Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước

NCS. ThS. NGUYỄN SƠN (Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội)

TÓM TẮT: 

Trong nền hành chính hiện đại, có thể thấy, việc công khai thông tin sẽ làm gia tăng mạnh mẽ niềm tin của người dân vào các cơ quan hành chính nhà nước, còn che giấu thông tin sẽ tạo ra hiệu ứng ngược lại. Vì vậy, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân cần phải được coi là một ưu tiên của các cơ quan hành chính nhà nước. Bài viết đề cập tới một số nội dung cơ bản, nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn và pháp lý bảo đảm quyền tiếp cận thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước ở Việt Nam.

Từ khóa: Quyền tiếp cận thông tin, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, cơ quan hành chính nhà nước.

1. Khái quát về quyền tiếp cận thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước

Nghiên cứu về khái niệm và nội hàm của quyền tiếp cận thông tin (TCTT) cho thấy, “tự do thông tin” (freedom of information), thường được coi là đồng nghĩa với “quyền TCTT” (right to access information), một trong những quyền cơ bản của con người. “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến; kể cả tự do bảo lưu quan điểm mà không bị can thiệp; cũng như tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền bá các ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện truyền thông nào, và không có giới hạn về biên giới”[1] và mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không ai được can thiệp vào, có quyền tự do ngôn luận, quyền này bao gồm cả quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến, không phân biệt ranh giới, hình thức tuyên truyền miệng hoặc bản viết, in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật hoặc thông qua mọi phương tiện đại chúng khác tùy theo sự lựa chọn của họ[2]. Tuy nhiên, xét về tính chất, có thể coi “quyền TCTT” nằm trong nội hàm của “tự do thông tin”, bởi khái niệm thứ nhất chủ yếu nói đến khả năng tìm kiếm, tiếp cận và phổ biến những thông tin được ban hành và lưu giữ tại các cơ quan, tổ chức công quyền, đặc biệt là các cơ quan hành chính nhà nước.

Trên thực tế, nội hàm của “tự do thông tin” nói chung, của “quyền TCTT” nói riêng cũng chính là những thành tố của “tự do biểu đạt”, bao gồm[3]:

- Quyền tiếp nhận thông tin: hàm ý về khả năng “chủ thể quyền” nhận được những thông tin cần thiết qua các kênh truyền thông công khai, sẵn có mà không cần phải yêu cầu. Quyền này gắn liền với trách nhiệm (mang tính chủ động) của “chủ thể có nghĩa vụ” bảo đảm công khai những thông tin và hoạt động của mình một cách thường xuyên. Còn về phía “chủ thể quyền”, việc thực hiện vừa mang tính chủ động, vừa mang tính bị động.

- Quyền tìm kiếm thông tin: đề cập đến khả năng của “chủ thể quyền” được yêu cầu “chủ thể có nghĩa vụ” cung cấp những thông tin mà mình cần hoặc quan tâm trong phạm vi khuôn khổ pháp luật cho phép. Quyền này gắn liền với trách nhiệm (mang tính bị động) cung cấp thông tin của “chủ thể có nghĩa vụ” khi có yêu cầu của “chủ thể quyền” (mang tính chủ động).

- Quyền phổ biến thông tin: nói về khả năng của “chủ thể quyền” được truyền đạt, chia sẻ quan điểm, thông tin với các chủ thể quyền khác, không phân biệt ranh giới hay hình thức phổ biến (mang tính chủ động). Quyền này gắn liền với trách nhiệm (mang tính bị động) của “chủ thể có nghĩa vụ” tôn trọng, không được ngăn cản quan hệ trao đổi, phổ biến thông tin của các chủ thể quyền.

Trong luật pháp quốc tế, “tự do thông tin” nói chung, “quyền TCTT” nói riêng không phải là một quyền tuyệt đối. Có nghĩa là, việc thực hiện quyền này phải chịu những “giới hạn theo luật định” và “là cần thiết” để: 1) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; 2) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức công chúng; và 3) Nghiêm cấm tuyên truyền cho chiến tranh; chủ trương kích động, gây thù hằn dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo[4].

