Chính sách năng lượng của Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Obama và khuynh hướng tác động đến thị trường năng lượng toàn cầu

TS. HOÀNG XUÂN LÂM (Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị)

TÓM TẮT:

Vào những năm cuối thập niên 90 thế kỷ XX, với nền kinh tế khổng lồ, Hoa Kỳ trở thành một nước tiêu thụ nhiều năng lượng nhất thế giới. Tuy nhiên, lĩnh vực năng lượng của Mỹ lại phát triển tương đối chậm, không theo kịp sự gia tăng của nhu cầu thực tế.

Bài viết phân tích các chính sách năng lượng của Chính phủ Hoa Kỳ để phát triển lĩnh vực năng lượng nhằm biến nó trở thành nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển trong những thập kỷ đầu thế kỷ XXI.

Từ khóa: Chính sách năng lượng của Hoa Kỳ, năng lượng Hoa Kỳ, thị trường năng lượng toàn cầu.

1. Mục tiêu và các biện pháp thực hiện chính sách năng lượng dưới thời Tổng thống Obama

Chính sách năng lượng của Tổng thống Obama nhiệm kỳ đầu đề ra các mục tiêu chủ yếu là: Hướng đến độc lập năng lượng, kích thích tăng trưởng kinh tế, bảo tồn và nâng cao hiệu quả năng lượng, tăng cường nguồn cung trong nước. Tuy nhiên, đến giai đoạn sau, trước những thách thức mới về vấn đề an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu, Chính phủ Hoa Kỳ đã có những ưu tiên mới cho chính sách năng lượng theo hướng: Giảm hiệu ứng nhà kính; phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường, với các mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế xanh; gắn với quan tâm đến phát triển các nguồn năng lượng có thể tái sinh; tiết kiệm năng lượng và các biện pháp chống biến đổi khí hậu.

1.1. Hướng tới độc lập về năng lượng

Một trong những mục tiêu cốt lõi của chính sách năng lượng dưới thời Tổng thống Obama là hướng tới độc lập về năng lượng, nhằm nâng cao sự an toàn năng lượng cho Hoa Kỳ trong tương lai. Mục tiêu này được hiểu là ngay cả khi nguồn cung dầu mỏ trong và ngoài nước đều bị gián đoạn thì Mỹ vẫn hoàn toàn có khả năng tự đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong nước. Tổng thống Obama cho rằng, chỉ khi Chính phủ và dân chúng Mỹ không phải chịu những tác động nặng nề do sự biến động về dầu mỏ thì nước này mới được coi là độc lập về năng lượng. Như vậy, để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ của Tổng thống Obama cần phải có những chính sách cụ thể nhằm đáp ứng khả năng tự cung ứng cho nhu cầu năng lượng trong nước.

1.2. Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường

Một mục tiêu quan trọng khác trong chính sách năng lượng của Tổng thống Obama là thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế xanh, nghĩa là tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường. Mỹ đặc biệt quan tâm đến phát triển các nguồn năng lượng có thể tái sinh, tiết kiệm năng lượng và các biện pháp chống biến đổi khí hậu.

Để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, Chính phủ Hoa Kỳ đã tuyên bố kế hoạch phát triển các nguồn năng lượng mặt trời, sức gió, năng lượng tái chế và các nguồn năng lượng sạch khác nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng của doanh nghiệp và công chúng Mỹ. Theo đó, Chính phủ của Tổng thống Obama đã đưa ra Kế hoạch Năng lượng sạch (Clean Power). Mục tiêu là nhằm giảm mức phát thải khí nhà kính từ các nhà máy điện của Hoa Kỳ xuống còn 1/3 trong vòng 15 năm tới.

Kế hoạch bao gồm các điều luật và quy định điều chỉnh vấn đề gây ô nhiễm của các nhà máy điện ở Mỹ. Lần đầu tiên đặt ra giới hạn về lượng khí thải carbon của các nhà máy này. Theo đó, đến năm 2030, các nhà máy phải giảm 32% lượng khí thải CO2 so với năm 2005. Các Bang của Hoa Kỳ sẽ phải nộp những bản kế hoạch riêng nhằm hoàn thành mục tiêu cắt giảm khí thải lên Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) dựa trên mức tiêu thụ năng lượng của từng Bang trước tháng 9/2016. Chính sách này cũng lùi thời gian bắt đầu thực thi sang năm 2022, sau khi nhiều Bang cho rằng thời điểm năm 2020 là quá sớm.

