Bắc Giang: Doanh nghiệp sản xuất, thương mại nỗ lực vượt qua tác động Covid-19

Dù đối mặt với không ít khó khăn, thách thức nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn giữ được mức tăng tưởng ổn định.

Hoạt động sản xuất công nghiệp duy trì ổn định

Theo Sở Công Thương Bắc Giang, tình hình sản xuất công nghiệp tỉnh Bắc Giang tháng 3/2020 có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, trong đó: Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 15,71%, trong đó ngành khai khoáng tăng 9,7%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,5%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 24,1%...

Tính riêng trong tháng 3, ước tính giá trị sản xuất công nghiệp đạt 15,451 tỷ đồng, bằng 97,2% so với tháng trước. Cộng dồn 3 tháng ước đạt 46.618 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó: Khu vực kinh tế Nhà nước ước đạt 1.649 tỷ đồng; tăng 9,2% so với cùng kỳ; khu vực kinh tế ngoài Nhà nước ước đạt 6.887 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 38.083 tỷ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ.
Trong lĩnh vực bán lẻ, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến tâm lý mua sắm của người dân, hoạt động mua sắm tại các chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại giảm sâu. Người tiêu dùng có xu hướng hạn chế đến các nơi công cộng, giảm các hoạt động đi lại để tránh khả năng lây nhiễm virus cho nên doanh thu các hoạt động dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống giảm mạnh.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tháng 3 ước đạt 2.363 tỷ đồng. Cộng dồn 3 tháng ước đạt 7.605 tỷ đồng, tăng 5,7% so cùng kỳ. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hoá ước đạt 6.891 tỷ đồng, tăng 6,8% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ ước đạt 714 tỷ đồng, bằng 95,9% so cùng kỳ.

Bên cạnh đó, giá cả các mặt hàng trong tháng tương đối ổn định như: Giá xăng dầu tăng, giá vàng biến động với biên độ tăng giảm theo giá thế giới, giá thép xây dựng tiếp tục ổn định.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá thịt lợn lại tăng nhẹ trở lại sau khi đợt giảm giá tháng trước, giá các mặt hàng rau xanh giảm nhẹ so với dịp sau Tết nguyên đán do nguồn cung tăng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tháng 3 ước đạt 2.363 tỷ đồng; cộng dồn 3 tháng ước đạt 7.605 tỷ đồng, tăng 5,7% so cùng kỳ; trong đó tổng mức bán lẻ hàng hoá ước đạt 6.891 tỷ đồng, tăng 6,8% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ ước đạt 714 tỷ đồng, bằng 95,9% so cùng kỳ.

Ngoài ra, giá cả các mặt hàng trong tháng tương đối ổn định như: Giá xăng dầu tăng, giá vàng biến động với biên độ tăng giảm theo giá thế giới, giá thép xây dựng tiếp tục ổn định.

Hoạt động xuất khẩu của Bắc Giang trong tháng 3 đạt 997,96% triệu USD, cộng đồn 3 tháng ước đạt 2.226,62 triệu USD, tăng 66,47% so với cùng kỳ năm 2019; kim ngạch nhập khẩu đạt 875,99 triệu USD. Cộng dồn 3 tháng ước đạt 2.050,31 triệu USD tăng 53,37 % so với cùng kỳ năm 2019.

Có thể thấy rõ, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức, song hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn giữ được mức tăng tưởng ổn định.

Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó

Để các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của Covid -19, ngành Công Thương Bắc Giang đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, các tỉnh và các Sở, ngành liên quan để hỗ trợ các doanh nghiệp tìm nguồn nhập khẩu hàng hoá, nguyên liệu, vật tư, linh phụ kiện đầu vào sản xuất để thay thế trong trường hợp nguồn cung bị ảnh hưởng.

Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình giá cả, thị trường cung cầu, phát hiện kịp thời các nhân tố tiêu cực tác động giá cả thị trường để đề xuất với UBND tỉnh, Bộ Công Thương các biện pháp cần thiết nhằm bình ổn giá cả thị trường.

Sở cũng đã tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Công Thương theo quy định cũng như triển khai thực hiện nội dung, chương trình đã được phê duyệt năm 2020 thuộc Đề án xây dựng và phát triển nông sản hàng hoá đạt tiêu chí cấp tỉnh giai đoạn 2019 – 2021.

Bên cạnh đó, Sở sẽ tiếp tục xây dựng báo cáo định hướng phát triển tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050; Tham mưu cho UBND tỉnh bổ sung, điều chỉnh quy hoạch 2 cụm công nghiệp: Lam Sơn 2, Jutech; rà soát các Khu công nghiệp để bổ sung vào xây dựng quy hoạch tỉnh.

Tiếp đến, Sở Công Thương Bắc Giang sẽ rà soát cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu; hướng dẫn doanh nghiệp các tiêu chuẩn, quy cách, đóng gói, bảo quản, bao bì nhãn mác phù hợp với yêu cầu của thị trường xuất khẩu; Chủ động phối hợp với các Sở, ngành nắm bắt tình hoạt động của các doanh nghiệp, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực điện, thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu..

Sở Công Thương Bắc Giang cũng sẽ nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hoá các thị trường xuất, nhập khẩu và tìm thị trường mới, chuẩn bị các điều kiện cần thiết, chủ động triển khai các kế hoạch, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá sang thị trường EU sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực. Đặc biệt, tăng cường trao đổi thông tin với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khác để giới thiệu, kết nối doanh nghiệp Bắc Giang với doanh nghiệp các tỉnh, thành để hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau.

Về phía doanh nghiệp cũng cần chủ động đẩy mạnh tổ chức, xúc tiến thương mại, đưa hàng hoá, nông sản của địa phương vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn; khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản, điều chỉnh cơ cấu một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ và lợi thế của địa phương.

Với sự vào cuộc, hỗ trợ kịp thời của ngành Công Thương Bắc Giang và sự nỗ lực của doanh nghiệp trong việc điều chỉnh kế hoạch, chiến lược kinh doanh, thay đổi kịch bản, hy vọng, các doanh nghiệp sẽ duy trì ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động.

Phương Thúy