Bộ Công Thương cụ thể hóa 115 nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết 01 và 12 nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết 02

Sáng nay, tại Phiên họp Thường kỳ của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh có bài phát biểu. Dưới đây là một số nội dung chính.
Bộ Công Thương đã xây dựng kế hoạch hành động, xây dựng kịch bản cho năm 2021 trên các lĩnh vực công nghiệp – thương mại
Bộ Công Thương đã xây dựng kế hoạch hành động, xây dựng kịch bản tăng trưởng cho năm 2021 trên các lĩnh vực công nghiệp – thương mại

 

Bộ trưởng cho biết, ngày 19/01/2021 Bộ Công Thương đã ban hành các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01, 02 của Chính phủ để thống nhất tổ chức triển khai trong toàn ngành (Tại Quyết định số 163/QĐ-BCT và Quyết định số 164/QĐ-BCT ngày 19 tháng 01 năm 2021).

Theo đó, Bộ Công Thương đã cụ thể hóa thành 115 nhiệm vụ cụ thể thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và 12 nhiệm vụ cụ thể thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP và giao cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ để tổ chức triển khai thực hiện. Trong phạm vi thời lượng có hạn, tôi xin chia sẻ một số ý dưới đây:

Về kịch bản tăng trưởng: Bộ Công Thương đã xây dựng kế hoạch hành động, xây dựng kịch bản cho năm 2021 trên các lĩnh vực công nghiệp – thương mại, trên cơ sở các mục tiêu mà chúng ta đặt ra cũng như kết quả tăng trưởng của chúng ta thời gian qua.

Chúng ta xác định là nhiệm cũng như mục tiêu đặt ra trong quý 1 và quý 2 này rất nặng, cần phải có nhiều giải pháp, phương án để phấn đấu đạt được, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

Về thị trường quốc tế: Những biến động mới của thị trường Mỹ cũng như biến động chung của thị trường quốc tế thời gian gần đây đã tạo điều kiện thuận lợi, cũng như mở ra cơ hội mới để chúng ta tận dụng, phục hồi và phát triển.

Dù vậy, cũng không thể chủ quan, bởi bối cảnh dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể tác động đến các hoạt động thương mại và công nghiệp sản xuất kinh doanh.

Theo báo cáo mới nhất, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam đã có đến 8.000 công nhân đang phải cách ly tại nhà, bởi dịch bệnh Covid-19.

Nếu dịch bệnh không nhanh chóng được khống chế mà tiếp tục lan rộng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người lao động và nguy cơ bị đình trệ sản xuất kinh doanh của các tập đoàn. Về lâu dài, nguy cơ này sẽ ảnh hưởng đến cả hoạt động thương mại quốc tế.

Bối cảnh hiện tại rất cần có sự chỉ đạo xuyên suốt thống nhất để có giải pháp phòng tránh và kiểm soát dịch bệnh, cụ thể với đặc thù của từng khu vực sản xuất.

Đặc biệt phải huy động các doanh nghiệp tham gia sâu vào chiến dịch này với cam kết cụ thể cùng với chính quyền các cấp để đảm bảo tham gia phòng tránh dịch bệnh.

Đối với vấn đề bình ổn thị trường, Bộ trưởng khẳng định, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 44/CT-TTg ngày 21 tháng 12 năm 2020 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất phục vụ nhân dân đón Tết, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-BCT ngày 30 tháng 10 năm 2020 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

nguồn cung hàng hóa dồi dào
Nguồn cung hàng hóa dồi dào, công tác chuẩn bị Tết đã được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh triển khai sớm

 

Bộ Công Thương đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình cung cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, chú trọng đến tình hình chăn nuôi gia súc và rau, củ quả nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân trong dịp Tết.

Đồng thời, chủ trì phối hợp với một số bộ, ngành (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước) tổ chức đoàn làm việc tại một số tỉnh, thành phố (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Yên Bái, Đà Nẵng) về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán.

Theo đó, về nguồn cung hàng hóa, công tác chuẩn bị Tết đã được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh triển khai sớm. Nguồn cung các mặt hàng khá dồi dào.

Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, hoạt động chăn nuôi, nhất là chăn nuôi hộ gia đình bị giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh tả lợn Châu Phi, tuy nhiên các địa phương đã chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn chủ động tìm kiếm nguồn hàng, ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp chăn nuôi hoặc có kế hoạch nhập khẩu nhằm bảo đảm cung ứng trong dịp Tết Nguyên đán.

