Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tăng, giá dầu thô giảm trở lại

Giá dầu thô quay đầu giảm trở lại trong phiên giao dịch sáng nay sau khi Hoa Kỳ tuyên bố có thể cân nhắc nâng thuế đối với hàng hoá của Trung Quốc do nước này phải chịu trách nhiệm về sự bùng phát của đại dịch Covid-19.
Khai thác dầu thô tại Hoa Kỳ
 Số lượng giàn khoan khai thác dầu thô hoạt động tại Hoa Kỳ, tính đến cuối tuần trước, đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2016 (Ảnh: Getty Images)

Vào lúc 7h08 sáng nay (ngày 4/5, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai đã giảm 1,46 USD/thùng tương ứng 7,6% xuống còn 18,27 USD/thùng; trong phiên giao dịch đã có lúc, giá dầu thô WTI chạm mức 18,32 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giao tương lai cũng giảm 90 cents/thùng tương ứng 3,4% xuống mức 25,54 USD/thùng.

Giá dầu thô chịu áp lực giảm trong phiên giao dịch sáng nay do thị trường lo ngại tình trạng dư cung dầu thô sẽ còn kéo dài trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc gia tăng trở lại, điều này sẽ kìm hãm đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu ngay cả khi một số quốc gia bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong toả ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã lên tiếng đe doạ nâng mức thuế quan đánh vào hàng hoá nhập khẩu của Trung Quốc do nước này phải chịu trách nhiệm về việc để virus Covid-19 lây lan, điều này khiến thị trường lo ngại cuộc chiến thương mại giữa hai quốc gia sẽ gia tăng căng thẳng trở lại.

Ông Stephen Innes, trưởng ban chiến lược toàn cầu của hãng dịch vụ tài chính AxiCorp, nhận định “Việc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc quay trở lại sẽ kìm hãm đà phục hồi của giá dầu thô trong dài hạn”.

Tính chung cả tuần trước (27/4 – 1/5), giá dầu thô WTI đã bật tăng mạnh 17% và giá dầu thô Brent tăng 23%, chấm dứt mạch giảm giá kéo dài 3 tuần liên tiếp trước đó. Đà tăng của giá dầu thô trong tuần trước chủ yếu nhờ thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác gần 10% tổng nguồn cung dầu thô của liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2020.

Bên cạnh đó, hai tập đoàn khai thác dầu thô lớn nhất Hoa Kỳ là Exxon Mobil Crop và Chevron Corp cũng cho biết mỗi tập đoàn sẽ cắt giảm sản lượng khai thác 400.000 thùng/ngày trong quý 2/2020.

Dữ liệu của hãng dịch vụ năng lượng Baker Hughes công bố ngày 1/5 cho thấy số giàn khoan dầu hoạt động tại Hoa Kỳ tính đến hết tuần trước đã giảm 53 giàn khoan, xuống còn 325 giàn khoan – mức thấp nhất kể từ tháng 6/2016. Hoa Kỳ hiện là quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất thế giới.

Quang Đặng (Theo Reuters)