Bảo đảm quyền của bị can chưa thành niên trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự

ThS. Bùi Hạnh Phúc (Khoa Luật - Trường Đại học Vinh)

Tóm tắt:

Người chưa thành niên là một trong những nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Đặc biệt, khi tham gia vào quá trình tố tụng hình sự, giai đoạn điều tra vụ án với tư cách bị can thì quyền của họ lại càng có nguy cơ cao bị xâm hại.

Bài viết phân tích một số vấn đề pháp lý về bảo đảm quyền của bị can là người chưa thành niên trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, chỉ ra một số điểm hạn chế trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015, đồng thời đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.

Từ khóa: Tố tụng hình sự, bị can, người chưa thành niên, quyền con người, giai đoạn điều tra.

1. Khái niệm bảo đảm quyền của bị can chưa thành niên trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự

Nghiên cứu pháp luật hình sự Việt Nam có thể xác định bị can chưa thành niên là những người có độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi tại thời điểm mà người đó bị cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố về hình sự [1],[2]. Người chưa thành niên là những người đang trong giai đoạn phát triển, chưa hoàn thiện về thể chất lẫn tinh thần, khả năng thích ứng với xã hội chưa cao và rất dễ bị tổn thương nên BLTTHS đã có các quy định về quyền và việc bảo đảm quyền của bị can chưa thành niên. Đây là một trong những nhóm quyền có khả năng cao bị xâm phạm trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Đặc biệt, trong giai đoạn điều tra vụ án, khi bị can chưa thành niên tham gia tố tụng trong môi trường hầu như chỉ có người buộc tội (sự tham gia của người bào chữa, người chứng kiến vẫn còn bị hạn chế), thì các hành vi vi phạm quyền con người của họ có nguy cơ xảy ra cao hơn. Do đó, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho họ bảo vệ quyền của mình trước những sự xâm phạm này, Hiến pháp và pháp luật tố tụng hình sự nước ta đã quy định khá đầy đủ, chi tiết về quyền của nhóm đối tượng này.

Bảo đảm quyền của bị can là người chưa thành niên trong giai đoạn điều tra là việc tạo ra những tiền đề cần thiết nhằm thiết lập, triển khai đầy đủ các quyền, giúp chống lại sự xâm hại những quyền và lợi ích hợp pháp vốn có của họ trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Hoạt động này được thực hiện bởi Nhà nước thông qua việc ghi nhận trực tiếp các quyền cơ bản, quyền đặc thù của bị can chưa thành niên trong BLTTHS cũng như ghi nhận gián tiếp thông qua quy định trách nhiệm của Cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT) khi tiến hành điều tra. Đồng thời, qua đại diện là các cơ quan áp dụng pháp luật, trong giai đoạn điều tra vụ án là Cơ quan điều tra (CQĐT) và Viện kiểm sát (VKS), Nhà nước dùng sức mạnh và quyền lực của mình để bảo đảm các quyền của bị can chưa thành niên không bị xâm phạm và được thực hiện đầy đủ trên thực tế. Tất nhiên, việc bảo đảm quyền này là trách nhiệm chung của cả Nhà nước và các cơ quan, tổ chức tham gia vào quá trình điều tra giải quyết vụ án hình sự [3]. Người bào chữa, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cũng như gia đình, nhà trường có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo quyền của bị can chưa thành niên trong giai đoạn này bằng cách tham gia tích cực vào việc đại diện, bào chữa cho họ, cũng như có cơ chế giám sát chặt chẽ đối với các hoạt động tố tụng.

Như vậy, bảo đảm quyền của bị can chưa thành niên trong giai đoạn điều tra là hoạt động của Nhà nước, CQĐT, VKS, người tham gia tố tụng và các tổ chức, cá nhân trong quá trình xây dựng và thực hiện pháp luật nhằm thiết lập, triển khai đầy đủ các quyền của bị can chưa thành niên khi họ tham gia vào giai đoạn điều tra vụ án trên cơ sở những bảo đảm chung cho quyền con người và quyền con người trong tố tụng hình sự.

