Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn nhiều nội dung “nóng”

Ngay sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh là thành viên Chính phủ thứ hai trả lời chất vấn. 77 đại biểu đăng ký chất vấn người đứng đầu ngành Công Thương.

Chiều 6/11/2019, sau phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, người đứng đầu ngành Công Thương đã đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội về các nội dung liên quan đến lĩnh vực Công Thương, như: Tiến độ thực hiện dự án đưa điện về nông thôn; vấn đề phát triển điện mặt trời; chính sách mới để phát triển năng lượng sạch; hiệu quả của việc sắp xếp lại bộ máy quản lý thị trường; giải pháp phát triển công nghiệp phụ trợ trong thời gian tới; giải pháp ngăn chặn tình trạng hàng hóa nhập khẩu có in bản đồ hình lưỡi bò; kiểm soát hàng giả, hàng nhái...

Dự án đưa điện về vùng khó khăn chậm tiến độ vì thiếu vốn

Cụ thể, trả lời chất vấn của đại biểu Phương Thị Thanh (đoàn đại biểu tỉnh Bắc Kạn) về tiến độ thực hiện dự án đưa điện về nông thôn, miền núi, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận, dù đây là một đề án chính trị quan trọng của Đảng và Nhà nước nhưng chúng ta đã không đảm bảo thực hiện được theo đúng tiến độ dự án.

Người đứng đầu ngành Công Thương cho biết, mục tiêu của dự án hướng đến cung cấp điện lưới quốc gia cho hơn 11.000 hộ nông dân, 17 xã cũng như 9.890 thôn bản ở tất cả các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng gặp nhiều khó khăn trên cả nước. Cùng với đó, dự án cũng hướng tới mục tiêu cung cấp điện cho các trạm bơm tưới nước ở vùng đồng bằng sông Cửu Long với 13 tỉnh, thành. Dự án có quy mô đầu tư lên đến hơn 30 ngàn tỷ đồng.

bộ trưởng trần tuấn anh
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội chiều 6/11/2019

Để triển khai dự án, ngay từ năm 2017 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng kế hoạch cung cấp vốn cho dự án này, bao gồm nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, từ Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), nguồn vốn từ các địa phương và nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên minh châu Âu (EU) và nhiều tổ chức khác.

Trong cơ cấu vốn này, nguồn vốn lớn nhất mà chúng ta trông đợi đến từ WB và EU với quy mô lên đến 24.000 ngàn tỷ đồng.

Tuy nhiên, cuối 2017, đầu 2018, do trần nợ công lên rất cao, xấp xỉ lên tới mức giới hạn nên Chính phủ đã yêu cầu Bộ kế hoạch và Đầu tư rà soát tổng thể tất cả các chương trình đang sử dụng vốn vay dưới danh nghĩa chương trình quốc gia. Sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định tạm thời không xem xét đưa nguồn vay từ WB và EU vào dự án, ngoại trừ duy nhất khoản tiền hơn 2.800 tỷ đồng đã được EU giải ngân cho dự án.

Chính vì vậy, do yêu cầu của thời điểm đó, các dự án này không được tiếp tục bố trí vốn cũng như cung cấp nguồn lực để tiếp tục thực hiện dự án, đầu tư điện cho các địa phương. Tính đến nay, xét về tiêu chí vốn cũng như các chỉ tiêu của dự án, báo cáo với Quốc hội, chỉ có hơn 10% các nội dung của dự án được thực hiện và 18,5% nguồn vốn từ ngân sách được giải ngân đã được thực hiện, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

bộ công thương trả lời chất vấn
Đại biểu Phương Thị Thanh (tỉnh Bắc Kạn) chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về tiến độ thực hiện dự án đưa điện về nông thôn, miền núi và giải pháp ngăn chặn tình trạng hàng nước ngoài đội lốt hàng Việt Nam để xuất khẩu đi nước ngoài

Thông tin tiếp về dự án này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, sau khi Quốc hội và Chính phủ có những nỗ lực thực hiện an toàn nợ công quốc gia, giảm trần nợ công xuống thì hiện nay, chúng ta có những cơ sở thuận lợi để thực hiện tiếp dự án này.

Theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã làm việc tiếp với WB và EU, chuẩn bị sẵn sàng những nguồn hỗ trợ từ ưu đãi của hai tổ chức này, với quy mô lên khoảng 24.000 tỷ đồng. Như vậy, chúng ta đủ điều kiện nhằm tiếp tục triển khai các thành phần của dự án.

Tuy nhiên, dự kiến sẽ không hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 hầu hết các hộ được sử dụng điện. Do vậy, Bộ Công Thương kiến nghị Quốc hội cho phép tiếp tục sử dụng vốn vay từ các tổ chức quốc tế nhằm phục vụ cho việc triển khai dự án này, nhất là trong giai đoạn 2021-2025.

Phối hợp chặt chẽ chống gian lận xuất xứ hàng hóa

Tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Phương Thị Thanh về giải pháp ngăn chặn tình trạng hàng nước ngoài đội lốt hàng Việt Nam để xuất khẩu đi nước khác, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ, chúng ta đã hội nhập sâu với thế giới.

Thông qua hàng loạt các hiệp định thương mại đã ký kết, các ưu đãi thuế quan xuất khẩu sang thị trường quốc gia đối tác giúp chúng ta có lợi thế về thị trường so với các quốc gia khác.

