TÓM TẮT:

Thông qua việc thu thập các dữ liệu thứ cấp, các kết quả nghiên cứu đã được công bố, bài viết muốn chỉ ra các ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 dưới hai góc độ cung và cầu, từ đó phân tích ảnh hưởng của Covid-19 đến kinh tế Việt Nam thông qua một số chỉ tiêu vĩ mô như tăng trưởng kinh tế và xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, bài viết cũng có những nhận xét đánh giá về lựa chọn chính sách khôi phục kinh tế của Việt Nam cần hợp lực từ cả hai phía cung và cầu.

Từ khóa: Covid-19, kinh tế, cung - cầu, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia trên thế giới, hiện nay đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó lường làm cho nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Nền kinh tế Việt Nam cũng không tránh khỏi những tác động từ dịch bệnh Covid-19. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng đã và đang chịu nhiều tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đã tác động trực tiếp đến các ngành xuất, nhập khẩu, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động, việc làm; nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô,... Vì vậy, chính phủ Việt Nam cần phải có các chính sách khôi phục kịp thời nền kinh tế thông qua các chính sách tác động từ cả hai phía cung và cầu.

2. Những ảnh hưởng của Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua

Dịch bệnh Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến toàn cầu, đẩy hầu hết các nền kinh tế lớn của thế giới lâm vào tình trạng suy thoái. Kinh tế Việt Nam cũng chịu tác động rất mạnh do độ mở cao, phụ thuộc lớn vào hoạt động xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Quý I-2020, tăng trưởng GDP đạt 3,82%, nhưng tăng trưởng quý II chỉ còn 0,39%, quý III khả quan hơn một chút đạt 2,62%. Tính chung 9 tháng năm 2020, GDP ước tính tăng 2,12% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng thấp nhất của 9 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020 (Hình 1).

Sản xuất trên tất cả các lĩnh vực đều suy giảm, có những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề, thậm chí đóng băng như vận tải, nhất là vận tải hàng không; du lịch, lưu trú. Hàng chục nghìn doanh nghiệp đã phải thu hẹp sản xuất, tạm ngừng kinh doanh, phá sản. Hàng triệu lao động đã và đang mất việc làm hoặc không đủ việc làm, thu nhập sụt giảm. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, hơn 30 triệu công nhân đã bị ảnh hưởng ở thời kỳ cao điểm của cái gọi là “đình trệ sản xuất” vào tháng 4. Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là công dân làm việc trong lĩnh vực dịch vụ (72%), tiếp theo là công nhân trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng (67,8%), cũng như những người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và đánh bắt cá (25,1%). Sang tháng 9/2020, nhờ việc dỡ bỏ dần các hạn chế, hầu hết các doanh nghiệp cũng như đại diện của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những người làm thuê đã tiếp tục công việc của họ.

3. Ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đến cung - cầu

Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế có độ mở lớn trên thế giới - lên tới 200% GDP (tính theo giá trị xuất nhập khẩu/tổng sản phẩm quốc nội - GDP). Theo các chuyên gia kinh tế, trong một thế giới vận động bình thường, độ mở của nền kinh tế lớn cũng tạo ra các cơ hội lớn. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, độ mở của nền kinh tế càng lớn thì càng dễ bị tổn thương, dễ bị tác động ngay và sâu trên nhiều mặt, sức chống chịu sẽ càng bị thu hẹp khi có một tác động nào đó không thuận từ bên ngoài. Điều này có thể cảm nhận rõ qua cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã cho thấy rõ hơn về sự đứt gãy cả từ phía "cung" lẫn "cầu" của nền kinh tế thế giới.

