Các nhân tố ảnh hưởng đến tính hữu hiệu của hệ thống thông tin kế toán tại các doanh nghiệp sản xuất Thành phố Hồ Chí Minh

ĐỒNG QUANG CHUNG (Khoa Kế toán, Trường Đại học Tôn Đức Thắng) - NGUYỄN HỮU THIỆN (Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức) - NGUYỄN THỊ HOÀI THƯƠNG (Công ty TNHH MTV 990 - Công an TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Hệ thống thông tin kế toán (AIS) là một công cụ được thiết lập để đồng nhất hoạt động quản trị và kiểm soát trong môi trường công nghệ thông tin. Do đó, nghiên cứu đã tìm hiểu ảnh hưởng của kiến thức nhà quản lý về AIS và kế toán; công ty tư vấn; phần mềm; và cam kết của nhà quản lý đến tính hữu hiệu của AIS tại các doanh nghiệp sản xuất TP. Hồ Chí Minh. Kết quả là cam kết của nhà quản lý có ảnh hưởng mạnh nhất và yếu nhất là phần mềm.

Từ khóa: Hệ thống thông tin kế toán, sự hữu hiệu của hệ thống thông tin kế toán, doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ.

1. Giới thiệu

Sự tồn tại của các doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế của TP. Hồ Chí Minh, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất. Và, AIS là tổng thể bao gồm nhiều thành phần để thực hiện thu thập thông tin, dữ liệu và chuyển đổi thành thông tin tài chính, quản trị quan trọng giúp nhà quản lý ra quyết định.

Tuy nhiên, việc xây dựng và vận hành AIS tại các doanh nghiệp có thể chưa hữu hiệu do tính phức tạp của hệ thống thông tin. Điều này dẫn đến chất lượng thông tin đầu ra chưa đáp ứng được kỳ vọng của các nhà quản lý.

Vì vậy, nghiên cứu này góp phần xác định và đánh giá mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến tính hữu hiệu của AIS nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất có sự định hướng trong vận hành và hoàn thiện AIS tại đơn vị của mình.

2. Lý thuyết nền nghiên cứu

2.1. Hệ thống thông tin kế toán

AIS là một tập hợp, chẳng hạn như người và thiết bị, được thiết kế để biến đổi tài chính và các dữ liệu khác thành thông tin (Bodnar & Hopwood, 2001). Trong các doanh nghiệp sản xuất, AIS là một hệ thống thu thập, ghi chép dữ liệu quá trình sản xuất thông tin cho các nhà sả xuất ra quyết định (Ismail, 2009).

Các thành phần của một AIS bao gồm: (1) Nhân sự (người điều khiển hệ thống); (2) Trình tự, thủ tục sử dụng trong thu thập, xử lý, lưu trữ thông tin (Lưu đồ); (3) Dữ liệu về tổ chức và quá trình xử lý; (4) Phần mềm để xử lý dữ liệu; (5) Trang thiết bị công nghệ; và (6) Kiểm soát nội bộ và an toàn tài liệu.

6 thành phần trên giúp AIS đảm bảo thực hiện 3 chức năng chính gồm: (1) Thu thập và lưu trữ thông tin về hoạt động và nguồn lực của doanh nghiệp; (2) Chuyển đổi dữ liệu ban đầu thành thông tin hữu ích cho nhà quản lý ra quyết định; (3) Đảm bảo kiểm soát thông tin, tài sản, và dữ liệu luôn có sẵn có, chính xác, tin cậy.

2.2. Tính hữu hiệu của hệ thống thông tin kế toán

Tính hữu hiệu của AIS là mức độ mà AIS thực sự góp phần đạt được các mục tiêu của tổ chức, bao gồm: các mục tiêu hoạt động, mục tiêu báo cáo, mục tiêu tuân thủ, tiết kiệm chi phí, cung cấp báo cáo kịp thời, nhanh chóng (Ismail, 2009)… Một AIS được cho là hữu hiệu khi các thông tin cung cấp đầy đủ những yêu cầu của người sử dụng thông tin (Bodnar & Hopwood, 2001).

Để đánh giá tính hữu hiệu của một AIS, 6 yếu tố của mô hình hệ thống thông tin thành công của DeLone và McLean (1992) là chất lượng hệ thống; chất lượng thông tin; sử dụng; sự hài lòng người sử dụng; tác động đối với cá nhân; và tác động đối với tổ chức được sử dụng trong nhiều nghiên cứu (Ismail, 2009).

