Chính sách tạo việc làm cho người dân vùng bị thu hẹp đất nông nghiệp: Kinh nghiệm của một số địa phương và gợi ý cho tỉnh Vĩnh Phúc

LÂM THỊ PHƯỢNG (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Là tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa (CNH, HĐH) nhanh, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã có những nỗ lực trong quá trình tạo việc làm gắn với giải quyết việc làm nói chung, hoàn thiện chính sách tạo việc làm cho người dân vùng bị thu hẹp đất nông nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Tỉnh vẫn còn một số hạn chế, cần có giải pháp khắc phục. Vì thế, kinh nghiệm hoàn thiện chính sách giải quyết việc làm hiệu quả cho người dân vùng bị thu hẹp đất nông nghiệp phục vụ CNH, HĐH tại một số địa phương, như: Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên sẽ gợi ý cho Vĩnh Phúc những giải pháp hiệu quả trong thời gian tới.

Từ khóa: Chính sách giải quyết việc làm, người dân, vùng bị thu hẹp đất, đất nông nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc.

1. Kinh nghiệm của Thành phố Hà Nội

Hà Nội là thành phố trực thuộc Trung ương, có diện tích lớn nhất cả nước và cũng là địa phương đứng thứ hai về dân số. Tính đến năm 2018, dân số Hà Nội khoảng 8 triệu người. Đây cũng là Thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất cả nước, một diện tích đất nông nghiệp đã bị thu hồi đáp ứng mục tiêu đẩy mạnh CNH, HĐH Thủ đô. Một số quận ở nội đô, nhất là các huyện ngoại thành (Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Quốc Oai, Thanh Trì,…) diện tích đất canh tác nông nghiệp không nhỏ đã bị thu hồi đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH.

Chính vì vậy, những người dân vùng bị thu hồi đất bị mất toàn bộ hoặc một phần diện tích đất đai - tư liệu sản xuất đặc biệt của người dân, tác động tiêu cực không chỉ đến đời sống của nhân dân vùng bị thu hẹp đất mà cho toàn bộ khu vực dân cư ngoại thành.

Do đó, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đã đi đầu trong vận dụng cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho những hộ nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp; đảm bảo và tạo cơ hội cho người dân có việc làm và giải quyết việc làm khá hiệu quả cho người dân vùng bị thu hẹp đất nông nghiệp. Trong đó, nổi bật là chính sách:

- Chính sách đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với cơ cấu lao động, đẩy mạnh phát triển sản xuất để tạo mở việc làm cho người lao động.

- Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho người dân vùng bị thu hẹp đất nông nghiệp; khuyến khích người dân chuyển đổi ngành nghề, khơi dậy và phát triển các làng nghề truyền thống.

Cán bộ được quán triệt tốt và đi tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu rõ chủ trương, đường lối CNH, HĐH tất yếu phải thu hồi diện tích đất đai để thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Cán bộ đi sâu, đi sát từng hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, tìm hiểu tâm tư, tình cảm của người dân bị thu hồi đất nông nghiệp.

- Thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề thông qua cấp tiền phù hợp cho các khóa học 3 tháng, 6 tháng hoặc một năm,...

- Thực hiện hỗ trợ trực tiếp bằng tiền đối với người dân bị thu hồi đất, cấp đất dịch vụ cho người dân có cơ hội chuyển dịch cơ cấu ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế, vùng kinh tế. Trong đó, trực tiếp là chuyển dịch nghề làm nông nghiệp sang phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp.

- Xây dựng chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi, kiểm tra giám sát quá trình triển khai các quyết định - chính sách mà Thành ủy, UBND đề ra.

2. Kinh nghiệm của tỉnh Thái Nguyên

Thái Nguyên là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam,  tiếp giáp với thủ đô Hà Nội và là tỉnh nằm trong quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội. Thái Nguyên là trung tâm kinh tế - xã hội - văn hóa - giáo dục của khu vực Đông Bắc Bộ, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn của cả nước, xếp thứ ba sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; là địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh,… Với tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội thuận lợi cho Tỉnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH, nhất là chuyển dịch cơ cấu ngành: Giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Những năm gần đây, Thái Nguyên đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp, thu hồi diện tích đất nông nghiệp đáng kể, dẫn đến một bộ phận dân cư có việc làm và sinh sống bằng nghề nông nghiệp bị thiếu hoặc mất việc làm, đời sống hàng ngày bị ảnh hưởng,…

Nhận thức rõ xu hướng phát triển tất yếu của quá trình CNH, HĐH địa phương, những quyền lợi chính đáng của người dân vùng bị thu hẹp đất nông nghiệp, nhất là lực lượng lao động trong độ tuổi lao động, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã nghiên cứu, vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách tạo việc làm cho người dân vùng bị thu hẹp đất nông nghiệp theo quan điểm và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ.

