Các yếu tố ảnh hưởng đến cầu du lịch của du khách nội địa tại tỉnh Đồng Nai

ThS. PHẠM THỊ MỘNG HẰNG (Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu này nhằm phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến cầu du lịch của du khách nội địa tỉnh Đồng Nai. Từ đó, tác giả đưa ra những gợi ý chính sách cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai trong việc thu hút du khách nội địa đến với địa phương. Phương pháp tiếp cận là chi phí du hành của Harold Hotelling (1947) và mô hình hồi quy đa biến về các nhân tố ảnh hưởng đến cầu du lịch theo OECD (1994) và World Bank (2005). Kết quả nghiên cứu cho thấy, theo cấu trúc chi phí du hành, khoảng cách từ vùng đến điểm du lịch càng ngắn, số lần dự định quay lại càng cao. Cơ cấu chi phí du hành của du khách nội địa từ sáu vùng khác nhau cũng có sự khác nhau. Bên cạnh đó, kết quả phân tích hồi quy cho thấy trong 5 biến đưa vào mô hình, biến “Giới tính” không có ý nghĩa thống kê (Giá trị Sig > 0,05), các biến còn lại gồm “Tình trạng hôn nhân”, “Độ tuổi”, “Thu nhập” và “Chi phí du hành” đều có sự tác động đến cầu du lịch của du khách nội địa tỉnh Đồng Nai.

Từ khóa: cầu du lịch, du khách nội địa, chi phí du hành, tỉnh Đồng Nai.

1. Giới thiệu

Đồng Nai nằm trong vùng động lực phát triển kinh tế phía Nam, là một trong những tỉnh có nền công nghiệp phát triển với tốc độ tăng trưởng kinh tế được xếp vào loại đứng đầu cả nước. Ngoài lợi thế về công nghiệp, Đồng Nai cũng có những thế mạnh rất lớn về phát triển du lịch mà nhất là du lịch sinh thái. Nét nổi bật của các điểm du lịch sinh thái của Đồng Nai là vừa mang dáng dấp gần gũi với du lịch của miền Tây sông nước lại vừa đậm nét đặc trưng của miền Đông Nam Bộ. Bên cạnh những lợi thế về tự nhiên, Đồng Nai còn là nơi hội nhập, dung hợp nhiều giá trị văn hóa, xã hội đã tạo nên một lợi thế cho Tỉnh trong việc thu hút khách du lịch, đồng thời mở rộng giao lưu kinh tế đến các vùng trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, cho đến nay ngành Du lịch của Tỉnh vẫn phát triển chưa tương xứng tiềm năng. Vấn đề luôn làm cho các nhà hoạch định chính sách trăn trở đó là “làm thế nào để du khách nội địa đến với Đồng Nai nhiều hơn trong thời gian tới”. Để trả lời câu hỏi này, trước tiên cần phải xác định đâu là yếu tố tác động đến cầu du lịch của du khách nội địa. Việc xác định các yếu tố tác động đến cầu du lịch của du khách nội địa tại các điểm du lịch tỉnh Đồng Nai không chỉ giúp cho chính quyền địa phương có những thông tin quan trọng về các yếu tố ảnh hưởng đến cầu du lịch mà còn là cơ sở trong việc lập kế hoạch phát triển, đầu tư tài chính để Đồng Nai để khai thác và phát triển ngành Du lịch một cách bền vững.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Khái niệm về du lịch, điểm đến du lịch và du khách nội địa

Tổ chức Du lịch Thế giới (World Tourist Organization) cho rằng: “Du lịch bao gồm tất cả mọi hoạt động của những người du hành, tạm trú, trong mục đích tham quan, khám phá và tìm hiểu, trải nghiệm hoặc trong mục đích nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn cũng như mục đích hành nghề và những mục đích khác nữa, trong thời gian liên tục nhưng không quá một năm, ở bên ngoài môi trường sống định cư; nhưng loại trừ các du hành mà có mục đích chính là kiếm tiền. Du lịch cũng là một dạng nghỉ ngơi năng động trong môi trường sống khác hẳn nơi định cư”.

Tổ chức Du lịch Thế giới (2007) đã đưa ra quan niệm về điểm đến du lịch (Tourism Destination): “Điểm đến du lịch là vùng không gian địa lý mà khách du lịch ở lại ít nhất một đêm, bao gồm các sản phẩm du lịch, các dịch vụ cung cấp, các tài nguyên du lịch thu hút khách, có ranh giới hành chính để quản lý và có sự nhận diện về hình ảnh để xác định khả năng cạnh tranh trên thị trường”.

Theo Luật Du lịch Việt Nam (2017): “Khách du lịch nội địa là công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú ở Việt Nam đi du lịch trong lãnh thổ Việt Nam”.

2.2. Cầu du lịch và các yếu tố ảnh hưởng đến cầu du lịch

   Nhu cầu du lịch là mong muốn của một người đến một địa điểm khác nơi mình sinh sống để tham quan, nghỉ ngơi và giải trí. Theo Nguyễn Văn Đính và Trần Thị Minh Hòa (2006): “Nhu cầu du lịch là một nhu cầu đặc biệt, thứ cấp và tổng hợp của con người. Nhu cầu du lịch được hình thành và phát triển từ các nhu cầu sinh lý (sự đi lại), và các nhu cầu tinh thần (nhu cầu nghỉ ngơi, tự khẳng định, nhận thức, giao tiếp…”.

