Biện pháp thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

ThS. VŨ THỊ ANH
Khoa Tài chính Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp

TÓM TẮT:

Quá trình toàn cầu hóa, tự do hóa trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng đã trở thành một trong những nội dung chủ yếu, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội. Trong môi trường cạnh tranh quyết liệt của quá trình hội nhập đó thì ngân hàng nào không ngừng vươn lên tự hoàn thiện mình mới có khả năng tồn tại. Nhận thức một cách đúng đắn và đầy đủ tầm quan trọng của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế để từ đó khai thác tối đa những thời cơ, vượt qua những thử thách mà quá trình hội nhập tạo ra, chắc chắn sẽ giúp Ngân hàng Việt Nam có được một vị thế xứng đáng trong tiến trình phát triển chung của ngành Ngân hàng thế giới.  

Từ khóa: Hội nhập kinh tế quốc tế, ngân hàng, kinh tế, tài chính, xu thế, quan hệ kinh tế.

I. Đặt vấn đề

Quá trình hội nhập trong lĩnh vực ngân hàng đã trở thành một trong những nội dung chủ yếu, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến toàn bộ các quan hệ kinh tế, tài chính của mỗi nước và của toàn thế giới, vừa góp phần nâng cao hiệu quả phân phối nguồn lực và phát triển kinh tế, tăng cường khả năng thanh toán vừa thúc đẩy thị trường tài chính phát triển ổn định; đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống ngân hàng và các trung gian tài chính khác. Vì vậy, nghiên cứu vấn đề “Hội nhập trong lĩnh vực ngân hàng” là một việc làm quan trọng và cần thiết trong bối cảnh hệ thống ngân hàng nước ta đang từng bước hội nhập với quốc tế hiện nay.

II. Cơ hội và thách thức khi toàn cầu hóa

1. Cơ hội (Opportunities)

1.1. Tự do hóa thương mại - Một sân chơi lớn và bình đẳng hơn

Tự do hóa thương mại thông qua các cam kết hội nhập quốc tế như Hiệp định thương mại Việt - Mỹ và gia nhập tổ chức WTO sẽ tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu của Việt Nam tiếp cận được nhiều thị trường và thu hút nhiều vốn FDI vào Việt Nam. Khi thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài và tất cả các hoạt động của nền kinh tế tăng lên, cơ hội để các ngân hàng thương mại (NHTM) cho vay và huy động vốn cũng lớn hơn. Khi kinh tế phát triển, nhiều doanh nghiệp sẽ làm ăn có hiệu quả hơn thì khả năng trả nợ của họ cũng tăng lên, điều này tác động tích cực trở lại các ngân hàng.

Thị trường vốn trong những năm tới sau khi hội nhập được dự báo là sẽ phát triển nhanh chóng và cung cấp một kênh huy động vốn trung dài hạn cho các doanh nghiệp, các NHTM sẽ ít chịu áp lực hơn trong việc cho vay, và tập trung vào tín dụng ngắn hạn, tín dụng cá nhân, tín dụng tiêu dùng cùng các sản phẩm phi tín dụng khác mà không còn phải gánh vác vai trò của thị trường vốn để cấp vốn dài hạn nữa.

Tóm lại, bức tranh kinh tế vĩ mô và thị trường của ngành Ngân hàng khi tự do hóa thương mại diễn ra sẽ tươi sáng hơn rất nhiều. Vấn đề còn lại là liệu các NHTM có nắm bắt được cơ hội này hay không.

1.2. Sự tham gia của các ngân hàng nước ngoài

Tất nhiên sự cạnh tranh sẽ là tất yếu khi chúng ta mở cửa thị trường ngân hàng, nhưng điều này sẽ mang lại kết quả là mỗi ngân hàng sẽ buộc phải hoạt động tốt hơn và như vậy khách hàng cũng như toàn nền kinh tế sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.

Việc tái cơ cấu lại hệ thống NHTM sẽ diễn ra thông qua các hình thức sáp nhập, mua lại và kết quả của quá trình này sẽ hình thành nhiều ngân hàng lớn hơn, hoạt động hiệu quả hơn nhờ khai thác được lợi thế quy mô. Khi các hạn chế về sở hữu nước ngoài trong các ngân hàng Việt Nam được dỡ bỏ như cam kết trong hiêp định thương mại Việt - Mỹ, các ngân hàng nước ngoài có thể nắm giữ nhiều hơn cổ phần của các NHTM trong nước và trở thành những cổ đông chiến lược thật sự của những ngân hàng này. Điều này sẽ giúp các NHTM trong nước mạnh hơn, cạnh tranh hơn và đây cũng là con đường ngắn nhất để học hỏi và bổ sung thế mạnh của hai bên.

