Chống buôn lậu thuốc lá ở Tây Nguyên và những kẽ hở pháp lý

Nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp lý trong việc đấu tranh chống nạn buôn lậu thuốc lá, vừa qua, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đã tổ chức đoàn khảo sát tại một số tỉnh Tây Nguyên. Qua thực tế cho

Thực trạng buôn bán thuốc lá nhập lậu

Khu vực Tây Nguyên chưa phải là điểm nóng về buôn lậu thuốc lá trong cả nước, tuy nhiên thời gian qua, tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn có những diễn biến phức tạp và khu vực này được coi là nơi chung chuyển thuốc lá nhập lậu. Các loại thuốc lá lậu thường là Jet, Hero, Esse, 555, được vận chuyển vào khu vực này chủ yếu từ một số tỉnh phía Nam và các tỉnh Bắc miền Trung đến, trên các tuyến đường: Hồ Chí Minh – Gia Lai; hướng từ Cửa khẩu Lao Bảo - Quảng Trị về Đà Nẵng; Quốc lộ 24 nối tỉnh Quảng Ngãi và khu vực giáp gianh với Cửa khẩu Bờ Y sang Lào; quốc lộ 19B – Cửa khẩu Lệ Thanh nối với các luồng, tuyến về Tp. Pleiku; Quốc lộ 14, 26, 27… Theo các cơ qua chức năng cho biết, đối tượng buôn lậu đã áp dụng nhiều biện pháp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi và nguy hiểm hơn. Cụ thể, chúng luôn thay đổi địa điểm giao nhận hàng để không tạo thành quy luật; những kẻ cầm đầu thuê nhóm người luôn theo dõi mọi hoạt động của các lực lượng chức năng, kể cả lái xe và các phương tiện chống buôn lậu, thuê người canh gác trên các tuyến đường vận chuyển hàng đi qua. Các đối tượng được thuê vận chuyển phần lớn là người dân địa phương vốn thông thạo địa bàn nên dễ tránh, né lực lượng chức năng. Thủ đoạn vận chuyển cũng rất tinh vi, khi vận chuyển bằng ôtô cá nhân, chúng cất giấu ở mọi ngóc ngách trong xe, rất khó phát hiện; nếu bằng xe khách, chúng thường đóng thành kiện hàng và chỉ ghi số điện thoại người nhận mà không ghi địa chỉ rõ ràng; còn nếu bằng xe máy, chúng chỉ trở với số lượng dưới 500 bao để tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự, sẵn sàng vứt cả xe lẫn hàng để bỏ chạy khi bị lực lượng chức năng truy đuổi.

Sự manh động, liều lĩnh của các đối tượng buôn lậu thuốc lá được một cán bộ Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai cho biết : Vào dịp Tết Nguyên đán 2017, đối tượng vận chuyển thuốc lá đi xe ôtô Fotuna khi bị các lực lượng chức năng phát hiện, chúng đã phóng xe  với tốc độ khoảng 140 km/h trên tuyến đường cấp phối, có nhiều đoạn cua gấp. Trong khoảng 1h truy đuổi, lực lượng chức năng đã lập thành các chốt chặn đường, tuy nhiên đối tượng vẫn liều lĩnh đâm cả vào các vật cản trên đường để vượt qua, và chỉ khi xe hết xăng, đâm vào một khu rừng thông thì đối tượng chịu bị bắt. Vụ này đã làm một phen kinh hoàng cho những người đã từng chứng kiến trên đường.

Bên cạnh các hoạt động vận chuyển thuốc lá lậu với nhiều thủ đoạn tinh vi thì hoạt động bán thuốc lá lậu tại các cửa hàng bán lẻ cũng lắm chiêu, nhiều trò. Ông Giao Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đak Lak cho biết: Tại các cửa hàng bán lẻ, thuốc lá nhập lậu được cất dấu rất kỹ, hoặc để lẫn lộn với các loại thuốc lá sản xuất trong nước và chỉ bán với số lượng nhỏ, lẻ. Riêng đối với các đối tượng bán tủ bán thuốc lá bên lề đường, thường bày bán với số lượng chỉ vài bao, vị trí kinh doanh không cố định, và nếu có bị lực lượng chức năng xử lý thì xác định đó chỉ là phạt hành chính nên sẵn sàng không nộp phạt và chịu mất hàng.

Để ngăn chặn và đẩy lùi hoạt động buôn lậu thuốc lá trên địa bàn, dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389 Trung ương và địa phương, các lực lượng chức năng đã tích cực triển khai, xây dựng các kế hoạch phối hợp hành động. Theo tổng hợp từ Ban chỉ đạo 389 các tỉnh Tây Nguyên, đối với tỉnh Đắk Lắk, năm 2016, lực lượng công an và quản lý thị trường phát hiện 105 vụ, xử phạt hành chính 833.250.000 đồng, tịch thu 24.765 bao thuốc lá; trong Quý I/2017 đến nay, xử lý 43 vụ với tổng tiền phạt 515.750.000 đồng, tịch thu 5.579 bao thuốc lá. Đối với tỉnh Gia Lai, từ khi có Chỉ thị 30/CT – TTg ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ đến nay, đã phát hiện 219 vụ, khởi tố hính sự 9 vụ/8 đối tượng (74.610 bao thuốc lá), xử lý hành chính 207 vụ, tổng tiền phạt 1.209.100.000 đồng. Còn tại tỉnh Kon Tum, trong Quý I/2017, Chi cục Quản lý thị trường Tỉnh đã xử lý 6 vụ vi phạm về kinh doanh thuốc lá ngoại nhập lậu, xử phạt 7.750.000 đồng.