Ngày 6 tháng 5 năm 2010, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên ra Chỉ thị số 33-CT/TU về tăng cường lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ nay đến năm 2020.

Ngày 30 tháng 9 năm 2011, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên ký quyết định số 2461/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Đào tạo nghề và giải quyết việc làm tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011 - 2015. Mục tiêu của Đề án là: hỗ trợ phát triển đào tạo nghề, tạo việc làm và phát triển thị trường lao động giai đoạn 2011-2015 đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Đề án đã xây dựng và đề xuất 9 nhóm giải pháp cơ bản để thực hiện mục tiêu tạo việc làm cho người dân, đặc biệt là người dân ở những địa phương, vùng, bị thu hồi đất nông nghiệp, đó là:

- Tăng cường tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về dạy nghề, lao động - việc làm trên các phương tiện thông tin đại chúng; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp để người lao động và toàn xã hội có nhận thức đúng đắn về học nghề, để thu hút người lao động nhất là thanh niên tham gia học nghề, khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” như hiện nay.

- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư và tăng cường phân cấp quản lý đối với các nội dung liên quan, như: thủ tục vay vốn hỗ trợ việc làm, công tác xuất khẩu lao động, cấp giấy phép GTVL, dạy nghề,…

- Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn quỹ quốc gia GQVL, tập trung vốn vào các dự án thu hút nhiều lao động, các ngành nghề mới đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động.

- Củng cố, xây dựng hệ thống Trung tâm giới thiệu việc làm đủ mạnh, có uy tín, hoạt động có hiệu quả, đủ sức đáp ứng nhu cầu về sức lao động ở mọi lĩnh vực sản xuất, dịch vụ thuộc các thành phần kinh tế.

- Xây dựng và phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động nhằm tăng cường thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về lao động - việc làm. Đồng thời, là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước, người lao động, người sử dụng lao động, các tổ chức giới thiệu việc làm, các trường và cơ sở đào tạo nghề.

- Xây dựng và phát triển hệ thống mạng lưới trường dạy nghề, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đào tạo nghề nhằm tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo ở nhiều nghề, nhiều lĩnh vực sản xuất và dịch vụ; chú trọng đầu tư đào tạo một số nghề chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu lao động kỹ thuật trong quá trình phát triển kinh kế xã hội của tỉnh. Gắn công tác dạy nghề đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, dạy nghề theo đơn đặt hàng,… Làm tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng, định hướng cho người lao động, nhất là lao động trẻ sớm học nghề và thành thạo ở nghề đã học nhằm tăng cơ hội tìm được việc làm. Thực hiện có hiệu quả đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Nâng cao năng lực quản lý lao động - việc làm và kỹ năng tư vấn, giới thiệu việc làm cho cán bộ quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp và người sử dụng lao động nhằm chuẩn hóa, phổ biến kiến thức và kỹ năng quản lý lao động, điều hành và triển khai Chương trình việc làm, pháp luật lao động và các văn bản liên quan cho cán bộ làm công tác quản lý lao động - việc làm các cấp.

- Tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và hoàn thiện xây dựng cơ sở vật chất cho Trường Trung cấp Nghề Nam Thái Nguyên và Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú Thái Nguyên.

Thông qua việc thực thi các chính sách, biện pháp trên, tỉnh Thái Nguyên đã tạo việc làm và giải quyết việc làm cho cơ bản cho người lao động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; thu hút được lao động có trình độ chuyên môn vào phát triển khu công nghiệp và các ngành nghề khác.

3. Kinh nghiệm của tỉnh Hưng Yên

Tỉnh Hưng Yên nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng nước ta; đồng thời nằm ở cửa ngõ phía Đông của Thủ đô Hà Nội, thuộc vùng Thủ đô; là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh so với cả nước. Trong giai đoạn 2010-2015, tổng diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi chiếm khoảng gần 4% diện tích đất sản xuất nông nghiệp đang sử dụng. Việc thu hồi đất nông nghiệp đã tác động tới khoảng gần 700.000 hộ gia đình. Theo thống kê, trong tổng số lao động nông nghiệp bị thu hồi đất, có khoảng 67% vẫn giữ nguyên nghề sản xuất nông nghiệp, khoảng 13% chuyển sang nghề mới. Số còn lại, tương đương khoảng 140.000 nông dân bị thu hồi đất có việc làm nhưng không ổn định hoặc chưa có việc làm