Xét từ phía “cung”: Trong nhiều thập kỷ qua, phần lớn các hoạt động sản xuất trên toàn thế giới được hoạt động theo chuỗi giá trị toàn cầu. Nguyên liệu thô và hàng hoa trung gian được vận chuyển trên toàn cầu nhiều lần và sau đó được lắp ráp tại một địa điểm khác. Đối với nhiều hàng hóa, Trung Quốc là trung tâm của các chuỗi giá trị toàn cầu như vậy. Trung Quốc đang sản xuất nhiều đầu vào trung gian và chịu trách nhiệm cho các hoạt động gia công và lắp ráp. Trung Quốc cùng với Nhật Bản, Mỹ và Liên minh châu Âu là những nền kinh tế cốt lõi của thị trường hàng hóa toàn cầu. Tình trạng cách ly và phong tỏa nhiều thành phố tại Trung Quốc khi xảy ra dịch bệnh đã khiến phần lớn các nhà máy ở nước này bị đóng cửa. Cùng với các tác động trực tiếp do các doanh nghiệp tại Trung Quốc đóng cửa sản xuất, nhiều doanh nghiệp ở các quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam cũng phải hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa do các thiết bị phụ tùng, đặc biệt là linh kiện điện tử, mà Trung Quốc là nơi duy nhất cung cấp, bắt đầu “cạn kiệt” nguồn nguyên liệu, dẫn đến các dây chuyền sản xuất bị đình trệ. Nhiều doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam cũng đã bắt đầu rơi vào tình trạng thiếu nguyên vật liệu để sản xuất. Nhiều doanh nghiệp mới xây dựng của Việt Nam cũng không thể đi vào sản xuất do nhiều máy móc thiết bị được nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, ngay cả khi Trung Quốc kiểm soát được dịch bệnh, trong khi các nước phát triển trên thế giới như Mỹ và các nước thuộc liên mình châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc,… vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh thì sản xuất của Việt Nam cũng khó hồi phục được do không có đầu ra, vì các nước khác vẫn áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và đóng cửa biên giới.

Ảnh hưởng của dịch bệnh do Covid-19 đã làm suy giảm các điều kiện kinh doanh của lĩnh vực sản xuất Việt Nam trong 9 tháng qua. Trong tháng 8, cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm tháng thứ hai liên tiếp với mức độ lớn hơn so với tháng 7. Tốc độ giảm việc làm đã gia tăng. PMI ngành sản xuất Việt Nam đã giảm mạnh từ 47,6 điểm của tháng 7 về 45,7 điểm trong tháng 8. Điều này cho thấy sức khỏe của lĩnh vực sản xuất đã giảm lần thứ hai liên tiếp sau khi đã tăng trở lại trong tháng 6. Mặc dù vẫn ở mức đáng kể, mức suy giảm các điều kiện kinh doanh vẫn ít nghiêm trọng hơn nhiều so với tháng tồi tệ nhất do ảnh hưởng của Covid-19 là tháng 4. Cho đến bây giờ, sau 2 lần ảnh hưởng của dịch bệnh Covid, PMI đã hồi phục dần vào tháng 9 với 52,2 điểm, cao nhất trong vòng một năm qua.

Xét từ phía “cầu”: Để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh, chính phủ nhiều nước trên thế giới đã đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại, thực hiện cách ly người di chuyển từ hoặc đi qua vùng dịch. Điều này làm cho ngành Dịch vụ cũng phải đối mặt với suy giảm nghiêm trọng lượng khách, đặc biệt là ngành Du lịch. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (GSO), trong 4 tháng đầu năm, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam từ các nước châu Á đã giảm gần 40,3%; trong đó sự sụt giảm mạnh mẽ nhất đến từ Trung Quốc (47,7%) và Hàn Quốc (43,3%), hai quốc gia dẫn đầu về lượng khách nước ngoài đến Việt Nam, chiếm hơn 50%. Ở trong nước, người tiêu dùng được khuyến cáo tránh những nơi tập trung đông người như các trung tâm mua sắm, siêu thị, hay chợ. Điều này là giảm nhu cầu mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng. Trong các cuộc khủng hoảng trong quá khứ - như cuộc khủng hoảng năm 2008 - 2009, người dân và các công ty đã dừng mua sắm hàng hóa và trì hoãn các hoạt động đầu tư. Điều này đang diễn ra tại Việt Nam khi các trung tâm thương mại phải đối mặt với tình cảnh thưa thớt khách hàng. Một số đơn vị kinh doanh mặt bằng trung tâm thương mại tại TP. Hồ Chí Minh cho biết lượng khách đến mua sắm giai đoạn này giảm tới hơn 60%, đối với các siêu thị lượng khách giảm tới 40%. Bên cạnh đó, việc không đi làm do công ty bị đóng cửa hay bị yêu cầu cách ly do nghi nhiễm bệnh đã làm nhiều người không có thu nhập và do đó cũng làm giảm chi tiêu.

4. Các chính sách ứng phó của chính phủ Việt Nam

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách quan trọng để hỗ trợ nền kinh tế như Nghị định số 41/2020/NĐ-CP, Nghị quyết số 42/2020/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ… Đến nay, Việt Nam đã có đầy đủ các giải pháp trên nhiều khía cạnh, từ tiền tệ đến tài khóa, từ tín dụng đến đầu tư, từ thúc đẩy kinh tế đến bảo đảm đời sống người dân. Các chính sách ứng phó cần phải tập trung cả hai phía cung và cầu để đảm bảo sự phát triển cân đối.

