Cách xuất khẩu, tiêu dùng đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô

Xuất khẩu tăng, tiêu dùng tăng đóng góp gì vào ổn định kinh tế vĩ mô? Khi xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu (xuất siêu) có nghĩa đồng USD trong nước không khan hiếm, người dân không có nhu cầu “ôm” đô la như một loại tài sản đảm bảo, thì đồng tiền Việt Nam ổn định.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tăng trưởng GDP quý I đạt 4,48%, “cỗ xe tam mã” của nền kinh tế (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) tiếp tục tăng.

So với cùng kỳ, chỉ số tăng trưởng này tốt hơn rất nhiều.

Cụ thể, xuất nhập khẩu hàng hóa Quý I tiếp tục đạt kết quả ấn tượng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 152,6 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ; xuất siêu đạt hơn 2 tỷ USD.

Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng có xu hướng phục hồi mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2021 tăng 5,1% so với cùng kỳ.

Thủ tướng đánh giá: “Có thể nói, trong Quý I/2021, chúng ta đã hoàn thành các mục tiêu quan trọng, không chỉ kinh tế mà cả văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh đều bảo đảm”.

Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế Quý I/2021 cao hơn Quý I/2020 (tăng 3,68%) cho thấy sự thích nghi, sức chống chịu và xu thế phục hồi của nền kinh tế ngày càng tăng.

Hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường làm nhu cầu tín dụng của nền kinh tế tăng; thị trường chứng khoán tăng trưởng khá.

Lạm phát được kiểm soát, cân đối ngân sách được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát ở mức thấp;

CPI tháng 3/2021 giảm 0,27% so với tháng trước, tăng 1,31% so với tháng 12/2020. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 3 tăng 1,16%, thấp nhất kể từ năm 2016.

Phát biểu tại kỳ họp QH vừa rồi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Chúng ta cần tiếp tục phải duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức thấp dưới 4% và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Phấn đấu Việt Nam luôn là nền kinh tế năng động, sáng tạo, phát triển nhanh nhưng ổn định, bền vững, không để xói mòn các nền tảng vĩ mô mà chúng ta đã dày công tạo dựng”.

Vậy xuất khẩu tăng, tiêu dùng tăng đóng góp gì vào ổn định kinh tế vĩ mô? Khi xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu (xuất siêu) có nghĩa đồng USD trong nước không khan hiếm, người dân không có nhu cầu “ôm” đô la như một loại tài sản đảm bảo, thì đồng tiền Việt Nam ổn định.

Khi đồng nội tệ ổn định, lạm phát vừa phải, người dân sẵn sàng bỏ tiền ra kinh doanh, đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng và việc làm.

Đến lượt việc làm lại tạo ra một đội người tiêu dùng hùng hậu, trở thành một trong những bệ đỡ cho tăng trưởng.

Thực tế từ 2016 đến nay, giao dịch ngoại thương liên tục có dư; tiêu dùng nội địa xoay quanh con số 10%, dòng chảy hàng hóa không bị ách tắc đã giúp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân giảm từ 18,6% năm 2011 xuống ổn định ở mức khoảng 4%/năm giai đoạn 2016 – 2020.

Bội chi ngân sách nhà nước giảm từ mức bình quân 5,4% GDP giai đoạn 2011 - 2015 xuống còn 3,5% GDP giai đoạn 2016 - 2019; riêng năm 2020, do phải huy động nguồn lực chống dịch, tỉ lệ bội chi có cao hơn, khoảng 4,99% GDP nhưng vẫn thấp hơn giai đoạn 2011-2015.

Phát biểu kết luận phiên họp nói trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tiếp tục nỗ lực thực hiện mục tiêu kép. Vận dụng linh hoạt các chính sách kinh tế vĩ mô, phù hợp với các kịch bản để ứng phó với diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực.

Đồng thời, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả; kiểm soát lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Phủ Lý