Trong những nỗ lực nhằm giới hạn quyền lực nhà nước đồng thời làm gia tăng các quyền dân chủ của nhân dân, việc ghi nhận, bảo đảm và thực hiện QTCTT là một chìa khóa quan trọng để giải quyết những rào cản chủ yếu đến từ bản chất của hoạt động QLHCNN mang tính chất hành chính, mệnh lệnh, áp đặt các quyết định lên những đối tượng được điều chỉnh. Do đó, có thể thấy, vai trò rất quan trọng của việc bảo đảm QTCTT trong hoạt động QLHCNN là góp phần mở rộng hay minh bạch hóa, công khai hóa các hoạt động công vụ của bộ máy công quyền nhằm giúp người dân có khả năng giám sát, kiểm tra và trực tiếp tham gia đóng góp vào những hoạt động đó.

Theo đó, có thể hiểu: QTCTT trong QLHCNN chính là quyền của người dân được tìm kiếm, tiếp nhận những tài liệu, dữ liệu của các đối tượng, hiện tượng được cơ quan hành chính nhà nước thu thập và hệ thống hóa dưới hình thức nhất định hoặc do cơ quan hành chính nhà nước tạo ra trong quá trình thực thi công vụ và được thể hiện dưới bất kỳ dạng hình thức nào có thể nhận thức được.

Đặc điểm của QTCTT trong QLHCNN:

Thứ nhất, QTCTT trong QLHCNN là một quyền công dân cơ bản. Trong mối quan hệ giữa công dân và nhà nước, nếu việc thực hiện các chức năng đại diện của nhà nước được coi là mang tính ủy quyền thì người ủy quyền là công dân cần phải biết về những hoạt động của người được ủy quyền thông qua những hồ sơ, tài liệu, dữ liệu mà “người được ủy quyền” nắm giữ. Điều 25, Hiến pháp năm 2013 đặt cơ sở pháp lý, ghi nhận QTCTT của người dân. Đây chính là cơ sở quan trọng để xác định một quyền nào đó có phải là quyền cơ bản trong số rất nhiều quyền của công dân hay không.

Thứ hai, QTCTT trong QLHCNN là biểu hiện của tính dân chủ trong hoạt động nhà nước. Trên cơ sở đảm bảo được quyền này, người dân có thể chủ động tham gia các công việc của nhà nước, đóng góp vào những thiếu sót trong QLHCNN để thực sự xây dựng nền hành chính lấy người dân làm trung tâm lợi ích. Về bản chất, hoạt động QLHCNN mang tính điều hành, chấp hành nên luôn có xu hướng đặt ra những khuôn mẫu để thuận tiện cho việc quản lý. Xu hướng như vậy sẽ cản trở người dân trong quá trình tham gia các quan hệ xã hội và từ đó cản trở tiến bộ, phát triển trong xã hội. Vì vậy, vai trò của nhà nước chỉ là xác định phạm vi cụ thể của các quyền tự do đó để làm cơ sở ngăn cản ý định của cá nhân sử dụng những tự do cá nhân để gây thiệt hại cho xã hội và các cá nhân khác.

Thứ ba, QTCTT trong QLHCNN phụ thuộc nhiều vào thiện chí của cơ quan nhà nước. Bởi lẽ tự mỗi công dân không thể thực hiện quyền này mà phụ thuộc vào việc thực thi trách nhiệm của các cơ quan nhà nước. Trong khoa học và thực tiễn pháp lý, thông thường lại nhấn mạnh nhiều đến khía cạnh trách nhiệm của nhà nước ở nội hàm của QTCTT trong QLHCNN, điều đó có thể tạo ra cảm giác rằng chính yếu tố nghĩa vụ của nhà nước là nội hàm quan trọng nhất của quyền này. Xét trong mối tương quan về khả năng của hai bên chủ thể thì rõ ràng là phía nhà nước có nhiều điều kiện để thoái thác trách nhiệm này với những lý do như chưa có luật định hoặc vì lý do chưa đủ điều kiện thi hành.

