Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng hệ thống thông tin kế toán tại các Kho bạc nhà nước tỉnh Trà Vinh

BÙI THỊ THÚY OANH (Trường Đại học Trà Vinh) - LA XUÂN ĐÀO (Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bài viết nhằm xác định và đánh giá mức độ tác động của các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng hệ thống thông tin kế toán (HTTTKT) tại các Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh Trà Vinh. Qua đó, đề xuất hàm ý chính sách nhằm nâng cao chất lượng HTTTKT tại các KBNN tỉnh Trà Vinh.

Kết quả nghiên cứu đã xác định được 6 nhân tố có sự ảnh hưởng đến chất lượng HTTTKT tại các KBNN tỉnh Trà Vinh, theo thứ tự giảm dần là: Trình độ của người sử dụng, Chất lượng phần mềm, Hệ thống văn bản pháp lý, Chất lượng dữ liệu, Hoạt động kiểm tra, giám sát và Chất lượng thiết bị.

Từ khóa: Hệ thống thông tin kế toán, Kho bạc Nhà nước tỉnh Trà Vinh, thông tin kế toán.

1. Giới thiệu

Ngày nay, công nghệ thông tin (CNTT) được ứng dụng rộng rãi trong các hoạt động nghiệp vụ, giúp cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách, cũng như tạo nhiều thuận lợi cho khách hàng. Mục tiêu của KBNN trong tương lai là nâng cao chất lượng dịch vụ kho bạc, góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ, hướng tới hình thành kho bạc số. Vì vậy, vai trò của HTTTKT ngày càng được nâng cao, đặc biệt là khi sự phát triển của CNTT ngày càng tác động mạnh mẽ đến toàn hệ thống KBNN. Với yêu cầu ngày càng phức tạp của công tác quản lý tài chính nhà nước, yêu cầu phản ánh đầy đủ, kịp thời cũng như công khai và minh bạch thông tin tài chính nhà nước ở Việt Nam, đòi hỏi phải nâng cao chất lượng HTTTKT, để vừa đảm bảo vận dụng một cách phù hợp, linh hoạt những nguyên tắc, thông lệ và chuẩn mực kế toán công quốc tế, vừa đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Cùng với hệ thống KBNN trên toàn quốc, kể từ năm 2019, KBNN Trà Vinh tổ chức thực hiện lập báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN) niên độ 2018. Theo đó, việc quy định mẫu biểu, hướng dẫn quy trình tổng hợp, lập và gửi báo cáo cung cấp thông tin tài chính để lập BCTCNN và các chỉ tiêu cụ thể trên BCTCNN được xây dựng nội dung phù hợp các chuẩn mực kế toán công quốc tế (IPSAS) để dễ so sánh, đánh giá theo thông lệ quốc tế, chất lượng HTTTKT cần phải được nâng cao, để phù hợp và đáp ứng với những yêu cầu mới.

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng HTTTKT tại các KBNN tỉnh Trà Vinh, đồng thời đánh giá được mức độ tác động của từng nhân tố đến chất lượng HTTTKT và đề xuất một số hàm ý chính sách nhằm nâng cao chất lượng HTTTKT tại các KBNN tỉnh Trà Vinh.

2. Mục tiêu và phương pháp nghiên cứu

Dựa vào lý thuyết của Theo Romney & Steinbart (2015) về các thành phần của HTTTKT (Con người, thao tác và thủ tục, tổ chức dữ liệu, phần mềm, phần cứng, kiểm soát và an toàn hệ thống), các nghiên cứu liên quan đến đề tài và kết quả nghiên cứu định tính, mô hình chính thức được đưa ra như Hình 1.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu

