Chủ động đánh giá xu thế chuyển dịch của dòng vốn đầu tư nước ngoài

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải đánh giá chung xu thế chuyển dịch của dòng vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều thay đổi sâu sắc, cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ để tổ chức thực hiện có hiệu quả 8 nhiệm vụ
Phấn đấu tỉ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động từ 56% năm 2017 lên 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.
Phấn đấu tỉ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động từ 56% năm 2017 lên 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.

5 mục tiêu lớn

Ngày 20/8/2019 Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 với mục tiêu tổng quát là "Hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế; đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế”.

Nghị quyết 50 đưa ra 5 mục tiêu cụ thể:

Phấn đấu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt một số mục tiêu định hướng chủ yếu sau:

- Vốn đăng ký giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 150 - 200 tỉ USD (30 - 40 tỉ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200 - 300 tỉ USD (40 - 50 tỉ USD/năm).

- Vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 100 - 150 tỉ USD (20 - 30 tỉ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 150 - 200 tỉ USD (30 - 40 tỉ USD/năm).

- Tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018.

- Tỉ lệ nội địa hoá tăng từ 20 - 25% hiện nay, lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030.

- Tỉ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động từ 56% năm 2017 lên 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.

Đánh giá đúng xu thế

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Triển lãm giới thiệu thành tựu 30 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Triển lãm giới thiệu thành tựu 30 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tại Nghị quyết số 50; Chính phủ  yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải đánh giá chung xu thế chuyển dịch của dòng vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều thay đổi sâu sắc, cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ để tổ chức thực hiện có hiệu quả 8 nhiệm vụ, bao gồm:

1- Đổi mới, nâng cao nhận thức, tư duy và thống nhất trong hành động.

2- Tăng cường ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

3- Hoàn thiện thể chế, chính sách chung về đầu tư nước ngoài.

4- Hoàn thiện chể chế, chính sách thu hút đầu tư.

5- Hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm bảo hộ và đề cao trách nhiệm và hợp tác của nhà đầu tư.

6- Hoàn thiện chể chế chính sách quản lý, giám sát đầu tư.

7- Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư.

8- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài.

Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu

Để hiện thực hóa 8 nhiệm vụ, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ được giao; khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan để thực hiện Nghị quyết theo quy định.

 Tăng cường rà soát, kiểm tra, giám sát nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư nước ngoài
Tăng cường rà soát, kiểm tra, giám sát nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư nước ngoài

Đồng thời, thường xuyên cập nhật, tổng hợp số liệu phân tích đánh giá tình hình công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài theo chuyên ngành; tăng cường rà soát, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật chuyên ngành do bộ, ngành mình quản lý nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư nước ngoài và kịp thời đề xuất điều chỉnh chính sách.

Trong Chương trình hành động, Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh đó, chủ động theo dõi, đánh giá để có biện pháp xử lý linh hoạt, kịp thời hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền những giải pháp chỉ đạo, điều hành bảo đảm kịp thời, hiệu quả. Định kỳ hàng năm (trước ngày 31 tháng 3) báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kết quả thực hiện để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 6.

Phúc Thọ