Thứ tư, việc bảo đảm thực hiện QTCTT trong QLHCNN phụ thuộc vào mức độ phát triển kinh tế, xã hội của một quốc gia. Đây là một quyền công dân đặc trưng, tức là ở đâu có mối quan hệ giữa nhà nước với công dân thì ở đó xuất hiện quyền của người dân về tiếp cận thông tin trong quản lý hành chính. Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin trong quản lý hành chính một mặt đòi hỏi có sự chuẩn bị tương đối tốt về cơ sở dữ liệu thông tin, và hai là phụ thuộc vào mối quan tâm, nhu cầu của chính người dân.

Thứ năm, QTCTT trong QLHCNN của công dân đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền công dân khác. Mối quan hệ giữa quyền này với các quyền con người, quyền công dân khác là mối quan hệ tương hỗ, việc thực hiện quyền này sẽ thúc đẩy việc thực hiện các quyền còn lại. Việc bảo đảm tiếp cận những thông tin trong quản lý hành chính sẽ giúp con người biết được các quyền, nghĩa vụ cơ bản của mình, đồng thời, có những thông tin quan trọng, cần thiết để thực hiện các quyền con người, quyền công dân khác. Các thông tin dù rất nhỏ nhưng đều có thể là tiền đề để thực hiện quyền con người, quyền công dân, vì thông tin là một phần quan trọng, không thể thiếu trong cuộc sống.

Ngược lại, việc thực hiện các quyền con người, quyền công dân khác cũng góp phần bảo đảm việc thực hiện QTCTT. Ví dụ như quyền được học tập của công dân có tác dụng tích cực vì khi trình độ dân trí của người dân được nâng cao cũng là lúc thực hiện QTCTT một cách có hiệu quả nhất. Ngoài ra, họ phải được tự do đi lại, tự do cư trú, tự do ngôn luận, tự do báo chí,... để có điều kiện nói lên, phản ánh yêu cầu của mình cũng như tiếp xúc với các thông tin do cơ quan nhà nước công bố công khai. Do đó, việc công nhận, thực hiện, bảo vệ QTCTT của công dân phải gắn liền với các quyền dân sự, chính trị khác.

Thứ sáu, QTCTT trong QLHCNN của công dân luôn có sự liên hệ chặt chẽ với các vấn đề bảo vệ bí mật nhà nước, quyền lợi chính đáng của cộng đồng và quyền riêng tư. Biểu hiện của mối liên hệ chặt chẽ nằm ở những miễn trừ của quyền để nhằm mục đích bảo vệ bí mật nhà nước, quyền lợi công cộng và bảo vệ quyền riêng tư. Ở trong sự liên hệ này luôn có sự giằng co giữa các quan điểm cần có một chính quyền công khai và giữa các quan điểm bảo vệ bí mật nhà nước, quyền lợi công cộng và quyền riêng tư rất gay gắt. Bất kỳ quốc gia nào cũng có những bí mật nhà nước, tuy nhiên, thông tin được tiếp cận càng nhiều thì bí mật nhà nước bị hạn chế và ngược lại. Trong thời đại ngày nay, từ khi có cơ sở dữ liệu điện tử thì hầu như không một nhà nước nào có thể giữ kín toàn bộ thông tin bí mật nhà nước, cũng như không có một ai trong xã hội lại có thể hoàn toàn giữ kín nhiều sự kiện riêng về mình. Vì vậy, giải quyết hài hòa các mối quan hệ này là một vấn đề hết sức khó khăn đối với các cơ quan ban hành pháp luật và luôn tiềm ẩn các nguy cơ xung đột trong việc thực hiện các quyền này.