Thời gian qua, mặc dù các lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc, nhưng tình trạng buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt đã xảy ra hiện tượng tồn đọng án, hoặc nhiều vụ không biết xử lý thế nào. Một trong những nguyên nhân quan trọng là những mâu thuẫn trong hệ thống pháp lý

Kẽ hở pháp lý

Hầu hết khó khăn trong quá trình xử lý các vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển thuốc lá trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên được các cơ quan chức năng cho là từ khi có sự thay đổi trong các văn bản pháp luật. Cụ thể, Luật Đầu tư 2014 quy định thuốc lá là hàng kinh doanh có điều kiện (trước đó được coi là hàng cấm); Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định hành vi buôn bán, vận chuyển và tàng trữ mặt hành thuốc lá phải có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên mới có thể khởi tố hình sự; Công văn 06/TANDTC – PC ngày 26/1/2016 của Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn hàng nhập lậu phải là hàng bắt tại biên giới.

Chia sẻ những vướng mắc trong việc xử lý các vụ vi phạm về thuốc lá nhập lậu, ông Nguyễn Đắc Thức – Phó trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, công an tỉnh Gia Lai cho biết: 

Đoàn làm việc với Công an tỉnh Gia Lai

Trong 7 vụ bắt giữ từ đầu năm 2017, thu 57.000 bao thuốc lá các loại nhưng không thể khởi tố được vụ nào, thậm trí có những vụ còn không xử lý hành chính, bởi sau khi đưa số hàng bị bắt đến các cơ quan chức năng để giám định giá trị, nhưng các cơ quan chức năng đều từ chối giám định nên không có căn cứ xác định được giá trị lô hàng. Và nếu theo Nghị định số 124/2015/NĐ – CP ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định vi phạm từ 500 bao thuốc lá trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng theo Luật Đầu tư, Bộ Luật Hình sự, Công văn 06/TANDTC thì chưa đủ căn cứ truy cứu. Để giải quyết tình trạng trên, phía công anh tỉnh Gia Lai cũng đã xin chủ trương của các cấp, các ngành cấp trên, nhưng hiện chỉ nhận được thông tin phản hồi là “chờ đợi” hướng dẫn cụ thể. Thậm trí, kể cả 7 vụ bắt giữ thuốc lá từ đầu năm cũng không khởi tố vụ nào vì cũng bởi các vụ bắt giữ đều là nằm trong nội địa, do không xác định được là hàng qua biên giới hay không nên cũng không coi đó là hàng thuốc lá nhập lậu được, và phía công an tỉnh Gia Lai cho rằng quan điểm xử lý là tuân theo Luật.

Theo ông Phạm Thái – Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắc: Đối với những hộ dân bản lẻ thuốc lá, do số lượng bán thường rất ít nên khó tra, kiểm soát; hơn nữa do mức hình phạt xử lý hành chính quá thấp (Theo Luật Thương mại thì chỉ áp dụng từ 500.000 – 1.000.000 đồng), nên không đủ sức răn đe các.

Cùng với công tác đấu tranh, phòng chống nạn buôn lậu thuốc lá của các cơ quan chức năng, thời gian qua, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cũng đã luôn đồng hành, tích cực hỗ trợ các cơ quan chức năng trong cuộc chiến này. Ngoài ra, các đơn vị này cũng đã có nhiều ý kiến đóng góp về việc sửa đổi một số quy định pháp lý, cụ thể: Sửa Điều 153 Bộ Luật Hình sự theo hướng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá lậu từ 500 bao trở lên sẽ bị khởi tố hình sự; Sửa Luật Đầu tư theo hướng xác định thuốc lá lậu là hàng cấm; Sửa Công văn 06/TANDTC – PC của Tòa án Nhân dân tối cao theo hướng xác định lại về hàng thuốc lá qua biên giới…

Những thiệt hại do nạn buôn lậu thuốc lá gây ra cho xã hội là rất lớn, bởi vậy, hoạt động chống buôn lậu thuốc lá luôn được coi là cuộc chiến, và trong đó có nhiều sự nỗ lực cố gắng, vất vả, thậm trí là cả sự hy sinh tính mạng của các lực lượng chức năng. Tuy nhiên, với những kẽ hở pháp lý nêu trên đã làm cho các lực lượng chức năng đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý. Theo một cán bộ chống buôn lậu thuốc lá nói “Bắt được đối tượng buôn lậu thuốc lá đã khó, nhưng khi xử lý lại còn khó hơn”. Thực tế đã cho thấy, các quy định pháp lý là cơ sở nền tảng đem lại hiệu quả của cuộc chiến chống buôn lậu thuốc lá, thiết nghĩ các nhà làm luật cần có cái nhìn đầy đủ hơn, thiết thực hơn trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật./.

Quang Tuấn