Cho vay ngang hàng tại Trung Quốc và khuyến nghị cho Việt Nam

LÊ HUYỀN NGỌC (Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Cho vay ngang hàng (peer-to-peer lending) là mô hình kết nối trực tiếp giữa người cho vayngười đi vay thông qua nền tảng công nghệ tài chính trực tuyến, không thông qua trung gian tài chính truyền thống. Với sự phát triển của công nghệ internet và việc sử dụng dữ liệu lớn (Big data), cho vay P2P là sự đổi mới dịch vụ tài chính và đã phát triển một cách nhanh chóng trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, cho vay P2P bắt đầu xuất hiện từ năm 2015 và cho đến nay chưa có nền tảng cho vay P2P nào được cấp phép hoạt động. Vì vậy, bài nghiên cứu giới thiệu sơ lược một số khái niệm nền tảng trong cho vay ngang hàng, thực trạng cho vay ngang hàng tại Trung Quốc và Việt Nam, đồng thời khuyến nghị một số giải pháp để thị trường cho vay P2P tại Việt Nam phát triển nhanh chóng và hiệu quả.

Từ khóa: Cho vay ngang hàng, Trung Quốc, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Trên thế giới, cho vay ngang hàng (P2P lending) đã thật sự phát triển mạnh từ sau khủng hoảng kinh tế 2008 và được coi là sự đổi mới của tài chính trong cuộc cách mạng 4.0. Ở Việt Nam, mô hình này mới xuất hiện trong vòng 3 năm trở lại đây, tuy nhiên hoạt động này vẫn chưa được cấp phép. Bên cạnh những lợi ích mang lại cho các bên tham gia, mô hình này cũng cho thấy nhiều rủi ro tiềm ẩn. Sự sụp đổ hàng loạt các sàn cho vay P2P tại Trung Quốc là một ví dụ điển hình của những rủi ro này.

Từ thực trạng của Trung Quốc và Việt Nam, tác giả đề xuất những khuyến nghị cho những người làm chính sách, cho các công ty P2P và cả những nhà đầu tư tại Việt Nam.

Cho vay ngang hàng là một sản phẩm tất yếu của nền kinh tế số. Dù có nhiều rủi ro, nhưng không thể phủ nhận lợi ích với những ưu điểm trong một phân khúc tín dụng bên cạnh ngân hàng. Tuy nhiên, chúng ta cần có biện pháp quản lý để tránh hình thức này biến tướng thành tín dụng đen, đầu tư đa cấp trá hình, rửa tiền… gây nhiều hệ lụy kinh tế và xã hội.

2. Cho vay ngang hàng

2.1. Khái niệm, phương thức hoạt động

Cho vay ngang hàng là mô hình kết nối trực tiếp giữa người cho vay và người đi vay thông qua nền tảng công nghệ tài chính trực tuyến. Là một trong những ứng dụng của mô hình nền kinh tế chia sẻ, hình thức cho vay này hoàn toàn khác với hình thức cấp tín dụng của các định chế tài chính trung gian (Nguyễn Hoàng Vĩnh Lộc, 2018). Đặc trưng quan trọng của nền tảng P2P là sự đánh đổi giữa việc giảm thiểu các chi phí giao dịch của người dùng và tối ưu hóa sử dụng năng lực dư thừa, dựa trên sự trao đổi thông tin (Tao Yu, et al.  2018).

Phương thức hoạt động của P2P lending là kết nối trực tuyến theo cơ chế cho phép người cần vay tiền đăng ký nhu cầu vay trên App. Hệ thống sẽ chấm điểm tín dụng và đưa ra các thông tin về số tiền cho vay, lãi suất kỳ vọng, thời gian vay và mức độ rủi ro. Dựa vào các thông số này, người cho vay (sau đây gọi là nhà đầu tư) sẽ đăng ký nhu cầu cho vay. Các công ty P2P sẽ sử dụng nền tảng công nghệ để phối kết hợp (matching) nhu cầu của các bên một cách hợp lý nhất và thu phí của cả 2 bên. Nhà đầu tư có thể lựa chọn người vay hoặc có thể chia nhỏ số tiền cho nhiều món vay khác nhau (Nguyễn Hoàng Vĩnh Lộc, 2018). Như vậy, trong cho vay P2P, ta có 3 thành phần tham gia vào qui trình, đó là: nhà đầu tư, người vay và công ty P2P.