2. Thực trạng bảo đảm quyền tiếp cận thông tin ở nước ta trong một số lĩnh vực trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước

a. Thực trạng tiếp cận thông tin hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật

Việc chủ động công khai, minh bạch các hoạt động hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật trong thời gian qua đã được thực thi khá tốt trên thực tế. Điều này cũng đã được quy định cụ thể trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật từ khâu lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định đến quá trình soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật đều có các quy định về việc phải công khai thông tin để người dân có cơ hội tham gia đóng góp ý kiến. Trong quá trình soạn thảo văn bản, cơ quan chủ trì soạn thảo đã chủ động trong việc công khai dự thảo văn bản để người dân tham gia đóng góp ý kiến qua các cuộc hội thảo, tọa đàm, phiếu lấy ý kiến, đăng dự thảo trên trang thông tin điện tử của cơ quan,… Bên cạnh đó, nhiều báo, tạp chí cũng đã đăng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng các diễn đàn để công dân tham gia đóng góp ý kiến. Chính phủ; các Bộ, ban, ngành và UBND các cấp đã mở chuyên mục, diễn đàn để công dân, tổ chức, doanh nghiệp đóng góp ý kiến trên trang thông tin điện tử của mình.

b. Thực trạng tiếp cận thông tin trong việc giải quyết yêu cầu của người dân

Trong giải quyết công việc của công dân, cơ chế “một cửa” tại các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương đã tạo thuận lợi cho công dân, tổ chức, doanh nghiệp khi tham gia giao dịch với cơ quan nhà nước. Các thông tin về thủ tục hành chính, thời gian giải quyết, phí, lệ phí trong một số lĩnh vực được niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của cơ quan hành chính. Nhiều cơ quan còn chủ động công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử. Đặc biệt, năm 2019, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đi vào hoạt động đã “công khai, minh bạch, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, không bỏ ai lại phía sau trong quá trình cải cách, Cổng Dịch vụ công Quốc gia kết nối, cung cấp thông tin về thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ thực hiện, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên toàn quốc”[5]. Được triển khai từ tháng 12/ 2019, đến nay, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã có những kết quả tích cực, thể hiện được mục tiêu Chính phủ phục vụ người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, đã có trên 140.000 tài khoản đăng ký, trên 35 triệu lượt truy cập, trên 7.3 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 68.000 hồ sơ được thực hiện thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Hệ thống cũng tiếp nhận hỗ trợ trên 11.000 cuộc gọi; tiếp nhận trên 5.600 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; đã tích hợp được 395 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia trong đó có 232 dịch vụ công dành cho doanh nghiệp. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng Dịch vụ công Quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm[6].

c. Thực trạng tiếp cận thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước

Các vấn đề, lĩnh vực thuộc phạm vi hoạt động của cơ quan công quyền, phải công khai, được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như: Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007; Luật Kế toán năm 2015; Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 sửa đổi năm 2019; Luật Nhà ở năm 2014; Luật đất đai năm 2013, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013; Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi năm 2020;…

Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 quy định về việc thực hiện quyền TCTT của công dân, nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền TCTT; trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền TCTT của công dân. Tuy nhiên, đánh giá về thực hiện luật TCTT năm 2016 có ý kiến cho rằng “tình trạng e ngại của các cơ quan chịu trách nhiệm cung cấp thông tin. Phần lớn chưa hiểu có thể cung cấp thông tin đến mức nào, đồng thời cũng thiếu năng lực để đảm nhận vai trò đầu mối tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin từ công dân, đặc biệt là ở cấp xã. Về phía người dân, không phải ai cũng nhận thức và quan tâm đến quyền tiếp cận thông tin cũng như chưa hiểu về Luật”[7].

Với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân những vấn đề quan trọng thông qua những báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, trả lời của Chính phủ đối với chất vấn của đại biểu Quốc hội và ý kiến phát biểu với các cơ quan thông tin đại chúng (Điều 29 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2013).

