Các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng máy tính xách tay của sinh viên các trường đại học tại Thái Nguyên*

NGÔ ĐỨC ANH (Sinh viên Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên)

TÓM TẮT:

Nhằm đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng máy tính xách tay của sinh viên các trường đại học tại Thái Nguyên, nghiên cứu thực hiện được thông qua bảng câu hỏi phỏng vấn cá nhân trực tiếp với 202 sinh viên tại 8 trường đại học. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, tỉ lệ sinh viên đã có máy tính xách tay tương đối lớn với (69,8% số sinh viên được hỏi), và có tới 78,7% số sinh viên chưa có khẳng định sẽ mua máy tính xách tay trong thời gian tới. Các yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng máy tính xách tay của sinh viên có sự khác biệt ở 2 nhóm: Các yếu tố ảnh hưởng liên quan đến quá trình sử dụng như bộ vi xử lý, thời lượng pin, chế độ bảo hành ảnh hưởng nhiều hơn đến các bạn sinh viên đã dùng máy tính; trong khi các yếu tố thu hút mua sắm như mẫu mã, cấu hình, bộ vi xử lý và giá cả lại ảnh hưởng nhiều hơn đến quyết định mua máy tính của các bạn chưa sử dụng máy tính nhưng có ý định mua trong thời gian tới.

Từ khóa: hành vi tiêu dùng, máy tính xách tay, sinh viên, trường đại học, thành phố Thái Nguyên.

1. Đặt vấn đề

Thái Nguyên là nơi tập trung đông dân cư số liệu 2018 cho thấy dân số của thành phố Thái Nguyên 2018 là 337.052 người. TP. Thái Nguyên còn là trung tâm giáo dục đào tạo lớn thứ 3 toàn quốc, theo thống kê Thành phố có 10 trường đại học và khoa thuộc đại học Thái Nguyên; 15 trường đại học, cao đẳng thuộc các bộ, ngành khác. Tổng sinh viên trên địa bàn TP. Thái Nguyên có khoảng 41.313 người. Như vậy, số lượng sinh viên tại TP. Thái Nguyên là rất lớn, đầy tiềm năng và đáng giá khai thác.

Thị trường laptop hiện nay đang bị chia nhỏ và cạnh tranh khốc liệt bởi rất nhiều thương hiệu như: Dell, Asus, HP, MSI, Lenovo, Acer, Razer, Macbook,… với đầy đủ các dòng, chủng loại, cấu hình với giá cả từ bình dân đến cao cấp, nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Để gia tăng thị phần, doanh số bán hàng và khai thác thị trường sinh viên nói chung và thị trường sinh viên tại TP. Thái Nguyên nói riêng, các doanh nghiệp cần hiểu biết sinh viên sẽ mua sản phẩm của các thương hiệu nào, khi nào mua, các yếu tố nào ảnh hưởng đến quyết định mua của sinh viên,… và từ đó có những chính sách kinh doanh hiệu quả.

2. Tổng quan nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng máy tính xách tay của sinh viên

Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp, nó là cơ sở để các nhà quản trị đưa ra các tác định thích hợp thu hút sự chú ý, quan tâm và thúc đẩy người tiêu dùng đưa ra quyết định lựa chọn, mua sắm sản phẩm. Vì vậy, nghiên cứu hành vi người tiêu dùng là nội dung được quan tâm rất nhiều ở cả khía cạnh lý thuyết và thực tiễn trong các ngành hàng, các địa phương.

Các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi người tiêu dùng được P. Kotler khái quát lại theo mô hình sau:

Hình 1: Các nhân tố cơ bản ảnh hưởng tới hành vi mua của người tiêu dùng

Các nhân tố cơ bản ảnh hưởng tới hành vi mua của người tiêu dùng

Dựa trên các yếu tố tổng quan này, rất nhiều nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng của khách hàng tiêu dùng máy tính xách tay đã được thực hiện ở các địa phương trong và ngoài nước.

Nghiên cứu thực nghiệm về Hành vi mua laptop của sinh viên ở thành phố Bangalore, Ấn Độ vào tháng 9/2013 của Tiến sĩ H.S.Adithya. Đối tượng tham gia là các sinh viên bao gồm cả nam và nữ trong độ tuổi từ 18-25. Nghiên cứu được thực hiện trong 3 tháng với n = 200 đã xác định có 8 yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sinh viên khi họ mua một laptop và giúp các nhà tiếp thị hiểu biết nhu cầu của sinh viên. Các yếu tố đó là: Phần cứng, Thiết kế, Phần mềm gốc, Linh kiện, Khuyến mãi, Quảng cáo, Thương hiệu, Cải tiến.