Bên cạnh đó, bản kế hoạch này của Chính phủ Hoa Kỳ còn khuyến khích chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, hối thúc đầu tư mạnh hơn vào năng lượng gió và mặt trời, với mục tiêu tăng lượng điện sản xuất bằng năng lượng sạch lên 28% tổng lượng điện của Mỹ, từ mức dưới 10% của năm 2015[1]. Thực tế cho thấy, các nhà máy điện “đóng góp” khoảng 40% lượng khí thải carbon của nước này, dù hiện tại khí đốt tự nhiên đã dần trở nên phổ biến, hàng trăm nhà máy nhiệt điện sử dụng than vẫn cung cấp tới 37% lượng điện, trên cả khí tự nhiên và năng lượng hạt nhân[2]. Với việc thực hiện kế hoạch điện năng sạch, đến năm 2030, mỗi hộ gia đình Mỹ sẽ tiết kiệm được 85 USD tiền điện/năm; qua đó giúp người tiêu dùng Mỹ tiết kiệm 155 tỷ USD.

Do tác động của khủng hoảng kinh tế, chính sách năng lượng của Tổng thống Obama dành ưu tiên cho việc ổn định hệ thống tài chính tiền tệ và các biện pháp kích thích kinh tế. Kế hoạch tái đầu tư và khôi phục kinh tế Mỹ năm 2009 với tổng trị giá gói kích thích kinh tế lên tới 789 tỷ USD, dành 50 tỷ USD cho việc phát triển và mở rộng tái sản xuất năng lượng. Mục tiêu của kế hoạch phát triển và mở rộng này là trong 10 năm tới, thông qua làm sạch và tái sản xuất năng lượng có thể tạo thêm 460.000 việc làm cho người lao động Mỹ. 50 tỷ USD trong kế hoạch phát triển và mở rộng tái sản xuất năng lượng bao gồm: 14 tỷ USD dùng cho dự án tái tạo năng lượng; 4,5 tỷ USD chi cho cải tạo hệ thống điện thông minh; 6,4 tỷ USD đầu tư vào dự án làm sạch năng lượng và 5 tỷ USD dành cho cải tạo hệ thống điện gia đình.

Tổng thống Obama đã tuyên bố, chính quyền của ông sẽ xây dựng các mục tiêu hàng năm nhằm giảm lượng khí thải vào môi trường bằng mức năm 1990 vào năm 2020 và giảm thêm 80% lượng khí thải vào năm 2050. Thêm vào đó, chính quyền Mỹ sẽ đầu tư 15 tỷ USD hàng năm xây dựng một tương lai năng lượng sạch. Bên cạnh đó, cũng sẽ quan tâm đầu tư vào phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió và nhiên liệu sinh học thế hệ tiếp theo, phát triển năng lượng hạt nhân nếu chắc chắn nguồn năng lượng này là an toàn. Đồng thời, tăng cường phát triển các công nghệ khai thác và sản xuất than sạch.

Chính quyền Mỹ của Tổng thống Obama cũng thông qua các chương trình trợ cấp cho năng lượng sinh học, ưu đãi thuế đối với việc tiêu dùng năng lượng và giảm khí thải. Vào đầu năm 2009, một dự luật với tên gọi “Đạo luật an ninh và năng lượng sạch” đã ra đời nhằm mục đích giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu dầu mỏ từ bên ngoài và đề ra kế hoạch xây dựng nguồn năng lượng xanh và sạch vì một nền kinh tế xanh. Dự luật này nhấn mạnh vào vấn đề trọng tâm là hạn chế lượng khí thải carbon, quản lý mức khí thải carbon của các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như nhà máy điện, nhà máy lọc dầu, công ty hóa chất,... Dự luật này đã được Hạ viện Mỹ thông qua vào tháng 6 năm 2009.

Chính sách năng lượng mới của Mỹ có thể khái quát thành một số điểm sau: Trong 10 năm tới, Mỹ sẽ chi 150 tỷ USD để kích thích tư nhân đầu tư vào các nguồn năng lượng sạch, giúp tạo 5 triệu cơ hội việc làm; Mỹ sẽ tiết kiệm nhiều dầu lửa hơn nữa, lượng dầu lửa tiết kiệm được phải nhiều hơn tổng lượng dầu lửa nhập khẩu từ khu vực Trung Đông và Venezuela hiện nay; Đến năm 2025, tỷ lệ này sẽ đạt 25%; Thực thi kế hoạch “Buôn bán chỉ tiêu khí thải carbon và khống chế tổng lượng”, đến năm 2050, Mỹ sẽ hạ thấp 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên nền tảng của mức năm 1990 .