Điều 19 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định: Nguyên tắc và nội dung công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, theo đó: cơ quan, tổ chức, đơn vị phải công khai hoạt động của mình, trừ nội dung thuộc bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh và những nội dung khác theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là tình trạng lạm dụng đóng dấu mật vào các văn bản ngay cả khi nội dung văn bản không thuộc diện đóng dấu mật, gây khó khăn cho việc tiếp cận thông tin của người dân: “Việc lạm dụng, tùy tiện đóng dấu mật vào các văn bản thông thường, không chứa nội dung mật của một số cơ quan, đơn vị là bất hợp lý, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Bởi vì, các văn bản nội dung không chứa các nội dung mật thì cần công khai rộng rãi cho nhiều người biết để thực hiện, kiểm tra, giám sát”[8].

Nghị định số 09/2017/NĐ-CP Quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước quy định các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện việc cung cấp thông tin cho báo chí thông qua tổ chức họp báo; Đăng tải nội dung phát ngôn và cung cấp thông tin trên Cổng Thông tin điện tử, trang thông tin điện tử hoặc trang mạng xã hội chính thức của cơ quan hành chính nhà nước; Phát ngôn trực tiếp hoặc trả lời phỏng vấn của nhà báo, phóng viên; Gửi thông cáo báo chí, nội dung trả lời cho cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên bằng văn bản hoặc qua thư điện tử; Cung cấp thông tin qua trao đổi trực tiếp hoặc tại các cuộc giao ban báo chí do trung ương, địa phương tổ chức khi được yêu cầu; Ban hành văn bản đề nghị cơ quan báo chí đăng, phát phản hồi, cải chính, xin lỗi nội dung thông tin trên báo chí[9].

Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định công khai thông tin về kế hoạch phát triển kinh tế -– xã hội, dự án, công trình đầu tư, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức cấp xã… bằng hình thức niêm yết công khai tại trụ sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã, công khai trên hệ thống truyền thanh của cấp xã, công khai thông qua Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố để thông báo đến nhân dân (Điều 5, 6).

Nghĩa vụ công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan nhà nước theo yêu cầu của công dân thường liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân gắn với những công việc cụ thể, nếu thiếu các thông tin từ cơ quan nhà nước, người dân có thể mất khả năng thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Mặc dù có ý nghĩa quan trọng như vậy nhưng việc thực hiện công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan nhà nước theo yêu cầu của công dân đang có rất nhiều hạn chế, gây ra sự chậm trễ, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân. Cụ thể là, mặc dù Luật Báo chí và Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước phải cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị và của công dân, nhưng tình trạng cơ quan nhà nước không trả lời bằng văn bản hoặc từ chối cung cấp mà không có lý do chính đáng vẫn còn phổ biến và chưa có biện pháp xử lý. Tình trạng này dẫn đến trong nhiều vụ việc người dân và chính quyền không tìm được tiếng nói chung, người dân buộc phải khiếu kiện vượt cấp, thậm chí gây mất trật tự xã hội.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là đa số các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan nhà nước theo yêu cầu của công dân mới chỉ dừng lại ở mức độ có tính chất nguyên tắc, thiếu cụ thể, thiếu chế tài đủ mạnh nên cơ quan nhà nước có thể trốn tránh nghĩa vụ của mình mà không bị xử lý.

d. Thực trạng tiếp cận thông tin thông qua báo chí

Điều 13 Luật Báo chí năm 2016 quy định: Nhà nước tạo Điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình… Bên cạnh đó, Luật cũng quy định trách nhiệm của báo chí là: đăng, phát kiến nghị, phê bình, tin, bài, ảnh và tác phẩm báo chí khác của công dân; trong trường hợp không đăng, phát sóng, phải trả lời và nói rõ lý do. Bên cạnh việc thông tin cho công chúng, các cơ quan báo chí còn đóng vai trò là cầu nối để đưa yêu cầu cung cấp thông tin của công chúng tới các cơ quan nhà nước và chuyển tiếp câu trả lời của các cơ quan nhà nước tới công chúng. Điều này thể hiện ở việc hầu hết các cơ quan báo chí đều có các chuyên mục như “Trả lời bạn đọc”, “Chính sách mới, quyết định mới”, “Văn bản pháp luật”, “Đường dây nóng”, “Trả lời thư bạn đọc”, “Trả lời bạn xem truyền hình”, “Trả lời bạn nghe đài”, “ý kiến bạn đọc”,… nhằm mục đích này.

