Bán lẻ tăng trưởng mạnh mẽ, Việt Nam đang trở thành mối quan tâm của các nhà phát triển và phân phối lớn ở châu Á

Các nhà đầu tư Nhật Bản đặc biệt quan tâm đến ngành bán lẻ Việt Nam.

Theo dữ liệu từ Tổng cục Thông kê, mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng năm 2019 đạt tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước (11,6%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,74% (cùng kỳ năm 2018 tăng 8,72%). Doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng đạt 2.134,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 76,1% tổng mức và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.

Sức mua tiêu dùng tăng cao, lượng cung hàng hóa trên thị trường dồi dào, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người dân. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này là động lực thúc đẩy các nhà phân phối hàng hóa và dịch vụ có gia nhập thị trường Việt Nam. 

Ryohin Keikaku – công ty mẹ của thương hiệu bán lẻ MUJI thông báo hồi tháng 2 rằng họ đã quyết định thành lập công ty TNHH MUJI Việt Nam để phát triển kinh doanh tại Việt Nam. Theo kế hoạch, công ty này sẽ được thành lập vào tháng 8, có trụ sở chính tại TP HCM và do Ryohin Keikaku sở hữu 100% vốn.

Đồng hương của MUJI - Tập đoàn bán lẻ quần áo Uniqlo cũng đã chính thức thông báo sẽ có mặt tại Việt Nam vào cuối năm 2019. Theo kế hoạch, cửa hàng đầu tiên của Uniqlo sẽ đặt tại TP.HCM, sau đó, thương hiệu này mới tiếp cận người tiêu dùng tại các tỉnh thành khác.

Bán lẻ tăng trưởng mạnh mẽ, Việt Nam đang trở thành mối quan tâm của các nhà phát triển và phân phối lớn ở châu Á - Ảnh 1.

Matsumoto Kiyoshi Holding ký thỏa thuận hợp tác kinh doanh với Công ty Cổ phần Chế biến Thực phẩm Hoa Sen, lập công ty liên doanh để phát triển và điều hành chuỗi cửa hàng dược, mỹ phẩm mang thương hiệu "Matsumoto Kiyoshi" tại Việt Nam. 

Chuỗi trung tâm thương mại Nhật Bản Takashimaya cũng đang xem xét để mở một cửa hàng khác tại Việt Nam và mở rộng chi nhánh ở TPHCM để mang lại nhiều mặt hàng đa dạng hơn cho các gia đình.

Bên cạnh bán lẻ hàng hóa, bán lẻ dịch vụ lưu trú, ăn uống cũng có doanh thu tăng trưởng mạnh, đạt 51 nghìn tỷ đồng, tăng 11%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 3,9 nghìn tỷ đồng, tăng 7,8%. Du lịch hiện là ngành thu hút các tập đoàn lớn trong khu vực.

Nhà phát triển khách sạn châu Á Centara Hotels & Resort, một công ty con của Central Group Thái Lan, đang tìm cách mở ít nhất 20 khách sạn mới ở Việt Nam trong năm năm tới. Các điểm đến được nhắm đến của công ty bao gồm các trung tâm kinh tế trọng điểm như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Hải Phòng, cũng như các khu vực tăng trưởng cao như Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, Cam Ranh và Hội An.

Ông Thirayuth Chirathivat, CEO của Centara cho biết: "Ngành du lịch của Việt Nam đã có một năm 2018 thành công và chúng tôi hy vọng điều này sẽ tiếp tục trong nhiều năm tới".

Oyo Hotels & Homes cũng sẽ đầu tư 50 triệu USD để mở rộng tại Việt Nam. Startup này đã có mạng lưới 90 khách sạn với 1.500 phòng tại 6 thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Quốc, Vũng Tàu và Nha Trang trong vòng 3 tháng qua. Giám đốc Oyo Việt Nam, Dushyant Dwibedy tuyên bố, mục tiêu của họ là tăng lên 20.000 phòng tại 10 thành phố của Việt Nam vào cuối năm 2020.