Một số giao dịch chuyển nhượng cổ phần từ các NHTM trong nước cho các ngân hàng nước ngoài đã diễn ra và một số khác đang trong quá trình đàm phán. Xu hướng này có thể thấy được là các ngân hàng nước ngoài năng động muốn bước vào thị trường Việt Nam sẽ tìm kiếm cơ hội mua cổ phần của các ngân hàng mạnh của Việt Nam. Việc mua bán này đem lại lợi ích cho cả hai bên. Các ngân hàng nước ngoài có thể đưa ra các sản phẩm với những tiện ích mới thông qua mạng lưới hiện tại của đối tác trong nước. Các ngân hàng trong nước lúc này có thể học hỏi các nguyên tắc và kinh nghiệm quản trị rủi ro chuyên nghiệp và có nhiều vốn hơn để hoạt động. Hơn nữa, đối với các ngân hàng trong nước, việc một số lượng cổ phần của mình được nắm giữ bởi một ngân hàng quốc tế thì uy tín của ngân hàng trong mắt của công chúng và các nhà đầu tư sẽ tăng lên đáng kể.

1.3. Tạo điều kiện công cuộc cải cách ngân hàng thành công

Hội nhập trong lĩnh vực ngân hàng sẽ giúp các NHTM Việt Nam có cơ hội tranh thủ vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý từ các nước có trình độ cao, từ các ngân hàng nước ngoài có bề dày lịch sử hoạt động hàng trăm năm trong nền kinh tế thị trường của thế giới, từ đó thúc đẩy công cuộc cải cách của các NHTM Việt Nam thành công, tiến tới một nền kinh tế mở cửa toàn diện.

Bên cạnh đó, sẽ tạo điều kiện cho các NHTM Việt Nam đào tạo được một đội ngủ cán bộ ngân hàng có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng được những nhiệm vụ, yêu cầu trong điều kiện làm việc trên thị trường trong nước và quốc tế.

Khi hội nhập quốc tế về ngân hàng thì mọi sự ưu đãi, bảo hộ cho các NHTM trong nước sẽ không còn nữa. Lúc đó các ngân hàng trong nước sẽ được đối xử bình đẳng với các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các ngân hàng liên doanh, các ngân hàng nước ngoài. Điều này sẽ buộc các NHTM trong nước phải tự đứng trên chính đôi chân của mình, qua đó các NHTM trong nước sẽ ngày càng hoạt động hiệu quả hơn.

2. Thách thức (Threats)

2.1. Hội nhập kinh tế quốc tế làm tăng các giao dịch vốn và rủi ro của hệ thống ngân hàng

Kinh nghiệm ở các nước cho thấy, tự do hóa dịch vụ tài chính mà không tiến hành cải tổ các quy định về thể chế sẽ dẫn đến khủng hoảng tài chính. Qua đó, ta có thể nhận thấy rằng, trình tự của tự do hóa là rất quan trọng. Các quy định trong nước thận trọng cần phải được thiết lập. Ở tầm kinh tế vĩ mô, khi nền kinh tế và lĩnh vực tài chính mở cửa hơn và hội nhập hơn vào nền kinh tế thế giới, cả nền kinh tế nói chung và khu vực tài chính - ngân hàng sẽ dễ chịu ảnh hưởng từ những cú sốc từ bên ngoài. Ở phạm vi ngành Ngân hàng, khối lượng giao dịch tăng lên cùng với sự gia tăng thương mại và đầu tư, yêu cầu về năng lực quản lý cũng đồng thời phải tăng lên để theo kịp với tính dễ chuyển biến của toàn cầu, đặc biệt là trong điều kiện tiềm lực tài chính của các NHTM Việt Nam vốn rất mỏng và dễ bị tổn thương.