Trong nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Obama đã nỗ lực đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trong đó, Kế hoạch hành động khí hậu (The Climate Action Plan-CAP) là những nỗ lực trọng tâm đối với việc chống lại tình trạng biến đổi khí hậu. Kế hoạch CAP được xem là điểm nhấn không phải vì vai trò chính trị của một người dẫn dắt mà là sự lo lắng cho tương lai.

Với kế hoạch này, Tổng thống đã đưa ra các bước thực hiện nhằm làm giảm đáng kể và ngay lập tức khí phát thải nhà kính. Những bước này bao gồm các quy định trực tiếp về khí thải, như Kế hoạch Năng lượng sạch (the Clean Power Plan-CPP), theo đó sẽ tiếp tục chuyển hướng sang việc sử dụng điện năng từ các nguồn năng lượng sạch và bổ sung các quy định về khí thải carbon cho các ngành khác. Chẳng hạn như, tiết kiệm nhiên liệu và các tiêu chuẩn về khí thải nhà kính cho các loại xe hạng nhẹ, hạng trung bình, hạng nặng.

Tổng thống Obama cho rằng, các nhà máy điện chịu trách nhiệm đối với 1/3 ô nhiễm khí carbon của tiểu bang hơn các khí thải của xe ô tô, các ngôi nhà và máy bay cộng lại. Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA) công bố, các tiểu bang phải chịu trách nhiệm với kế hoạch của chính họ để thực hiện mục tiêu giảm khí thải nhà máy. Các nhà máy sẽ phải thực hiện quy định này vào năm 2022. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh các quy định này sẽ cắt góp phần làm giảm các chất gây ô nhiễm mà có thể dẫn tới bệnh hen suyễn xuống 70%. Kế hoạch mới cũng sẽ làm tăng tỷ trọng lượng điện được tạo ra bởi nguồn năng lượng tái tạo đến 28% ở Hoa Kỳ. Theo số liệu của Chính phủ, đã có nhiều nhà máy điện chuyển đổi thế hệ năng lượng từ than đá sang khí đốt tự nhiên và nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời và gió. Kết quả là, lượng khí thải cacbon từ các nhà máy năng lượng đốt than đá tại Mỹ đã giảm xuống khoảng 13% trên toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2013.

2. Khuynh hướng tác động đến thị trường năng lượng toàn cầu

Bằng việc thực thi các chính sách năng lượng linh hoạt và hợp lý, trong những năm vừa qua, thế giới đã chứng kiến sự xuất hiện của“cuộc cách mạng đá phiến” ở Hoa Kỳ. Đây là sự phát triển mang tính bước ngoặt trong sản xuất thương mại dầu và khí đốt được hình thành từ đá phiến với quy mô lớn. Cuộc cách mạng này đã có những tác động tới khu vực năng lượng Hoa Kỳ theo nhiều hướng khác nhau. Sự gia tăng sản lượng nhờ nguồn cung dầu và khí đá phiến đã đem lại những cải thiện đáng kể trong môi trường an ninh năng lượng của Mỹ. Tuy nhiên, đối với thế giới, những thay đổi này lại có tác động to lớn trên phạm vi toàn cầu trong các lĩnh vực kinh tế và chính trị. Đặc biệt, là những tác động đến môi trường địa chính trị và an ninh năng lượng thế giới.

Ảnh hưởng của cuộc cách mạng đá phiến đối với thế giới ngày càng tăng bởi: Trước hết, cuộc cách mạng này sẽ giúp ổn định thị trường năng lượng toàn cầu thông qua việc tạo ra nguồn cung năng lượng dài hạn và bền vững; Thứ hai, việc nâng cao khả năng tự cung cấp năng lượng của các nước nhập khẩu sẽ hạn chế tình trạng các quốc gia xuất khẩu sử dụng việc xuất khẩu năng lượng để phục vụ cho các mục đích chính trị.

Việc gia tăng sản xuất khí đá phiến tại Hoa Kỳ đã tác động lớn lên thị trường năng lượng toàn cầu nói chung. Tính đến năm 2007, Mỹ vẫn được dự đoán sẽ trở thành nhà nhập khẩu khí tự nhiên lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, việc sản xuất khí đá phiến tăng lên đã làm thay đổi tình trạng này, khiến cho việc tăng nhập khẩu khí tự nhiên trở nên không còn cần thiết. Đồng thời, do sản xuất khí đốt trong nước được dự báo phát triển với tốc độ vượt qua cả sức tiêu thụ, nên khả năng cao là Hoa Kỳ sẽ trở thành nước xuất khẩu ròng khí tự nhiên. Do đó, một số nước sản xuất khí đốt vốn đã đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất khí hóa lỏng phục vụ xuất khẩu sang Mỹ buộc phải chuyển hướng tìm kiếm thị trường xuất khẩu thay thế.