Để tạo việc làm cho người dân bị thu hồi đất, ngoài việc được bồi thường theo quy định của Luật Đất đai, còn được Nhà nước hỗ trợ để phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, nông dân bị thu hồi đất được hỗ trợ thông qua giao đất kinh doanh dịch vụ, hỗ trợ ổn định sản xuất và thông qua các biện pháp hỗ trợ kỹ thuật, vốn và các điều kiện để thực hiện hoạt động tự tạo việc làm. Đối với hộ gia đình, cá nhân được bồi thường bằng đất nông nghiệp thì được hỗ trợ ổn định sản xuất, bao gồm: Hỗ trợ giống cây trồng, giống vật nuôi cho sản xuất nông nghiệp, các dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm, dịch vụ bảo vệ thực vật, thú y, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và kỹ thuật nghiệp vụ đối với sản xuất, kinh doanh dịch vụ công thương nghiệp. Đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì được hỗ trợ ổn định sản xuất bằng tiền với mức bằng 30% một năm thu nhập sau thuế, theo mức thu nhập bình quân của 03 năm liền kề trước đó. Đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản của các nông trường quốc doanh thì được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất theo hình thức bằng tiền. Mức hỗ trợ là 10.000 đồng/m2 đối với diện tích đất bị thu hồi. Người lao động do tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuê lao động theo hợp đồng lao động thì được áp dụng hỗ trợ chế độ trợ cấp ngừng việc theo quy định của pháp luật về lao động, thời gian trợ cấp là 06 tháng. Tuy vậy, tỉnh Hưng Yên đã không thực hiện hỗ trợ ổn định sản xuất cho nông dân bị thu hồi đất và được bồi thường bằng đất nông nghiệp thông qua các hình thức, như: hỗ trợ giống cây trồng, giống vật nuôi cho sản xuất nông nghiệp, các dịch vụ khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi,...

Trên cơ sở xác định đối tượng, loại đất, tỷ lệ hỗ trợ, các hình thức hỗ trợ được quy đổi thành hỗ trợ bằng tiền mặt. Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, các TCTD Nhà nước trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện để nông dân vay vốn, phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong số các TCTD của Nhà nước hỗ trợ phát triển sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp các khoản vay ưu đãi về thời hạn, điều kiện thế chấp và lãi suất vay. Nguồn tiền hỗ trợ từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm được giải ngân qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh trong thời gian qua đã hỗ trợ cho lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tổng số người được hỗ trợ từ nguồn quỹ này là 7.106 người, với số tiền trên 140 tỷ đồng.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, Hưng Yên đã dành gần 6.000 ha đất nông nghiệp cho việc phát triển kinh tế trên các lĩnh vực được coi là thế mạnh. Đất nông nghiệp thu hồi nhiều tập trung vào thời kỳ trước năm 2008. Giai đoạn 2008- 2014, tổng diện tích đất bị thu hồi ở tỉnh Hưng Yên là trên 11,8 triệu m2. Trong đó, đất nông nghiệp bị thu hồi từ các hộ nông dân là gần 7,6 triệu m2, chiếm 65% tổng diện tích đất bị thu hồi. Tuy vậy, tốc độ thu hồi đất các loại, trong đó có đất nông nghiệp của nông dân giảm mạnh qua các năm. So với năm 2008, diện tích đất bị thu hồi năm 2014 giảm gần 7 lần.

Với các chính sách hỗ trợ của Tỉnh, trong 5 năm qua, các cơ sở đào tạo nghề tỉnh Hưng Yên đã dạy nghề cho gần 17 nghìn người; trong đó, nghề phi nông nghiệp chiếm khoảng 73%, nghề nông nghiệp 27%. Mạng lưới đào tạo nghề được mở rộng, xã hội hóa có sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, HTX và các nghệ nhân. Nhiều cơ sở đào tạo nghề phát huy thế mạnh trong từng lĩnh vực đào tạo đã mở các lớp đào tạo nghề tại các thôn, xóm, với các ngành nghề phù hợp, thu hút được nhiều học viên tham gia; tỷ lệ học viên sau khi được dạy nghề có việc làm đạt khoảng 85%.

Sàn giao dịch việc làm Hưng Yên được chuyển từ hình thức hội chợ việc làm hàng năm, được tổ chức khá chuyên nghiệp, thuận tiện, hiệu quả và ít chi phí nhất để cả người lao động và doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội cho mình.