Nghiên cứu những yếu tố ảnh hưởng tới khách hàng trong việc mua Laptop của Tiến sĩ Ashhan Nair và cộng sự thuộc Trường Đại học Bogazici, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Mục tiêu nghiên cứu: xác định các yếu tố ảnh hưởng đến việc mua laptop của người tiêu dùng, trên cơ sở đó, nghiên cứu sự khác biệt về tầm quan trọng của các yếu tố giữa các nhóm người tiêu dùng.  Nghiên cứu đã cho kết quả có 26 biến được phân thành 7 yếu tố ảnh hưởng đến việc mua laptop của khách hàng cá nhân, đó là: Đặc điểm kỹ thuật cốt lõi, Giá trị tính năng tăng cường, Ngoại hình vật lý, Tính năng kết nối và di động, Dịch vụ sau khi mua, Thông số kỹ thuật thiết bị ngoại vi, Giá cả và điều kiện thanh toán.

Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến việc mua laptop của giáo viên trong nghiên cứu của Shamsunnahar Tania. Mục tiêu nghiên cứu là xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua laptop của giáo viên và đánh giá sự khác nhau của các yếu tố ảnh hưởng đến giáo viên nam và nữ. Nghiên cứu cũng đưa ra mô hình 5 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua laptop của người tiêu dùng, là: Đặc điểm kỹ thuật, Tính năng đặc biệt, Tính năng di động, Thương hiệu và Giá trị.

Nghiên cứu các tiêu chí ảnh hưởng quyết định mua laptop của sinh viên Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học An Giang. Mục tiêu nghiên cứu: phân tích các tiêu chí ảnh hưởng đến quyết định mua laptop của sinh viên Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học An Giang. Nghiên cứu đã cho ra kết quả có 5 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua laptop của sinh viên Khoa Nông nghiệp, đó là: Cấu hình mạnh và chất lượng, Mẫu mã, Giá cả, Thương hiệu, Khuyến mãi.

Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua laptop mới của sinh viên tại thị trường Đà Nẵng. Tác giả đã thực hiện tổng hợp các điểm chung nổi bật của các mô hình nghiên cứu đi trước và tiến hành điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện và mục tiêu nghiên cứu để đưa ra mô hình nghiên cứu đề xuất, gồm 7 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua laptop mới của sinh viên tại thị trường Đà Nẵng. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 6 yếu tố ảnh hưởng giải thích được 66,30% quyết định mua laptop mới của sinh viên tại thị trường Đà Nẵng, là: “Kỹ thuật”, “Giá cả và điều kiện thanh toán”, “Dịch vụ hậu mãi”, “Khả năng kết nối và di động”, “Thiết kế” và “Thương hiệu”.

3. Phương pháp nghiên cứu

Số liệu thứ cấp: được thu thập từ các công trình nghiên cứu đã xuất bản, từ niên giám thống kê, internet, các báo cáo về thị trường máy tính xách tay, các nghiên cứu trước đây liên quan đến nội dung nghiên cứu ở trong và ngoài nước.

Số liệu sơ cấp: được thu thập bằng bảng hỏi, thông qua phỏng vấn trực tiếp một cách ngẫu nhiên những với 202 sinh viên tại các trường đại học ở Thái Nguyên.

Các thông tin thu thập được sẽ được tổng hợp, mã hóa và xử lý bằng phần mềm Excel và SPSS. 22.0.

4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

4.1. Đặc điểm đối tượng sinh viên đã phỏng vấn

Thực hiện phát bảng hỏi 202 mẫu nghiên cứu, đối tượng trả lời là sinh viên ở các trường đại học lớn tại TP. Thái Nguyên, ta có kết quả như Bảng 1.

Bảng 1. Đặc điểm sinh viên đã phỏng vấn

Đặc điểm sinh viên đã phỏng vấn

Nguồn: Kết quả điều tra

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, tỉ lệ sinh viên đã có máy tính xách tay tương đối lớn với (69,8% số sinh viên được hỏi), và có tới 78,7% số sinh viên chưa có khẳng định sẽ mua máy tính xách tay trong thời gian tới.