Mô hình nghiên cứu

Nghiên cứu định tính được tiến hành thông qua việc thảo luận ý kiến chuyên gia theo nội dung chuẩn bị trước và thực hiện khảo sát lấy ý kiến về mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến chất lượng HTTTKT tại các KBNN tỉnh Trà Vinh bằng bảng trả lời câu hỏi được thiết kế dựa trên thang đo Likert 5 mức độ. Nội dung thảo luận sẽ được ghi nhận, tổng hợp làm cơ sở cho việc điều chỉnh và bổ sung các nhân tố. Nghiên cứu định lượng thông qua thực hiện phân tích hồi quy và kiểm định các giả thiết của mô hình. Mẫu được chọn theo phương pháp ngẫu nhiên bao gồm 159 đối tượng tham gia vào việc vận hành HTTTKT đó chính là Ban lãnh đạo, kế toán viên, chuyên viên (tại KBNN Trà Vinh); Ban lãnh đạo, kế toán trưởng, giao dịch viên (tại KBNN các huyện, thị xã trực thuộc KBNN Trà Vinh. Phương trình hồi quy tuyến tính như sau:

CLHT = β1TDSD + β2VBPL + β3CLDL + β4CLPM + β5CLTB + β6KTGS

Trong đó: CLHT: Biến phụ thuộc (chất lượng HTTTKT của các KBNN tại tỉnh Trà Vinh)

Các biến độc lập bao gồm: TDSD Trình độ của người sử dụng; VBPL Hệ thống văn bản pháp lý; CLDL Chất lượng dữ liệu; CLPM Chất lượng phần mềm; CLTB Chất lượng thiết bị; KTGS Hoạt động kiểm tra, giám sát. β1, … β6: Các tham số của mô hình.

3. Kết quả nghiên cứu

Bảng 1. Kiểm định Cronbach’s Alpha

Kiểm định Cronbach’s Alpha

Nguồn: Kết quả phân tích SPSS

Bảng 1 cho thấy, tất cả các nhân tố trong mô hình đều có giá trị Cronbach’s Alpha > 0,6, chứng tỏ độ tin cậy của các thang đo là tốt và tất cả nhân tố đều được đưa vào phân tích ở bước tiếp theo. Như vậy, mô hình nghiên cứu sau khi kiểm định Cronbach’s Alpha bao gồm 6 biến độc lập (23 biến quan sát) và 1 biến phụ thuộc (4 biến quan sát).

3.1. Phân tích nhân tố khám phá EFA

Bảng 2. Kiểm định KMO và Bartlett cho thang đo các biến độc lập

Kiểm định KMO và Bartlett cho thang đo các biến độc lập

Nguồn: Kết quả phân tích SPSS

Kết quả tại Bảng 2 cho thấy hệ số KMO = 0.768 > 0.5 và kiểm định Bartlett có Sig. = 0.000< 0.05. Như vậy, phân tích nhân tố để nhóm các biến lại với nhau là thích hợp và dữ liệu phù hợp cho việc phân tích nhân tố.

Bảng 3.  Kiểm định KMO và Bartlett cho thang đo biến phụ thuộc

Kiểm định KMO và Bartlett cho thang đo biến phụ thuộc

Nguồn: Kết quả phân tích SPSS

Bảng 3 cho thấy hệ số KMO = 0.692 > 0.5, do vậy, việc phân tích nhân tố phù hợp với dữ liệu. Kiểm định Bartlett có mức ý nghĩa Sig. = 0.000< 0.05 cho thấy các biến quan sát có tương quan với nhau xét trên phạm vi tổng thể.

3.2. Kiểm định mô hình hồi quy

Bảng 4. Bảng tóm tắt mô hình

Bảng tóm tắt mô hìnha. Predictors: (Constant), KTGS, CLDL, CLPM, VBPL, CLTB, TDSD

b. Dependent Variable: CLHT

Nguồn: Kết quả phân tích SPSS

Theo Bảng 4, hệ số R = 0.786 cho thấy mối quan hệ giữa các biến trong mô hình có mối tương quan chặt chẽ. Giá trị R2 = 0.617, có nghĩa độ thích hợp của mô hình là 61.7% hay 61.7% sự biến thiên của biến phụ thuộc được giải thích bởi 6 nhân tố. Giá trị R2 điều chỉnh = 0.602 cho thấy các biến độc lập đưa vào mô hình ảnh hưởng 60.2% sự thay đổi của biến phụ thuộc, còn lại 39.8% là do các biến ngoài mô hình và sai số ngẫu nhiên.

