Canada khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép cốt bê tông của Việt Nam

Mới đây, Cơ quan Dịch vụ Biên giới Canada (CBSA) thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cốt bê tông (Concrete reinforcing bar - mã HS: 7213.10, 7214.20, 7215.90, 7727.90) có xuất xứ từ Việt Nam và một số nước.

Cụ thể, nguyên đơn trong vụ việc là nhà sản xuất thép cốt bê tông lớn nhấ Canada có tên ArcelorMittal Long Products Canada G.P cùng 2 doanh nghiệp khác là AltaSteel Inc., Gerdau Ameristeel Corporation.

Tuy nhiên, CBSA không khởi xướng điều tra vụ việc theo Mục 20 (coi một ngành sản xuất cụ thể không hoạt động theo cơ chế thị trường và do đó áp dụng giá thay thế từ một quốc gia khác) như cáo buộc của nguyên đơn. Bản báo cáo lý do khởi xướng điều tra vụ việc dự kiến sẽ công bố trong vòng 15 ngày kể từ ngày khởi xướng.

Theo thông báo khởi xướng, thời kỳ điều tra chống bán phá giá là 1/6/2019 - 30/6/2020. Thời kỳ phân tích khả năng sinh lời là 1/4/2019 - 30/06/2020.

CBSA yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu sản phẩm bị điều tra trả lời bản câu hỏi đầy đủ, đúng quy định và gửi đúng thời hạn cho CBSA theo địa chỉ email: [email protected] hoặc gửi đường link/cổng điện tử chuyển file an toàn theo địa chỉ email nói trên.

Canada khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cốt bê tông nhập khẩu từ Việt Nam

Thời hạn trả lời bản câu hỏi điều tra là ngày 29/10/2020. Bản trả lời câu hỏi có thể được trình bày bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Cần lưu ý CBSA không cho phép cung cấp thông tin bổ sung, do đó bản trả lời câu hỏi điều tra cần đầy đủ và chính xác.

CBSA yêu cầu doanh nghiệp, ngay sau khi nhận được thông tin khởi xướng và bản câu hỏi điều tra, liên lạc với CBSA bằng email để xác nhận sự tham gia trả lời câu hỏi của doanh nghiệp, cung cấp thông tin liên lạc, luật sư (nếu có).

Trong trường hợp doanh nghiệp không cung cấp thông tin đầy đủ cho CBSA, không đồng ý CBSA thẩm tra tại chỗ, CBSA sẽ sử dụng dữ liệu sẵn có, thường là bất lợi để tính toán biên độ phá giá.

Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương khuyến nghị các hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu sản phẩm liên quan đọc kỹ hướng dẫn, trả lời đầy đủ, đúng quy định và nộp Bản câu hỏi điều tra đúng thời hạn.

Đồng thời, gửi các bình luận, lập luận về các nội dung điều tra tới CBSA cũng như hợp tác toàn diện với CBSA trong suốt quá trình vụ việc diễn ra, bao gồm cả việc điều tra tại chỗ để xác minh các nội dung trong Bản trả lời câu hỏi.

Mặt khác, doanh nghiệp cần thường xuyên liên hệ và phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại trong suốt quá trình điều tra vụ việc.

Về phía mình, Cục Phòng vệ thương mại sẽ phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu và các bên liên quan theo dõi vụ việc và có các hành động cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam.

Thy Thảo