2.2. Sự cạnh tranh sẽ ngày càng quyết liệt hơn

* Phía cung của ngành Ngân hàng:

Các thách thức do cạnh tranh khắc nghiệt hơn và cạnh tranh từ nhiều nguồn hơn chắc chắn sẽ xảy ra, song là một điểm tốt. Cạnh tranh giữa các ngân hàng trong nước, giữa ngân hàng trong nước với ngân hàng nước ngoài là sự cạnh tranh mà ai cũng nhìn nhận ra. Các nguồn cạnh tranh mới trên thị trường sẽ hình thành từ các định chế tài chính phi ngân hàng như bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp và các công cụ tài chính khác tập trung vào các hoạt động huy động tiền gửi và cho vay dài hạn. Điều này có nghĩa là chi phí huy động vốn có thể tăng lên và các ngân hàng phải tìm kiếm các nguồn vốn mới thông qua các công cụ vay như chứng chỉ tín dụng và các sản phẩm tiết kiệm đa dạng tùy theo yêu cầu khách hàng.

* Phía cầu của ngành Ngân hàng:

Về bên đi vay, các ngân hàng sẽ phải cạnh tranh để có được người vay có chất lượng cao bằng cách đưa ra các điều kiện ưu đãi, nhiều tính năng, dịch vụ chuyên nghiệp, phí thấp và thuận tiện. Ngân hàng nào không làm được như vậy sẽ chỉ có được khách hàng chất lượng kém mà các ngân hàng tốt hơn đã từ chối. Tự do hóa thương mại hàng hóa và cắt giảm bảo hộ sẽ khiến cho các ngành sản xuất yếu kém bị ảnh hưởng và các ngân hàng cho các ngành này vay cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Điều này đặc biệt đúng đối với các ngân hàng thương mại quốc doanh (NHTMQD) từ trước đến nay vẫn có xu hướng cho các doanh nghiệp và các ngành sản xuất thay thế nhập khẩu vay.

2.3. Áp lực cải tiến công nghệ và kỹ thuật phù hợp với yêu cầu hội nhập

Về vấn đề hiện đại hóa ngân hàng, vì công nghệ thông tin ngân hàng phát triển rất nhanh và các ngân hàng phải tiếp tục nâng cấp để cạnh tranh, việc chuyển đổi dữ liệu từ phần mềm cũ sang phần mềm mới là trở ngại lớn nhất đối với một số ngân hàng lạc hậu, đặc biệt là các ngân hàng lớn vì khối lượng dữ liệu cần chuyển đổi và cập nhật là rất lớn. Về mặt này, rõ ràng là càng lớn và lạc hậu về công nghệ thì càng bất lợi. Đầu tư vào công nghệ thông tin để củng cố hệ thống bảo mật thông tin khách hàng và các giải pháp kỹ thuật phòng chống lấy cắp tài khoản và thẻ ngân hàng cũng đang trở thành những quan ngại đối với ngân hàng.

Trong môi trường kinh doanh tự do hóa và năng động hơn, các ngân hàng có sở hữu khác nhau sẽ phải đối mặt với các thử thách khác nhau. Các ngân hàng nước ngoài, mặc dù có kỹ năng quản trị rủi ro và phân tích tín dụng rất tốt, sẽ không thể tránh được vấn đề nợ quá hạn khi quy mô cho vay tăng lên sau khi các hạn chế được dỡ bỏ. Trong số các ngân hàng nội địa, thay đổi cách thức quản lý và quản trị điều hành vẫn còn là vấn đề chưa thể giải quyết ngay lập tức. Một thách thức đối với hệ thống NHTMQD là những vấn đề liên quan đến quản trị ngân hàng. Hiện tại vẫn chưa có sự tách biệt rõ ràng giữa quyền sở hữu, quản lý và các quy chế.

2.4. Cổ phần hóa NHTMQD

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất cho hệ thống ngân hàng trong nước là quá trình cổ phần hóa NHTMQD. Trước khi có thể tiến hành cổ phần hóa, các NHTMQD cần phải tái cơ cấu và giải quyết xong các khoản nợ quá hạn. Và khi giải quyết xong vấn đề này, từng NHTMQD cần phải có một mục tiêu, chiến lược và lộ trình rõ ràng để cổ phần hóa. Mục tiêu chung của cổ phần hóa đã được xác định là tăng cường hiệu quả hoạt động, khả năng sinh lời, quản trị, tăng vốn, và hoạt động theo cơ chế thị trường vì mục tiêu lợi nhuận.

