Bàn thêm về xử lý hợp đồng khi Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

THS. LỮ MINH ĐĂNG* - NGUYỄN ÚT MƯỜI* (* Giảng viên, Trường Chính trị thành phố Cần Thơ)

TÓM TẮT:

Bài viết nghiên cứu các quy định của pháp luật về việc xử lý hợp đồng khi Tòa án có thẩm quyền thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật, từ đó đưa ra một số khuyến nghị nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật về hợp đồng trong giải quyết phá sản.

Từ khóa: xử lý hợp đồng, giải quyết phá sản, tòa án, thủ tục phá sản.

1. Pháp luật về xử lý các hợp đồng khi tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Thứ nhất, đối với các hợp đồng đã xét xử, đang tranh chấp

Theo quy định tại Điều 41 Luật Phá sản năm 2014, hậu quả của việc tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản: tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ; tạm hoãn việc truy cứu trách nhiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, việc này nhằm giúp giảm bớt áp lực trả nợ cho doanh nghiệp, dù chỉ là tạm thời, qua đó giúp doanh nghiệp chuẩn bị lên phương án phục hồi hoạt động kinh doanh và cũng phản ánh nguyên tắc chung của pháp luật phá sản nhằm đối xử bình đẳng giữa các chủ nợ [1]. Theo quy định trên:

i) Đối với các hợp đồng đã xét xử thì tạm ngừng thi hành án;

ii) Đối với các hợp đồng đang tranh chấp (đã khởi kiện trước đó và đang trong quá trình tố tụng) sẽ bị tạm đình chỉ việc giải quyết cho đến khi tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản hoặc ra quyết định không mở thủ tục phá sản. Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản thì người được doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện nghĩa vụ về tài sản có quyền yêu cầu được thanh toán trong khối tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã như một chủ nợ. Trường hợp bên đương sự phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thì phải thanh toán cho doanh nghiệp, hợp tác xã giá trị tương ứng với nghĩa vụ tài sản đó [2].

Thứ hai, đối với các hợp đồng đang có hiệu lực.

Luật Phá sản năm 2014 quy định, trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, nếu xét thấy việc thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực và đang được thực hiện hoặc chưa được thực hiện sẽ có khả năng gây bất lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã thì chủ nợ, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân ra quyết định tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng [3]. Theo quy định này thì đối với các hợp đồng đang có hiệu lực nếu có lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thì tiếp tục thực hiện, nếu bất lợi thì có thể bị tạm đình chỉ, nếu phát sinh tranh chấp thì cơ quan có thẩm quyền thụ lý theo thủ tục chung.

Thứ ba, đối với việc ký kết các hợp đồng mới

Trong giai đoạn thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, pháp luật không cấm doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thỏa thuận ký kết các hợp đồng mới. Vì vậy, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán được phép ký kết các hợp đồng mới. Tuy nhiên, cần lưu ý tránh các giao dịch quy định tại Điều 59 Luật Phá sản năm 2014. Quy định này cũng phù hợp, bởi vì trong giai đoạn này nếu cấm doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán ký kết hợp đồng mới để tiến hành hoạt động kinh doanh bình thường thì khả năng doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ gặp khó khăn nhiều hơn.

2. Một số bất cập trong xử lý các hợp đồng khi tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Thứ nhất, đối với các hợp đồng đang tranh chấp

Khi tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, việc giải quyết  tranh chấp các hợp đồng tạm đình chỉ, việc thực hiện các nghĩa vụ về tài sản đối với các bên được thực hiện như một khoản nợ, tuy nhiên việc tạm đình chỉ có thể kéo dài trong một thời gian nhất định sẽ dẫn đến gây thiệt hại cho các bên (chẳng hạn như lãi suất), hiện nay pháp luật chưa quy định rõ ràng trách nhiệm của các bên trong quá trình tạm đình chỉ giải quyết các tranh chấp các hợp đồng.