3. Một số giải pháp bảo đảm quyền tiếp cận thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước ở Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, trong việc triển khai thực hiện Luật Tiếp cận thông tin năm 2016.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật TCTT và các văn bản hướng dẫn thi hành. Các hình thức, biện pháp tuyên truyền được vận dụng linh hoạt, sáng tạo, chú trọng ứng dụng công nghệ hiện đại, hình thức tuyên truyền mới, phù hợp. Tiếp tục sử dụng các hình thức tuyên truyền truyền thống như tuyên truyền miệng, tuyên truyền thông qua phương tiện thông tin đại chúng, thông qua tài liệu tuyên truyền (đề cương giới thiệu, phổ biến các văn bản luật, pháp lệnh; sách hỏi - đáp pháp luật; tờ rơi, tờ gấp pháp luật; đặc san tuyên truyền pháp luật; các loại băng tiếng, băng hình với các nội dung pháp luật đơn giản, ngắn gọn và các cuộc nói chuyện về pháp luật,…) và khéo léo kết hợp với các hình thức tuyên truyền khác như các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, các hình thức thi sân khấu hóa, lồng ghép trong các cuộc giao lưu văn hóa, văn nghệ, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cùng nhiều hình thức khác nhằm nâng cao nhận thức của người dân về quyền TCTT theo quy định của pháp luật.

Tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt là đội ngũ báo cáo viên, các cán bộ, công chức ở các xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao hiểu biết và nhận thức về Luật TCTT, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành luật trong thực tiễn.

Cần có sự kết hợp của các Bộ, ban, ngành, các địa phương, các cán bộ, công chức và công dân trong quá trình tiếp cận, triển khai thực hiện Luật TCTT. Nếu phát hiện những bất cập, hạn chế, vướng mắc cần báo cáo, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để kịp thời sửa đổi, khắc phục, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xây dựng luật trong thực tiễn. Đồng thời, kịp thời khen thưởng, động viên các cơ quan, đơn vị, cá nhân có những thành tích trong hoạt động triển khai thi hành Luật, bên cạnh đó cần xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi cản trở việc thi hành Luật TCTT trong thực tiễn.

Thứ hai, thể chế hóa trách nhiệm giải trình trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ tại các cơ quan quản lý nhà nước.

Trong quản lý nhà nước, trách nhiệm giải trình (TNGT) là biểu hiện của cơ chế kiểm soát của nhân dân đối với cơ quan nhà nước. Thông qua quy định về trách nhiệm báo cáo của các cơ quan công quyền, công chức nhà nước về những hoạt động của mình trước các chủ thể theo quy định của pháp luật, họ sẽ chịu trách nhiệm tốt hơn đối với nhiệm vụ được giao và là cách thức để đo lường hiệu quả hoạt động. Các chủ thể ban hành và thực hiện quy định pháp luật không chỉ có TNGT đối với cơ quan cấp trên, đối với cơ quan dân cử mà còn có TNGT đối với người dân, các tổ chức xã hội và các bên liên quan đến các quy định đó. Tuy nhiên, trách nhiệm báo cáo và giải trình không thể thực hiện nếu thiếu đi tính minh bạch và hệ thống các quy định pháp luật đầy đủ, chính xác. Vì vậy, các tổ chức cần phải có một hệ thống mục tiêu tin cậy và rõ ràng; việc sử dụng nguồn lực phải dựa trên quy trình và định mức kinh tế hợp lý; công khai thông tin về tài sản cần thiết cho hoạt động của cơ quan nhà nước, trả lương, tiêu chuẩn đạo đức công vụ; cung cấp đầy đủ thông tin cho các bên có liên quan. Tính công khai được đo bởi thiện chí và khả năng cung cấp hoặc giúp tiếp cận thông tin, giúp các bên liên quan đánh giá đúng và chính xác hoạt động của chính quyền địa phương. Thiếu nghĩa vụ giải trình sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề trong nội bộ các cơ quan thực thi công quyền, chẳng hạn như nạn tham ô, lạm dụng quỹ, hành động độc đoán bè phái, thiếu tuân thủ luật pháp, che đậy giấu giếm thu chi và đáng ngại hơn nữa là quản lý nội bộ không công khai. Vì vậy, thực hiện TNGT cần quan tâm tới những vấn đề cơ bản như: giải trình cho chính quyền cấp trên, các nhà tài trợ; giải trình cho người thụ hưởng các dịch vụ; giải trình nội bộ trước nhân viên; giải trình với các tổ chức, đơn vị ngang cấp… TNGT không chỉ là trách nhiệm của các chủ thể khi công khai các nội dung theo yêu cầu mà bao gồm cả việc giải thích và làm rõ các nội dung đó. Nói cách khác, TNGT là phương tiện để hướng tới sự “minh  bạch”.  

