Chính sách giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng và một số giải pháp cơ bản

ThS. Nguyễn Thị The và ThS. Triệu Thị Cẩm Nhung (Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng)

 

TÓM TẮT:

Chính sách giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đối với đồng bào dân tộc Khmer nói riêng được Đảng và Nhà nước xác định vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu để phát triển bền vững đất nước. Từ nhiều năm qua, Đảng bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng xác định công tác xóa đói giảm nghèo là một chủ trương lớn, nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, là nhiệm vụ kinh tế - xã hội cấp thiết nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững gắn với đảm bảo công bằng xã hội. Bài viết tập trung đánh giá về việc thực hiện chính sách giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer, qua đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng trong thời gian tới.

Từ khóa: Chính sách giảm nghèo, đồng bào dân tộc Khmer, tỉnh Sóc Trăng.

1. Khái quát về chính sách giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer

Nằm trong vùng hạ lưu sông Hậu, hướng ra biển Đông, Sóc Trăng là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long có diện tích đất tự nhiên là 331.187 ha, có bờ biển dài 72 km; diện tích đất nông nghiệp là 280.819 ha, chiếm 84,79%; đất phi nông nghiệp là 49.820 ha chiếm 15,04% và đất chưa sử dụng là 548 ha chiếm 0,17%. Phía Tây Bắc giáp tỉnh Hậu Giang, phía Đông Bắc giáp tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long, phía Tây Nam giáp tỉnh Bạc Liêu, phía Đông Nam giáp biển Đông. Dân số của tỉnh Sóc Trăng (năm 2018) là 1.315.944 người; trong đó dân tộc thiểu số là 470.603 người chiếm 35,76% dân số, gồm 19 dân tộc thiểu số (Khmer là 404.110 người, chiếm 30,71%, dân tộc Hoa là 66.069 người, chiếm 5,02%, còn lại dân tộc khác là 424 người, chiếm tỷ lệ 0,03%)([1]). Dân tộc Khmer phân bố đều ở 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, đông nhất là ở thị xã Vĩnh Châu (chiếm 52,96%), huyện Trần Đề, huyện Châu Thành, huyện Thạnh Trị, huyện Mỹ Xuyên,... Sóc Trăng có 08 huyện, 02 thị xã, 01 thành phố với 109 xã, phường, thị trấn và 775 khóm, ấp; trong đó có 29 xã đặc biệt khó khăn và 158 ấp đặc biệt khó khăn thuộc 56 xã khu vực II được đầu tư thực hiện Chương trình 135; có 79/109 xã, phường, thị trấn (chiếm 72,48%) là xã thuộc vùng khó khăn. Ngoài ra, còn có 11 xã đảo và 14 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo([2]). Đồng bào dân tộc Khmer sinh sống chủ yếu ở nông thôn, tập trung hay rải rác ở những vùng hẻo lánh, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Sản xuất nông nghiệp có một vị trí quan trọng trong đời sống và ảnh hưởng đến các mặt sinh hoạt văn hóa xã hội, tôn giáo của họ. Cộng đồng dân tộc Khmer ở Sóc Trăng có xuất phát điểm kinh tế thấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa; trình độ học vấn còn thấp, tỷ lệ mù chữ còn cao, một số nơi còn duy trì phong tục, tập quán lạc hậu trong đời sống cộng đồng,…

san xuat lua
Hơn 90% dân số Khmer Sóc Trăng sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp

Hơn 90% dân số Khmer Sóc Trăng sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp, việc áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất còn nhiều hạn chế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi chưa thích ứng kịp thời với nhu cầu của thị trường, sản phẩm của công nghiệp chế biến phần lớn là sơ chế, sản phẩm thô, sức cạnh tranh trên thị trường không cao; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer còn gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế chậm phát triển; tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào Khmer còn khá cao (15,15%)([3]). Đó là trở ngại lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Vì vậy, việc triển khai, thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo cho đồng bào dân tộc Khmer không chỉ góp phần phát triển nhanh kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng, mà còn thúc đẩy việc thực hiện tốt hơn chính sách dân tộc, đảm bảo ổn định tình hình an ninh, chính trị tại địa phương. Việc xây dựng, thực hiện các chính sách giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc Khmer là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng.