2. Nội dung quyền của bị can chưa thành niên trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự

Bên cạnh các quyền tố tụng chung mà bất cứ bị can nào cũng được hưởng thì bị can chưa thành niên còn có những quyền đặc thù mà chỉ có ở lứa tuổi của họ mới được hưởng, gồm:

Thứ nhất, quyền ưu tiên được điều tra thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi.

Người chưa thành niên là đối tượng đặc biệt, có những đặc điểm tâm, sinh lý khác biệt so với người trưởng thành. Bởi vậy, khi thực hiện các hoạt động tố tụng trong giai đoạn điều tra vụ án đối với bị can chưa thành niên, CQĐT phải thể hiện thái độ thận trọng, tôn trọng, cởi mở, tạo môi trường cần thiết để giúp đỡ bị can ổn định tinh thần. Bên cạnh đó, còn cần phải có cơ sở vật chất như buồng hỏi cung, nhà tạm giữ, tạm giam được xây dựng phù hợp với các nguyên tắc của tâm lý học tư pháp, tạo cảm giác thân thiện, để giảm bớt sự căng thẳng, sợ hãi của người chưa thành niên.

Thứ hai, quyền ưu tiên được giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời.

Lứa tuổi chưa thành niên là giai đoạn con người đang phát triển về cả tâm, sinh lý, nếu quá trình giải quyết vụ án, đặc biệt là giai đoạn điều tra kéo dài sẽ tạo tâm lý chán nản, tiêu cực cho bị can chưa thành niên, cũng như ảnh hưởng đến tiến trình và định hướng phát triển bình thường của họ, dẫn đến việc phát triển lệch lạc về sau này [4]. Vì vậy, cần phải quy định thời hạn tố tụng chặt chẽ và bảo đảm thực hiện nhanh chóng, hạn chế tình trạng kéo dài thời gian giải quyết vụ án.

Thứ ba, quyền ưu tiên về người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng.

Để thực hiện các hoạt động điều tra phù hợp với tâm lý, lứa tuổi chưa thành niên hiệu quả, những người tiến hành tố tụng phải có hiểu biết về tâm, sinh lý người chưa thành niên, có kỹ năng và tâm huyết làm việc với đối tượng này. Song song với đó, sự tham gia tố tụng của đại diện gia đình, thầy cô giáo, đại diện nhà trường, đoàn thanh niên và các tổ chức khác cũng phải được bảo đảm thực hiện nhằm giúp cho bị can có được tâm lý ổn định, không bị gò bó, ép buộc và có thể phòng ngừa sự xâm phạm đến các quyền khác của họ trong quá trình này.

Thứ tư, quyền ưu tiên được áp dụng biện pháp ngăn chặn phi giam giữ.

Việc áp dụng bất kỳ biện pháp ngăn chặn nào đối với bị can chưa thành niên đều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền cơ bản của họ. Do đó, CQTHTT phải hết sức thận trọng và hạn chế việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn hạn chế tự do đối với đối tượng này. Trước khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam được quy định tại Điều 419 BLTTHS, cần xem xét, cân nhắc đến các biện pháp phi giam giữ như: Bảo lãnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh.

3. Nội dung bảo đảm quyền của bị can chưa thành niên trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự

Thứ nhất, bảo đảm bằng Pháp luật tố tụng hình sự.

Bảo đảm về pháp luật là yếu tố đầu tiên để các bảo đảm khác được thực hiện, vì nếu không có sự ghi nhận của pháp luật thì không có quyền. Pháp luật về bảo đảm quyền của bị can chưa thành niên trong giai đoạn điều tra bao gồm những quy định của Luật Tố tụng hình sự về các nội dung: (1) Các nguyên tắc cơ bản của TTHS nhằm bảo đảm quyền của bị can trong giai đoạn điều tra vụ án; (2) Trình tự, thủ tục giải quyết vụ án hình sự nhằm bảo đảm quyền của bị can chưa thành niên trong giai đoạn điều tra vụ án; (3) Quyền của bị can chưa thành niên trong giai đoạn điều tra vụ án; (4) Quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của CQTHTT, NTHTT trong giai đoạn điều tra vụ án.

Thứ hai, bảo đảm thông qua cách thức tổ chức, hoạt động của CQĐT và VKS.

