Bài học thương hiệu rút ra từ những bức ảnh Instagram nổi tiếng nhất của các sao Thế giới

Top 3 trong số những bức ảnh "gây bão" nhất trong lịch sử Instagram sẽ giải thích vai trò của ứng dụng này trong việc định hướng văn hóa đại chúng.

Sau một thời gian chậm cải biến, Instagram giờ đây phát triển nhanh chóng, ngang bằng Snapchat và trở thành platform chia sẻ hàng đầu dành cho những người nổi tiếng.

Ở bài viết này, chúng ta sẽ phân tích 3 bức ảnh đình đám nhất là minh chứng cho thấy các ngôi sao đã sáng tạo như thế nào khi sử dụng Instagram. Thông qua các tấm ảnh này, chúng ta có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm gì từ cách làm truyền thông của các ngôi sao?

Beyoncé

√ @beyonce, 94.7 triệu người theo dõi

√ Lượt yêu thích: 10.4 triệu

"Chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn tình yêu và hạnh phúc của mình. Đây là niềm vui nhân đôi. Chúng tôi rất cảm kích khi sắp được đón chào một cặp song sinh. Cảm ơn mọi lời chúc tốt đẹp của các bạn."

Bức ảnh thông báo về việc mang thai từ cô nàng Beyoncé, người hiếm khi nhận lời các cuộc phỏng vấn và yêu thích lối nói chuyện "lấp lửng" thông qua nghệ thuật và phương tiện truyền thông của cô. Khi thế giới biết được rằng sẽ sớm có hai bé con Carters sắp chào đời, bức ảnh trong tích tắc trở thành biểu tượng, truyền cảm hứng cho hàng ngàn bài báo phản hồi, một vài phiên bản tương tự được tạo ra, và bức ảnh thậm chí còn xuất hiện ở một tòa nhà 5 tầng tại Úc.

→ Bài học rút ra: Không chia sẻ quá nhiều thông tin với công chúng mục tiêu, mà chờ đến thời điểm thích hợp để tương tác. Kích thích truyền thông bằng những thông tin “lấp lửng” đến khi chính thức công khai một sự kiện quan trọng.

→ Thương hiệu có thể áp dụng chiến thuật này như thế nào: Khi chuẩn bị tung ra sản phẩm mới, không công khai quá nhiều thông tin chính thức cho báo chí. Công bố sản phẩm mới bằng phát ngôn trực diện, chính thức, không thông qua một bên đại diện thứ ba, thể hiện thông điệp thương hiệu và lời hứa thương hiệu một cách rõ ràng.

Selena Gomez

√ @selenagomez, 109 triệu người theo dõi

√ Lượt yêu thích: 6.4 triệu

Thực tế nó là một quảng cáo của Coca-Cola, gương mặt "đầy say mê" của Selena Gomez khi cầm chai Coca-Cola với lời bài hát được in trên thân chai đã thu hút một lượng lớn của sự chú ý. Công ty đã thành công với chiến dịch quảng cáo với thông điệp "Share a Coke and a Song" (Chia sẻ Coca cùng một bài hát) bằng cách áp dụng "tinh thần Mỹ" vào hình ảnh của Gomez, và Gomez, người dẫn đầu với số lượng người theo dõi trên Instagram, đã không phải sử dụng hình ảnh của mình như một người quảng bá thương hiệu một cách "thô cứng", đồng thời cũng là cơ hội để cô quảng bá cho bài hát "Me and the Rhythm".

→ Bài học rút ra: Việc lựa chọn gương mặt thương hiệu phù hợp với sản phẩm quyết định lớn đến sự thành bại của một chiến dịch quảng cáo. Lựa chọn Selena Gomez - một nữ hoàng Instagram để quảng bá cho chiến dịch quảng cáo đánh vào mạng xã hội - nơi người dùng thường có xu hướng chia sẻ những nội dung, hình ảnh, video sẽ giúp lan truyền mạnh mẽ nội dung của thương hiệu đó.

→ Thương hiệu có thể áp dụng chiến thuật này như thế nào: Nội dung quảng cáo thân quen nhưng không kém phần độc đáo (với phần lời bài hát in trên vỏ chai giúp các fan Selena Gomez dễ dàng kết nối với thần tượng) sẽ tạo sự gần gũi giữa thương hiệu và người tiêu dùng.

Kendall Jenner

√ @kendalljenner, 74.2 triệu người theo dõi

√ Lượt yêu thích: 3.6 triệu

Bức ảnh người mẫu Kendall Jenner chơi đùa với mái tóc tạo thành hình trái tim vẫn phổ biến nhất. Nó làm chúng ta liên tưởng đến cách cô sử dụng Instagram như một cuốn tạp chí thời trang của riêng mình. Bức ảnh được lan truyền nhanh chóng, thậm chí làm dấy lên một câu chuyện nhại lại, trong đó "anh trai" Kirby của cô, tự chèn hình ảnh của chính mình vào bức ảnh được yêu thích nhất của cô và bắt chước y hệt cách tạo dáng của cô.

→  Bài học rút ra: Sáng tạo từ những "nguyên liệu sẵn có" sẽ tạo hiệu ứng mạnh mẽ vì nó khiến chúng ta có cảm giác "ai cũng có thể làm được". Đơn giản nhưng không kém phần ngọt ngào, dễ dàng gây hứng thú với người theo dõi và khiến họ muốn bắt chước giống thần tượng của mình. Việc này giúp độ phủ sóng của chủ nhân bức ảnh càng nhân rộng.

→ Thương hiệu có thể áp dụng chiến thuật này như thế nào: Tạo nên những nội dung marketing đơn giản, mang tính giải trí cao, dễ được dùng làm parody (sáng tạo trên những chất liệu có sẵn), hiệu ứng phần "nhìn" cao là một cách tiếp cận người dùng thông minh. Những "phiên bản lỗi" của hình ảnh gốc sẽ là nhân tố khiến thương hiệu của bạn được nhiều người biết đến hơn, và tạo được tiếng cười cho khách hàng thì chắc chắn họ sẽ nhớ đến bạn nhiều hơn!