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện giảm nghèo, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm vào những vùng còn tỷ lệ hộ nghèo cao như vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc Khmer với tinh thần: Thứ nhất, về chủ trương phải đúng trọng tâm, trọng điểm; thứ hai, về chỉ đạo phải quyết liệt, phân công cụ thể đối tượng thực thi chính sách, thời hạn hoàn thành; thứ ba, người giao chủ trì phải gương mẫu, tận tụy, sâu sát, dân chủ, sáng tạo đi đôi tuân thủ pháp luật. T

hời gian qua, việc quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2010 - 2020, tỉnh Sóc Trăng đã tập trung các nguồn lực, thực hiện nhiều chính sách, giải pháp giảm nghèo, an sinh xã hội. Từ đó đã đem lại nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc Khmer có nhiều chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn khởi sắc rõ nét, tỷ lệ hộ nghèo giảm (11,75%)([4]), đời sống của một bộ phận khá lớn đồng bào dân tộc Khmer ngày được nâng lên và thoát nghèo.

Tuy nhiên, thực tế, công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh Sóc Trăng còn nhiều khó khăn, chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo vẫn còn xảy ra; tính chủ động của một số ít người nghèo dân tộc Khmer còn hạn chế, còn trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước, không nắm bắt cơ hội để vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, còn nhiều hộ không có khả năng thoát nghèo (người già yếu, neo đơn, không con cháu, người tàn tật nặng,...).

Vì thế, dẫn đến đời sống của một bộ phận người nghèo dân tộc Khmer chưa bảo đảm được mức tối thiểu và sự chênh lệch về khoảng cách giữa dân tộc Kinh, Hoa ngày càng tăng. Không những thế, kinh tế của tỉnh Sóc Trăng chủ yếu là sản xuất nông nghiệp (tôm, lúa, trồng màu), chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, các yếu tố giá cả thị trường luôn tác động bất lợi cho người sản xuất, cùng với việc hạn hán, xâm ngập mặn, thiếu nước ngọt hàng năm, dịch bệnh, luôn làm biến động về tăng giảm hộ nghèo.

san xuat lua

Nông dân huyện Châu Thành (Sóc Trăng) thu hoạch lúa

2. Thực trạng thực hiện chính sách giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về công tác dân tộc, như: Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới; Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020.

Dựa vào những định hướng trên, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các cấp, các ngành, cùng phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, cơ quan thông tin đại chúng quán triệt trong nội bộ, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, tuyên truyền, phổ biến trong toàn nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong đó có chính sách giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Các chính sách dân tộc đã và đang được triển khai thực hiện tại tỉnh Sóc Trăng gồm có: Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 02/8/2016 của Tỉnh ủy Sóc Trăng về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 11/11/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐND ngày 06/3/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; Nghị quyết số 11/2018/NQ-HĐND ngày 10/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng về việc quy định mức chi hỗ trợ dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020...

Đồng thời, chỉ đạo tổ chức lồng ghép việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với các chương trình, dự án khác có liên quan để nâng cao hiệu quả như: Chương trình 134; Chương trình 135; Chương trình 167; Chương trình Mục tiêu quốc gia về dạy nghề và việc làm nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng thoát nghèo bền vững để tiến tới thực hiện đạt mục tiêu giảm nghèo đề ra. Bên cạnh đó, Tỉnh còn ban hành nhiều chính sách kêu gọi đầu tư đối với các xã đặc biệt khó khăn, xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, xã có biển. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với phát huy lợi thế về dịch vụ, du lịch, tạo đòn bẩy phát triển vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer.

nuoi tom
Điện khí hóa nông thôn giúp nông dân tỉnh Sóc Trăng nuôi tôm cho năng suất cao

Qua triển khai, thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc Khmer đã đem lại nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh theo hướng bền vững. Cụ thể :

Về kết quả giảm nghèo, trong giai đoạn 2011 - 2015, theo kết quả tổng điều tra hộ nghèo năm 2010, toàn tỉnh có 75.639 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 24,31%, trong đó có 35.543 hộ Khmer nghèo, chiếm tỷ lệ 36,46%. Đến cuối năm 2015, số hộ nghèo còn lại qua rà soát (theo chuẩn cũ): 28.200 hộ, tỷ lệ 8,88%, trong đó, số hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer 14.803 hộ, tỷ lệ 15,15%([5]).

Thực hiện Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, vào đầu năm 2016, toàn tỉnh có 57.814 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 15,32%. Trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số là 28.389 hộ, chiếm 24,52% tổng số hộ dân tộc thiểu số và chiếm tỷ lệ 49,10% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh.