4.1. Các chính sách phía cầu

Đây là thời điểm Chính phủ cần thực thi chính sách nghịch chu kỳ, bao gồm cả tài khóa và tiền tệ. Thực tế cho thấy, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, chấp nhận tăng bội chi và nợ công để chống suy thoái kinh tế. Điều chắc chắn là, việc “thắt lưng, buộc bụng” trong bối cảnh hiện nay sẽ càng khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái, thâm hụt ngân sách khi đó sẽ càng bị khoét sâu hơn, nợ công đương nhiên sẽ tăng nhanh. Thông qua hiệu ứng số nhân, chính sách tài khóa sẽ giúp hỗ trợ và thúc đẩy các yếu tố khác của tổng cầu. Chính sách từ phía cầu bao gồm: thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư công; khuyến khích tiêu dùng nội địa; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

- Khuyến khích tiêu dùng nội địa

Tiêu dùng hộ gia đình chiếm đến 68% tổng cầu của nền kinh tế. Do đó, các chính sách kích thích tiêu dùng khu vực hộ gia đình sẽ có tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế. Số liệu cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2020 giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, thậm chí nếu trừ yếu tố giá thì giảm đến 5,3%. Điều này cho thấy, sức cầu của nền kinh tế đang khá yếu. Điều này phản ánh thu nhập thực tế hoặc thu nhập kỳ vọng giảm, hoặc người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu. “Thắt lưng, buộc bụng” là hành vi đúng ở góc độ cá nhân, hộ gia đình trong điều kiện kinh tế khó khăn, song ở góc độ tổng thể nền kinh tế, thì điều này không hẳn đã tốt, bởi không chỉ tổng tiết kiệm không tăng, mà còn khiến tổng cầu giảm, thu nhập giảm, tăng trưởng giảm. Hơn lúc nào hết, Chính phủ cần tập trung thực hiện các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chú ý kích cầu các mặt hàng sản xuất trong nước, ưu tiên người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Thực hiện các chính sách khuyến khích về tài khóa như miễn/giảm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt hàng sản xuất trong nước; về tiền tệ như ưu đãi tiếp cận và mở rộng hạn mức cho tín dụng tiêu dùng. Bên cạnh đó là các chính sách hỗ trợ thị trường, hỗ trợ phiếu thực phẩm miễn phí, giảm giá sản phẩm, giảm chi phí trung gian, chi phí lưu thông, chi phí hành chính, chi phí không chính thức,…

- Thúc đẩy đầu tư tư nhân

Bên cạnh tiêu dùng nội địa, đầu tư chiếm đến hơn 30% GDP của nền kinh tế, trong đó đầu tư tư nhân chiếm hơn 45% tổng đầu tư của nền kinh tế. Chính vì vậy, Chính phủ phải có các chính sách khuyến khích, thúc đẩy đầu tư tư nhân. Theo đó, bên cạnh các chính sách đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, cải cách thủ tục hành chính, các công cụ thuế khóa và tiền tệ cần được phát huy trong ngắn hạn. Chẳng hạn, miễn thuế cho các khoản đầu tư mới, dự án mới triển khai/giải ngân thực tế từ nay đến hết năm 2020. Chính sách này sẽ khuyến khích các nhà đầu tư/doanh nghiệp tận dụng cơ hội triển khai các dự án đầu tư mới, giải ngân thực tế để hình thành vốn vật chất, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

- Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Tăng cường đầu tư công để bù đắp sự sụt giảm của đầu tư tư nhân trong ngắn hạn, đồng thời tạo dựng nền tảng để đón đầu cơ hội phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Vai trò của đầu tư công chưa bao giờ hiển hiện như lúc này. Đầu tư công không chỉ giúp tạo ra các nền tảng để tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế trong dài hạn, mà ngay trong ngắn hạn, một lượng việc làm mới sẽ được mở ra trong quá trình triển khai dự án đầu tư công, nhờ đó bổ sung hoặc bù đắp sự sụt giảm việc làm do suy giảm đầu tư tư nhân, đảm bảo duy trì thu nhập và cung cấp mạng lưới an sinh xã hội cho người dân.