Bên cạnh đó, hai lý thuyết được sử dụng để giải thích/đánh giá tính hữu hiệu của AIS bao gồm lý thuyết khuếch tán công nghệ của Attawell (1992) và lý thuyết dựa trên nguồn lực của công ty của Wernerfelt (1995). Theo Attawell, các công ty có xu hướng chậm trễ trong việc áp dụng công nghệ do thiếu các thông tin về cách thực hiện và vận hành AIS. Điều này cho thấy, kiến thức của nhà quản lý, sự tư vấn từ nhà tư vấn và nhà cung cấp có ảnh hưởng tích cực đến tính hữu hiệu của AIS. Đồng thời, Wernerfelt cho rằng doanh nghiệp là tập hợp các nguồn lực, trong đó giá trị của một nguồn lực phụ thuộc phần nào vào sự hiện diện của các nguồn lực khác. Do đó, tính hữu hiệu của AIS sẽ phụ thuộc vào các nhân tố như kiến thức, trình độ và cam kết của nhà quản lý, cơ sở vật chất/hạ tầng của doanh nghiệp.

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Giả thuyết nghiên cứu

Tính hữu hiệu của AIS phụ thuộc vào các nhân tố bên trong doanh nghiệp cũng như bối cảnh hoạt động kinh doanh (Nicolaou, 2000). Trong đó, sự cam kết của nhà quản lý trong đầu tư, triển khai, vận hành AIS là vô cùng quan trọng (Ismail, 2009). Chỉ có họ mới có thể đảm bảo cung cấp các nguồn lực cần thiết sự vận hành của AIS (Thong, 2001). Do vậy, sự hiểu biết và nhận thức của họ về kế toán và hệ thống thông tin có vai trò quyết định đến tính hữu hiệu của hệ thống này (Nicolaou, 2000; Ismail, 2009) đã chứng minh rằng các nhà quản lý chính là yếu tố quan trọng để sử dụng nguồn lực vào việc thực thi AIS. Do đó, hai giả thuyết nghiên cứu được đề xuất:

H1: Kiến thức nhà quản lý về AIS ảnh hưởng tích cực đến tính hữu hiệu AIS.

H2: Kiến thức nhà quản lý về kế toán ảnh hưởng tích cực đến tính hữu hiệu AIS.

Chỉ có nhà quản lý mới có thể am tường mọi hoạt động của tổ chức và gắn AIS thành một thành phần trong mục tiêu và chiến lược hoạt động của doanh nghiệp (Ismail, 2009). Từ đó, sự cam kết của họ sẽ giúp AIS đạt được tính hữu hiệu thông qua việc phân bổ nguồn lực (Thong, 2001). Vì thế, các tác giả cho rằng:

H3: Cam kết của nhà quản lý có mối quan hệ tích cực với tính hữu hiệu AIS.

Bên cạnh, sự tư vấn từ các tổ chức bên ngoài cũng góp phần làm tăng tính hữu hiệu của AIS (Ismail, 2009). Vì từ khi doanh nghiệp có ý định triển khai đến xây dựng và vận hành hệ thống này, sự tham gia tư vấn của các công ty tư vấn về kế toán và nhà cung cấp (NCC) phần mềm hệ thống là vô cùng quan trọng (Nicolaou, 2000). Chính họ đã góp phần đẩy nhanh việc áp dụng hệ thống công nghệ thông tin vào các doanh nghiệp, triển khai và vận hành AIS. Do đó, giả thuyết được đặt ra là:

H4: Sự tham gia tư vấn từ công ty kế toán có mối quan hệ tích cực với tính hữu hiệu AIS.

H5: Sự tham gia tư vấn từ nhà cung cấp phần mềm có mối quan hệ tích cực với tính hữu hiệu AIS.        

3.2. Mô hình nghiên cứu

Trên cơ sở kế thừa mô hình nghiên cứu của Ismail (2009) và có sự điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh môi trường hoạt động của đối tượng nghiên cứu (Thong, 2001), mô hình nghiên cứu được các tác giả đề xuất như Hình 1.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu

http://tapchicongthuong.vn/images/yen-koi/nckh/chung_4_6.jpg

Nguồn: Các tác giả đề xuất

Từ mô hình nghiên cứu đề xuất, tác giả đề xuất phương trình hồi quy chưa chuẩn hóa để kiểm định các giả thuyết nghiên cứu có dạng như sau:

THH = β0 + β1*KTAIS + β2*KTKT + β3*CKNQL + β4*TVKT + β5*NCC + εi

Trong đó: THH là tính hữu hiệu AIS; KTAIS là kiến thức nhà quản lý về AIS; KTKT là kiến thức nhà quản lý về kế toán; CKNQL là cam kết nhà quản lý; TVKT là tư vấn từ công ty kế toán; NCC là tư vấn từ nhà cung cấp phần mềm; β0 là hằng số; εi là sai số; β1, β2, β3, β4, β5, là hệ số hồi quy của các biến độc lập.

