“Bữa cơm nhiều màu” và những đứa trẻ ở Bản Khoang

Chúng tôi cứ tâm niệm rằng, chuyện làm thiện nguyện không phải là để ghi danh. Việc kể lại chỉ đơn thuần là lưu giữ cảm xúc, và để ai đó đọc được những dòng này biết về một nơi như thế, nơi những đứa trẻ thiếu thốn đủ thứ và mong được “thưởng thức” một “bữa cơm có nhiều màu”.

8 cây số “nhọc nhằn”

Tôi là dân hay đi. Từ những bản xa cao tít ở Điện Biên, Lai Châu, đến những điểm trường nằm ở lưng chừng núi đá của Hà Giang, Sơn La, Cao Bằng… ít nhiều cũng đã in dấu chân. Lần này “nhận lệnh” từ Tổng biên tập Tạp chí Công Thương cùng Đoàn Thanh niên Tạp chí đi thiện nguyện tại Bản Khoang, Sapa, quả thực tôi không mấy “mặn mà”.

Thiện nguyện tại Bản Khoang
Đoàn Thanh niên Tạp chí Công Thương đi thiện nguyện tại Bản Khoang, Sapa

Nghĩ đơn giản, ở trên kia, những nơi xa xôi hơn, lũ trẻ cần giúp đỡ nhiều hơn, sao lại chọn một nơi chỉ cách thị trấn du lịch sầm uất Sapa có gần ba chục cây!? Chiếc hòm từ thiện đặt ở vị trí trang trọng trong Toà soạn của Tạp chí, số tiền trong đó cứ đầy dần lên. Đa số các BTV, các PV hay Tổng biên tập đều “chẳng nói, chẳng rằng”, lặng lẽ, âm thầm “góp tâm” mình vào đó, chờ đến đợt là lấy ra mua đồ, lên tận nơi, trao tận tay cho những đứa trẻ miền núi. Thế nên, mỗi năm, chọn điểm nào để đoàn Tạp chí đi làm từ thiện luôn là “bài toán” khó. Không tiếc tiền, tiếc công nhưng phải đến nơi nào cho xứng với cái tâm nguyện của mọi người. Vì ở đâu đó trên khắp dải đất hình chữ S này, còn quá nhiều đứa trẻ bước đến trường với vô vàn khó khăn.

Tôi đã định “ý kiến”, nhưng tin vào “sếp”, tin vào lựa chọn của những người đi trước nên không “gợn” nữa. Ngồi hơn 300 cây số lên đến thị trấn Sapa, đi thêm 16 cây nữa vào đến trung tâm xã Bản Khoang dễ dàng chẳng khác nào đi du lịch ngắm cảnh. Nhưng như thế thì còn gì để mà nói. Điểm chúng tôi trao quà là Trường tiểu học Bản Khoang 0, cách đây đúng 8 cây số. 8 cây số ở phố thì ngắn. 8 cây số ở đây là cả một “khoảng cách” dài. Khoảng cách giữa sự đủ đầy và thiếu thốn. Khoảng cách giữa sự quần tụ và heo hút. Khoảng cách ấy, đôi khi còn tạo ra cả sự lãng quên.

Đường vào Bản Khoang
Đường vào Bản Khoang

Đường nối trung tâm xã Bản Khoang với trường Bản Khoang 0 dù giờ đã được san, ủi, to hơn nhiều, nhưng có lẽ vẫn không thể gọi đó là “con đường”. Dưới bánh chiếc xe máy các thầy, cô chở đoàn chúng tôi vào trường là lổn nhổn đá và đất. Đi một đoạn lại vắt ngược lên bởi những con dốc cao dựng đứng. Có đoạn qua cây cầu treo bằng gỗ đung đưa. Có đoạn phải bỏ giầy, xắn quần đẩy xe qua suối. Trời nắng còn khó đến vậy, trời mưa thì là cả một cuộc “vật lộn”.

“Chả có loại xe con thông thường nào vào được đây anh ạ, trừ xe tải gầm cao, 2 cầu. Năm ngoái, tụi em được tặng một chiếc tủ lạnh. Các nhà hảo tâm cũng chỉ chở giúp đến trung tâm xã. Còn từ ngoài xã vào phải tự lo. Thuê xe tải thì không đủ điều kiện. Vì một chuyến chở từ xã vào họ tính phí 2 triệu tư. Chở xe máy thì càng không được. Thế là 8 anh em dùng cáng, thay phiên nhau khiêng bộ về, mất nguyên buổi sáng” – thầy Trường, giáo viên lớp 5, vừa chở tôi trên chiếc xe máy cà tàng, vừa kể.

Đường vào Bản Khoang 0
8 cây số nhọc nhằn

Mà 8 cây số đi nhọc một phần. 8 cây số ấy còn là 8 cây số đầy kỷ niệm buồn. Có cô bị xẩy thai, động thai vì đi trên con đường này. Có thầy bị ngã gãy chân cũng vì đi trên con đường này. 8 cây số, mà sao thấy xa xôi, trắc trở quá.