4.2. Các chính sách phía cung

Để hỗ trợ cho các chính sách phía cầu, giảm áp lực lên lạm phát, Chính phủ cũng cần thúc đẩy cả những chính sách phía cung. Theo đó, một số chính sách trọng tâm cần được thúc đẩy tích cực:

Thứ nhất là đẩy mạnh việc tháo gỡ các nút thắt về thể chế kinh tế đang còn dang dở, trong đó đặc biệt liên quan đến quyền tài sản, thực thi hợp đồng, cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt, cần cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, tránh tụt hạng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế để thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư quốc tế có chất lượng, năng cao năng lực nội sinh của thành phần kinh tế trong nước. Đồng thời với nhiệm vụ cải cách thể chế kinh tế thì phải song hành với nhiệm vụ tổ chức lại cấu trúc quản trị nhà nước và nâng cao năng lực của đội ngũ lãnh đạo các cấp, cán bộ công chức để có thể tương thích với thể chế mới.

Thứ hai là cải cách thị trường lao động, cả ở phía cung lẫn phía cầu; các địa phương chủ động đào tạo lại lao động theo các kỹ năng phù hợp với các ngành/lĩnh vực/dự án định hướng thu hút đầu tư. Cải cách thị trường lao động cần gắn với nâng cao chất lượng vốn con người, đi cùng với tăng cường đầu tư mạnh mẽ cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chính phủ xem đây là chìa khóa lâu bền để có thể mở cánh cửa bước vào nhóm các nước có thu nhập trung bình cao trong thập niên tới.

Thứ ba là cải cách thị trường đất đai, bất động sản, trong đó tập trung mọi nỗ lực để giải phóng bằng được các điểm nghẽn về đất đai cho nhà đầu tư, nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án cả công lẫn tư.

Thứ tư là cải cách thị trường tài chính, bao gồm cải cách theo hướng giảm nhẹ các thủ tục, quy định tiếp cận vốn, giảm chi phí và lãi suất vay vốn thực chất cho người dân/doanh nghiệp, khuyến khích ngân hàng và doanh nghiệp tái cấu trúc lại nợ theo hướng bền vững, giảm chi phí tài chính, tăng cường độ sâu tài chính; đồng thời phát triển thị trường vốn, với điều kiện tiếp cận dòng tiền trên thị trường vốn cho doanh nghiệp, giảm phụ thuộc vào các trung gian tài chính, ngân hàng thương mại.

Thứ năm là trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng cần duy trì sự ổn định xã hội, thực hiện chính sách an dân và kiểm soát nền tảng vĩ mô. Nhân bối cảnh hiện nay để chấn chỉnh lại trật tự xã hội, kinh tế; phát huy sức mạnh và tinh thần dân tộc, nguồn lực của nhân dân, đón lấy thời cơ để thúc đẩy khởi nghiệp, tái khởi nghiệp,...

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đỗ Thiên Anh Tuấn (2020), Kinh tế Việt Nam cần hợp lực chính sách cả phía cầu và phía cung, http://www1.tvsi.com.vn/news/detailNews?newsid=533866
  2. Eichenbaum, Martin S., Sergio Rebelo, and Mathias Trabandt. (2020). Macroeconomics of Epidemics. Cambridge, Massachusetts: NBER Working Paper 26882, National Bureau Economic Research.
  3. Lương Minh Khôi (2020), Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới kinh tế thế giới và Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Số 13 (5/2020).
  4. McKibbin, Warwick J. and Fernando, Roshen. (2020). The Global Macroeconomic Impacts of COVID-19: Seven Scenarios (March 2, 2020). CAMA Working Paper No. 19/2020.
  5. Ngân hàng Thế giới (2020), Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao?
  6. Stephen G. Cecchetti and Kermit L. Schoenholtz. (2020). “Contagion: Bank runs and Covid-19” tại https://www.moneyandbanking.com/commentary/2020/3/2/contagion-bank-runs-and-covid-19
  7. Tổng cục Thống kê (2020), Báo cáo tình tình kinh tế - xã hội quý III/2020.

Vietnam’s economic policies in the post-Covid-19 era

Master. Vu Ngoc Tu

Thuongmai University

ABSTRACT:

By analyzing secondary data sets, this paper is to point out negative economic consequences of the Covid-19 pandemic in terms of supply and demand. This paper analyzes the impacts of Covid-19 on Vietnam’s economy through a number of macroeconomic indicators such as the country’s economic growth rate and the import-export turnovers. In addition, this paper presents some recommendations about Vietnam’s economic recovery policies which require supports from supply and demand sides.

Keywords: Covid-19 pandemic, economy, supply and demand, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 1, tháng 1 năm 2021]