2.2. Đặc điểm của cho vay P2P

Mô hình đầu tư online và nền tảng P2P cho phép nhà đầu tư có thể chọn người vay và dễ dàng theo dõi nguồn lợi nhuận của mình từ người đi vay. Người vay cũng có quyền lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với nhu cầu của mình.

Trong cho vay P2P, mọi giao dịch đều thực hiện trực tuyến trên mạng internet nên người cho vay và người vay không cần thiết phải biết nhau. Công ty cho vay P2P đóng vai trò trung gian kết nối mọi người và chuyên cung cấp các dịch vụ, như: Xác định thông tin, tài khoản ngân hàng, nghề nghiệp và thu nhập của khách hàng, Xử lý thanh toán từ người vay và chuyển những khoản thanh toán và lợi nhuận cho nhà đầu tư.

Cho vay P2P phù hợp cho những khoản vay nhỏ và ngắn hạn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các startup không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng.

Ngày nay, công nghệ internet cho phép không giới hạn dòng chảy của các nguồn tài trợ. Nền tảng trực tuyến P2P kết nối người đi vay và cho vay trên một quy mô rất lớn, kể cả về địa lý và thời gian. Mọi người, tất cả các thành phần, chủng tộc, giới tính, quốc gia, vùng và lứa tuổi có thể truy cập vào một mạng bằng máy tính xách tay hoặc điện thoại thông minh mọi lúc mọi nơi và từ đó có thể tham gia vào thị trường cho vay trực tuyến: cho vay hoặc đi vay, thậm chí cả 2 vai. Như vậy, cần phải có những qui định, kiểm soát của các cơ quan quản lý để ổn định thị trường (Tao Yu, et al., 2018).

Cho vay P2P đã phát triển một cách nhanh chóng trên toàn thế giới. Theo thống kê, năm 2012, tổng dư nợ cho vay qua kênh P2P trên toàn cầu đạt khoảng 1,2 tỷ USD; năm 2015, con số này lên tới 64 tỷ USD và dự báo có thể lên đến hơn 1.000 tỷ USD đến năm 2025 (Cấn Văn Lực và cộng sự, 2018).

2.3. Lợi ích của cho vay P2P

 Đối với bên vay, nhất là các cá nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mô hình này giải quyết được nhu cầu vay vốn trong trường hợp khó tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tài chính truyền thống, thời gian giải quyết nhanh hơn, thủ tục, qui trình đơn giản hơn (Nguyễn Hoàng Vĩnh Lộc, 2018; Haifeng Li, et al., 2016).

Đối với nhà đầu tư, cho vay P2P góp phần đa dạng hóa danh mục đầu tư, tạo nguồn thu khá hấp dẫn do lãi suất thường cao hơn gửi tiết kiệm hoặc đầu tư trái phiếu thông thường (Cấn văn Lực và cộng sự, 2018; Guo et al., 2016).

Đối với công ty P2P, hoạt động chủ yếu dựa vào nền tảng công nghệ nên không cần chi phí đầu tư lớn cho trụ sở, trang thiết bị và số lượng nhân viên, thích hợp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực tài chính.

Cho vay P2P, nếu tuân thủ pháp luật, có thể thay thế tín dụng đen. Nhờ đó, nó giúp xã hội giảm thiểu hành vi cho vay trái pháp luật gây mất ổn định thị trường tài chính. Hơn nữa, người vay còn có thể tự do lựa chọn các mức, thời hạn vay và lãi suất phù hợp.

Chi phí thẩm định thông tin khách hàng nhanh và rẻ do thông tin được lưu, kiểm soát bằng dữ liệu Big data.

Cho vay P2P sẽ là đối thủ cạnh tranh với các tổ chức tài chính truyền thống. Zan Zhang, et al. (2018), đã chỉ ra mối quan hệ giữa cho vay P2P và cho vay tại các ngân hàng. Khi quy mô cho vay của P2P còn nhỏ thì nó chỉ là giải pháp bổ sung cho cả ngân hàng và khách hàng. Tuy nhiên, với sự tiện lợi và lãi suất tốt mà không cần tài sản thế chấp hoặc chấm điểm tín dụng thì cả những khách hàng lớn cũng có xu hướng tìm kiếm nguồn tài trợ này. Đây sẽ là áp lực cạnh tranh trong thời đại công nghệ số đối với hệ thống ngân hàng truyền thống.