Theo OECD (1994) và World Bank (2005), các nhân tố cơ bản ảnh hưởng đến cầu du lịch bao gồm: 

Sơ đồ 1: Các nhân tố ảnh hưởng tới cầu du lịch

cac_nhan_to_anh_huong_toi_cau_du_lich

 Nguồn: OECD (1994) và World Bank (2005)

3. Dữ liệu và phương pháp nghiên cứu

3.1. Dữ liệu nghiên cứu

Mẫu được lấy theo phương pháp thuận tiện có chọn lọc bằng cách phát bảng câu hỏi cho những khách thể nghiên cứu là du khách nội địa đến tham quan tại các điểm du lịch tại tỉnh Đồng Nai. Thời gian lấy mẫu từ ngày 01/12/2020 đến 30/12/2020. Sau khi sàng lọc, loại bỏ thì số lượng bảng câu hỏi phù hợp cho nghiên cứu là 450 bảng.

3.2. Phương pháp nghiên cứu

3.2.1. Phương pháp chi phí du hành

Phương pháp này được coi là phương pháp lâu đời nhất trong các phương pháp đánh giá hàng hóa và dịch vụ phi thị trường  (theo Hanley và  Spash, 1993). Ý tưởng về phương pháp này bắt nguồn từ Harold Hotelling (1947) và được Clawson và Knetsch phát triển chính thức từ năm1966. Phương pháp chi phí du hành được phân làm hai loại: chi phí du hành cá nhân (ITCM) và chi phí du hành theo vùng (ZTCM). Trong nghiên cứu này sử dụng phương pháp chi phí du hành theo vùng.

Đường cầu giải trí du lịch của du khách có dạng như sau:

Sơ đồ 2: Đường cầu giải trí của du khách

duong_cau_giai_tri_cua_du_khach

Nguồn: Harold Hotelling (1947)

3.2.2. Mô hình kinh tế lượng

Để thiết lập mô hình nhằm tìm ra những mức độ của các yếu tố ảnh hưởng tới cầu du lịch của du khách khi thực hiện hoạt động du lịch tại Đồng Nai, dựa vào kết quả nghiên cứu định tính, tác giả loại bỏ biến “Trình độ học vấn” và “Chi phí đến điểm thay thế” ra khỏi mô hình. Mô hình hồi quy đa biến được xác định có các dạng như sau:

N = β0 + β1G + β2MAR + β3AGE + β4INC + β5TC + ε

4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

4.1. Cấu trúc chi phí du hành

Số lần trung bình mà du khách muốn quay trở lại du lịch tại Đồng Nai hàng năm ở từng vùng nghiên cứu được thể hiện ở Bảng 1.

Bảng 1. Thông tin về số lần dự định quay trở lại du lịch ở Đồng Nai

thong_tin_ve_so_lan_du_dinh_quay_tro_lai_du_lich_o_dong_nai

Nguồn: Tính toán từ số liệu điều tra của tác giả

            Qua kết quả Bảng 1 ta thấy rằng, khoảng cách từ vùng đến điểm du lịch càng ngắn thì số lần dự định quay lại càng cao.

Cơ  cấu chi phí du hành của du khách nội địa từ 6 vùng khác nhau được tổng hợp qua Bảng 2.

Bảng 2. Chi phí du lịch theo vùng của du khách

ĐVT: đồng/ngày

chi_phi_du_lich_theo_vung_cua_du_khach Nguồn: Tính toán từ số liệu điều tra của tác giả

4.2. Phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới cầu du lịch của du khách nội địa

Kết quả ban đầu cho thấy có 1 nhân tố trong mô hình không có ý nghĩa thống kê, đó là tình trạng hôn nhân (Giá trị Sig > 0,05). Sau  khi  loại bỏ nhân tố này và thực hiện phân tích lại, kết quả hồi quy như sau: 

Bảng 3. Kết quả Coefficients

ket_qua_coefficients Nguồn: Tính toán từ số liệu điều tra của tác giả

Phương trình hồi quy có dạng:

N = β0+0,506MAR–0,39AGE+0,661INC-0,034TC

            Giải thích kết quả: Những người chưa có gia đình đến du lịch tại Đồng Nai nhiều hơn những người đã có gia đình và du khách có độ tuổi càng cao thì số lần đến thăm Đồng Nai càng giảm. Đây có thể là do đặc điểm của các điểm du lịch tại Đồng Nai, chủ yếu là du lịch tham quan, khám phá chứ rất ít các khu nghỉ dưỡng dành cho gia đình. Du khách đến với Đồng Nai nhiều hơn nếu như thu nhập của họ cao hơn. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với thực trạng với xu thế của người Việt Nam hiện nay, khi họ có điều kiện về thu nhập, họ sẽ mong muốn đi du lịch nhiều hơn. Hệ số ước lượng của biến chi phí du hành ở mô hình cho dấu âm cho biết du khách nội địa phải trả chi phí càng cao họ sẽ giảm số lần viếng thăm. Đặc điểm này hoàn toàn phù hợp với cầu  giải trí hàng hóa nói chung và hàng hóa dịch vụ du lịch nói riêng. Đây chính là  cơ sở rất quan trọng trong việc xây dựng cầu giải trí của du khách nội địa cho Đồng Nai.

