Ba Bể - Bắc Kạn: Nhiều giải pháp phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

Là một trong những huyện nghèo của Bắc Kạn, nhờ có những chủ trương, chính sách đúng đắn nhằm phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp gần đây kinh tế - xã hội của huyện Ba Bể đã có những bước phát triển nhất định. đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.

Đánh giá về những kết quả được, ông Cao Minh Hải - Chủ tịch huyện cho biết: Nguyên nhân quan trọng là Đảng bộ, nhân dân huyện đã xác định đúng hướng đi, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế đã đề ra. Một trong những giải pháp hữu hiệu là tăng cường cải cách hành chính, đẩy mạnh thu hút đầu tư từ các công ty, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp vào địa bàn huyện. Đặc biệt, huyện đã đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa liên thông, các thủ tục hồ sơ được niêm yết công khai; đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp bằng cách tạo quỹ đất, giải phóng mặt bằng, miễn, giảm một số khoản thu hằng năm thuộc thẩm quyền để các dự án được triển khai đúng tiến độ.

Hướng đi mới cho sản phẩm CN – TTCN Ba Bể
Hướng đi mới cho sản phẩm CN – TTCN Ba Bể

Chủ trương này đã tạo bước phát triển đột phá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN) bình quân hàng năm đạt 10,8%, giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt 107,336 triệu đồng.

Ngoài ra, UBND huyện Ba Bể đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Kạn thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ từ nguồn vốn của khuyến công quốc gia, địa phương, như: Hỗ trợ cơ sở đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại vào sản xuất; tập huấn nâng cao nhận thức, tay nghề, tác phong công nghiệp cho lao động nông thôn; tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm TTCN.

Trong 5 năm qua, huyện đã phát triển thêm 2 HTX sản xuất vật liệu xây dựng mới; Các sản phẩm chủ lực như đá xây dựng, cát xây dựng, gạch không nung, đồ gỗ dân dụng… vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá. Đây là kết quả thể hiện sự nỗ lực, phấn đấu của toàn thể nhân dân và chính quyền địa phương sau khi triển khai, thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.

Miến dong là sản phẩm nông nghiệp bản địa có tiếng ở Bắc Kạn, sản phẩm đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng
Miến dong là sản phẩm nông nghiệp bản địa có tiếng ở Bắc Kạn, sản phẩm đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng

Bên cạnh đó, các thành phần kinh tế cũng được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách trong sản xuất, kinh doanh, từng bước xây dựng được môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Điều này đã tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn. Toàn huyện có 21 HTX, trong đó có 19 HTX thành lập mới trong nhiệm kỳ.

Đến nay, kinh tế của huyện phát triển toàn diện, nông nghiệp từng bước chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện hiệu quả, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Nhiệm kỳ qua, đã có 32 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, trong đó có chỉ tiêu quan trọng như thu ngân sách, xây dựng nông thôn mới…

Văn Trường