Trong khi đó, do việc gia tăng lượng cung về khí đốt vượt quá những dự báo ban đầu khiến cho giá khí đốt có xu hướng đi xuống, nên các nước nhập khẩu ròng khí tự nhiên sẽ được lợi từ việc cải thiện về giá cả và mở rộng nguồn cung. Các nước này không còn phải mua khí tự nhiên theo hợp đồng dài hạn với giá gắn với giá dầu (một tiền lệ trên thực tế được gọi là “ấn định giá theo chỉ số giá dầu”). Trong các cuộc đàm phán với nhà cung cấp, các nước này có thể thiết lập mức giá mới phản ánh diễn biến thực tế của quan hệ cung cầu về khí đốt trên thị trường. Ngược lại, các nước xuất khẩu khí đốt sẽ phải chịu sức ép giảm giá mạnh, đồng thời phải thúc đẩy hơn nữa việc phát triển thị trường mới.

Một khía cạnh khác, do nguồn tài nguyên khí tự nhiên toàn cầu là rất lớn, vượt xa dầu mỏ, cùng với tiến bộ về công nghệ, kim ngạch sản xuất tiềm năng đang tăng vững chắc. Do đó, khí tự nhiên có khả năng chiếm một tỷ lệ lớn hơn trong nhu cầu sử dụng năng lượng trên toàn cầu. Đáng chú ý, nhu cầu sử dụng khí đốt làm nguồn năng lượng cho giao thông vận tải đường bộ được dự báo sẽ tăng mạnh. Các nguồn nhiên liệu này từ trước tới nay bị hạn chế vì lý do kỹ thuật và tình hình phát triển kinh tế. Trong bối cảnh sức tiêu thụ năng lượng trên toàn thế giới đang gia tăng, khí tự nhiên có khả năng chiếm một tỷ lệ phần trăm ngày càng cao trong toàn bộ năng lượng tiêu thụ, nếu xét về tác động tương đối hạn chế của nó tới môi trường. Đây cũng là tín hiệu tốt để hòa hợp các hoạt động công nghiệp của con người trong tương lai với môi trường tự nhiên.

Để đáp ứng nhu cầu về khí đốt ở mức độ này, thế giới cần đảm bảo một hệ thống cung cấp khí tự nhiên vững chắc. Tuy nhiên, với sự phát triển của thương mại quốc tế về khí hóa lỏng, hệ thống giá cả sẽ bắt đầu phản ánh thị trường một cách chính xác hơn. Sự điều chỉnh hiệu quả về cung-cầu sẽ tạo ra nguồn cung ổn định và đáng tin cậy của khí đốt cho thị trường tiêu dùng. Bên cạnh đó, nếu xu hướng phát triển khai thác và công nghệ sản xuất khí đá phiến hiện đang được sử dụng tại Hoa Kỳ, được nhân rộng ra nhiều nơi trên thế giới thì sẽ có nhiều quốc gia ngày càng tự túc hơn về khí tự nhiên. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho các mối quan hệ quốc tế khi nó làm giảm sức ép của các nhà cung cấp năng lượng chủ yếu trước đây trên thế giới, thông qua việc thao túng thị trường.

Một tác động khác là sẽ xuất hiện sự chuyển hướng đối với các dòng thương mại khi đốt, khi Trung Quốc và Ấn Độ sẽ trở thành những nước nhập khẩu lớn, còn Hoa Kỳ sẽ trở thành nước xuất khẩu. Theo đánh giá của IEA, sản xuất khí đá phiến gia tăng tại Mỹ đã tác động đáng kể đến thị trường năng lượng toàn cầu vào cuối năm 2013, do gây ra những biến động về giá của các loại năng lượng chính. Quy mô và mức độ ảnh hưởng của nó cũng vượt xa so với dầu đá phiến. Chính vì vậy, IEA đã gọi khí đá phiến là “nhân tố thay đổi cục diện” mang lại một sự thay đổi lớn cho Hoa Kỳ và thị trường năng lượng toàn cầu. Trong thực tế, khí đá phiến hiện đang tạo ra những thay đổi về cơ cấu trong thị trường năng lượng quốc tế với tốc độ và quy mô vượt qua dự báo của IEA.

