Chia sẻ kinh nghiệm về ghi nhãn dinh dưỡng

Ngày 19/4/2019 tại Hà Nội, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm về ghi nhãn dinh dưỡng” nhằm đưa ra giải pháp hỗ trợ xây dựng môi trường thực phẩm lành mạnh.

Đây là một trong các hoạt động hưởng ứng Chương trình Sức khỏe Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2018, tập trung vào các giải pháp hỗ trợ xây dựng môi trường thực phẩm lành mạnh như: ghi nhãn dinh dưỡng công bố minh bạch về thành phần dinh dưỡng giúp người tiêu dùng hiểu được thành phần của thực phẩm; thiết lập hệ thống phân loại thực phẩm để xác định các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe; xây dựng các quy định về hạn chế về tiếp thị các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ các vấn đề ưu tiên nhằm đảm bảo dinh dưỡng hợp lý

Các chuyên gia đầu ngành và đại diện từ Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng, Viện Y tế Công cộng TP. Hồ Chí Minh, Đại Học Y Hà Nội và các đơn vị liên quan đã chia sẻ  ý kiến về các vấn đề ưu tiên nhằm đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, kiểm soát tiêu thụ thực phẩm, giảm mức tiêu thụ muối, đường, tăng cường ăn rau xanh, hoa quả, cũng như sử dụng hợp lý chất béo trong khẩu phần ăn hằng ngày.

Để thực hiện được điều này, sự triển khai đồng bộ và phối hợp hiệu quả giữa các bên, đặc biệt là giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm đóng vai trò rất quan trọng, điển hình như các hoạt động nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm với tổ chức, doanh nghiệp đã có kinh nghiệm quốc tế trong việc ghi nhãn dinh dưỡng trên bao bì sản phẩm.

Ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) chia sẻ về việc đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền giúp người dân biết cách lựa chọn thực phẩm dinh dưỡng có lợi hơn cho sức khỏe.

Tại hội thảo, ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết trên thực tế, tại Việt Nam, các chính sách, quy định liên quan đến môi trường thực phẩm lành mạnh đã có nhưng cần phải hoàn thiện. “Chương trình Sức khỏe Việt Nam” do Chính phủ phê duyệt, trong đó về lĩnh vực dinh dưỡng đã kêu gọi tăng cường phối hợp liên ngành, hợp tác quốc tế, đặc biệt là tăng cường xã hội hóa trong lĩnh vực cải thiện tình trạng dinh dưỡng.

“Trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền giúp người dân biết cách lựa chọn thực phẩm dinh dưỡng có lợi hơn cho sức khỏe, khuyến khích nhà sản xuất chủ động công bố ghi nhãn dinh dưỡng cho người tiêu dùng dễ nhận biết tổng năng lượng, đạm, béo, tinh bột và muối, đường, …”, ông Trương Đình Bắc cho biết.

 

Bà Susan Kevork, Chuyên gia dinh dưỡng cấp cao Tập đoàn Nestlé khu vực Châu Á, châu Đại dương và châu Phi , chia sẻ kinh nghiệm quốc tế của Nestlé trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm phù hợp với từng nhóm đối tượng có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau

Nhân dịp này, Nestlé Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ với Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) trong việc hợp tác truyền thông nâng cao kiến thức dinh dưỡng hợp lý cho người dân cũng như hỗ trợ xây dựng các tiêu chí dinh dưỡng cho một số thực phẩm và đồ uống phổ biến dựa trên nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị dành cho người Việt Nam.

 Nhân dịp này, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) ký kết cùng công ty Nestlé Việt Nam trong hợp tác truyền thông nâng cao kiến thức dinh dưỡng hợp lý cho người dân và hỗ trợ xây dựng các tiêu chí dinh dưỡng

Ông Ganesan Ampalavanar, Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam cho biết: “Với kinh nghiệm quốc tế và sự am hiểu sâu sắc về nhu cầu dinh dưỡng của người tiêu dùng Việt Nam, Công ty Nestlé Việt Nam cam kết đồng hành cùng Bộ Y tế và các cơ quan ban ngành triển khai các hoạt động truyền thông đến cộng đồng nhằm tăng cường sự hiểu biết của người dân về thực phẩm và đồ uống tốt hơn cho sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần vào một tương lai khỏe mạnh hơn cho người Việt Nam”.

Thu Hoài