6 biểu đồ cho thấy đại dịch Covid-19 đang tác động đến kinh tế toàn cầu thế nào?

Sự bùng phát mạnh của virus Covid-19 tại nhiều quốc gia trên thế giới trong thời gian gần đây được coi là mối đe doạ lớn nhất với tăng trưởng kinh tế và hoạt động của thị trường tài chính toàn cầu.

Chỉ trong vòng 3 tháng kể từ thời điểm bệnh nhân đầu tiên xuất hiện tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), đến nay thế giới đã ghi nhận hơn 110.000 ca nhiễm virus Covid-19 với hơn 4.000 ca tử vong tại hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Tại Trung Quốc – khởi điểm của dịch virus Covid-19 với hơn 80.000 ca nhiễm bệnh, Chính phủ nước này đã phong toả nhiều thành phố, áp dụng các biện pháp hạn chế di chuyển cũng như buộc các hoạt động sản xuất kinh doanh tạm ngưng để phòng chống dịch. Các biện pháp này đã giúp Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dần kiểm soát dịch bệnh nhưng cũng khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này sụt giảm mạnh, kéo theo đó là tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Bức trang kinh tế toàn cầu càng trở nên u ám hơn khi dịch virus Covid-19 liên tục lan nhanh ra nhiều quốc gia khác như Hàn Quốc, Italy và Iran. Các quốc gia khu vực Châu Âu khác như Pháp, Đức và Tây Ban Nha cũng đang ghi nhận số lượng ca nhiễm virus Covid-19 tăng vọt.

Trong bối cảnh số ca nhiễm bệnh tăng lên hơn 10.000 ca, vào ngày 10/3, Chính phủ Italy đã ban hành lệnh phong toả toàn quốc. Theo đó, hơn 60 triệu cư dân Italy sẽ phải ở trong nhà, các hoạt động tụ tập lẫn hoạt động di chuyển đều bị hạn chế hoặc cấm.

Trong ngày 11/3, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ban hành lệnh cấm các hoạt động di chuyển từ Châu Âu, trừ nước Anh, đến Hoa Kỳ trong vòng 30 ngày. Ông Donald Trump cũng kêu gọi dân Hoa Kỳ hạn chế các hoạt động du lịch nếu không cần thiết.

Theo báo cáo mới nhất của hãng nghiên cứu kinh tế Oxford Economics “Từ góc độ kinh tế, vấn đề chính không phải là số ca nhiễm virus Covid-19 mà là mức độ gián độn các hoạt động kinh tế do các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh gây ra”.

Ông Ben May, trưởng ban nghiên cứu kinh tế vĩ mô của hãng Oxfod Economics nhấn mạnh “Việc phong toả diện rộng những điểm nóng lây lan dịch bệnh như những gì Trung Quốc đã làm nếu nhưng không được thực hiện cẩn thận sẽ gây ra sự hoảng loạn và khiến nền kinh tế toàn cầu suy yếu hơn nữa”.

Những lo ngại về tác động tiêu cực của dịch bệnh đến nền kinh tế thế giới đã khiến thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo trong những ngày gần đây. Dưới đây là sáu biểu đồ cho thấy tác động mới nhất của dịch virus Covid-19 đến nền kinh tế toàn cầu.

Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm mạnh

Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm mạnh

Nhiều tổ chức tài chính hàng đầu thế giới và các cơ quan phân tích quốc tế đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 do các tác động của dịch virus Covid-19.

Báo cáo tháng 3/2020 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Theo đó, tăng trưởng GDP năm 2020 của Trung Quốc được dự báo chỉ đạt 4,9% so với mức 5,7% được dự báo trước đây. Trong năm 2019, tăng trưởng GDP của nước này là 6,1% - mức thấp nhất trong gần 30 năm trở lại đây.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 được dự báo chỉ còn đạt 2,4%, giảm so với mức dự báo 2,9% trước đây, theo OECD

Hoạt động sản xuất bị thu hẹp

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng PMI giảm mạnh

Sự bùng phát của dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất tại Trung Quốc. Chỉ số độc lập Nhà quản trị mua hàng (PMI) Caixin/Markit của khối sản xuất tại Trung Quốc trong tháng 2/2020 đã giảm xuống mức thấp kỷ lục – 40,3 điểm, phản ánh hoạt động sản xuất tại đây đã bị thu hẹp đáng kể.

Sự đứt vỡ các chuỗi cung ứng tại Trung Quốc đã tạo hiệu ứng domino, ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu như tập đoàn công nghệ Apple (Hoa Kỳ) hoặc hãng sản xuất xe BMW (Đức) cũng như hoạt động kinh tế nói chung của các quốc gia vốn có quan hệ kinh tế mật thiết với Trung Quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.