Các hiệp định đa phương, song phương đã ký kết giúp chúng ta nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm khi sang nước khác. Nhưng với ưu đãi thuế quan, tiếp cận thị trường đã xuất hiện tình trạng sản phẩm đội lốt xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất sang các thị trường đối tác.

Ngay từ năm 2016, 2017, Bộ Công Thương và Chính phủ đã nhận thức rõ thách thức và những nguy cơ về vấn đề này.

bộ trưởng trần tuấn anh
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn Quốc hội nhiều nội dung nóng liên quan đến ngành Công Thương. 77 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng

Thực tế, vừa qua có doanh nghiệp đầu tư xuất khẩu nhôm tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã sử dụng nguyên liệu nhôm nung, nhôm nguyên liệu khác để có xuất xứ Việt Nam khi xuất khẩu đi nước ngoài. Ngay thời điểm tiếp nhận thông tin, Bộ Công Thương đã tổ chức các đoàn kiểm tra đến làm việc với doanh nghiệp này, báo cáo với các cấp, ban ngành.

Ngay sau đó, Chính phủ đã chỉ đạo cụ thể, giao Tổng cục Hải quan tiếp tục giám sát chặt chẽ, không cho phép lợi dụng xuất xứ Việt Nam để thực hiện gian lận thương mại trong hoạt động thương mại quốc tế.

Bên cạnh sản phẩm nhôm này cũng có một số sản phẩm khác có hiện tượng lợi dụng xuất xứ Việt Nam như thiết bị điện tử, máy tính, dệt may, da giày, đặc biệt là gỗ dán và các sản phẩm từ gỗ...

Những lĩnh vực này có dấu hiệu gian lận thương mại, truyền tải bất hợp pháp, lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ, EU đã được phát hiện. Bộ Công Thương đã chủ động báo cáo Chính phủ, phối hợp với các bộ ngành để xử lý vấn đề này.

Đặc biệt, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm quản lý xuất khẩu hàng hóa, sử dụng xuất xứ hàng hóa đã phối hợp chặt chẽ chống lại hành vi này.

Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Quyết định 824 để phê duyệt đề án về phòng vệ thương mại, trong đó tập trung đấu tranh những hành động gian lận xuất xứ thương mại và gian lận thương mại nói chung.

Trong đó, gồm 5 nhóm nhiệm vụ chính được giao cho các cơ quan chức năng, các Bộ ngành, gồm Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước và nhiều địa phương khác để đấu tranh hiệu quả  rong hoạt động  gian lận xuất xứ cũng như việc truyền tải bất hợp phát.

Người đứng đầu ngành Công Thương khẳng định, hiện nay có thể nói, chúng ta không chậm trễ, không gây tổn hại ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác của Việt Nam với các đối tác. 

Tịch thu ô tô có “bản đồ lưỡi bò”

Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp về biện pháp kiểm soát thị trường để ngăn chặn tình trạng hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam có cài cắm "bản đồ lưỡi bò”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận đây là một hiện tượng mới xuất hiện.

bộ công thương
Đại biểu Phạm Văn Hòa, tỉnh Đồng Tháp chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về biện pháp kiểm soát thị trường để ngăn chặn tình trạng hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam có cài cắm "bản đồ lưỡi bò”

Vừa qua, một số ô tô nhập khẩu phục vụ triển lãm trong hội chợ có sử dụng bản đồ định vị "đường lưỡi bò", sau đó một số sản phẩm nghe nhìn gặp tình trạng tương tự. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Công Thương đã tổ chức kiểm tra rà soát lại. Trước mắt, Bộ Công Thương thống nhất với Tổng cục Hải quan tổ chức tịch thu, sung công đối với ôtô phục vụ triển lãm.

Bộ trưởng cho biết cần có biện pháp phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát pháp lý để đảm bảo sự quản lý chặt chẽ hơn, tránh trường hợp lợi dụng tương tự trong tương lai.

Với một doanh nghiệp khác thực hiện hoạt động nhập khẩu ôtô, cũng xuất hiện "đường lưỡi bò" cài cắm vào, Bộ Công Thương đã yêu cầu thu hồi toàn bộ. Đồng thời, tước giấy phép nhập khẩu và kinh doanh ở Việt Nam cho đến khi nào khắc phục xong.

"Qua đây chúng tôi thấy có một lỗ hổng trong pháp lý, mà các bộ ngành trong đó có Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và Bộ Thông tin & Truyền thông... sẽ tiếp tục cần rà soát lại, để đảm bảo không xảy ra sự việc tương tự trong tương lai. Chúng ta sẽ hoàn thiện pháp luật và thể chế", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Trong phần trả lời của mình, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh sẽ làm rõ những vấn đề liên quan công tác quản lý, điều tiết điện lực; việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa; thương mại điện tử và kinh tế số; công tác quản lý thị trường; phòng chống gian lận thương mại; quản lý cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng. Phát triển, ứng dụng cơ khí chế tạo trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp...

Cùng tham gia với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh còn có các Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Theo chương trình, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh sẽ tiếp tục trả lời chất vấn vào đầu giờ sáng phiên họp ngày mai 7/11/2019.

Hạ An