Với những lợi ích như trên, thị trường cho vay P2P nên được khuyến khích phát triển, bởi vì nó không chỉ giúp giải quyết vấn đề tài chính, mà còn tăng cường ý thức cạnh tranh của các ngân hàng và giúp cải thiện năng suất và chất lượng dịch vụ của các ngân hàng. Trong khi đó, một hệ thống quản lý hiệu quả nên được thiết kế để tăng cường sự giám sát của chính phủ và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh.

2.4. Những hạn chế và rủi ro trong cho vay P2P

Hạn chế lớn nhất là cho vay P2P là các cơ quan quản lý không thể thống kê dư nợ cho vay P2P nên tổng dư nợ thực của toàn nền kinh tế không chính xác, không phản ánh được cung cầu vốn trên thị trường.

Rủi ro lớn nhất trong cho vay P2P là mất tiền. Nhà đầu tư cần phải nhận thức rõ đây không phải là kênh “gửi tiền”, mà là kênh đầu tư. Công ty cho vay P2P không được cấp phép huy động vốn mà chỉ là trung gian môi giới, do đó cho vay P2P không có nghĩa vụ phải đóng phí bảo hiểm tiền gửi nghĩa là tiền của các nhà đầu tư không được bảo hiểm (Martina and Miroslav, 2016).

Cho vay P2P tuy có chi phí giao dịch giảm nhưng thông tin bất đối xứng trở thành vấn đề nghiêm trọng. Bản thân nhà đầu tư có thể không biết thông tin về người đi vay một cách cụ thể đủ để đánh giá rủi ro, dẫn đến tỷ lệ mất vốn cao hơn so với các khoản vay ngân hàng (Zhao Wang, C. J., 2018; Chen và Han, 2012).

Một số công ty P2P lợi dụng mô hình này để hoạt động tín dụng đen trá hình hoặc lừa đảo, dùng tiền đầu tư sai mục đích, huy động vốn đa cấp, quản lý kém hoặc phá sản, dẫn đến mất vốn của nhà đầu tư. Những biến tướng của hình thức cho vay này dẫn đến rối loạn thị trường tài chính và bất ổn xã hội.

3. Cho vay ngang hàng tại Trung Quốc

Theo Yuejin Zhang et al. (2017), đến cuối năm 2016, Trung Quốc có số lượng công ty cho vay P2P là 2448, với doanh thu đạt 2.063 tỷ Nhân dân tệ, tăng 110% so với doanh thu năm 2015. Theo Tao Yu, W. S. (2018), đến cuối năm 2017, doanh thu là 3.000 tỷ Nhân dân tệ, tăng 50% so với 2016, trong khi đó, dư nợ của toàn bộ ngành ngân hàng là 120 nghìn tỷ Nhân dân tệ. Hình thức này bắt đầu bùng nổ tại Trung Quốc vào năm 2011 và dần rơi vào tình trạng không được kiểm soát. Các công ty P2P  ngày càng hoạt động biến tướng với hình thức huy động vốn bất hợp pháp hoặc theo mô hình đầu tư đa cấp. Hậu quả là chỉ trong vòng 2 tháng kể từ tháng 6/2018, hơn 400 công ty P2P đã dừng hoạt động và các nhà đầu tư không thể đòi lại tiền. Việc này đã trở thành vấn nạn xã hội khi nhiều nhà đầu tư đình công, biểu tình yêu cầu Chính phủ Trung Quốc phải có biện pháp bảo vệ quyền lợi của họ (Cấn Văn Lực và cộng sự, 2018).

Những bất ổn trên thị trường tài chính phi ngân hàng khiến Chính phủ Trung Quốc phải xiết chặt các qui định cấp phép và hoạt động của các công ty P2P. Điều này cũng tạo sự hoảng loạn trên thị trường khi các nhà đầu tư cố gắng rút tiền khỏi các tổ chức cho vay P2P, khiến các doanh nghiệp cho vay P2P quy mô nhỏ gặp vấn đề về thanh khoản. (https://vnexpress.net/kinh-doanh/cuoc-khung-hoang-cho-vay-truc-tuyen-tai-trung-quoc-3812569.html?ctr=related_news_clic).

Cũng theo Yuejin Zhang et al. (2017), một số lượng lớn các nhà đầu tư đã đổ tiền vào thị trường P2P để tìm kiếm lợi nhuận một cách mù quáng. Do bất đối xứng thông tin nghiêm trọng giữa người đi vay và cho vay, các nhà đầu tư không thể đánh giá rủi ro đầu tư nhưng vẫn cho vay cho dù thiếu thông tin và xếp hạng tín dụng cần thiết.

Nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến tình trạng này là cách tiếp cận của Chính phủ đối với hoạt động cho vay P2P. Trước năm 2015, Trung Quốc đã coi cho vay P2P là "hệ thống trao đổi thông tin khoản vay". Cách hiểu này đã khiến các quy định của Trung Quốc rất lỏng lẻo tạo kẽ hở cho các vi phạm và biến tướng dẫn đến hệ lụy đã xảy ra (Tao Yu, et al. 2018).

Kể từ năm 2015, Chính phủ Trung Quốc đã bổ sung 10 biện pháp tăng cường kiểm soát như cấm mở thêm các website cho vay trực tuyến, tăng cường hình phạt đối với các công ty P2P có hành vi lừa đảo; thiết lập chương trình bồi thường cho nhà đầu tư khi các công ty P2P phá sản… (Cấn Văn Lực và cộng sự, 2018). Trung Quốc đã thắt chặt các quy định cho vay P2P bằng cách thiết lập các cơ quan quản lý việc đăng ký kinh doanh cho vay P2P, các doanh nghiệp này phải ký quỹ một khoản tiền giống như lưu ký chứng khoán và yêu cầu công khai thông tin, bắt buộc các nền tảng cho vay P2P phải nộp chứng từ chi tiết về hoạt động kinh doanh, đối tượng cho vay, biện pháp quản lý rủi ro... cho các cơ quan quản lý (Tao Yu, W. S. 2018).

4. Cho vay ngang hàng tại Việt Nam

Tại Việt Nam, cho vay P2P mới xuất hiện từ cuối 2016 nhưng đến nay đã có nhiều website quảng cáo hoạt động này và đang phát triển nhanh chóng, tuy nhiên cho vay P2P vẫn chưa được chính thức cấp phép hoạt đông nên các công ty này thường đăng ký là công ty tư vấn đầu tư, quan hệ cho vay vẫn được hiểu là quan hệ dân sự. Chính vì vậy, hoạt động cho vay P2P đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, hệ lụy về cả khía cạnh kinh tế cũng như xã hội đối với Việt Nam. Tại Việt Nam, đã xuất hiện một số trang web quảng cáo cho vay trực tuyến với lãi suất và phí lên đến trên 120%/năm, thậm chí có thể lên đến 720% năm (theo tham khảo của tác giả). Hiện tượng biến tướng, lừa đảo, trà trộn lẫn tín dụng đen… đang diễn biến rất phức tạp với kịch bản giống hệt Trung Quốc trong những năm vừa qua và không được kiểm soát bởi một cơ quan chức năng nào.

Hiện có hàng chục website, như: tima.vn, canvaytien.info, vaymuon.vn,... là những nền tảng cho vay P2P đang hoạt động tại Việt Nam. Toàn bộ khâu thẩm định hồ sơ vay đều do người cho vay tự đánh giá, công ty P2P chỉ là người kết nối nên không chịu trách nhiệm nếu người vay không trả nợ, người cho vay sẽ chịu mọi rủi ro nếu không có kinh nghiệm thẩm định lý lịch người vay. Tất cả những số liệu về quy mô và tình trạng hoạt động của cho vay P2P Việt Nam tác giả chỉ có thể thu thập trên các trang web mà không thể có số liệu chính thức từ các cơ quan thống kê.

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cũng chưa coi trọng việc truyền thông, phổ biến kiến thức cho dân chúng hiểu về những rủi ro và biện pháp tự bảo vệ. Sự thuận tiện và mức lợi nhuận hấp dẫn của cho vay P2P làm cho khách hàng đôi khi sử dụng mà chưa thực sự hiểu về sản phẩm, không có kỹ năng phân tích tài chính, không biết cách thẩm tra thông tin, thậm chí không hề biết cách bảo mật các thông tin cá nhân. Đây là kẽ hở cho tội phạm tài chính lợi dụng tấn công.

Mô hình cho vay P2P không được coi là hoạt động tín dụng thông thường nên hiện nay chưa phải tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn hoạt động cũng như các quy chế về giám sát, kiểm soát chặt chẽ như với các tổ chức tín dụng. Là cấu phần của thị trường tài chính nhưng họ không phải tổ chức tài chính để chịu điều chỉnh của Luật các tổ chức tín dụng. Một công ty P2P đóng vai trò môi giới, không huy động tiền gửi, trả lãi suất như ngân hàng, không trực tiếp cho vay, cũng không chịu rủi ro nợ xấu. Vì vậy, khi tranh chấp xảy ra, cả công ty trung gian, người đi vay và người cho vay đều rất khó xử lý trách nhiệm do thiếu cơ sở pháp lý (Cấn Văn Lực và cộng sự, 2018).