Đến tháng 12/2018, toàn Tỉnh giảm còn 27.154 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 8,40% (giảm 30.660 hộ so với đầu năm 2016). Trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số là 13.605 hộ, chiếm 11,75% tổng số hộ dân tộc thiểu số và chiếm 50,10% tổng số hộ nghèo của tỉnh (giảm 14.784 hộ so với đầu năm 2016) ([6]). Đồng thời, tranh thủ lồng ghép các Chương trình dự án khác, cũng như tranh thủ sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, mạnh thường quân, các tổ chức... Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và rõ rệt, đến nay chỉ còn 8,66% (giảm 7,57% so với năm 2016) (trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer là 11,75%)([7]).

Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng tập trung chỉ đạo quyết liệt những chủ trương, chính sách đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số, như: Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020; Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách hỗ trợ [8].

trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn; Đề án Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Dự án Hỗ trợ xây dựng và cung cấp trang thiết bị y tế,... Việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án này đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đời sống của nhân dân trong tỉnh nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2-3%/năm, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 4%/năm; cơ sở hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm được nâng cấp và đầu tư xây mới; lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực. Thông qua việc triển khai thực hiện các chính sách đã làm thay đổi căn bản suy nghĩ, nhận thức của đồng bào dân tộc Khmer, họ được tiếp cận với các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, từng bước xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách giảm nghèo của tỉnh Sóc Trăng vẫn còn một số mặt hạn chế, đó là:

Các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách của Bộ, ngành ban hành đôi lúc còn chậm so với yêu cầu triển khai thực hiện các chương trình, dự án tại địa phương; phân bổ kinh phí thực hiện chính sách chưa đảm bảo định mức,... từ đó ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả của các chính sách.

Việc triển khai thực hiện một số dự án, chính sách giảm nghèo còn dàn trải chưa đi sâu phân tích về nguyên nhân nghèo của hộ nghèo để có cơ sở đầu tư đúng nhu cầu giúp địa phương và người nghèo có điều kiện vươn lên. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa nắm bắt kịp thời tình hình biến động về hộ nghèo, người nghèo do địa phương quản lý để thực hiện các chính sách, dự án cho phù hợp và kịp thời.

trong ot
Nhờ có hệ thống thủy lợi, người dân ấp Đại Nôn, xã Liên Tú, huyện Long Phú (Sóc Trăng) đầu tư trồng ớt, ngô cho lợi nhuận cao

 Một số chính sách giảm nghèo mang tính bao cấp, hỗ trợ trực tiếp nên hình thành tâm lý ỷ lại, thụ động, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước ở một số người Khmer nghèo, tạo ra hệ lụy mà chính sách không mong muốn đó là người dân không muốn thoát nghèo để được hưởng lợi từ chính sách giảm nghèo cũng như cán bộ cơ sở không muốn địa phương mình thoát nghèo để được hỗ trợ.

Ngoài ra, một bộ phận đồng bào dân tộc Khmer chưa nói được tiếng Kinh nên gặp khó khăn trong giao tiếp. Bên cạnh đó, do mặt bằng dân trí thấp dẫn đến hạn chế trong việc đào tạo nghề, việc làm, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tiếp cận và nắm bắt thông tin thị trường.

Những hạn chế trên cho thấy việc thực hiện chính sách giảm nghèo tại địa phương còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, cần có giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn để ổn định đời sống quần chúng nhân dân nói chung, đồng bào dân tộc Khmer nghèo nói riêng là yêu cầu cấp thiết của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng.

3. Đề xuất một số giải pháp

Để nâng cao hiệu quả triển khai, thực hiện chính sách giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh Sóc Trăng trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền về ý nghĩa và tầm quan trọng của chính sách giảm nghèo để mọi người dân, nhất là đồng bào dân tộc Khmer trong vùng dự án nắm bắt và tự nguyện tham gia cùng với Nhà nước. Ngoài ra còn tạo ý thức tự chủ động vượt khó, phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Cần phát huy, nhân rộng mô hình nhóm tiết kiệm để người dân, nhất là người nghèo tiếp cận được nguồn vốn để phát triển sản xuất và chăn nuôi từ đó phát triển kinh tế gia đình; đổi mới quy trình, thủ tục đơn giản tạo điều kiện cho người dân nghèo tiếp cận được nguồn vốn, cần ưu tiên chú trọng cho những hộ nghèo, cận nghèo chí thú làm ăn để vươn lên thoát nghèo, thoát cận nghèo; tránh đầu tư dàn trải, nguồn vốn đầu tư phát vay trực tiếp cho hộ nghèo, cận nghèo đồng bào dân tộc Khmer để phát triển sản xuất - kinh doanh.