3.3. Thu thập dữ liệu

Bảng câu hỏi khảo sát được xây dựng trên cơ sở tổng hợp từ các công trình nghiên cứu của Nicolaou (2000); Thong (2001); Ismail (2009), được hoàn thiện thông qua phương pháp khảo sát chuyên gia sao cho đảm bảo các mục tiêu nghiên cứu (Alreck và Settle, 2004). Bảng khảo sát chính thức với các quan sát được đo lường bằng thang đo Likert 5 mức độ và được gửi trực tiếp hoặc email tới Giám đốc và nhân viên kế toán của các doanh nghiệp sản xuất tại TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, số lượng mẫu được thu thập theo công thức của Hair và các cộng sự với 5*số quan sát, tương ứng với mẫu tối thiểu là 150. Tuy nhiên, để đảm bảo cỡ mẫu sau thu thập, tác giả tăng cỡ mẫu thêm 30%, tương ứng với 195 doanh nghiệp.

4. Kết quả nghiên cứu và bàn luận

Tổng số phiếu khảo sát được phát ra trực tiếp là 150 và qua email là 45. Số lượng phản hồi là 150 từ khảo sát trực tiếp và 32 từ email, tương ứng tỷ lệ 93,33%. Trong đó, có 180 khảo sát phù hợp sau khi làm sạch dữ liệu, tương ứng tỷ lệ 92,31%.

Bảng 1. Thống kê thông tin đối tượng khảo sát

http://tapchicongthuong.vn/images/yen-koi/nckh/chung_4_6.jpg

Nguồn: Dữ liệu khảo sát của tác giả

Số liệu thống kê cho thấy các đáp viên đều là đối tượng tham gia trực tiếp vào hoạt động thiết lập và vận hành AIS, đặc biệt số lượng nhân viên kế toán chiếm tỷ lệ rất cao với 85,56%; và không có đối tượng nào có trình độ dưới cao đẳng; cùng với kinh nghiệm làm việc trên 5 năm chiếm tỷ lệ 87,78%. Điều này cho thấy dữ liệu thu thập từ đáp viên có sự phù hợp và đạt độ tin cậy để thực hiện việc phân tích.

Bảng 2. Kết quả kiểm định độ tin cậy thang đo bằng Cronbach’s Alpha

http://tapchicongthuong.vn/images/yen-koi/nckh/chung_4_6.jpg

Nguồn: Dữ liệu khảo sát của tác giả

Kết quả kiểm định Cronbach’s Alpha cho thấy có 25 biến quan sát đạt yêu cầu và 5 quan sát bị loại khỏi phân tích EFA (gồm 3 quan sát của biến độc lập và 2 quan sát của biến phụ thuộc) vì có hệ số tương quan biến tổng < 0,3. Như vậy, số quan sát đảm bảo tính đại diện cho các biến được đưa vào thực hiện EFA là 25.

Bảng 3. Kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA cho các biến độc lập

http://tapchicongthuong.vn/images/yen-koi/nckh/chung_4_6.jpg

Nguồn: Dữ liệu khảo sát của tác giả

Từ số liệu Bảng 3, hệ số KMO = 0,756 và kiểm định Barlett có giá trị Sig. = 0,000, đồng thời giá trị Eigenvalue của 5 nhóm biến độc lập đều > 1 (thấp nhất là 1,327) và tổng giá trị phương sai trích là 63,506 (với tổng số quan sát là 25) chứng tỏ 63,506% sự biến thiên của dữ liệu được giải thích bởi 5 nhân tố, còn lại 36,494% được giải thích bằng các nhân tố khác không có trong mô hình nghiên cứu.

Bảng 4. Kết quả kiểm định tương quan

http://tapchicongthuong.vn/images/yen-koi/nckh/chung_4_6.jpg

Nguồn: Dữ liệu khảo sát của tác giả

Kết quả kiểm định Bảng 4 thể hiện 5 biến độc lập đều có tương quan thuận chiều (tích cực) với biến phụ thuộc THH với hệ số tương quan từ 0,248 đến 0,451 và độ tin cậy 99%. Ngoài ra, giữa các biến độc lập cũng có tương quan với nhau dẫn đến mô hình có khả năng xảy ra đa cộng tuyến. Kết quả kiểm tra hiện tượng này được thực hiện trong phân tích hồi quy ở Bảng 5.

Bảng 5. Kết quả hồi quy

Kết quả hồi quy

Nguồn: Dữ liệu khảo sát của tác giả

Căn cứ kết quả hồi quy, giá trị Sig. của 5 nhân tố ảnh hưởng đến tính hữu hiệu AIS đều nhỏ hơn 0,05 nên Phương trình hồi quy chưa chuẩn hóa về các nhân tố ảnh hưởng đến tính hữu hiệu AIS được xác định như sau:

THH = -1,784 + 0,370KTAIS + 0,402KTKT + 0,339CKNQL + 0,311TVKT + 0,166NCC + εi

Đồng thời, kết quả kiểm định ANOVA với Sig. = 0,000b < 0,05 cho thấy mô hình nghiên cứu là phù hợp; chỉ số R2 hiệu chỉnh = 0,517 chứng tỏ mô hình với năm biến độc lập giải thích được 51,7% sự biến thiên của biến phụ thuộc, 48,3% còn lại là do các nhân tố khác không có trong mô hình nghiên cứu; hệ số VIF của 5 nhân tố đều < 2 cho thấy không có hiện tượng đa cộng tuyến xảy ra trong mô hình.