Kết quả tại Bảng 5 cho phương trình hồi quy như sau:

Bảng 5. Bảng trọng số hồi quy

Bảng trọng số hồi quy

Phương trình hồi quy:

CLHT = 0.315TDSD + 0.295CLPM + 0.283VBPL + 0.226CLDL + 0.173KTGS +0.130CLTB

Trong đó, hệ số Sig của 6 biến độc lập đều < 0.05, do đó các biến độc lập đều có ý nghĩa và đều tác động cùng chiều đến biến phụ thuộc. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 6 nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng HTTTKT tại các KBNN trên địa bàn tỉnh Trà Vinh với mức độ tác động theo thứ tự từ cao xuống thấp như sau: Trình độ của người sử dụng, Chất lượng phần mềm, Hệ thống văn bản pháp lý, Chất lượng dữ liệu, Hoạt động kiểm tra, giám sát, Chất lượng thiết bị.

“Trình độ của người sử dụng” là nhân tố có ảnh hưởng lớn nhất (β = 0.315), do vậy, nếu người sử dụng HTTTKT có trình độ chuyên môn tốt, hiểu biết chuyên sâu sẽ góp phần nâng cao chất lượng HTTTKT tại các KBNN tỉnh Trà Vinh. Kết luận này phù hợp với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Tấn Luật (2019).

Vị trí thứ hai là nhân tố “Chất lượng phần mềm” có tác động tích cực đến “Chất lượng HTTTKT tại các KBNN tỉnh Trà Vinh” với β = 0.295. Kết luận này phù hợp với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Tấn Luật (2019). Thực tế cho thấy phần mềm hỗ trợ tốt cho công tác kế toán từ khâu nhập liệu, xử lý đến lưu trữ. Chất lượng phần mềm càng cao thì chất lượng HTTKT càng cao, thông qua việc cung cấp số liệu báo cáo, thông tin hữu ích cho các đối tượng sử dụng cả bên trong và bên ngoài đơn vị.

Nhân tố “Hệ thống văn bản pháp lý” có tác động tích cực đến “Chất lượng HTTTKT tại các KBNN tỉnh Trà Vinh”, ở vị trí thứ ba với bβ = 0.283. Các KBNN tại tỉnh Trà Vinh cần phải tuân thủ các quy định pháp luật, hệ thống văn bản pháp lý về HTTTKT để đảm bảo cung cấp thông tin cho các đối tượng sử dụng một cách kịp thời, hiệu quả và chính xác. Kết luận này phù hợp với kết quả nghiên cứu của Lê Thị Tố Quyên (2019).

Nhân tố “Chất lượng dữ liệu” có tác động tích cực và thuận chiều đến “Chất lượng HTTTKT tại các KBNN tỉnh Trà Vinh” (β = 0.226). Khi dữ liệu có chất lượng cao, qua quá trình xử lý sẽ mang lại thông tin đáng tin cậy, góp phần nâng cao chất lượng HTTTKT. Kết luận này phù hợp với kết quả nghiên cứu của Ahmad Al-Hiyari et al (2013).

Nhân tố “Chất lượng thiết bị” có tác động tích cực và thuận chiều đến “Chất lượng HTTTKT tại các KBNN tỉnh Trà Vinh” với β = 0.130. Kết luận này phù hợp với kết quả nghiên cứu của Lê Thị Tố Quyên (2019). Khi hệ thống thiết bị được trang bị đầy đủ, hiện đại, bảo trì thường xuyên sẽ góp phần nâng cao chất lượng HTTTKT, hỗ trợ cho việc xử lý dữ liệu nhanh chóng, kịp thời.

Nhân tố “Hoạt động kiểm tra, giám sát” có tác động tích cực và thuận chiều đến “Chất lượng HTTTKT tại các KBNN tỉnh Trà Vinh” (bβ = 0.173). Kết luận này phù hợp với kết quả nghiên cứu của Lê Thị Tố Quyên (2019). Việc kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo an toàn hệ thống, giảm thiểu rủi ro, sai sót, góp phần mang lại thông tin đáng tin cậy.

