Ả-rập Xê-út bất ngờ đẩy mạnh cắt giảm sản lượng khai thác, giá dầu thô được hỗ trợ tích cực

Giá dầu thô đã tăng trở lại sau khi Ả-rập Xê-út và một số quốc gia khai thác dầu thô khác bất ngờ cam kết sẽ đẩy mạnh cắt giảm sản lượng khai thác nhằm giảm tình trạng dư cung trên thị trường.
Khai thác dầu thô tại Canada
Giàn khoan dầu hoạt động tại khu vực phía Tây Canada (Ảnh: Reuters)

Vào lúc 7h21 sáng (ngày 12/5, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đã tăng 0,9% tương ứng 28 cents lên 29,91 USD/thùng; trong đầu phiên giao dịch, đã có lúc giá dầu thô Brent bật tăng mạnh lên mức 30,11 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua (11/5), giá dầu thô Brent đã giảm 1,34 USD/thùng.

Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng đã tăng 1% tương ứng 24 cents lên 24,38 USD/thùng.

Giá dầu thô tăng cao sau khi Ả-rập Xê-út bất ngờ tuyên bố nước này sẽ đẩy mạnh việc cắt giảm sản lượng hơn nữa trong tháng 6/2020 nhằm giúp giảm bớt tình trạng dư cung dầu thô trên thị trường. Cụ thể, Ả-rập Xê-út cho biết sẽ cắt giảm sản lượng khai thác thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 6/2020, đưa tổng mức khai thác của nước này giảm còn 7,5 triệu thùng/ngày, giảm khoảng 40% so với hồi tháng 4/2020. Ả-rập Xê-út hiện là quốc gia khai thác dầu thô lớn thứ hai thế giới.

Ông Stephen Innes, trưởng ban chiến lược thị trường toàn cầu tại hãng tài chính Axi Corp, nhận định việc Ả-rập Xê-út bất ngờ tuyên bố đẩy mạnh cắt giảm sản lượng đã khuyến khích các quốc gia khác trong liên minh OPEC+ (bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ - OPEC và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh, bao gồm Nga) tuân thủ thoả thuận cắt giảm sản lượng cũng như tình nguyện cắt giảm thêm sản lượng khai thác.

Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) và Kuwait cũng vừa cam kết đẩy mạnh cắt giảm sản lượng hơn mức đã cam kết với tổng mức cắt giảm đạt 180.000 thùng/ngày.

Từ ngày 1/5, thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác lên đến 9,7 triệu thùng/ngày tương đương gần 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu của liên minh OPEC+ bắt đầu có hiệu lực. Tuy nhiên, một số quốc gia thành viên của liên minh OPEC+, bao gồm Iraq – quốc gia có sản lượng khai thác dầu thô lớn thứ hai khối OPEC, đang gặp khó khăn trong việc tuân thủ thoả thuận cắt giảm sản lượng.

Việc các quốc gia khai thác dầu thô lớn trên thế giới đẩy mạnh việc cắt giảm sản lượng khai thác cùng với việc các nền kinh tế lớn trên thế giới đang dần nới lỏng các biện pháp phòng chống đại dịch Covid-19, tái mở cửa nền kinh tế được kỳ vọng sẽ giúp thị trường dầu mỏ quay trở lại mức cân bằng, hỗ trợ giá dầu thô phục hồi.

Tuy nhiên, giới đầu tư hiện cũng lo ngại một làn sóng bùng phát đại dịch Covid-19 lần 2 có thể bùng phát khi số ca nhiễm mới tại Trung Quốc và Hàn Quốc đang gia tăng trở lại. Sự bùng phát trở lại của dịch bệnh sẽ khiến tình trạng phong toả và cách ly xã hội được áp dụng trở lại, ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu.

Diễn biến giá dầu thô trong tuần này sẽ chịu tác động từ dữ liệu tồn trữ dầu thô của Hoa Kỳ - nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các chuyên gia tham gia khảo sát của hãng tin Reuters dự báo lượng tồn trữ dầu thô của Hoa Kỳ trong tuần kết thúc vào ngày 8/5 sẽ tăng thêm 4,3 triệu thùng.

Quang Đặng (Theo Reuters)