“Bữa cơm nhiều màu”

Chúng tôi đến được Bản Khoang 0 thì trời cũng đã chạng vạng chiều. Ngôi trường nằm ở lưng chừng núi. Không tường bao, không biển hiệu. Bản Khoang 0 còn có nhiều “số 0” hơn thế.

Đường vào Bản Khoang 0
Đặt chân tới Trường tiểu học Bản Khoang 0

Các thầy, cô đã quá quen với việc ở đây không sóng điện thoại, không internet. Cả trường có đúng một căn phòng “vớt” được chút sóng. Thế là thầy, cô nào muốn gọi điện, phải qua căn phòng ấy, dựng máy điện thoại dọc cửa sổ, bật loa ngoài lên để liên lạc. Vì chỉ cần cầm lên, áp vào tai là mất sóng. “Bọn tôi dùng điện thoại có khi vài ngày chả hết pin. Công dụng chính của điện thoại chắc chỉ để chụp ảnh, gọi bất tiện nên không mấy khi gọi” – thầy Thành, giáo viên chủ nhiệm lớp 3 của trường nói vui.

Thiện nguyện tại Bản Khoang 0
Đoàn Thanh niên Tạp chí Công Thương làm công tác từ thiện tại Trường tiểu học Bản Khoang 0

Bọn trẻ sống nội trú trong trường Bản Khoang 0 dĩ nhiên cũng “không” nhiều thứ. Không gia đình. Không có sự chăm lo của bố mẹ. Chúng không biết nhiều đến thế giới ngoài kia và không có một cuộc sống đủ đầy. Chúng – đứa nhỏ nhất 6 tuổi, lớn nhất 11 tuổi, khác lắm so với những đứa trẻ thành phố. Sáng dậy tự vệ sinh cá nhân, tự sắp bát ăn sáng. Ăn xong tự rửa đũa, thìa của mình. Tối tự tắm, tự học, tự lên giường đi ngủ. Chúng “không” nhiều thứ, nhưng “có” được sự tự lập.

Bữa ăn nhiều màu
"Bữa cơm nhiều màu" hiếm hoi

Tôi cứ bị ấn tượng mãi hình ảnh bữa cơm tối hôm đó – khi chúng tôi có mặt ở trường. Nhờ có sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp là đối tác thân thiết của Tạp chí, đoàn từ thiện đã trao nhiều suất quà, và mang theo nhiều sản phẩm của doanh nghiệp như mỳ gói, xúc xích, dầu ăn, nước ngọt… bổ sung ngay vào bữa ăn cho các cháu. Cái gì cũng là “lần đầu tiên” với đám trẻ. Lần đầu tiên được ăn xúc xích. Lần đầu tiên được uống “nước ngọt sủi bọt”. Lần đầu tiên được “nếm” khoai tây chiên. Và lần đầu tiên được đưa vào miệng những miếng phồng tôm giòn tan.

Nhưng lạ. Dù nhìn những thứ thực phẩm “lần đầu tiên” được ăn ấy một cách rất thèm thuồng, nhưng đám trẻ chỉ cầm đũa khi có “lệnh”. Chúng ăn uống từ tốn, không tranh giành, đứa lớn lấy cho đứa bé. Không cần nhắc, hễ người lớn đưa cho cái gì là chúng khoanh tay, cúi đầu, vâng dạ. Đứa nào, đứa nấy ăn hết phần của mình mà không để lại chút thừa nào. Sự thiếu thốn khiến chúng biết quý trọng đồ ăn hơn, biết chia sẻ và bớt ích kỷ hơn. Khác xa với những đứa trẻ thành phố.

Bữa cơm nhiều màu
Học sinh nội trú tại Trường Tiểu học Bản Khoang 0 ăn ở cùng thầy, cô tại trường

Khi một thành viên trong Đoàn từ thiện hỏi: “Các con ăn có ngon không?”. Mấy chục đứa trẻ đồng thanh: “Ngon ạ!”. Một “anh lớn” lớp 5 nhanh nhảu: “Bữa hôm nay có rất nhiều màu ạ”. Mấy nhóc nhỏ hơn nhao lên hưởng ứng. Đứa bảo, có màu vàng của khoai tây chiên. Đứa chỉ, màu đỏ của xúc xích. Đứa kể, màu xanh của rau, màu cam của nước ngọt…

Những thứ màu sắc của các loại thực phẩm thanh đạm tưởng như rất bình thường đó, buồn thay, lại ít khi xuất hiện trong bữa ăn của đám trẻ. Chúng nhìn thấy một bữa ăn nhiều màu. Còn tôi, tôi nhìn thấy trong mắt chúng màu xanh của hy vọng khi có ai đó đồng hành cùng chúng đến trường. Nhìn thấy màu đỏ nhiệt huyết của các thầy, cô bám trụ nơi đây. Và nhìn thấy màu vàng ấm áp của sự sẻ chia, của tình người đến từ các nhà hảo tâm.

Vẫn cần lắm, cần lắm những “bữa cơm nhiều màu”!

Những đứa trẻ ở trường tiểu học Bản Khoang 0
Những đứa trẻ ở Trường Tiểu học Bản Khoang 0
Thế Đạt