Thứ hai, đối với các hợp đồng đang có hiệu lực mà phát sinh tranh chấp

Các hợp đồng đang có hiệu lực mà phát sinh tranh chấp thì sau khi thụ lý vụ án theo thủ tục tố tụng như đề cập ở phần trên đối với các hợp đồng đang tranh chấp, nghĩa là trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Tòa án nhân dân thụ lý việc giải quyết tranh chấp hoặc Trọng tài thương mại phải tạm đình chỉ việc giải quyết vụ việc kinh doanh, thương mại có liên quan đến nghĩa vụ tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự [4]. Như vậy cơ quan có thẩm quyền phải thụ lý các hợp đồng đang có hiệu lực mà phát sinh tranh chấp trong giai đoạn thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, sau đó ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ việc.

Đây là một quy định có phần thiếu chặt chẽ, bởi nếu các đương sự khác biết hoặc có sự thỏa thuận với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán đang thực hiện thủ tục phá sản trong thời gian thụ lý mở thủ tục phá sản, các đương sự tiến hành khởi kiện theo quy định để kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ của các bên hay nhằm một mục đích nào đó có lợi cho các bên thì tòa án phải thụ lý vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Tuy nhiên, sau khi tòa án thụ lý vụ án theo thủ tục chung, tòa án lại phải ra quyết định tạm đình chỉ theo quy định của pháp luật về phá sản. Vậy vấn đề là tòa án có thụ lý hay không thụ lý giải quyết tranh chấp hợp đồng mới phát sinh sau khi có quyết định thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, vì thụ lý thì sau đó phải tạm đình chỉ, còn không thụ lý thì vi phạm pháp luật về tố tụng dân sự.

Thứ ba, đối với các hợp đồng đang có hiệu lực không phát sinh tranh chấp

i) Theo quy định, tòa án có thời hạn 05 ngày để xem xét yêu cầu của các đương sự để ra quyết định tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực, khoảng thời gian này là quá ngắn để tòa án có thể xem xét và ra quyết định trong khi thực tế các doanh nghiệp lớn có thể có đến vài trăm hợp đồng. Mặt khác, nếu tòa án xem xét không hết các yêu cầu mà chỉ ra quyết định tạm đình chỉ một vài hợp đồng, còn các hợp đồng khác cũng có khả năng gây bất lợi cho doanh nghiệp thì sau khoảng thời gian này sẽ rất khó xử lý, trong khi Luật Phá sản năm 2014 không có quy định là sau thời gian này, nếu tiếp tục phát hiện các hợp đồng có khả năng gây bất lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thì tòa án ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ.

Đây là một quy định thiếu tính thực tế, bởi nếu có nhiều hợp đồng gây bất lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán nhưng theo yêu cầu của doanh nghiệp và tòa án không kịp xem xét trong khoảng thời gian do luật định nêu trên thì tòa án chỉ có thể tạm đình một hoặc một số hợp đồng đã xem xét. Qua đó, dễ dàng nhận thấy yếu tố chủ quan khi tòa án xem xét tất cả các hợp đồng khi có yêu cầu của doanh nghiệp cho là bất lợi hoặc vì một lý do “nào đó” tòa án có thể không ra quyết định tạm đình chỉ một số hợp đồng gây bất lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

ii) Như đã phân tích ở trên trong giai đoạn từ sau khi tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho đến trước khi tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản, một số hợp đồng đang thực hiện có thể bị tòa án tạm đình chỉ thực hiện. Tuy nhiên, sau khi tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng, sau đó tòa án không ra quyết định mở thủ tục phá sản mà ra quyết định không mở thủ tục phá sản theo quy định tại Khoản 5 Điều 42 Luật Phá sản năm 2014 [5] thì các hợp đồng đang bị tạm đình chỉ sẽ được tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ [6]. Quy định này có phần hơi rườm rà và mất nhiều thời gian, có thể sẽ gây thiệt hại cho các bên trong việc giải quyết tranh chấp các hợp đồng thương mại. Bởi lẽ, tòa án ra quyết định không mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán với tòa án đang giải quyết tranh chấp các hợp đồng có thể khác nhau dẫn đến tòa án ra quyết định không mở thủ tục phá sản phải gửi quyết định này đến tòa án đang giải quyết tranh chấp hợp đồng để ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ và giải quyết tranh chấp theo thủ tục chung.

