Bộ Công Thương tổng kết 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới và công tác phụ nữ

Ngày 17/11/2017, tại Quảng Ninh, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới và Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 27 tháng 4 năm 2007
của Bộ Chính trị (khóa X) về công

Theo báo cáo của Vụ Tổ chức cán bộ - thường trực Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Bộ Công Thương, trong suốt 10 năm qua, Bộ Công Thương đã quan tâm bám sát quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ đề ra tại Luật Bình đẳng giới và Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tích cực chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động thiết thực về quyền bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong toàn Ngành, thể hiện bằng việc ban hành các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch hành động và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Tích cực thực hiện Luật Bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ

Luật Bình đẳng giới được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2007. Trong đó, quy định bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân trong việc thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới.

Hàng năm, Bộ Công Thương đều ban hành chương trình, kế hoạch, văn bản hướng dẫn các cơ quan, đơn vị ngành Công Thương xây dựng chương trình công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ, trong đó chú trọng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về bình đẳng giới.

Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ Công Thương đã phối hợp với Công đoàn Công Thương Việt Nam và các cơ quan có liên quan tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao kỹ năng tuyên truyền về bình đẳng giới cho đội ngũ báo cáo viên, phóng viên, biên tập viên các cơ quan truyền thông; nghiên cứu, xây dựng và phát triển các chương trình; tổ chức các hoạt động, chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới phù hợp với đặc thù từng nhóm đối tượng, địa bàn dân cư; triển khai các cuộc khảo sát về nhận thức của xã hội về bình đẳng giới.

Nhằm góp phần trang bị kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác về bình đẳng giới, đồng thời nâng cao nhận thức của lãnh đạo, cán bộ, công chức các cấp về giới và bình đẳng giới, thông qua các Hội nghị, Hội thảo về công tác nữ và bình đẳng giới hàng năm, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Ban VSTBPN của các đơn vị thuộc Bộ tổ chức hoạt động tuyên truyền, tập huấn về giới và bình đẳng giới, thường xuyên phối hợp thực hiện phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến cán bộ nữ; Tổ chức tập huấn và sinh hoạt câu lạc bộ nữ công, tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, triển khai kế hoạch Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2021. Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ Công Thương đã phát động trong toàn ngành Công Thương tham gia cuộc thi “Tìm hiểu chính sách, pháp luật về bình đẳng giới”; Tổ chức học tập, hội thảo, nghe thuyết trình thời sự, giới thiệu chuyên đề: “Kinh nghiệm và giải pháp trong việc phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam và trên thế giới”, “Một số nội dung mới đưa vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và Gia đình”, “Công tác nữ, chia sẻ kinh nghiệm công tác nữ các nước trên thế giới”, “Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do - cơ hội thách thức đối với doanh nghiệp và vai trò của phụ nữ Việt Nam”, “Kiến thức pháp luật gia đình”; Phối hợp tổ chức các phong trào thi đua, phấn đấu thực hiện 3 mục tiêu: Xây dựng gia đình ấm no - bình đẳng - tiến bộ - hạnh phúc; Nuôi con khỏe, dạy con ngoan học giỏi và kế hoạch hóa gia đình; Tổ chức giúp nhau làm kinh tế gia đình, xây dựng khu dân cư văn hóa.

Đảng ủy của các Tập đoàn, Tổng công ty, công ty thuộc Bộ đã quan tâm, chú trọng tổ chức tuyên truyền, phổ biến, triển khai sâu rộng trong các cấp ủy cơ sở Đảng, cán bộ lãnh đạo chủ chốt từ cấp trên đến cơ sở, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, công nhân viên nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng Chương trình hành động phù hợp với thực tế cơ sở, cụ thể hóa nhiệm vụ công tác nữ vào nội dung chương trình, kế hoạch công tác hàng năm.

Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty phối hợp với Ban Nữ công đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục trong lao động nữ về chuẩn mực người phụ nữ Việt Nam, về xây dựng lối sống văn minh, trách nhiệm đối với gia đình và xã hội, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc; thực hiện tốt chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và các tệ nạn xã hội. Tuyên truyền đến người lao động các quy định của pháp luật, của Đảng, Chính phủ về bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ thông qua sách báo, tạp chí, bản tin tại các công đoàn cơ sở. Các đơn vị cũng thường xuyên phản ánh về tình hình lao động nữ ở cơ sở; tuyên truyền những gương điển hình nữ trong học tập, lao động, công tác, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Công Thương cũng luôn quan tâm, chú trọng công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và Luật Bình đẳng giới nói riêng theo Chương trình hành động của Chính phủ và Bộ Công Thương. Hàng năm, các đơn vị này đều tiến hành xây dựng kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật để đảm bảo 100% công chức, viên chức và học sinh, sinh viên được phổ biến, tuyên truyền các nội dung pháp luật chuyên ngành, trong đó có Luật Bình đẳng giới và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Hầu hết các đơn vị đã chủ động lồng ghép tuyên truyền về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình trong lĩnh vực chuyên môn như việc làm, chăm sóc người khuyết tật, phòng, chống tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Tại Hội nghị, một số điển hình trong việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc đã báo cáo tham luận, là: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Cao đẳng Thương mại và Du lịch,…

Tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ công nhân viên chức được Tập đoàn thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước và pháp luật, thậm chí có nhiều khoản cao hơn quy định của luật đối với quyền và lợi ích của người lao động nói chung và đặc biệt đối với lao động nữ nói riêng. Hàng năm, gần 100% lao động nữ được khám sức khỏe định kỳ, khám chuyên khoa về bệnh phụ nữ và nghỉ điều dưỡng sức khỏe. Ban VSTBPN Tập đoàn phối hợp với Công đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng nhiều chương trình hoạt động và hướng dẫn chỉ đạo, như “Phụ nữ EVN với văn hóa doanh nghiệp”; xây dựng và xuất bản cuốn sách “Phụ nữ ngành Điện” nhằm tuyên truyền những tấm gương phụ nữ có những đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Điện Việt Nam qua các thời kỳ; tổ chức tọa đàm với chủ đề “Phụ nữ EVN kế thừa và phát huy”; tổ chức ngày Hội gia đình EVN biểu dương các gia đình công nhân viên chức tiêu biểu.

Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), với đặc thù ngành nghề chính mang tính chất nặng nhọc, độc hại, vất vả và nguy hiểm, nên việc bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ, điều kiện làm việc của nữ CNVCLĐ là vấn đề khó khăn và phức tạp. Trong những năm qua, Tập đoàn đã chỉ đạo các Công ty, đơn vị tích cực xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; Quan tâm đến đời sống của từng gia đình CNVCLĐ, để mỗi gia đình thực sự là nơi xây dựng nhân cách con người, một tổ ấm để các thành viên trong gia đình được nghỉ ngơi, chăm sóc và yêu thương, góp phần tạo ra động lưc quyết định sự phát triển bền vững của ngành Than. Kết quả 10 năm qua, Tập đoàn đã có trên 1.000 gia đình nữ CNVCLĐ tiêu biểu, xuất sắc được biểu dương, tôn vinh và ghi nhận là những gia đình đã có nhiều cố gắng trong việc chia sẻ trách nhiệm, tạo nên sự đồng thuận, bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình...

Trong khối các cơ sở đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là một trong những tiêu biểu cho việc thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ và tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển trong thời kỳ hội nhập. Cụ thể, hàng năm, Nhà trường tổ chức khám sức khỏe định kỳ, mời đội ngũ y, bác sỹ chuyên ngành có chuyên môn tốt của các bệnh viện lớn, uy tín thực hiện tư vấn, khám sức khỏe cho nữ cán bộ, viên chức và nữ sinh trước khi tốt nghiệp ra trường. Mọi chế độ đối với nữ viên chức được Nhà trường quan tâm, thực hiện đúng quy định như: chế độ thai sản, chế độ nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, thăm hỏi, trợ cấp ốm đau, tặng quà nhân dịp sinh nhật, 20/10, 8/3. Mỗi năm, Nhà trường chi khoảng 450 triệu đồng cho hoạt động của nữ viên chức, trong đó chi từ 70-80 triệu đồng cho khen thưởng nữ viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2017, Nhà trường đã cử 20 viên chức đạt thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua đi thăm quan học tập hè tại Hàn Quốc, trong đó có 10 nữ viên chức, số tiền chi cho 10 nữ viên chức là 175 triệu đồng.