Một vấn đề cũng hết sức quan trọng là tính pháp lý của hợp đồng giao dịch điện tử hiện vẫn chưa có qui định rõ ràng. Các hợp đồng dân sự dưới góc độ ký kết giao dịch trên mạng điện tử có được các cơ quan pháp luật công nhận hay không?; Thuế trong thương mại điện tử nói chung và trong hoạt động cho vay P2P được thu hoặc khấu trừ như thế nào cũng chưa có qui định rõ ràng.

Hành lang pháp lý cho hoạt động Fintech nói chung và cho vay ngang hàng nói riêng đang còn thiếu rất nhiều và rất cần bổ sung ngay để thị trường tài chính ổn định, phát triển, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0. Cho vay P2P là một sáng tạo của nền kinh tế số, góp phần phát triển tài chính toàn diện và là xu hướng tất yếu. Trong bối cảnh tỉ lệ tiếp cận vốn ngân hàng của người dân, doanh nghiệp còn thấp như nước ta, đây là mô hình nên khuyến khích phát triển, nhưng cần có biện pháp giảm thiểu rủi ro tránh lặp lại kịch bản của Trung Quốc thời gian qua.

5. Một số khuyến nghị

5.1. Đối với Chính phủ và các cơ quan quản lý

Chính phủ cần sớm ban hành các văn bản pháp lý để có thể giám sát được hoạt động Fintech và cho vay P2P. Cần thành lập ngay một cơ quan riêng biệt quản lý các hoạt động Fintech. Cơ quan này có thể trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính hoặc Bộ Khoa học và Công nghệ tùy theo việc xác định phạm vi hoạt động của các nền tảng như thế nào. Các công ty cho vay  P2P phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về vốn tối thiểu, minh bạch thông tin, tiêu chuẩn đội ngũ cán bộ chủ chốt, hệ thống hạ tầng công nghệ và quản lý rủi ro, ký quĩ phòng ngừa rủi ro, tuân thủ và báo cáo.

Để hoạt động cho vay ngang hàng phát triển an toàn, hiệu quả, cần chú trọng nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin quốc gia, nhất là cơ sở dữ liệu lớn (Big data), chính quyền điện tử. Dữ liệu thông tin cá nhân được đồng bộ giúp định danh khách hàng chính xác nhằm giảm thiểu rủi ro trong các hoạt động tài chính. Từ đó không chỉ tạo nền tảng quản lý cho vay P2P mà còn hỗ trợ cho cả thị trường tài chính - ngân hàng số nói chung.

Chính phủ cũng cần thường xuyên nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân và doanh nghiệp về dịch vụ tài chính - ngân hàng 4.0. Người dân và doanh nghiệp phải hiểu rõ bản chất của cho vay P2P và những rủi ro có thể xảy ra để tự quyết định các giao dịch tài chính của mình.

5.2. Đối với công ty cho vay ngang hàng

Để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, các công ty P2P phải có những qui định rõ ràng, bao gồm: giới hạn đầu tư so với thu nhập của nhà đầu tư, giới hạn góp vốn của mỗi nhà đầu tư, quyền tiếp cận thông tin, trách nhiệm của công ty P2P đối với nhà đầu tư trong trường hợp xảy ra đổ vỡ,... Đối với một số công ty cho vay ngang hàng có uy tín trên thế giới, biện pháp phòng ngừa rủi ro phổ biến là lập quỹ dự phòng để có nguồn hoàn trả nếu phát sinh nợ xấu hoặc mua bảo hiểm cho khoản vay. Nên chăng, các cơ quan quản lý của Việt Nam cũng yêu cầu những điều kiện này để các công ty cho vay P2P phải có trách nhiệm hơn với nhà đầu tư?

