu vào để sử dụng: bỏ càng nhiều tiền thì thời gian thoại càng lâu. Nhưng thật không may khi đây lại là nơi bị những kẻ phá hoại tác quái, tất nhiên là để lấy tiền. Sau đó, công ty viễn thông Pháp đã sửa đổi buồng điện thoại với việc đưa vào sử dụng thẻ điện thoại để đối mặt với vấn nạn này.

6. Mô - đem 56k

Mô - đem 56k được sử dụng để kết nối Internet và rất thông dụng ở các nước phát triển.

Xuất hiện từ đầu những năm 2000, thiết bị này đã để lại dấu ấn khó quên: phát ra tiếng kêu mỗi khi kết nối với Internet và cho phép người dùng truy cập không giới hạn và gắn liền với những trò chơi nhập vai nhiều người chơi. Với tốc độ tải khoảng 6kb/s, sẽ cần nhiều thời gian để tải trang báo Công Thương bạn đang đọc đây.

7. Điện thoại bàn quay số

Cũng giống như buồng điện thoại công cộng, điện thoại để bàn quay số cũng là một trong những biểu tượng của ngày viễn thông mà người trẻ ngày nay sẽ chẳng bao giờ dùng đến.

Để quay số, đặt đầu ngón tay vào ô số muốn quay, quay số vòng số đến khi vòng số không quay được nữa thì nhấc tay ra, vòng số sẽ quay ngược lại về vị trí ban đầu và tiếp tục đến khi quay hết số.

Theo thời gian, điện thoại bàn quay số đã tiếp tục được phát triển đến chiếc điện thoại bàn mà chúng ta vẫn biết đến ngày nay. Vòng quay số đã được thay thế bằng các phím bấm, dây kết nối cũng dần được thay thế bằng chuẩn kết nối không dây.

8. Đầu đọc băng từ

Philips là hãng điện tử đầu tiên thương mại hoá đầu đọc băng từ vào năm 1972. Đây chính là đầu đọc mà chúng ta vẫn thường dùng để xem phim từ những chiếc băng cát - sét.

Đầu đọc có khả năng đọc hình ảnh tỉ lệ 4/3 với chất lượng khá kém, nếu so với chuẩn HD ngày nay.

"Quá tam ba bận", đĩa CD và DVD một lần nữa xuất hiện và điều gì đến cũng sẽ đến: đầu đọc và băng cát - sét dần đi vào quên lãng.

Dù sao thì giới trẻ ngày nay sẽ không thể hiểu nổi niềm vui sướng khi phải ngồi hai tiếng đồng hồ tua lại băng chỉ để xem một bộ phim.

9. Tivi đen trắng

Xuất hiện ở Đức từ những năm 30, thiết bị này khởi đầu cho các thiết bị phát hình ảnh.

Giải thích ngắn gọn cơ chế hoạt động của tivi thời kỳ này: có 1 sợi dây và các điện cực hình tròn có lỗ, tạo ra điện trường, khiến cho các hạt electron va vào màn hình, tạo điểm sáng trên mà hình. Từ đó xây dựng nên hình ảnh trên màn hình.

Tivi ống tia âm cực được sử dụng trong hơn 50 năm trước khi bị thay thế bởi màn hình LCD gọn, nhẹ và cho ra hình ảnh đẹp hơn từ đầu năm 2000.

10. Máy minitel

Minitel là một thiết bị viễn thông được phát triển và cung cấp bởi công ty viễn thông Pháp (ngày nay là Orange) từ những năm 80. 

Thiết bị kết nối này được dùng chủ yếu ở Pháp và được công ty phát miễn phí. Ước tính có đến hơn 1 triệu thiết bị đến giữa những năm 80.

Vì có những cải tiến chậm chạm và không theo kịp thời đại, máy Minitel nhanh chóng bị trở nên lỗi thời và cũng đi vào quên lãng.

Minh Đức (www.clubic.com)