Sau khi cổ phần hóa, có thể phải đóng cửa các chi nhánh, bộ phận không sinh lời trong hệ thống hiện tại của NHTMQD. Điều này gây ra mối quan ngại rằng khách hàng ở các vùng sâu, vùng xa sẽ có ít khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng hơn. Tuy nhiên, cũng giống như quá trình đổi mới của Việt Nam từ khi khởi đầu, cách tiếp cận từng bước rất có thể được áp dụng trong việc cổ phần hóa ngân hàng bằng cách Chính phủ sẽ không để cho thị trường quyết định mọi việc và bán đi phần vốn của Chính phủ ngay lập tức. Quyền sở hữu chi phối của Nhà nước nên được duy trì một khoảng thời gian nào đó sau khi cổ phần hóa và do đó vẫn đạt được các mục tiêu xã hội thông qua can thiệp của Chính phủ. Một mô hình ngân hàng cho các khu vực khó khăn như ngân hàng nông thôn, quỹ tín dụng hoặc ngân hàng di động để thay thế các chi nhánh ngân hàng thương mại làm ăn không sinh lời. Bằng cách này, Chính phủ vẫn tiếp tục hỗ trợ và giải quyết được vấn đề mang tính xã hội ở vùng sâu, vùng xa.

III. Giải pháp

1. Tăng cường năng lực tài chính của hệ thống NHTM Việt Nam

Có thể khẳng định chủ trương cổ phần hóa các NHTM quốc doanh là một việc làm hết sức đúng đắn và cần thiết để chuẩn bị cho quá trình hội nhập của Hệ thống ngân hàng nước ta. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của việc cổ phần hoá các NHTM quốc doanh không chỉ ở việc định giá tài sản của các ngân hàng này mà còn ở cơ sở pháp lý cho việc cổ phần hóa chưa thật sự vững chắc. Các văn bản pháp luật hiện nay được ban hành là để dành cho việc cổ phần hóa các DNNN, trong khi đó ngân hàng là một loại hình doanh nghiệp đặc thù hoạt động trên lĩnh vực hết sức nhạy cảm và có tầm ảnh hưởng lớn đến toàn bộ nền kinh tế - đó là lĩnh vực tiền tệ, do đó các quy định dành cho việc cổ phần hóa các DNNN không thể áp dụng cho việc cổ phần hóa các NHTM quốc doanh. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước phải phối hợp với Bộ Tài chính tư vấn cho Chính phủ ban hành các nghị định riêng cho việc cổ phần hóa các NHTM quốc doanh.

2. Tăng cường sự hợp tác giữa các NHTM trong hệ thống

Một điều bất hợp lý khi một thẻ tín dụng quốc tế do ngân hàng ACB, Eximbank phát hành có thể sử dụng tại các máy ATM ở Singapore mà không thể sử dụng tại một máy ATM của một NHTM nào ở Việt Nam. Chính vì thế, trong thời gian sắp tới, các NHTM cần phải đẩy mạnh hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực công nghệ với nhau để tăng cường sự tương thích về mặt công nghệ với nhau, nhằm mở rộng mạng lưới các máy ATM và các điểm chấp nhận thanh toán thẻ hơn nữa, từ đó khai thác triệt để lợi thế của nhau, tiết giảm chi phí đầu tư (bởi vì một máy ATM hiện nay có giá khoảng 20.000 USD đến 30.000 USD và chi phí bảo trì hàng năm khoản 10% giá trị của máy), giảm chi phí hoạt động và quan trọng hơn hết là tạo được nhiều sự thuận lợi hơn cho các khách hàng sử dụng các tiện ích của ngân hàng.

3. Tăng cường quản trị rủi ro trong hoạt động của ngân hàng

Trong quá trình hội nhập, các NHTM sẽ mở rộng hoạt động của mình ra khỏi biên giới Việt Nam một cách rộng rãi hơn nữa, do đó cũng sẽ phải đối diện với nhiều rủi ro hơn. Bởi lẽ, lúc này mọi rào cản cũng như sự bảo hộ của Nhà nước sẽ không còn, mọi biến động bất lợi trên thị trường như lãi suất, tỷ giá hối đoái, các cuộc khủng hoảng quốc tế... sẽ tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến các NHTM. Vì vậy, công tác quản trị rủi ro trong và sau khi hội nhập phải được xem là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngân hàng.

Khi hội nhập kinh tế quốc tế, các ngân hàng còn bị đe dọa trực tiếp bởi “tin tặc” quốc tế, những tổ chức chuyên tấn công vào hệ thống máy tính của ngân hàng, làm giả thẻ tín dụng hoặc ăn cấp mật mã của khách hàng để rút tiền khỏi ngân hàng. Vì vậy, bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, các NHTM cũng cần chú trọng đến công tác đảm bảo an ninh và an toàn hệ thống máy tính của mình.