Hiện nguồn cung các mặt hàng rau, củ, quả, gạo, mỳ, thịt, gia vị… đang được cung cấp, bày bán trong hệ thống các siêu thị với số lượng khá nhiều, giá được niêm yết rõ ràng, đầy đủ và ổn định.

Đến nay, theo báo cáo của các địa phương, tổng giá trị hàng dự trữ của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 10-15% so với các tháng thường trong năm. Nhu cầu tiêu dùng thị trường cũng đã có xu hướng tăng từ 10-15% so với các tháng thường trong năm.

Tại các địa phương mới phát hiện các ca nhiễm Covid-19 như Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng... đều đảm bảo nguồn hàng hóa đầy đủ, giá cả ổn định phục vụ người dân đón Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Nhân dân trong tỉnh sau khi nắm bắt thông tin về ca nhiễm Covid-19 nhưng đã không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng.

Tại một số địa phương khu vực miền Trung chịu thiệt hại của bão lũ trong năm 2020 vừa qua, nguồn hàng thiết yếu phục vụ Tết cũng đã được các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chuẩn bị tốt, tuy nhiên do đánh giá sức mua của người dân bị ảnh hưởng do điều kiện kinh tế còn khó khăn sau bão lũ nên lượng hàng chuẩn bị không tăng so với năm trước, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thiết yếu.

Sở Công Thương các địa phương cũng khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn triển khai các chuyến bán hàng Tết đến các khu vực dân cư chịu thiệt hại lớn của bão lũ với giá bình ổn và có hỗ trợ để giảm bớt khó khăn cho người dân.

Lượng hàng hoá nói chung và hàng hoá thực hiện Bình ổn thị trường nói riêng dịp Tết Nguyên đán được chuẩn bị với số lượng dồi dào.

Ước lượng hàng hoá tham gia Bình ổn thị trường tại các địa phương triển khai chương trình được tăng cường, chiếm khoảng 20-35% nhu cầu thị trường.

Tại một số tỉnh, thành phố như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, Uỷ ban nhân dân thành phố cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tăng lượng hàng hoá trong trường hợp có yêu cầu đột xuất hoặc các phương án cung ứng hàng nếu dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp trở lại.

Bên cạnh những địa phương đã có kinh nghiệm thực hiện Bình ổn thị trường các năm qua, năm nay, một số địa phương khác như Hậu Giang, Kon Tum... cũng bắt đầu thực hiện chương trình một cách quy mô và bài bản (tổ chức mỗi huyện, thị xã 01 điểm bán bình ổn).

Cùng với đó, số lượng các địa phương thực hiện theo phương thức kết nối doanh nghiệp với tổ chức tín dụng tăng so với năm trước.

Về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường: Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trong cả nước xây dựng kế hoạch và tăng cường kiểm tra dịp trước, trong và sau Tết, tập trung kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; kiểm tra việc găm giữ hàng, vi phạm về giá; kiểm soát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nhóm hàng thực phẩm; kiểm tra hàng hóa tại các hội chợ, đặc biệt là việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm đối với hàng hoá sản xuất trong nước và hàng hoá nhập khẩu.

Về tình hình cung ứng điện trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021: Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT ngày 15 tháng 01 năm 2021 của Bộ Công Thương về việc đảm bảo cung ứng điện trong các dịp Lễ, Tết và các sự kiện chính trị, văn hóa lớn trong năm 2021.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng ban hành các văn bản chỉ đạo bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy và thực hiện chế độ báo cáo tình hình đảm bảo cung cấp điện trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.

Tháng 01/2021, hệ thống điện vận hành ổn định, an toàn, đảm bảo chất lượng điện năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân cả nước và đảm bảo vận hành tuyệt đối an toàn và ổn định toàn hệ thống điện quốc gia trong những ngày diễn ra Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Đồng thời, các nhà máy thủy điện phía Bắc đang tăng phát điện để phục vụ các tỉnh đồng bằng Bắc bộ lấy nước đổ ải Vụ Đông Xuân 2020-2021 đợt 1 và đợt 2 theo đúng yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng Cục thủy lợi, đảm bảo nguồn điện cấp cho các trạm bơm vận hành ổn định trong suốt thời gian lấy nước phục vụ gieo cấy lúa.

Như vậy, có thể khẳng định cho đến nay, về cung ứng cho dịp tết cũng như phòng chống dịch bệnh thì Bộ Công Thương đã có phương án cụ thể với các địa phương cũng như các trung tâm thương mại lớn với những kinh nghiệm thực tiễn và dự báo đánh giá.

Bình Lục