5.3. Đối với nhà đầu tư

Nhà đầu tư cần hiểu rõ, đây là một kênh đầu tư chứ không phải là gửi tiền, do đó rủi ro mất tiền hoặc lợi nhuận không như kỳ vọng là điều có thể xảy ra. Martina P, Miroslav S., (2016), khuyến nghị rằng để giảm rủi ro, người cho vay cần đầu tư tiền theo các khẩu vị rủi ro mà mình sẵn sàng chấp nhận, đa dạng hóa đầu tư với những người đi vay có điểm tín dụng khác nhau. Người cho vay cũng cần yêu cầu cung cấp thông tin rõ ràng về người vay và mục đích vay. Họ cũng nên học kỹ năng phân tích đánh giá những chỉ số tài chính và phi tài chính của bên vay, đồng thời nên sử dụng mô hình kinh tế lượng để việc đánh giá chính xác hơn.

Zan Zhang, et al. (2018) đề xuất một giải pháp giảm thiểu rủi ro cho người cho vay bằng cách phân tích những đặc điểm hành vi xã hội của người đi vay và sử dụng nó như một dữ liệu bổ sung chấm điểm tín dụng. Trong thời đại bùng nổ internet, mạng xã hội bao gồm hầu như tất cả các khía cạnh cuộc sống của một người. Ngoài những yếu tố chính trong hồ sơ tín dụng truyền thống, như: khả năng trả nợ, cuộc sống ổn định, lịch sử tín dụng, tài sản bảo đảm,… Dữ liệu xã hội rất hữu ích, nhất là những người chưa phát sinh hồ sơ vay. Thông qua đó, chúng ta có thể biết những gì đã qua, những thay đổi mới nhất, cuộc sống gia đình, quan điểm chính trị…, của một người. Một số công ty tín dụng chẳng hạn như Lenddo đã sử dụng thông tin của người dùng từ Facebook, LinkedIn, Twitter để đánh giá rủi ro tín dụng của người tiêu dùng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tài liệu tiếng Việt:

1. Cấn Văn Lực và cộng sự. (2018). Quản lý cho vay ngang hàng: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý cho Việt Nam. Truy cập: http://www.cafef.vn/cac-nuoc-dang-quan-ly-cho-vay-ngang-hang-nhu-the-nao-2018101714302299.chn

2. Lê Huyền Ngọc, (2018), Hoạt động Fintech tại Việt Nam và một số đề xuất để phát triển. Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ số 19, trang 36.

3. Nguyễn Hoàng Vĩnh Lộc, (2018). Cần sớm ban hành khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động cho vay ngang hàng ở Việt Nam. Tạp chí Tài chính tiền tệ số 19, trang 27.

Tài liệu tiếng Anh:

4. Haifeng Li, et al. (2016). Detecting the abnormal lenders from P2P lending data. Procedia Computer Science 91, 357 - 361.

5. Martina P, Miroslapv S. (2016). Social lending and its risk. Procedia-social and Behavioral Sciences 220. 330 - 337.

6. Yuejin Zhang et al. (2017). Determinants of loan funded succedssful in online P2P lending. Procedia Computer Science 122, 896 - 901.

7. Tao Yu, et al. (2018). Funs Sharhing regulation in the contest of the sharing economy: Understanding the logic of China's P2P lending regulation. the international Journal of Tecnology Law and Practice 11-2018, 1 - 17.

8. Yunfei Dao, et al. (2016). Research on credit soring by fusing social media information in online peer-to-peer lending. Procedia Computer Science 91,168 - 174.

9. Zan Zhang, et al. (2018). Nonlinear effects of P2P lending on bank loans in a Panel smooth transition Regresion Model. International review of Economics and Finance 59, 468 - 473.

10. Zhao Wang, C. J. (2018). A novel behavioral scoring model for estimating probability of default over time in peer-to-peer lending. Electronic Comerce Research and Aplication 27, 74 - 82.

PEER-TO-PEER LENDING SITUATION IN CHINA

AND RECOMMENDATIONS FOR VIETNAM

Ph.D LE HUYEN NGOC

Faculty of Finance - Banking, Ho Chi Minh City Open Universtiy

ABSTRACT:

Peer-to-peer lending (P2P lending) model is a direct connection between lenders and borrowers through financial technology platform online instead of traditional financial intermediaries. Thanks to the development of the Internet technologies and Big data, P2P lending is considered as a financial service innovation and has grown rapidly.  In Vietnam, the P2P lending has appeared since 2015 but there is not authorized P2P lending platform. This article is introduce some concepts in P2P lending platforms, P2P lending situation in China and Vietnam, and also recommends some solutions to help the P2P lending market in Vietnam growth quickly and efficiently.

Keywords: Peer-to-peer lending, Vietnam, China.