5. Kết luận và khuyến nghị

Qua phương trình nhận thấy rằng tất cả bốn yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến cầu du lịch của du khách nội địa khi tham gia du lịch Đồng Nai. Mỗi yếu tố đều có mức ảnh hưởng khác nhau, ảnh hưởng mạnh nhất là yếu tố thu nhập, tiếp đến là tình trạng hôn nhân, độ tuổi và cuối cùng là chi phí du hành.

Từ đó, tác giả đưa ra một số gợi ý chính sách để phát triển kinh tế du lịch tại Đồng Nai dựa trên bốn yếu tố trên như sau:

Đối với yếu tố thu nhập: Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch để phục vụ cho nhiều đối tượng có mức thu nhập khác nhau. Cần từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ và tránh việc chỉ phụ thuộc vào mỗi lợi thế tài nguyên. Điều này sẽ đem lại nhiều lợi ích cho địa phương.

Đối với yếu tố độ tuổi và tình trạng hôn nhân: Tập trung phát triển các sản phẩm về nhà hàng, phát triển loại hình tour du lịch tham quan chụp ảnh, các điểm bán quà lưu niệm, chợ đêm hoặc “phiên chợ du lịch”. Ngoài ra, để thu hút được những du khách có độ tuổi lớn hơn hoặc đã có gia đình đến với Đồng Nai cần phải có chính sách đầu tư các sản phẩm du lịch phù hợp. Đồng Nai nên đầu tư xây dựng nhiều hơn nữa các resort nghỉ dưỡng, các tour du lịch làng quê, hay du lịch tâm linh như chùa chiền, đền đài, hoặc những nơi tốt cho sức khỏe như suối khoáng nóng là những địa điểm hợp lí nhất cho những đối tượng này.

Đối với yếu tố chi phí du lịch: Quản lý chặt chẽ giá thuê phòng và các dịch vụ ăn uống, vận chuyển, giải trí tại Đồng Nai.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Driml, S.M. (1999). Bringing Ecological Economics out of the Wilderness. Ecological Economics, 23, 145-153.
  2. DuYaping. (2003). The vaulue of Improved water quality for Receation in East Lake, Wuhan, China: An application of Contingent Value and Travel Cost Methods. Economy & Environment Program for Southeat Asia, reseach reports 2004.
  3. Haab, T.C. and K.E. McConnell. (2002). Valuing Environmental and Natural Resources - The Econometrics of Non-market Valuation. Cheltenham and Northampton: Edward Elgar.
  4. Hoàng Trọng & Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2005), Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội.
  5. John A Dixon, Louis Fallon Scura, Richard A Carpenter and Paul B Sherman (1994), Economic analysis of Environmental Impact. UK: Earthscan Publications Ltd. chap 5: page 63-83.
  6. Nguyễn Văn Đính và Trần Thị Minh Hòa (2006), Giáo trình Kinh tế du lịch, Nhà xuất bản Lao động - Xã hội, Hà Nội.
  7. Phạm Hồng Mạnh (2010), Tài trợ cho hoạt động bảo vệ môi trường của Vịnh Nha Trang: Vai trò của khách du lịch, Tạp chí Khoa học - Công nghệ thủy sản, 1/2010, page 79-87.
  8. Phạm Khánh Nam và Trần Võ Hùng Sơn. (2001). Analysis of the Recreational Value of Coral - surrounded Hon Mun Islands in Vietnam. Vietnam: Economy & Environment Program for Southeat Asia (EEPSEA).
  9. Turnbull, B. (1976). The empirical distribution function with arbitrarily grouped, censored and truncated data. Journal of the Royal Statistical Sociaty, 38B, 290 - 295.

 

FACTORS AFFECTING THE DEMAND OF DOMESTIC TOURISTS VISITING DONG NAI PROVINCE

Master. PHAM THI MONG HANG

Dong Nai Technology University

ABSTRACT:

This study determines the factors affecting the demand of domestic tourists visiting Dong Nai Province. Based on this study’s findings, some policy recommendations for the Department of Culture, Sports and Tourism of Dong Nai Province are proposed to help the province attract more domestic travellers. This study was conducted by using the travel cost method (Harold Hotelling, 1947) and the multiple regression model of the factors affecting tourism demand according to OECD (1994) and World Bank (2005). The study’s results show that the travel cost and the travel distance have negative correlations with the re-visiting intention of tourists. Six studied regions have different travel cost structures. In addition, the regression analysis results show that among 05 variables in the research model, the variable of gender is not statistically significant (Sig value> 0.05) while the remaining variables including the marital status, age, income and travel cost all have impacts on the tourist demand of domestic tourists visiting Dong Nai Province.

Keywords: tourism demand, domestic tourists, travel cost, Dong Nai Province.