4. Một số hàm ý chính sách nhằm nâng cao chất lượng HTTTKT tại các Kho bạc Nhà nước tỉnh Trà Vinh

Người sử dụng HTTTKT cần nâng cao trình độ chuyên môn nhằm bổ sung kiến thức về HTTTKT, nâng cao kỹ thuật thao tác, phối hợp giữa các thành viên tham gia hệ thống để góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chung của đơn vị. Ngoài ra, để mỗi người có thể nắm vững nhiều nghiệp vụ thì việc thực hiện chính sách luân chuyển vị trí công tác là điều cần thiết. Khi đó, mọi người có thể trao đổi, hỗ trợ nhau để cùng giải quyết những vấn đề phát sinh, góp phần làm giảm bớt áp lực cho cá nhân. Việc khen thưởng kịp thời, hợp lý sẽ có tác dụng động viên công chức phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, kích thích phong trào thi đua trong đơn vị. Hiện nay, một số mẫu biểu báo cáo trong hệ thống TABMIS chưa đáp ứng yêu cầu của KBNN Trung ương, Bộ Tài chính và các ban ngành, đặc biệt là đối với các báo cáo về đầu tư xây dựng cơ bản. Do đó, chương trình TABMIS cũng cần được hoàn thiện để bổ sung các mẫu biểu báo cáo định kỳ, các bảng đối chiếu với các đơn vị sử dụng ngân sách góp phần mang lại hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, cán bộ công chức cần thường xuyên cập nhật kiến thức về các tính năng mới của phần mềm và các ứng dụng liên quan; có sự phối hợp chặt chẽ với cán bộ hỗ trợ xử lý lỗi kỹ thuật để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, đảm bảo phần mềm hoạt động hiệu quả. Định kỳ, bộ phận quản trị phần mềm cần có những cuộc khảo sát đối với những người trực tiếp vận hàng hoặc liên quan đến phần mềm. Nội dung khảo sát bao gồm: đánh giá thực trạng hệ thống TABMIS (hệ thống đáp ứng được những phần công việc nào, chưa đáp ứng được phần nào, tốc độ xử lý của hệ thống,...); các kiến nghị nhằm nâng cấp hệ thống (phạm vi chức năng của hệ thống phục vụ nghiệp vụ chuyên môn ở mức độ nào, có cần đưa chức năng nào lên nền tảng thiết bị di động như máy tính bảng, điện thoại di động...). Qua đó, các nhà quản trị phần mềm có thể khắc phục những tồn tại, thiếu sót, cũng như bổ sung những tiện ích mới, để đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý tài chính công của hệ thống KBNN. Các đơn vị kế toán trong lĩnh vực công vẫn đang thực hiện theo chế độ kế toán với từng đối tượng cụ thể. Mặc dù các đơn vị đã từng bước hoàn thiện trong việc xây dựng các quy định trong lĩnh vực kế toán công để phù hợp với các thông lệ quốc tế, nhưng việc ghi nhận và trình bày các thông tin về tình hình thu chi NSNN, kế toán các quỹ tài chính,... vẫn còn khoảng cách. Chất lượng dữ liệu là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng HTTTKT. Để vận hành ổn định Kho dữ liệu, các đơn vị thuộc KBNN, trong đó có KBNN Trà Vinh cần phối hợp theo dõi việc triển khai trong hệ thống KBNN để cập nhật, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, đảm bảo chương trình vận hành ổn định, mang lại tiện ích, thao tác đơn giản. Đồng thời, các đơn vị này phải xây dựng phương án đảm bảo kiểm soát, giám sát đầy đủ các điều kiện vận hành hệ thống Kho dữ liệu, như: hạ tầng truyền thông, đường truyền mạng,... các điều kiện về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng. Hằng năm, KBNN Trung ương cũng cần tăng thêm nguồn lực cho chương trình phát triển, ứng dụng CNTT và bảo trì, bảo dưỡng thiết bị. Trong đó, cần cân đối về cơ cấu, số lượng trang thiết bị dự phòng, tăng cường sử dụng các nguồn lực tư vấn phát triển ứng dụng từ bên ngoài theo hướng chuyên nghiệp hóa, đảm bảo chất lượng hoạt động của các thiết bị.