CQĐT có nhiệm vụ áp dụng mọi biện pháp mà BLTTHS quy định để xác định sự thật khách quan của vụ án. Những biện pháp này ít nhiều đều có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người. Bên cạnh CQĐT, trong giai đoạn này còn có sự tham gia của một CQTHTT khác là VKS. Theo quy định của Hiến pháp 2013, VKS có trách nhiệm áp dụng mọi biện pháp luật định để phát hiện, xử lý và loại trừ sự vi phạm pháp luật của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào trong TTHS. Hoạt động của VKS trong giai đoạn điều tra vụ án cũng chính là nhằm bảo đảm thực hiện quyền con người, trong đó có quyền của bị can chưa thành niên. Do đó, việc hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, hoạt động của CQĐT và VKS là đòi hỏi tất yếu để bảo đảm quyền của bị can chưa thành niên trong giai đoạn này. Muốn vậy, tổ chức, hoạt động của 2 cơ quan phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được quy định. Đội ngũ Điều tra viên và Kiểm sát viên cũng phải hội đủ các tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất chính trị và phẩm chất đạo đức.

Thứ ba, bảo đảm bằng hoạt động tố tụng của các tổ chức, cá nhân tham gia vào tố tụng hình s.

Bên cạnh CQĐT và VKS, một bên chủ thể khác cũng có trách nhiệm bảo đảm quyền của bị can chưa thành niên trong giai đoạn điều tra vụ án nói riêng, trong TTHS nói chung là các tổ chức trợ giúp pháp lý, luật sư bào chữa. Sự tham gia của những chủ thể này vào quá trình tố tụng sẽ góp phần tác động vào nhận thức về quyền của bị can chưa thành niên, thông qua đó giúp họ thực hiện các quyền của bản thân hiệu quả hơn.

Thứ tư, bảo đảm xử lý vi phạm quyền của bị can chưa thành niên trong giai đoạn điều tra.

Vi phạm quyền của bị can chưa thành niên trong giai đoạn điều tra vụ án có thể xuất phát từ phía các CQTHTT, khi mà cơ chế tổ chức và hoạt động của các cơ quan này không được quy định rõ ràng. Nó cũng có thể xuất phát từ phía xã hội, từ những người tham gia tố tụng khác vì những mâu thuẫn về lợi ích khác nhau. Bất kể vi phạm là gì, nguyên nhân nào dẫn đến vi phạm quyền của bị can chưa thành niên thì cũng đều phải bị xử lý nghiêm minh để bảo vệ quyền của bị can bị vi phạm, đồng thời còn giáo dục cho mọi người biết tôn trọng quyền con người của họ.

4. Các điều kiện bảo đảm quyền của bị can chưa thành niên trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự

Thứ nhất, bảo đảm về chính trị.

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác, chế độ dân chủ xuất phát từ con người và vì con người. Quyền con người, do đó, chỉ được bảo đảm thực sự dưới chế độ dân chủ, thông qua hệ thống chính trị dân chủ. Hệ thống chính trị này phải xây dựng, thực hiện đường lối, chính sách phục vụ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân. Trong điều kiện hiện nay, để đạt được mục tiêu dân chủ, điều cần thiết là phải xây dựng Nhà nước pháp quyền, bảo đảm vị trí tối thượng của pháp luật trong đời sống - xã hội và pháp luật đó cũng đòi hỏi phải là pháp luật vì con người, coi việc bảo vệ quyền con người là mục tiêu trung tâm.

Thứ hai, bảo đảm về kinh tế.

Phát triển về kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống vật chất của con người có tính quyết định đối với việc bảo đảm thực thi và thúc đẩy quyền con người, trong đó có quyền của bị can chưa thành niên trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. C. Mác đã nhận định: “Quyền con người phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế và sự phát triển văn hóa do chế độ kinh tế đó quy định” [5]. Vậy, để đáp ứng được yêu cầu bảo đảm quyền con người nói chung, quyền con người trong TTHS nói riêng, cần phải phát triển sản xuất, làm cho dân giàu, nước mạnh, đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng tốt hơn.