Nhìn chung, cả 5 giả thuyết nghiên cứu đặt ra đều được chấp nhận. Kết quả cho thấy tính hữu hiệu AIS tại các doanh nghiệp sản xuất TP. Hồ Chí Minh chịu sự ảnh hưởng tích cực của kiến thức nhà quản lý về AIS và kế toán, cũng như cam kết của họ trong xây dựng và vận hành AIS, cùng với sự tư vấn đến từ các công ty kế toán và nhà cung cấp phần mềm hệ thống. Kết quả này cũng tương tự với kết quả nghiên cứu trước đó của Nicolaou (2000); Thong (2001); và Ismail (2009).

5. Kết luận

Như vậy, nghiên cứu một lần nữa cho thấy có sự ảnh hưởng tích cực đến tính hữu hiệu AIS tại các doanh nghiệp sản xuất thành phố Hồ Chí Minh từ các nhân tố kiến thức về AIS và kiến thức về kế toán của nhà quản lý; cam kết của nhà quản lý; tư vấn đến từ công ty kế toán; và tư vấn đến từ nhà cung cấp phần mềm. Trong đó, ảnh hưởng mạnh nhất là kiến thức về kế toán của nhà quản lý với Beta = 0,404 và yếu nhất là tư vấn của nhà cung cấp phần mềm với Beta = 0,121. 

Từ kết quả này, các doanh nghiệp sản xuất tại thành phố Hồ Chí Minh nên có chiến lược trong dài hạn để tăng cường tính hữu hiệu AIS; kế hoạch tập huấn kiến thức kế toán và AIS cho đội ngũ quản lý; sự tham vấn các vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành AIS với các công ty kế toán và nhà cung cấp phần mềm hệ thống.

Tóm lại, nghiên cứu góp phần làm phong phú thêm kiến thức về tính hữu hiệu AIS tại doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, mức độ giải thích của mô hình chỉ 51,7% và được thực hiện với 5 biến độc lập thay vì tám biến như trong mô hình gốc của Ismail (2009). Do vậy, các nghiên cứu tương lai nên thực hiện theo mô hình gốc với 8 biến độc lập của Ismail, cũng như khám phá thêm các nhân tố mới chưa có trong mô hình nghiên cứu của các tác giả hoặc mở rộng phạm vi nghiên cứu cho các đối tượng khác.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Alreck, P. L., & Settle, R. B. (2004),The survey research handbook(3rd ed.), Boston: McGraw-Hill/Irwin.
  2. Bodnar, G. H., & Hopwood, W. S. (2001). Accounting lnformation Systems.
  3. Hair J.F.J., Anderson R.E., Tatham R.L. and Black W.C. (1998), Multivariate Data Analysis, 5th edn, Prentice Hall, Upper Saddle River, New Jersey.
  4. Ismail, N. A. (2009). Factors influencing AIS effectiveness among manufacturing SMEs: Evidence from Malaysia.The Electronic Journal of Information Systems in Developing Countries,38(1), 1-19.
  5. Nicolaou, A. I. (2000). A contingency model of perceived effectiveness in accounting information systems: Organizational coordination and control effects.International Journal of Accounting Information Systems,1(2), 91-105.
  6. Thong, J. Y. (2001). Resource constraints and information systems implementation in Singaporean small businesses.Omega,29(2), 143-156.

FACTORS IMPACT THE EFFECTIVENESS OF ACCOUNTING INFORMATION SYSTEM OF MANUFACTURING ENTERPRISES LOCATED IN HO CHI MINH CITY

● DONG QUANG CHUNG

Faculty of Accounting, Ton Duc Thang University

● NGUYEN HUU THIEN

Thu Duc Technology College

● NGUYEN THI HOAI THUONG

990 One-member Limited Liability Company,

Department of Public Security - Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

Accounting information system (AIS) is a designed tool to integrate management and control activities in information technology environment. Hence, this research investigates the influence of manager’s knowledge about the AIS and the manager’s commitment to the effectiveness of AIS in manufacturing enterprises located in Ho Chi Minh City. The research’s results reveale that the manager’s commitment is the most influential factor while the softwar is the least influential factor.

Keywords: Accounting information system, effectiveness of accounting information system, small and medium-sized manufacturing enterprises.