ASEAN hướng tới nền kinh tế số

Trong năm Chủ tịch ASEAN, Việt Nam mà Bộ Công Thương là đơn vị chủ trì đã chủ động đề xuất, thúc đẩy nền kinh tế số ASEAN tại tất cả các hội nghị trong khối, cũng như toàn khối với các đối tác bên ngoài.
 Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì Họp báo thông tin về kết quả Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 52 và các Hội nghị có liên quan
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì Họp báo thông tin về kết quả Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 52 và các Hội nghị có liên quan

 

Phát biểu tại buổi họp báo thông tin về kết quả Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 52 và các Hội nghị có liên quan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, về nội khối, kết quả quan trọng nhất đạt được tại Hội nghị AEM 52 lần này đối với Việt Nam là việc các Bộ trưởng thống nhất tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện 13 sáng kiến, ưu tiên kinh tế do Việt Nam đưa ra cho năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Cụ thể, 2 sáng kiến đã được hoàn tất, gồm sáng kiến về “Chỉ số Hội nhập số ASEAN” và “Tài liệu tham chiếu về Kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo ASEAN”. 11 sáng kiến còn lại vẫn đang được ASEAN nỗ lực triển khai theo đúng lộ trình, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.

Trong số 13 sáng kiến, ưu tiên về hợp tác kinh tế mà Việt Nam đưa ra trong năm 2020, sáng kiến “Xây dựng Chỉ số Hội nhập số ASEAN” đã được hoàn thành tại thời điểm diễn ra Hội nghị AEM lần thứ 52. 

Vì sao sáng kiến “Xây dựng Chỉ số Hội nhập số ASEAN” lại được Việt Nam ưu tiên, và cộng đồng Asean nhanh chóng thống nhất đến vậy?

Một lẽ rất đơn giản là cuộc cách mạng kỹ thuật số đang ảnh hưởng tới mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như cách thức vận hành nền kinh tế.

Cụ thể, cách thức mà người tiêu dùng, doanh nghiệp, Chính phủ tương tác đang dần thay đổi. Trong bối cảnh đó, việc chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn của doanh nghiệp mà đã trở thành điều cần phải thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của khách hàng, đáp ứng xu hướng phát triển của công nghệ.

Trong khi đó, ASEAN là một thị trường quan trọng cho nền kinh tế kỹ thuật số phát triển. Để khu vực ASEAN duy trì vị trí điểm đến đầu tư hấp dẫn, ASEAN phải đưa ra nhiều biện pháp, chính sách nhằm thích ứng với điều kiện phát triển mới.

Chính trong bối cảnh đó, Việt Nam  đã sớm quan tâm và đề xuất xây dựng sáng kiến Chỉ số Hội nhập số ASEAN. Một nội dung quan trọng trong đó là Khung hội nhập kỹ thuật số ASEAN.

Mục tiêu chính của Khung hội nhập kỹ thuật số ASEAN là nhằm nâng cao hiệu quả cạnh tranh của ASEAN, thu hẹp khoảng cách số và tạo ra một ASEAN toàn diện hơn, đồng thời hỗ trợ các nền kinh tế thành viên tăng trưởng phát triển kinh tế.

Khung hội nhập kỹ thuật số ASEAN đã được các nước thành viên thảo luận và thống nhất 6 ưu tiên tại Hội nghị Bộ trưởng kinh tế lần thứ 52 vừa qua, bao gồm: Tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới; Bảo vệ dữ liệu đồng thời hỗ trợ thương mại số và cải tiến số; Tạo thuận lợi thanh toán số xuyên biên giới; Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực số; Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp; Phối hợp hành động.

Nếu nhìn ngược lại, trong cả năm Chủ tịch ASEAN, Việt Nam mà Bộ Công Thương là đơn vị chủ trì đã chủ động đề xuất, thúc đẩy nền kinh tế số ASEAN tại tất cả các hội nghị trong khối, cũng như toàn khối với các đối tác bên ngoài.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 26 vào đầu tháng 3 tại Đà Nẵng, các sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam  được thảo luận tập trung vào lĩnh vực số như thương mại điện tử, công nghệ thông tin, nông nghiệp, phát triển bền vững, thống kê, đổi mới sáng tạo, v.v…

Bộ Công Thương cũng là đơn vị chủ trì xây dựng Kế hoạch hành động Hà Nội nhằm tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và kết nỗi chuối cung ứng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, trong đó ASEAN thống nhất “Tiếp tục triển khai Chương trình làm việc của ASEAN về thương mại điện tử để hỗ trợ doanh nghiệp dùng công nghệ và kinh tế kỹ thuật số tiếp tục hoạt động”.

Tuyên bố chung của Bộ trưởng kinh tế ASEAN+3 cũng khẳng định: “Các Bộ trưởng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) và các ngành dễ bị tổn thương; khuyến khích sử dụng nền tảng kinh tế kỹ thuật số.

Các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo điều kiện cho luồng dữ liệu tin cậy, đồng thời tôn trọng khuôn khổ pháp lý trong nước và quốc tế và sẽ hỗ trợ các cuộc đàm phán đang diễn ra về thương mại điện tử tại WTO”.

Tại Hội nghị ASEAN với các đối tác bên ngoài cũng tương tự:

- “Thúc đẩy cơ chế một cửa ASEAN, hệ thống chứng nhận xuất xứ điện tử, khung tích hợp kỹ thuật số ASEAN (DIF) và khung ASEAN về quản trị dữ liệu số.” - Kế hoạch hành động phục hồi Kinh tế ASEAN - Nhật Bản được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN - Nhật Bản về ứng phó đại dịch Covid-19 ngày 29/7.

- “Các Bộ trưởng hoan nghênh Báo cáo Thương mại điện tử của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN và ghi nhận các sáng kiến đề xuất được nêu trong báo cáo nhằm giúp các nước ASEAN phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử cũng như cho phép các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới diễn ra xuyên suốt” - Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN - Hoa Kỳ.

- “ Việc rà soát quá trình triển khai Chương trình hợp tác về Thương mại và Đầu tư giữa ASEAN và Nga giai đoạn sau năm 2017 đã cho thấy những kết quả đạt được trong các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, cơ sở hạ tầng, dịch vụ tài chính và công nghệ số “ - Ghi nhận tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN - Nga.

- “Hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực sáng tạo số. Anh đã thành lập Quỹ tài trợ cho chương trình cải tổ kinh tế của ASEAN với tổng giá trị 19 triệu bảng Anh, tập trung vào các lĩnh vực như: Sáng tạo số; logicstics và cải tổ cơ chế chính sách” – Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN – Anh.

Theo Báo Tiền Phong