4. Một số gợi ý cho tỉnh Vĩnh Phúc

Một là: Quán triệt sâu sắc cho các cấp, các ngành nhất là người dân vùng bị thu hồi đất nông nghiệp về ý nghĩa, mục đích, nội dung, yêu cầu của quá trình CNH, HĐH của địa phương; tính tất yếu phải thu hồi một phần diện tích đất nông nghiệp phục vụ CNH, HĐH. CNH, HĐH là con đường duy nhất đem đến sự thịnh vượng, giàu có cho toàn xã hội nói chung, cho địa phương nói riêng; thúc đẩy xã hội tiến lên văn minh, hiện đại. Quá trình CNH, HĐH luôn nảy sinh những bất cập, trong đó, một bộ phận người dân phải hy sinh tất cả hoặc một phần quyền sử dụng đất do bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH của địa phương; họ sẽ bị mất việc làm trở nên thất nghiệp hoặc bị thiếu việc làm, việc làm không đầy đủ, ảnh hưởng đến thu nhập.

Việc quán triệt đầy đủ và tốt nội dung trên cho các cấp, các ngành, nhất là người dân vùng bị thu hẹp đất nông nghiệp là điều kiện cần để đảm bảo ổn định tình hình chính trị, xã hội ở địa phương. Một khi người dân hiểu rõ mục đích, nội dung và ý nghĩa của việc thu hồi đất nông nghiệp sẽ đồng thuận với Nhà nước trung ương và chính quyền địa phương trong việc thu hồi quyền sử dụng đất nông nghiệp của bản thân và gia đình họ phục vụ yêu cầu CNH, HĐH.

Hai là: Vận dụng đầy đủ và sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước Trung ương về chính sách tạo mở việc làm, giải quyết việc làm cho người dân vùng bị thu hẹp đất nông nghiệp đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH. Từ đó, cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước vào điều kiện cụ thể của địa phương, từng hộ gia đình nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người dân bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp.

Ba là: Cán bộ chuyên ngành, cán bộ phụ trách triển khai chính sách phải đi sâu, đi sát tiến trình thực hiện chính sách tạo việc làm cho người dân vùng bị thu hồi đất nông nghiệp; đảm bảo cho từng chính sách "thấm" được vào người dân, giúp đỡ họ tạo việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp; đảm bảo cho các chính sách: chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, chính sách xuất khẩu lao động,... đến đúng địa chỉ, người dân bị mất hoàn toàn hoặc một phần đất sản xuất nông nghiệp được thụ hưởng đầy đủ quyền lợi từ việc hy sinh quyền sử dụng đất nông nghiệp phục vụ yêu cầu của quá trình phát triển.

Bồn là: Xác định rõ, vấn đề hỗ trợ gián tiếp để cho người dân vùng bị thu hẹp đất nông nghiệp chủ động tạo ra việc làm và dịch chuyển ngành nghề để tạo ra việc làm mới - ngành nghề phi nông nghiệp có mức thu nhập cao hơn nghề nông là căn bản. Hình thức hỗ trợ trực tiếp cho người dân đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo ổn định ngay từ đầu, trực tiếp cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp

Năm là: Người dân vùng bị thu hồi đất nông nghiệp đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH chính là những người nông dân rất cần cù, chịu khó nhưng trình độ hiểu biết về kinh tế thị trường, trình độ chuyên môn và khả năng di chuyển, tìm kiếm việc làm ở những ngành nghề mới rất khó khăn. Do đó, việc tích cực chủ động, hỗ trợ người dân nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ đảm bảo cho họ có cơ hội tiếp cận đến việc làm có giá trị gia tăng cao.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Khắc Minh (2016), Một số giải pháp tạo việc làm gắn với giải quyết các vấn đề xãhội tại Hà Nội, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị.
  2. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc (2017), Thống kê thu hồi đất ở cácđịa phương trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2016, Vĩnh Phúc.
  3. Nguyễn Tiệp (2016), Xây dựng một số mô hình tạo việc làm đối với lao động bị mất việc làm tại các vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Lao động Xã hội.

 

JOB CREATION POLICIES FOR PEOPLE WHO EXPERIENCE THE SHRINKAGE OF AGRICULTURAL LAND: LESSONS FROM SOME LOCALITIES AND SUGGESTIONS FOR VINH PHUC PROVINCE

LAM THI PHUONG

Ho Chi Minh National Academy of Politics

ABSTRACT:

Vinh Phuc Province has experienced a fast expansion of industrialization, modernization and urbanization and the province has made efforts in perfecting its job creation policies, especially policies for those who live lost their agricultural land. Besides encouraged achieved results, the province still encounters a number of shortcomings in creating jobs for local people who experience the shrinkage of agricultural land. Vinh Phuc Province can gain valuable lessons from some nearby localities, such as Hanoi city, Thai Nguyen and Hung Yen provinces to work towards solutions for creating jobs for people who experience the shrinkage of agricultural land due to the industrialization, modernization and urbanization.

Keywords: Job creation policies, people, shrinkage of land, agricultural land, Vinh Phuc Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,

Số 19, tháng 8 năm 2020]