Nhìn chung, công tác cán bộ nữ được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm; ngày càng nhiều chị em được đưa vào quy hoạch; được chú trọng đào tạo, bồi dưỡng về trình độ chuyên môn và trình độ lí luận chính trị; được bổ nhiệm giữ các vị trí lãnh đạo quan trọng trong các cơ quan, đơn vị của ngành Công Thương. Công tác tuyển dụng có gắn với bình đẳng giới được quan tâm chú trọng hơn, đảm bảo tỷ lệ nữ được tuyển mới không thấp hơn 40%; vị thế của chị em phụ nữ được nâng cao một bước… Hiện tại, tính riêng trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty do Bộ Công Thương quản lý, cơ cấu lao động nữ chiếm gần 33% trong tổng số gần 500.000 người và tính chung trong toàn ngành Công Thương, lao động nữ chiếm hơn 44% trong tổng số hơn 11,5 triệu lao động. Cơ cấu lao động nữ cao đã có đóng góp to lớn trong việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị tại các đơn vị hành chính sự nghiệp, các doanh nghiệp trực thuộc Bộ và của toàn ngành Công Thương.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới và Nghị quyết 11 về công tác vì sự tiến bộ phụ nữ của Bộ Công Thương trong suốt 10 năm qua. Thứ trưởng nhấn mạnh: Có được những kết quả đó, trước hết và phần lớn là do chính sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của bản thân mỗi cán bộ phụ nữ ngành Công Thương. Bên cạnh đó là sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương, sự phối kết hợp chặt chẽ và tích cực của Đảng ủy, Ban VSTBPN cùng với Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Ban Nữ công các cấp trong việc bám sát, cụ thể các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, các hướng dẫn của UBQG Vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam và của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Tất cả đã tạo một sức mạnh tổng hợp chăm lo vì sự tiến bộ của phụ nữ trong thời kỳ mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đại diện Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương, Thứ trưởng biểu dương khen ngợi các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty, viện, trường, các đơn vị thuộc Bộ đã quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ, từ khâu kiện toàn tổ chức, xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đến việc biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể và cá nhân tích cực tham gia phong trào, làm cho hoạt động này từng bước dần vào nề nếp. Đây chính là điều kiện thuận lợi để Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ trong các năm tiếp theo.

Để phụ nữ thực sự bình đẳng trong thời kỳ mới

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng chỉ ra một số mặt hạn chế trong công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ. Đó là trên thực tế, vẫn còn một số đơn vị chưa thực sự quan tâm đến công tác nữ, một số cấp ủy, lãnh đạo chính quyền còn khắt khe trong việc đánh giá vai trò của phụ nữ và cán bộ nữ, ngại lựa chọn tuyển dụng cán bộ và lao động nữ, hoặc còn hạn chế chọn cán bộ nữ đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài. Một số doanh nghiệp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, không đủ việc làm, đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động mà phần đông lại “rơi” vào lao động nữ. Dù có nhiều chính sách, cơ chế quan tâm đến cán bộ nữ, song do đặc thù phụ nữ Việt Nam khiêm tốn, tâm lý e dè, ngại va chạm vẫn còn tồn tại trong tư duy, nên nhiều chị em chưa phát huy hết năng lực và có khi đã bỏ qua cơ hội mà xã hội dành cho mình. Hơn nữa, những tác động từ thực tế như thời gian chăm con nhỏ, dành cho công việc gia đình cũng đã ảnh hưởng khá lớn đến công việc hàng ngày của chị em.

Hình ảnh các đại biểu dự Hội nghị

Thứ trưởng cũng cũng đề nghị các cấp ủy đảng, lãnh đạo chính quyền các Vụ, Cục, các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty, viện, trường, các đơn vị thuộc Bộ cần quan tâm hơn nữa đến hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ, đến tâm tư, nguyện vọng của chị em, động viên, giúp đỡ chị em vươn lên trên tất cả các mặt và thăng tiến. Đồng thời cũng rất mong các chị em tiếp tục phấn đấu và gặt hái được nhiều thành công, tạo sự bình đẳng về mọi mặt, không thua kém nam giới.

Trong thời kỳ mới, ngành Công Thương phải có những đột phá quan trọng và phải ngày càng hội nhập mạnh mẽ hơn với nền kinh tế, khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới, Thứ trưởng đề nghị,các đơn vị cần tăng cường chỉ đạo tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, thực hiện nội dung các luật liên quan đến công nhân viên chức, lao động; Thực hiện tốt các chính sách liên quan đến giới, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ, như: công tác quy hoạch và bố trí, sử dụng cán bộ nữ nhằm nâng cao tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, công đoàn, xóa bỏ khoảng cách về giới trong mọi lĩnh vực; tạo điều kiện cho cán bộ nữ được tham gia đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đặt ra; Tiếp tục kiện toàn, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Nữ công công đoàn các cấp; Kịp thời giải quyết những đề xuất, kiến nghị liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ công nhân viên chức, lao động. Bên cạnh đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức, viên chức, lao động toàn ngành nói chung và nữ cán bộ, công chức, viên chức, lao động ngành Công Thương nói riêng cần phải tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm, kiến thức rèn luyện kỹ năng, tăng cường sức sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm, cũng như phải có ý chí quyết tâm cao để thành đạt trong cuộc sống, trong sự nghiệp, cũng như hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho 18 tập thể và 30 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới giai đoạn 2007 - 2017.