4 trường hợp bị thu hồi Giấy phép vận tải qua biên giới Campuchia - Lào - Việt Nam

Thông tư 20/2020/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 63/2013/TT-BGTVT về thực hiện một số điều của Bản ghi nhớ giữa Campuchia - Lào - Việt Nam về vận tải đường bộ có hiệu lực từ ngày 15/11/2020.

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư 20/2020/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 63/2013/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện một số điều của Bản ghi nhớ giữa Chính phủ các nước Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về vận tải đường bộ.

Theo đó, quy định 4 trường hợp bị thu hồi Giấy phép vận tải qua biên giới Campuchia - Lào - Việt Nam (Giấy phép liên vận CLV) gồm:

- Không thực hiện đúng các nội dung ghi trong Giấy phép liên vận CLV hoặc có Quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu do vi phạm các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Trong thời gian 03 tháng kể từ ngày được cấp Giấy phép liên vận CLV không hoạt động vận tải liên vận CLV;

- Trong thời gian 06 tháng liên tục không hoạt động vận tải liên vận CLV từ 03 chuyến trở lên (chuyến được tính là cả lượt xe đi và về);

- Không thực hiện chế độ báo cáo hoạt động vận tải liên vận CLV theo quy định tại khoản 3 Điều 14 của Thông tư này.

(Hiện hành chỉ thu hồi trong trường hợp phương tiện không thực hiện đúng các nội dung ghi trong Giấy phép hoặc phương tiện không hoạt động trong vòng 03 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy phép).

Thông tư quy định Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải và Sở Giao thông vận tải - Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành.

Ngày 31 tháng 12 năm 2013, Bộ Giao thông vận tải đã có Thông tư số 63/2013/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện một số Điều của Bản ghi nhớ giữa Chính phủ các nước Vương quốc Campuchia, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về vận tải đường bộ; áp dụng đối với các phương tiện cơ giới thương mại, phi thương mại của các  doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Mỗi chuyến đi, phương tiện được phép ở lại lãnh thổ của một Bên ký kết không quá 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày nhập cảnh. Trường hợp quá thời hạn quy định, mà có lý do hợp lý sẽ được gia hạn 01 (một) lần với thời gian tối đa không quá 10 (mười) ngày.

Giấy phép vận tải qua biên giới Campuchia - Lào - Việt Nam (sau đây gọi tắt là Giấy phép liên vận CLV) cấp cho xe thương mại có giá trị 01 (một) năm được đi lại nhiều lần, cho xe phi thương mại có thời hạn 60 (sáu mươi) ngày, kể từ ngày cấp.

Thanh Xuân