Thứ ba, xây dựng hệ thống thông tin quốc gia về thủ tục hành chính và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.

Một trong các mục tiêu của cải cách thủ tục hành chính là giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, loại bỏ những lực cản mà bộ máy hành chính có thể gây ra đối với sự phát triển của xã hội nói chung và phát triển kinh tế nói riêng. Hệ thống thủ tục hành chính hiện nay rất phức tạp, các quy định nằm rải rác trong nhiều văn bản khiến người dân khó khăn khi tìm hiểu và các cơ quan nhà nước khó áp dụng thống nhất. Việc xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính sẽ khắc phục được những yếu kém trên. Ngoài ra, để người dân dễ nắm bắt và thực hiện, tại mỗi cơ quan, tổ chức cần xây dựng một hệ thống dữ liệu liên quan đến hoạt động hoặc lĩnh vực mà cơ quan, tổ chức quản lý theo hướng dễ truy cập, dễ sử dụng, được cập nhật thường xuyên và miễn phí. Quá trình này cũng giúp làm giảm tình trạng “đặc quyền về thông tin” - một hiện tượng cản trở quá trình công khai và minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức khi người có thẩm quyền sử dụng những thông tin do mình có hoặc trực tiếp nắm giữ vì động cơ vụ lợi.

Có thể nói, cải cách thủ tục hành chính là tiền đề thúc đẩy quá trình công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, tạo điều kiện cho người dân chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động quản lý nhà nước, xây dựng, phản biện chính sách, cung ứng dịch vụ công. Nội dung trên cần đặt trong tổng thể của việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào hoạt động của các cơ quan nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, chất lượng dịch vụ công, tăng cường tính công khai, minh bạch. Thời gian tới, cần chú trọng triển khai mô hình chính phủ điện tử, chính quyền điện tử nhằm xây dựng phương thức hoạt động mới của chính phủ, của các cơ quan nhà nước hướng tới người dân, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để người dân giao dịch, tương tác với cơ quan, tổ chức nhà nước. Trong đó, không chỉ quan tâm đến yếu tố hạ tầng kỹ thuật, phần mềm ứng dụng và các giao dịch điện tử, mà cần nghiên cứu, đổi mới phương thức hoạt động, chuẩn hóa các quy trình tác nghiệp hành chính, thể chế hóa các giao dịch hành chính thông qua phương tiện điện tử, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và khả năng sử dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ công chức, viên chức nhà nước.

Thứ tư, đẩy mạnh cơ chế giám sát của nhân dân và công luận trong thực hiện công khai, minh bạch.

          Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, muốn kiểm soát hiệu quả thì không thể chỉ dựa vào nỗ lực của các cơ quan nhà nước mà nhất thiết phải phát huy được vai trò, trách nhiệm và có được sự tham gia, ủng hộ tích cực của toàn xã hội; phải xây dựng được cơ chế xã hội, trong đó các cơ quan báo chí và người làm công tác báo chí có quyền độc lập, tự chủ trong việc lấy tin, viết bài và được pháp luật bảo hộ. Khi có thông tin của xã hội và người dân, cơ quan đấu tranh chống tham nhũng có nhiệm vụ xác minh đầy đủ và kịp thời các nguồn tin chống tham nhũng trên báo chí và có trách nhiệm trong việc bảo vệ bí mật đối với người tố cáo, tố giác tội phạm. Do đó, cơ quan nhà nước không chỉ phải chủ động cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cho người dân mà còn phải nâng cao năng lực tiếp cận công dân thông qua việc hoàn thiện quy định pháp luật về tiếp công dân; xây dựng văn hóa và bồi dưỡng ý thức, thái độ, kỹ năng giao tiếp, tác phong phục vụ nhân dân của công chức, viên chức; mở rộng mạng lưới thông tin để kịp thời nắm bắt ý kiến, phản ánh, kiến nghị của nhân dân; ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa bộ phận một cửa, phòng tiếp dân để tạo thuận lợi tối đa trong giải quyết thủ tục hành chính với người dân, tổ chức.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

 

[1] Hội đồng Liên hợp quốc (1948), Điều 19 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền.

[2] Hội đồng Liên hợp quốc (1966), Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính tr

[3] Tường Duy Kiên, Hoàng Mai Hương, Chu Thúy Hằng (2006), Tìm hiều pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về bảo đảm quyền được thông tin của công dân. Dẫn theo: Vũ Công Giao, Phạm Quốc Anh (2011), tr. 574.

[4] Ủy ban Nhân quyền (1995), Các nguyên tắc Johannesburg về an ninh quốc gia, tự do biểu đạt và tiếp cận thông tin

[5] Cổng dịch vụ công quốc gia đi vào hoạt động sẽ giúp tiết kiệm hơn 4.200 tỷ đồng/năm. <https://ictnews.vietnamnet.vn/cuoc-song-so/cong-dich-vu-cong-quoc-gia-di-vao-hoat-dong-se-giup-tiet-kiem-hon-4-200-ty-dong-nam-38908.html>

[6] Cổng Dịch vụ công Quốc gia - giá trị đã được chứng minh. <http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Cong-Dich-vu-cong-Quoc-gia-gia-tri-da-duoc-chung-minh/395898.vgp>

[7] Nhìn lại chặng đầu của Luật Tiếp cận Thông tin. <https://www.care.org.vn/nhin-lai-chang-dau-cua-luat-tiep-can-thong-tin/>

[8] Phạm Văn Chung (2017). < https://tuoitre.vn/khong-nen-lam-dung-tuy-tien-dong-dau-mat-vao-van-ban-20170901075622859.htm>

[9] Điều 4, Nghị định số 09/2017/NĐ-CP Quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hội đồng Liên hợp quốc (1948), Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền,Điều 19.
  2. Hội đồng Liên hợp quốc (1966), Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Điều 19.
  3. Ủy ban Nhân quyền (1995), Các nguyên tắc Johannesburg về an ninh quốc gia, tự do biểu đạt và tiếp cận thông tin.

 

ENSURING THE RIGHT TO ACCESS INFORMATION OF PEOPLE IN THE OPERATION OF STATE ADMINISTRATIVE AGENCIES IN VIETNAM

Postgraduate student, Master.NGUYEN SON

School of Law, Vietnam National University - Hanoi Campus  

ABSTRACT:

In the modern administrative system, the disclosure of information would increase the confidence of people in state administrative agencies while the concealment of information would create negative impacts. As a result, ensuring the right to access information should be considered a priority task for each state administrative agencies. This paper presents some basic contents and researches the theoretical, practical and legal basis to ensure the right to access information in the operation of state administrative agencies in Vietnam.

Keywords: Right to access information, ensure the right to access information, state administrative agencies.