4.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng máy tính xách tay của sinh viên tại các trường đại học tại Thái Nguyên

Bảng 2. Các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi của sinh viên chưa có máy tính xách tay

Các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi của sinh viên chưa có máy tính xách tay

Nguồn: Kết quả điều tra

Từ kết quả ở Bảng 2 cho ta thấy, các yếu tố mà sinh viên chưa có máy tính nhưng dự định sẽ mua trong thời gian tới quan tâm nhất khi quyết định chọn nhãn hiệu và mua sản phẩm đó là: sản phẩm có mẫu mã đẹp, vi xử lí nhanh, cấu hình tốt, giá cả hợp lý (điểm đánh giá ở mức rất quan trọng đều trên 4,2).

Các yếu tố mà nhóm sinh viên này cảm thấy ít quan trọng hơn khi quyết định chọn nhãn hiệu và mua laptop là: nhãn hiệu nổi tiếng, pin tốt (điểm trung bình ở mức bình thường 3,3 và 3,2).

Với đối tượng sinh viên đã có máy tính xách tay, các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tiêu dùng của sinh viên chủ yếu các yếu tố sau: vi xử lý nhanh, thời lượng pin tốt, giá cả hợp lý, các chương trình bảo hành tốt (điểm đánh giá ở mức rất quan trọng đều trên 4,2).

Các yếu tố mà nhóm sinh viên này cảm thấy ít quan trọng hơn khi quyết định chọn nhãn hiệu và mua laptop là: nhãn hiệu nổi tiếng, các chương trình khuyến mãi (điểm trung bình ở mức bình thường 3,3 và 3,1).

Bảng 3. Các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi của sinh viên có máy tính xách tay

Các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi của sinh viên có máy tính xách tay

Nguồn: Kết quả điều tra

Như vậy, sau khi mua và sử dụng laptop, các bạn sinh viên đã có nhiều thay đổi trong đánh giá về  ảnh hưởng của các yếu tố tới quyết định tiêu dùng của mình. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình sử dụng (thời lượng pin, chương trình chăm sóc khách hàng) được chú trọng hơn so với các bạn sinh viên chưa mua laptop (chủ yếu quan tâm đến mẫu mã, cấu hình).

5. Kết luận

Từ kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy, thị trường máy tính xách tay tại Thái Nguyên là một thị trường rất hấp dẫn, với tỉ lệ số sinh viên mua máy rất cao. Để bán được nhiều sản phẩm và thu hút được sự quan tâm của khách hàng mới khi mua sản phẩm, các nhà phân phối ở TP. Thái Nguyên cũng nên chú trọng đến các yếu tố, như: sản phẩm có vi xử lí nhanh, cấu hình tốt, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần ra những quyết định hợp lý như: các hình thức marketing hướng đến những khách hàng tiềm năng, mở rộng các kênh tiêu thụ,…

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Adithya S. (2013), Hành vi mua laptop của sinh viên ở thành phố Bangalore, Ấn Độ, Indian Journal of Applied Research, 3(2):219-221.
  2. Philip Kotler (2002). Marketing căn bản - Biên dịch: TS. Phan Thăng, TS. Vũ Thị Phượng, Giang Văn Chiến, NXB Thống kê.
  3. Lưu Thị Thùy Vân (2016), Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua laptop mới của sinh viên tại thị trường Đà Nẵng, Luận văn thạc sĩ, Đại học Đà Nẵng.

FACTORS AFFECTING THE CONSUMPTION BEHAVIOR

OF STUDENTS OF THAI NGUYEN PROVINCE’S UNIVERSITIES

WHEN PURCHASING LAPTOPS

•NGO DUC ANH

Student, Thai Nguyen University of Techonology, Thai Nguyen University 

ABSTRACT:

This study assesses the factors affecting the consumption behavior of students in Thai Nguyen Province when they purchase laptops. The study surveyed and interviewed 202 students studying at eight universities located in Thai Nguyen Province. The study’s results show that the number of students who have laptops accounts for a relatively large proportion (69.8% of total surveyed students). Meanwhile, the number of students who confirm to purchase laptops in the future accounts for 78.7% of left respondents. The study’s findings indicate that the fundamental factors affecting the consumption behavior of students have different impacts on groups of students.

Keywords: consumer behavior, laptop, student, university, Thai Nguyen Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2, tháng 1 năm 2021]