5. Kết luận

Việc xác định được những nhân tố tác động đến chất lượng HTTT kế toán tại các Kho bạc tỉnh Trà Vinh cùng những gợi ý chính sách nhằm nâng cao chất lượng HTTTKT tại đơn vị, các đơn vị KBNN cần phải chú trọng đến trình độ của người sử dụng, hệ thống văn bản pháp lý, chất lượng dữ liệu, chất lượng phần mềm, chất lượng thiết bị và các hoạt động kiểm tra giám sát để có thể mang lại hiệu quả cao trong quản lý tài chính công, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Với yêu cầu ngày càng phức tạp của công tác quản lý tài chính nhà nước, yêu cầu phản ánh đầy đủ, kịp thời cũng như công khai và minh bạch thông tin tài chính nhà nước ở Việt Nam, đòi hỏi phải nâng cao chất lượng HTTTKT, để vừa đảm bảo vận dụng một cách phù hợp, linh hoạt những nguyên tắc, thông lệ và chuẩn mực kế toán công quốc tế, vừa đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tài liệu tiếng Việt:

  1. Nguyễn Tấn Luật (2019), Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng hệ thống thông tin kế toán tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, Luận văn thạc sĩ Kế toán, Trường Đại học Trà Vinh.
  2. Lê Thị Tố Quyên (2019), Các nhân tố ảnh hưởng đến tổ chức hệ thống thông tin kế toán tại các đơn vị Kho Bạc Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bến Tre, Luận văn thạc sĩ Kế toán, Trường Đại học Trà Vinh.
  3. Tăng Thị Bích Quyên (2017), “Tổng quan về hệ thống thông tin quản lý ngân sách và Kho bạc (TABMIS)”, Tạp chí Công Thương, 4+5, 359-362.
  4. Nguyễn Đình Thọ (2013), Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh, Nhà xuất bản Tài chính, TP. Hồ Chí Minh.

Tài liệu tiếng Anh:

  1. Ahmad Al- Hiyari and et al. (2013). The factors affecting the implementation of accounting information systems and accounting information quality: A survey police at the University Utara Malaysia. Journal of Economics, 3(1), 27-31.
  2. Fardinal. (2013). The Quality of Accounting Information and The Accounting Information System through The Internal Control Systems: A Study on Ministry and State Agencies of The Republic of Indonesia. Research Journal of Finance and Accounting, 4(6), 156-161.
  3. Romney M. B & Steinbart P. J. (2015). Accounting Information System, 13th Edition. UK: Pearson Education, Inc.
  4. Tabachnick, B.G., & Fidell, L.S & Ullman, J.B. (2007). Using Multivariate Statistics, (Vol 5). Boston, MA: Pearson.
  5. Yahua Qiao. (2011). Instertate Fiscal Disparities in America, New York: Routledge.

FACTORS AFFECTING THE QUALITY

OF ACCOUNTING INFORMATION SYSTEM

AT THE STATE TREASURY OF TRA VINH PROVINCE

• BUI THI THUY OANH

Tra Vinh University

• LA XUAN DAO

Ho Chi Minh City Open University 

ABSTRACT:

This paper identifies and evaluates the impact of factors affecting the quality of the accounting information system at the State Treasury of Tra Vinh Province. Based on the paper’s findings, some policy implications are proposed to improve the quality of the provincial State Treasury’s accounting information system.

This paper’s results show that there are 6 factors affecting the qualitty of the accounting information system at the State Treasury of Tra Vinh Province. These factors, in descending order of impact, are as follows: the education level of users, tthe quality of software, the system of legal documents, the quality of data sets, the testing and monitoring activity and the quality of equipment.

Keywords: Accounting information system, the State Treasury of Tra Vinh Province, accounting information.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 27, tháng 11 năm 2020]