14 tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ cần tăng cường liên kết phát triển tiềm năng và lợi thế

Nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong năm qua, đồng thời rút ra bài học về tăng cường liên kết để khai thác tiềm năng và lợi thế của từng địa phương trong vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, Bộ Côn
Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ bao gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang. Đây là địa bàn chiến lược quan trọng về kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng và đối ngoại của cả nước; có vai trò to lớn về môi trường sinh thái của cả vùng Bắc bộ với nhiều tiềm năng lợi thế về nông – lâm nghiệp, thuỷ điện, khoáng sản, du lịch, kinh tế cửa khẩu. 

Phát huy những lợi thế của mình, trong năm 2010, hoạt động công nghiệp, thương mại trong khu vực tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân 9,5%. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ trên thị trường xã hội tăng bình quân 19,2%. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng bình quân 22%. 

Sang 9 tháng đầu năm 2011, mặc dù gặp nhiều khó khăn như giá cả leo thang đột biến, lãi suất ngân hàng tăng cao... nhưng các địa phương trong vùng đã có nhiều cố gắng. Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã được triển khai. Qua đó, các doanh nghiệp nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, triển khai đồng bộ các dự án, tăng cường tìm kiếm thị trường... Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng của toàn vùng tăng trưởng bình quân đạt 19,42%. Một số tỉnh như Bắc Giang, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hoà Bình, Phú Thọ đạt kết quả cao trong việc thực hiện kế hoạch năm 2011. 

Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu đã chỉ ra một số tồn tại trong hoạt động sản xuất công nghiệp trong năm 2010 đến nay, đó là: Giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu của vùng chưa ổn định và vững chắc, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của toàn vùng; Quy mô sản xuất công nghiệp còn nhỏ bé; Cơ sở vật chất hạ tầng một số khu kinh tế cửa khẩu tại một số tỉnh còn thiếu thốn; Mạng lưới kết cấu hạ tầng thương mại dịch vụ chưa thu hút được các nhà đầu tư bởi cơ chế chính sách thiếu cụ thể; Công tác phối hợp chống buôn lậu và gian lận thương mại nhiều lúc thiếu đồng bộ; Hoạt động khuyến công chưa có sức lan tỏa và mang lại hiệu quả thiết thực... Trong khi đó, sự liên kết vùng, liên kết ngành giữa các tỉnh trong vùng còn chưa được thực hiện tốt nhằm khai thác hết tiềm năng và thế mạnh của địa phương và của vùng kinh tế. Vì vậy cơ cấu kinh tế của vùng chưa thay đổi tích cực trong cơ cấu các vùng của toàn quốc... 

Hội nghị đã thảo luận và đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong quý IV/2011. Một số mục tiêu được đề ra là: Phấn đấu nâng giá trị sản xuất công nghiệp của vùng đạt 53.117 tỷ đồng, tăng 18,49% so với năm 2010. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và dịch vụ trong vùng đạt 92.673 tỷ đồng; Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 5.881 triệu USD. 

Ông Dương Đình Hân - Phó Ban chỉ đạo Tây Bắc cho rằng, xác định được tầm quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng của Vùng đối với cả nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 37/NQ-TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ. Qua đó, Vùng đã có sự liên kết trong trong việc tổ chức khai thác nguồn nguyên liệu phục vụ phát triển công nghiệp, thương mại. Tuy nhiên, Vùng cần đặc biệt lưu ý đến Quy hoạch phát triển thủy điện, năng lượng mới, sản phẩm chủ lực, cơ khí luyện kim, hóa chất,… của các địa phương trong vùng. Xây dựng và thực hiện các đề án khuyến công và trung tâm khuyến công hiệu quả. Rà soát các công trình trọng điểm của vùng như thủy điện Sơn La, Na Hang, Lai Châu… Tăng cường hoạt động chế biến khoáng sản hiệu quả và phù hợp với tiềm năng; Xây dựng các cơ sở chế biến như chè, sữa. Tiếp tục trồng rừng nguyên liệu để phục vụ công nghiệp cho các nhà máy như Giấy bãi Bằng... Đồng thời, cần phải rà soát lại các hoạt động khu công nghiệp, cụm công nghiệp… 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, cần có cơ chế chính sách đặc thù hợp tác phát triển kinh tế giữa các vùng, nội vùng với nhau. Đặc biệt các địa phương cần tăng cường liên kết vùng, nếu được phát huy sẽ giúp các địa phương tận dụng tốt tiềm năng, thế mạnh, hỗ trợ nhau cùng sản xuất và kinh doanh đạt hiệu quả.