Thứ ba, bảo đảm về xã hội.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi quyền con người thì bảo đảm về xã hội là điều kiện cần thiết. Chỉ khi có văn hóa, có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về quyền và lợi ích hợp pháp cũng như nghĩa vụ của mình thì con người mới có thể thực hiện và bảo vệ các quyền của mình cũng như tôn trọng quyền của người khác.

Thứ tư, bảo đảm về pháp luật.

Những bảo đảm về chính trị, kinh tế, xã hội là những điều kiện cần quan trọng nhưng chưa đủ để đảm bảo việc thực thi quyền con người mà còn phải có bảo đảm về pháp luật, là cơ sở pháp lý cho các bảo đảm trên phát huy được vai trò và hiệu quả của chúng. Pháp luật do Nhà nước ban hành và được bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của quyền lực Nhà nước. Vì vậy, chỉ thông qua việc được ghi nhận trong các quy định pháp luật, quyền con người, nhất là quyền của bị can chưa thành niên trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự mới được cụ thể, công khai hóa và được bảo vệ.

5. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả, bảo đảm quyền của bị can chưa thành niên trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự

BLTTHS 2015 hiện hành đã có nhiều thay đổi, bổ sung quan trọng theo hướng tôn trọng và bảo vệ hơn nữa các quyền và lợi ích hợp pháp của bị can chưa thành niên. Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng vẫn bộc lộ một số hạn chế, bất cập nhất định. Để tăng cường bảo đảm quyền của bị can chưa thành niên trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, pháp luật tố tụng hình sự cần phải hoàn thiện hơn nữa về thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên. Cụ thể:

Thứ nhất, hoàn thiện quy định pháp luật về thời hạn tạm giam.

Một điểm mới tiến bộ của BLTTHS 2015 trong việc quy định thủ tục tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên là quy định thời hạn tạm giam người bị buộc tội là người chưa thành niên bằng 2/3 thời hạn tạm giam đối với người thành niên. Sự thay đổi này là hợp lý, khá tương đồng với quy định của Công ước về quyền trẻ em: “Không trẻ em nào bị tước quyền tự do một cách bất hợp pháp hoặc tùy tiện. Việc bắt, giam giữ hoặc bỏ tù trẻ em phải được tiến hành phù hợp với pháp luật và chỉ được coi là biện pháp cuối cùng và áp dụng trong thời gian thích hợp ngắn nhất” [6]. Tuy nhiên, quy định mới này vẫn chưa bảo đảm triệt để quyền được hạn chế áp dụng biện pháp ngăn chặn giam giữ của bị can chưa thành niên. Bởi ngoài quy định về thời hạn tạm giam còn có quy định về gia hạn tạm giam. Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì CQĐT có quyền đề nghị VKS gia hạn tạm giam. Vì vậy, tác giả khuyến nghị xem xét, bổ sung thêm nội dung khoản 1, Điều 419 đoạn sau: “Việc gia hạn thời hạn tạm giam cần phải được hạn chế tối đa. Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, cần phải tiếp tục tiến hành điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam”.

Thứ hai, hoàn thiện quy định về sự tham gia của người bào chữa.

BLTTHS 2015 quy định bị can chưa thành niên có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa (khoản 1 - Điều 122). Việc sử dụng từ “hoặc” ở đây là chưa thật chính xác, có thể khiến cho người chưa thành niên hiểu nhầm nội dung của quyền này là họ chỉ được lựa chọn một trong hai phương thức thực hiện quyền bào chữa, nếu tự mình bào chữa thì không được nhờ người khác bào chữa hoặc ngược lại. Như vậy, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo đảm quyền bào chữa của đối tượng này. Do đó, nên sửa quy định tại khoản 1, Điều 122 thành: “Người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi có quyền tự bào chữa, nhờ người khác bào chữa”.

Thứ ba, hoàn thiện quy định về sự có mặt của người bào chữa, người đại diện trong hoạt động hỏi cung bị can.