4. Nâng cao hơn nữa năng lực quản trị của đội ngũ lãnh đạo và trình độ của cán bộ ngân hàng

Hoạt đông ngân hàng thuộc ngành kinh doanh dịch vụ, do vậy chất lượng nhân viên ngân hàng là nhân tố hết sức quan trọng hay nói cách khác nhân tố con người là nhân tố quyết định đến sự thành công hay thất bại của ngân hàng. Vì thế, cán bộ ngân hàng cần phải được đào tạo những tư duy, kiến thức, kỹ năng hoạt động kinh doanh trong cơ chế thị trường và phải được thường xuyên cập nhật các kiến thức tiên tiến nhất trên thế giới. Nhân viên ngân hàng càng có trình độ cao thì ngân hàng càng có lợi thế cạnh tranh và chính điều đó tạo nên sự khác biệt giữa các ngân hàng với nhau.

5. Marketing và quảng bá thương hiệu ngân hàng

- Các NHTM nên thành lập một bộ phận chuyên trách về công việc marketing ngân hàng. Bộ phận này phải gồm những người được đào tạo nhất định về chuyên môn marketing ngân hàng. Bộ phận này cũng được giao nhiệm vụ rõ ràng đó là nghiên cứu thị trường và khách hàng, định kỳ có điều tra, đánh giá ý kiến khách hàng về chất lượng dịch vụ và uy tín của ngân hàng, từ đó có biện pháp điều chỉnh hoạt động cho phù hợp. Bên cạnh đó, thông qua công tác điều tra thị trường và khách hàng, bộ phận này sẽ nắm bắt được các nhu cầu mới của khách hàng và trên cơ sở đó đề ra chiến lược phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới cho ngân hàng.

- Tăng cường công tác quảng cáo về ngân hàng trên truyền hình, phát hành nhiều tờ rơi hơn nữa tới các khu vực có nhiều khách hàng tiềm năng như các trường đại học, nhà sách, siêu thị, khu vui chơi giải trí… để khách hàng quen dần với hình ảnh và thương hiệu của các NHTM.

- Cần tăng cường những hoạt động tài trợ cho các sự kiện văn hóa - thể thao thu hút động đảo người hâm mộ, thông qua đó quảng bá rộng rãi thương hiệu của ngân hàng đến với khách hàng.

- Cần dành nhiều nguồn lực hơn nữa cho việc xúc tiến nghiên cứu, thực hiện quảng bá về ngân hàng ra khu vực và thế giới để chuẩn bị cho việc tham gia cạnh tranh và hội nhập vào hoạt động của thị trường tài chính - tiền tệ và dịch vụ ngân hàng của khu vực quốc tế.

- Cần tăng cường hơn nữa công tác chăm sóc khách hàng. Sự thành công hay thất bại của ngân hàng phụ thuộc rất lớn vào khách hàng, do đó, các NHTM cần có những biện pháp duy trì khách hàng truyền thống, phát triển thêm các khách hàng mới cả về số lượng lẫn chất lượng. Không ngừng cập nhật các kiến thức về sản phẩm và các kỹ thuật khách hàng cho đội ngũ nhân viên ngân hàng, thông qua đó giúp ngân hàng có cơ hội cung cấp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nguyễn Hồng Sơn, Trần Thị Thanh Tú, (2014), Hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam - Kết quả sau 2 năm tái cấu trúc, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, số tháng 3/2014.

2. Phạm Huy Hùng, (2016), Vietinbank sau 6 năm gia nhập WTO - Những vấn đề đặt ra.

3.https://ustr.gov/about-us/policy-office/press-ofice/press-releases/2016/otober/summary-trans-pacific-partnership

4. Website của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: htpp://www.sbv.gov.vn

THE CURRENT INTEGRATION PROCESS OF VIETNAMESE BANKING SECTOR

Master. VU THI ANH

Faculty of Finance and Banking, University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

The process of globalization, liberalization in banking and finance sector have become one of the most important issue and impacted significantly on almost social and economic aspects. In the fiercely competitive environment of the integration process, if banks do not improve their operation by themselves, they will have no chance to survive. Vietnamese banks will have rightful places during the development of global banking sector, if they aware properly, fully the importance of international economic integration process in order to take fully the advantages of this process and overcome the challenges of this process.

Keywords: International economic integration, bank, economy, finance, trend, economic relation.