93% cà phê tiêu thụ ở Thái Lan được nhập khẩu từ Việt Nam

Thị phần cà phê của Việt Nam tại Thái Lan trong 9 tháng đầu năm nay chiếm 93%, tăng mạnh so với 67,3% trong cùng kỳ năm ngoái. Hiện Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn nhất tại Thái Lan.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Thái Lan, nhập khẩu cà phê của nước này lũy kế 9 tháng năm 2018 đạt 49.607 tấn, trị giá 3,38 tỉ baht (tương đương 102,91 triệu USD), tăng 27,2% về lượng, nhưng giảm 0,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Cà phê Việt Nam
Ảnh minh họa

Hiện Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn nhất tại Thái Lan, với tốc độ nhập khẩu tăng trưởng 75,9% về lượng trong 9 tháng, tăng cao nhất trong top 10 nguồn cung cà phê cho Thái Lan.

Thị phần cà phê của Việt Nam tại Thái Lan trong ba quý đầu năm 2018 chiếm 93%, tăng mạnh so với 67,3% trong lũy kế 9 tháng năm 2017. Trong khi đó, thị phần cà phê của Indonesia tại Thái Lan giảm từ 27% trong cùng kỳ xuống 0,6% trong 9 tháng đầu năm nay.

Lào là nguồn cung cà phê lớn thứ hai tại Thái Lan, đạt 2.290 tấn, trị giá 318 triệu baht (tương đương 9,68 triệu USD), tăng gần 74% về lượng so với cùng kỳ.

Thông tin từ Hiệp hội Cà phê Thái Lan cũng cho thấy, nước này vẫn đang nhập khẩu ròng mặt hàng cà phê do nhu cầu tiêu thụ tăng. Tiêu thụ cà phê tại thị trường nội địa Thái Lan ước tính khoảng 70.000 tấn/năm, với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 10%/năm.

Theo đó, lượng cà phê tiêu thụ bình quân đầu người được ước tính là khoảng 200 cốc/năm/người, tương đối thấp so với 500 cốc tại Nhật Bản và 700 - 800 cốc tại Mỹ.

Thị trường cà phê Thái Lan có giá trị khoảng 30 tỉ baht. Sản phẩm cà phê hòa tan và cà phê loại gói “ba trong một” được ưa chuộng tại thị trường này. Trong khi đó, nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu do người trồng cà phê đã chuyển sang trồng các cây sinh lợi cao hơn như cao su và dầu cọ, Thái Lan phải tăng cường nhập khẩu cà phê nguyên liệu.

Hồng Hà