Việc hỏi cung bị can chưa thành niên phải có mặt người bào chữa hoặc người đại diện của họ. Khi hỏi cung bị can, CQTHTT phải thông báo trước thời gian, địa điểm hỏi cung cho người bào chữa, người đại diện của họ, việc thông báo này được hướng dẫn tại Điều 9, Thông tư số 06/2018 là “phải thông báo trước trong thời gian hợp lý” [7]. Tuy nhiên, thực tế việc quy định thời gian thông báo chưa cụ thể có thể dẫn đến nhiều trường hợp, cả người bào chữa và người đại diện của bị can nhận được thông báo về việc hỏi cung trong thời gian quá ngắn trước khi diễn ra hoạt động này nên không thể chủ động, sắp xếp thời gian để có mặt. Mặt khác, thực tiễn giải quyết vụ án có nhiều trường hợp ĐTV phải hỏi cung nhiều lần. Vậy có đòi hỏi tất cả các lần hỏi cung đều phải có sự tham gia của người bào chữa, người đại diện của bị can hay không? Vấn đề này cần phải được quy định rõ ràng hơn để bảo vệ tốt quyền của bị can chưa thành niên.

Thứ tư, hoàn thiện các quy định về tư pháp chuyển hướng.

Xử lý chuyển hướng là một biện pháp thay thế nhằm xử lý các vi phạm của người chưa thành niên bằng các biện pháp không chính thức, chuyển hướng hoặc đưa một người chưa thành niên phạm tội ra ngoài hệ thống tư pháp chính thống để áp dụng biện pháp xử lý thay thế ở cộng đồng. Biện pháp này được xây dựng trên tinh thần nhân đạo của pháp luật và chính sách nhất quán về bảo vệ quyền của người chưa thành niên, hạn chế đến mức tối đa việc đặt người chưa thành niên vào vòng tố tụng. Công ước quốc tế về quyền trẻ em đã quy định tại khoản 3, Điều 40 như sau: “... bất cứ khi nào xét thấy phù hợp và nên làm thì đề ra những biện pháp để xử lý những trẻ em như thế mà không phải đụng đến những quá trình tố tụng tư pháp với điều kiện là các quyền con người và những điều kiện bảo vệ theo pháp luật phải được hoàn toàn tôn trọng”.

Pháp luật Việt Nam hiện hành tuy đã có các quy định về những nguyên tắc chung để áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên như giao cho gia đình, cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục nhưng vẫn chưa có các quy định cụ thể về điều kiện áp dụng cũng như trình tự, thủ tục, các biện pháp thay thế xử lý hình sự để áp dụng cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát việc áp dụng nên khó có thể áp dụng xử lý chuyển hướng một cách bài bản và thống nhất. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng hệ thống các văn bản pháp luật quy định và hướng dẫn cụ thể, chi tiết việc áp dụng biện pháp này. Trước hết, cần bổ sung vào Chương XXVIII, BLTTHS 2015 về Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên các quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục áp dụng cũng như cơ chế giám sát và thực thi các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên vi phạm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2017). Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
  2. Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2015). Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
  3. Bùi Văn Tâm (2015), Bảo đảm quyền con người trong hoạt động bắt, tạm giữ, tạm giam theo Luật Tố tụng hình sự Việt Nam, Luận văn thạc sĩ Luật học, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội.
  4. Phan Thị Thanh Tâm (2017), Bảo đảm quyền của bị can, bị cáo là người chưa thành niên trong tố tụng hình sự Việt Nam, Luận án tiến sĩ Luật học, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội
  5. C. Mác - Ph. Ăngghen (1998), Về quyền con người, NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội
  6. Liên Hợp quốc (1990), Công ước quốc tế về quyền trẻ em được Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua ngày 20/11/1990.
  7. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (2018), Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH về việc phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi.

PROTECTING HUMAN RIGHTS OF MINOR SUSPECTS ENGAGING CRIMINAL INVESTIGATIONS

MA. Bui Hanh Phuc

Department of Law, Vinh University

Abstract:

Minors are one of the weakest and the most vulnerable groups in society. In particular, when they engage in criminal proceedings as suspects, their human rights are at high risk of being violated. This article is to analyze some legal issues on minor suspect’s rights in criminal investigation and point out the shortcomings in related regulations of Criminal Procedure Code 2015, thereby proposing some recommendation for perfecting these regulations.

Keywords: Criminal procedure, suspect, minor, human rights, criminal investigation.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2020]