Mặc dù đã đưa ra nhiều biện pháp kinh tế hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như khuyến khích các nhà máy nhanh chóng quay trở lại sản xuất, tốc độ tái khởi động sản xuất của nhiều lĩnh vực tại Trung Quốc vẫn thấp hơn dự kiến. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều hoạt động sản xuất quy mô toàn cầu vẫn bị đình trệ do phụ thuộc vào các nhà máy đặt tại Trung Quốc.

Hoạt động dịch vụ suy giảm

Khối dịch vụ thiệt hại nặng vì dịch virus Covid-19

Sự lây lan của dịch virus Covid-19 còn ảnh hưởng nặng nền đến các hoạt động dịch vụ khi nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng sụt giảm mạnh, hoạt động kinh doanh nhà hàng – khách sạn, hoạt động du lịch và di chuyển, đặc biệt là hàng không đều bị đình trệ, kéo theo đó là các hoạt động dịch vụ đi kèm khác.

Chỉ số độc lập Nhà quản trị mua hàng (PMI) Caixin/Markit khối dịch vụ của Trung Quốc trong tháng 2/2020 đã giảm xuống còn 26,5 điểm. Đây là lần đầu tiên trong vòng 15 năm trở lại đây, chỉ số này giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm. Điều này phản ánh các hoạt động dịch vụ tại Trung Quốc đã suy giảm mạnh.

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất mà khối ngành dịch vụ bị suy giảm. Chỉ số PMI tháng 2/2020 của Hoa Kỳ do hãng nghiên cứu IHS Markit đo lường cũng cho thấy khối ngành dịch vụ của Hoa Kỳ đã bị co hẹp. Hoa Kỳ hiện là thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới.

IHS Markit nhận định sự co hẹp của khối ngành dịch vụ Hoa Kỳ là do “suy giảm các hoạt động kinh doanh khi các khách hàng nước ngoài huỷ đơn hàng trong bối cảnh kinh tế bất ổn và bùng phát dịch virus Covid-19”.

Giá dầu thô sụp đổ

Giá dầu thô sụp đổ

Sự suy yếu các hoạt động kinh tế toàn cầu đã làm sụt giảm nhu cầu sử dụng dầu thô và kéo theo sự “rơi tự do” của giá dầu thô. Việc khối OPECNga thất bại trong thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu vào ngày 6/3 đã khiến giá dầu thô sụt giảm hơn 25% vào ngày 9/3. Đây là mức giảm theo ngày mạnh nhất của giá dầu thô kể từ cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1991.

Các chuyên gia phân tích từ tập đoàn ngân hàng DBS (Singaore) cảnh báo việc sụt giảm nhu cầu sử dụng dầu thô do tác động của dịch virus Covid-19 cùng với sự gia tăng sản lượng từ các quốc gia khai thác dầu thô đang tạo ra “2 tầng áp lực” lên thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Trung Quốc – quốc gia có số người nhiễm virus Covid-19 lớn nhất, tính đến thời điểm hiện tại, cũng là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Tập đoàn DBS cảnh báo “Sự lây lan của dịch bệnh tại Italy và các quốc gia khác tại Châu Âu có thể sẽ làm giảm nhu cầu sử dụng dầu thô của quốc gia thuộc tổ chức OECD”.

Thị trường chứng khoán hoảng loạn

Thị trường chứng khoán toàn cầu hoảng loạn

Nỗi lo ngại về các tác động của dịch virus Covid-19 tăng cao đã làm xói mòn lòng tin của giới đầu tư và gây ra tình trạng hoảng loạn, bán tháo ồ ạt tại nhiều thị trường chứng khoán chính trên toàn cầu.

Ông Cedric Chehabd, trưởng ban chiến lược toàn cầu tại tập đoàn tài chính Fitch Solutions nhận định diễn biến đại dịch virus Covid-19 ảnh hưởng đến các yếu tố nền tảng của thị trường qua 3 kênh. Thứ nhất, sự phục hồi chậm chạp của nền kinh tế Trung Quốc; thứ hai, diễn biến dịch bệnh tại các quốc gia và thứ ba, áp lực từ các thị trường tài chính.

Lợi suất trái phiếu giảm kỷ lục

Lợi suất trái phiếu giảm kỷ lục

Những lo ngại về sự lây lan toàn cầu của virus Covid-19 đã khiến giới đầu tư gia tăng nắm giữ các loại trái phiếu chính phủ - kênh trú ẩn an toàn của giới đầu tư vào những thời điểm kinh tế biến động. Điều này đã khiến lợi suất trái phiếu chính phủ giảm xuống.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ ở tất cả các kỳ hạn đã lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống dưới 1%. Trong đó, mức lợi suất trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ loại kỳ hạn 10 năm đã chỉ còn ở mức 0,3% - mức thấp nhất trong hơn 150 năm trở lại đây.

Mức lợi suất trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ loại kỳ hạn 10 năm thường được các tổ chức tài chính lớn trên thế giới sử dụng để tạo ra các mức lãi suất riêng trong các hoạt động tài chính.

Quang Đặng - Thuỳ Linh (Tổng hợp)