Đối với dầu mỏ, trong khi nhu cầu nhập khẩu dầu thô của Mỹ có xu hướng giảm xuống thì lượng dầu nhập khẩu của một số quốc gia châu Á lại gia tăng, đáng chú ý là Trung Quốc và Ấn Độ, dự kiến sẽ tăng mạnh và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản lượng xuất khẩu dầu thô từ Trung Đông và châu Phi. Vì vậy, dầu thô vận chuyển bằng đường biển cho các thị trường châu Á sẽ buộc phải đi qua các điểm nút vào châu lục này. Về khía cạnh an ninh, điều này có nghĩa là sẽ có những rủi ro lớn khi quá cảnh các eo biển Hormuz ở lối vào Vịnh Ba Tư và eo biển Malacca giữa Malaysia và Indonesia. Nói cách khác, nếu nảy sinh tình trạng bất ổn an ninh ở những khu vực này, chắc chắn sẽ có những tác động đến giá cả và sản lượng dầu thô trên thế giới. Những giao động về giá của dầu thô - một loại hàng hóa quốc tế - chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng ở Mỹ. Vì vậy, các mối quan tâm về an ninh năng lượng mang tính địa chính trị của Chính phủ Hoa Kỳ sẽ vẫn tập trung chủ yếu vào các nước ở khu vực Trung Đông và Châu Á - Thái Bình Dương. Chính phủ Hoa Kỳ sẽ không thể thờ ơ với lợi ích của mình trong lĩnh vực an ninh quốc gia và sẽ phải sử dụng các biện pháp để duy trì một nguồn cung cấp dầu thô ổn định cho thị trường toàn cầu, từ đó ổn định giá dầu thô quốc tế.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Securing America’s Future Energy (SAFE) (2016). A National Strategy for Energy Security: The Innovation Revolution.
  2. Yacobucci, Brent D. (2015). CRS Report for Congress, Energy Policy: 114th Congress Issues,.
  3. Eiichi Katahara (2014), The Shale Revolution and the International Security Environment. East Asian Strategic Review.
  4. Grossman, Peter (2013). S. Energy Policy and the Pursuit of Failure. Cambridge University Press.
  5.  Hamilton, Michael S. (2013.Energy Policy Analysis: A Conceptual Framework. Armonk, NY, USA: M.E. Sharpe, Inc.
  6. Smith, Grant (4 July 2014). S. is now world's biggest oil producer. www.chicagotribune.com. Bloomberg News. Retrieved 4 July 2014.
  7. US Energy Information Administration (2013). Imports and exports of electricity, and Electricity: Summary statistics for the United States.
  8. Grossman, Peter (2013). S. Energy Policy and the Pursuit of Failure. Cambridge University Press.
  9. Fuel Prices Increase Nationwide as California Braces for $4/Gallon Gas in '08". Awmanet.org. Retrieved 2012-03-30.
  10. Mark Cooper (2013). Nuclear aging: Not so graceful. Bulletin of the Atomic Scientists.
  11. Matthew Wald (June 14, 2013). Nuclear Plants, Old and Uncompetitive, Are Closing Earlier Than Expected.New York Times. 11. The White House (2012). Obama Administration Finalizes Historic 54.5 MPG Fuel Efficiency Standards. <https://www.whitehouse.gov/the-press-office/2012/08/28/obama-administration-finalizes-historic-545-mpg-fuel-efficiency-standard>
  12. Tiết kiệm năng lượng (2012). Chiến thắng của năng lượng sạch <http://tietkiemnangluong.com.vn/tin-tuc/chinh-sach-nang-luong/t14126/chien-thang-cua-nang-luong-sach.html>
  13. Hạnh Nguyễn (2016). Tiết kiệm năng lượng lên ngôi dưới thời của Tổng thống Obama. <http://tietkiemnangluong.com.vn/tin-tuc/chinh-sach-nang-luong/t23664/tiet-kiem-nang-luong-len-ngoi-duoi-thoi-cua-tong-thong-obama.html>
  14. Nguyễn Ngọc Mạnh (2017), Chính sách năng lượng của Hoa Kỳ, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ.

 

THE ENERGY POLICIES OF THE UNITED STATES

DURING BARACK OBAMA’S PRESIDENCY AND IMPACTS ON

THE GLOBAL ENERGY MARKET

Ph.D HOANG XUAN LAM

University of Technology and Management

ABSTRACT:

In the late 90s of last century, the United States (U.S) with its huge economy became one of the top energy-consuming countries in the world. However, the U.S energy sector grew relatively slowly at that time and did not keep up with the country’s increasing energy demand. This paper analyzes the policies of the U.S government for developing its energy industry and making this key industry become a solid foundation for the U.S’s economy growth in the early 21st century.

Keywords: Energy policies of the United States, US energy, global energy market.