Hai là, triển khai thực hiện lồng ghép đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, phát huy hiệu quả tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào dân tộc Khmer được tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của các ngành và địa phương trong việc quản lý, chỉ đạo và điều hành thực hiện việc lồng ghép các chương trình, chính sách đúng quy trình thủ tục và quy định của pháp luật, đảm bảo công khai dân chủ, chính xác, kịp thời và hiệu quả.

Việc triển khai, thực hiện các chính sách phải có sự lồng ghép một cách đồng bộ hướng vào hỗ trợ hộ nghèo; hỗ trợ ấp, khóm, xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển, đầu tư về cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân.

soc trang 2
Sóc Trăng luôn quan tâm chăm lo bà con Khmer làm ăn phát triển kinh tế

Ba là, nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, phù hợp nhằm nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo người Khmer; tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, cận nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực thị trường (thị trường vốn, lao động, đất đai, khoa học, kỹ thuật, công nghệ và thị trường hàng hóa đầu vào, đầu ra,…) hướng đến phát triển sản xuất và dịch vụ, tăng thu nhập và từng bước nâng cao, cải thiện đời sống cho người nghèo, cận nghèo đồng bào dân tộc Khmer.

Bốn là, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất, đặc biệt là trong nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, chú trọng phát triển những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, giữ vững tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh. Bảo đảm duy trì ổn định việc làm cho người lao động đang làm việc và tạo việc làm mới. Bên cạnh đó, cần triển khai có hiệu quả chương trình giải quyết việc làm và đào tạo nghề. Mở rộng dạy nghề, giới thiệu việc làm, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh tạo việc làm tại địa phương cho các đối tượng nghèo, cận nghèo. Làm tốt công tác xuất khẩu lao động đối với người nghèo, cận nghèo.

Tóm lại, Sóc Trăng là tỉnh nghèo, ngân sách hàng năm đều được Trung ương cấp bổ sung, mặc dù thời gian qua đã thực hiện nhiều chính sách để giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất cho đồng bào dân tộc Khmer, nhưng tỷ lệ hộ Khmer nghèo vẫn  còn cao so với tỷ lệ chung của Tỉnh, đặc biệt so với đồng bào Kinh. Cái nghèo đã ăn sâu bám rễ trong một bộ phận đồng bào dân tộc Khmer, sự bất bình đẳng và mất cân đối trong thu nhập cũng như khả năng tiếp cận các cơ hội và dịch vụ cần phải được giải quyết. 

Mấu chốt của vấn đề này chính là một hệ thống an sinh xã hội toàn diện và hòa nhập, cùng với một chương trình mục tiêu và tập trung về xóa đói giảm nghèo để giải quyết tình trạng nghèo đói từ lâu đời trong đồng bào dân tộc Khmer. Vì vậy, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc Khmer tại tỉnh Sóc Trăng hiện nay cũng như trong thời gian tới là một yêu cầu bức thiết.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:                                                  

[1,4] Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng (2019). Báo cáo số 110/BC-UBND, ngày 26/4/2019 về Kết quả đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2018 và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2021 - 2030, Sóc Trăng, tr.2.

[2,6,7] Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng (2019). Báo cáo số 152/BC-UBND, ngày 19/6/2019 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2012 - 2018, Sóc Trăng, tr.2.

[3,5] Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng (2020). Báo cáo số 86/BC-UBND, ngày 10/4/2020 về Tổng kết Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24/6/2014 của Quốc hội về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Sóc Trăng, tr.2.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Thị Ánh và cộng sự (2012), Xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc Chăm, Khmer vùng Tây Nam Bộ trong giai đoạn hiện nay, Đề tài khoa học cấp cơ sở, Học viện Chính trị - Hành chính Khu vực IV, Hà Nội.
  2. Nguyễn Quốc Dũng, Võ Thị Kim Thu (2016), Giảm nghèo đối với đồng bào Khmer Tây Nam bộ trong quá trình phát triển bền vững, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  3. TS. Lê Quốc Lý (2016), Chính sách phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội đối với đồng bào vùng Tây Nam bộ, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.