Tuy nhiên, pháp luật phá sản hiện hành không quy định cụ thể thời gian này nên nếu do một nguyên nhân nào đó, tòa án hoặc một trong các bên để kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp dẫn đến gây thiệt hại cho các bên còn lại thì không có căn cứ pháp lý để truy cứu trách nhiệm bồi thường hay nói cách khác pháp luật chưa quy định trách nhiệm của các bên trong trường hợp này. Ngoài ra, chúng ta cũng nhận thấy việc tạm đình chỉ các hợp đồng nói trên có thể sẽ gây thiệt hại cho các bên, nhưng pháp luật hiện hành cũng chưa quy rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Ví dụ: Tòa án nhân dân A (gọi tắt Toà án A) đang thụ lý giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa giữa Doanh nghiệp tư nhân M (gọi tắt là công ty M) và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên N (gọi tắt là Công ty N). Đang trong quá trình giải quyết thì Tòa án A nhận được thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân B (gọi tắt Tòa án B) đối với công ty M. Theo quy định của Luật Phá sản năm 2014 thì Tòa án A phải tạm đình chỉ việc giải quyết tranh chấp giữa công ty M và Công ty N. 20 ngày sau Tòa án A lại nhận được quyết định không mở thủ tục phá sản của Tòa án B đối với công ty M. Tòa án A phải ra quyết định hủy bỏ quyết tạm đình chỉ và giải quyết vụ tranh chấp theo thủ tục chung.

iii) Trong giai đoạn thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, nếu các bên chưa yêu cầu hoặc có yêu cầu nhưng tòa án chưa ra quyết định tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng đối với một số hợp đồng và các hợp đồng đang thực hiện không bị tạm đình chỉ thì doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có quyền thỏa thuận chấm dứt hợp đồng vì chưa có quy định ràng buộc giám sát của Quản tài viên, Thẩm phán. Mặc dù, theo Điều 59 Luật Phá sản năm 2014 có quy định những hợp đồng trước 06 tháng (hoặc 18 tháng đối với người liên quan) sẽ bị tuyên bố vô hiệu trước ngày tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản. Vậy, nếu trong giai đoạn này doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thỏa thuận chấm dứt một số hợp đồng để từ bỏ quyền lợi của mình đối với một số đối tác thì thỏa thuận này vẫn hợp pháp tòa án không có cơ sở pháp lý để tuyên bố thỏa thuận này là vô hiệu. Đây là khoảng trống của pháp luật cần phải hoàn thiện.

3. Một số đề xuất, kiến nghị

Thứ nhất, đối với các hợp đồng đang tranh chấp sau khi tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì việc giải quyết tranh chấp sẽ bị tạm đình chỉ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên việc tạm đình chỉ giải quyết tranh chấp có thể dẫn đến thiệt hại cho các bên, vì vậy, trong thời gian tới, cần có quy định mở cho các bên trong tranh chấp hợp đồng tự thỏa thuận được việc giải quyết mà không trái với quy định của pháp luật thì tòa án công nhận sự thỏa thuận đó. Quy định này cũng giúp việc giải quyết vụ tranh chấp nhanh chóng, cũng như không làm phức tạp thêm việc giải quyết thủ tục phá sản.

Thứ hai, đối với các hợp đồng đang có hiệu lực, pháp luật về phá sản không có quy định từ sau khi có quyết định thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản các bên có liên quan không được khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp nói chung và giải quyết tranh hợp đồng nói riêng. Vì vậy, để hoàn thiện quy định pháp luật trong giai đoạn thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, cần quy định thêm nội dung trong pháp luật về phá sản là “Trong thời gian thực hiện thủ tục phá sản, các cơ quan tài phán về kinh doanh thương mại không được thụ lý vụ tranh chấp mà trong đó doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự”. Để tránh tình trạng thụ lý giải quyết tranh chấp sau đó lại phải ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án và các bên đương sự có thể lợi dụng khoảng trống này của pháp luật để nhằm các mục đích khác.

Thứ ba, đối với việc tạm đình chỉ các hợp đồng đang có hiệu lực gây bất lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, theo quy định tại Khoản 1 Điều 61 Luật Phá sản năm 2014 là trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi có quyết định thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và 05 ngày kể từ khi có yêu cầu, tòa án xem xét các yêu cầu của các đương sự để ra quyết định tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng nếu các hợp đồng này gây bất lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Với việc quy định thời gian cụ thể có thể gây áp lực cho tòa án trong quá trình xem xét, tương tự các chủ thể có yêu cầu cũng không có nhiều thời gian để thực hiện yêu cầu của mình.

Vì vậy, kiến nghị sửa đổi quy định này cụ thể như sau: “Khi Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho đến khi Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản, nếu xét thấy việc thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực và đang được thực hiện hoặc chưa được thực hiện sẽ có khả năng gây bất lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã thì chủ nợ, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân ra quyết định tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng”. Quy định này nhằm tạo ra một khoảng thời gian cho Tòa án xem xét, cân nhắc để ra hay không ra quyết định tạm đình chỉ các hợp đồng. Nhằm giảm bớt thiệt hại, cũng như giảm bớt sai sót khi xem xét ra quyết định tạm đình chỉ và tạo sự minh bạch, công bằng trong việc xử lý yêu cầu của các bên về việc tạm đình chỉ các hợp đồng đang có hiệu lực.

Đồng thời để bảo đảm lợi ích của các bên trong hợp đồng, pháp luật cần quy định rõ trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện quyết định tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng của tòa án. Cụ thể, cần quy định thêm: “Chủ nợ, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán yêu cầu Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực mà gây hại cho các bên liên quan thì chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tòa án ra quyết định không mở thủ tục phá sản”.

Thứ , đối với việc chấm dứt các hợp đồng đang thực hiện, trong giai đoạn thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, pháp luật về phá sản hiện hành không quy định việc cấm chấm dứt các hợp đồng đang thực hiện, tạo ra một khoảng trống về mặt pháp lý. Vì vậy, bổ sung thêm quy định sau: trong giai đoạn này “Nếu việc chấm dứt hợp đồng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán nhằm từ bỏ quyền lợi của mình hoặc nhằm các mục đích khác gây bất lợi cho các chủ nợ, các bên có liên quan thì khi có yêu cầu Tòa án sẽ tuyên bố các giao dịch trên vô hiệu”.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

[1] Bùi Đức Giang (2016), “Pháp luật về tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ thanh toán trong thủ tục phá sản - nhìn từ thực tiễn“, Nghiên cứu lập pháp, số (309), tr.40.

[2] Khoản 2 Điều 72 Luật Phá sản năm 2014.

[3] Khỏan 1 Điều 61 Luật Phá sản năm 2014.

[4] Xem thêm Điều 41 Luật Phá sản năm 2014.

[5] “Doanh nghiệp, hợp tác xã không mất khả năng thanh toán’’.

[6] Khoản 5 Điều 61 Luật Phá sản năm 2014.

The handling of contracts when the court starts the bankruptcy proceeding

 Master. Lu Minh Dang

Nguyen Ut Muoi

Lecturer, Can Tho City Political School

ABSTRACT:

This paper studies provisions on the handling of contracts when the court accepts the bankruptcy petition of company to start the bankruptcy proceeding. Based on the paper’s findings, some recommendations are proposed to improve the effectiveness of provisions on the handling of contracts in bankruptcy.

Keywords: contract handling, bankruptcy settlement, court, bankruptcy proceedings.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 27, tháng 12 năm 2021]