Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế và định hướng của Việt Nam: Lộ trình và kinh nghiệm quốc tế

ThS. Trần Tiến Hoàng (Tổng Công ty XNK TH Vạn Xuân (VAXUCO) - Bộ Quốc phòng)

TÓM TẮT:

Trong khi các nước trên thế giới đã áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS từ năm 2005, Việt Nam vẫn đang ở quá trình xem xét cách thức áp dụng IFRS cho phù hợp bối cảnh nền kinh tế thị trường đang trong giai đoạn chuyển đổi và cũng chưa có lộ trình áp dụng IFRS cụ thể. Bài viết này, tác giả sẽ khái quát lộ trình và kinh nghiệm áp dụng IFRS tại một số nước trên thế giới và định hướng áp dụng IFRS tại Việt Nam.

Từ khóa: Báo cáo tài chính, kinh nghiệm, lộ trình.

1. Đặt vấn đề

Tại Việt Nam, để đáp ứng xu hướng hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, Việt Nam đã và đang thiết lập hành lang pháp lý về kế toán, kiểm toán theo thông lệ các nước nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng thông tin báo cáo tài chính, trong đó một bộ phận quan trọng là hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam. Trong giai đoạn 2001 - 2006, Việt Nam đã ban hành được 26 chuẩn mực kế toán Việt Nam dựa trên chuẩn mực kế toán quốc tế và điều kiện thực tế Việt Nam. Tuy nhiên, hệ thống kế toán Việt Nam vẫn còn những khoảng cách, đặc biệt là đối với khu vực dịch vụ tài chính. Ngoài ra, qui trình soạn thảo và ban hành chuẩn mực kế toán chưa chuyên nghiệp (Adam và Đỗ Thùy Linh, 2005).

Chính vì vậy, việc áp dụng IFRS được coi như một cuộc cách mạng về kế toán trên toàn thế giới và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2005. Lợi ích của việc áp dụng IFRS cũng rất nhiều, nhưng  cũng là một thách thức cho các doanh nghiệp hiện nay. Do đó, Việt Nam cần đưa ra lộ trình phù hợp, để từng bước tiến tới áp dụng hoàn toàn IFRS. Bên cạnh đó, cần có sự tư vấn và chắt lọc kinh nghiệm của các nước, cũng như sự hỗ trợ của IASB và chuyên gia của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế.

2. Khái quát về chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS)

Các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế do IASB ban hành bao gồm 3 phần chính:

- Khuôn mẫu lý thuyết cho Báo cáo tài chính

- Các chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế

- Hướng dẫn giải thích chuẩn mực

Khuôn mẫu lý thuyết được IASB phê duyệt và phát hành tháng 9/2010, thay thế cho khuôn mẫu lý thuyết năm 2001. Khuôn mẫu lý thuyết đặt ra các khái niệm cơ sở cho việc chuẩn bị và trình bày báo cáo tài chính cho người sử dụng bên ngoài. Mục đích chính của khuôn mẫu lý thuyết là hỗ trợ IASB, trong việc phát triển các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế trong tương lai và xem xét các chuẩn mực hiện có, thúc đẩy việc hài hòa các nguyên tắc, chuẩn mực và các thủ tục liên quan đến việc soạn thảo và trình bày báo cáo tài chính.

Các IAS/IFRS do IASC (Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế) và IASB (Hội đồng Chuẩn mực kế toán quốc tế) ban hành. IASB thay thế IASC vào năm 2001. Kể từ thời điểm đó, IASB đã thực hiện sửa đổi một số IAS và kiến nghị thêm các sửa đổi khác, thay thế một số IAS bằng các IFRS. Đến ngày 30/11/2016, có 41 IAS/IFRS đang và sắp có hiệu lực, trong đó có 25 IAS và 16 IFRS.

Các hướng dẫn giải thích chuẩn mực (IFRIC/SIC) do Ủy ban hướng dẫn báo cáo tài chính quốc tế (IFRIC) xây dựng, đưa ra lấy ý kiến công chúng và sau đó được IFRIC gửi tới IASB soát xét và chuẩn y trở thành các hướng dẫn, giải thích chính thức.

3. Lộ trình và kinh nghiệm áp dụng IFRS của một số nước trên thế giới

Lộ trình áp dụng IFRS ở mỗi quốc gia rất khác nhau, tùy thuộc vào tình hình thực tế của từng nước và phải đảm bảo lên kế hoạch kỹ lưỡng trước khi áp dụng.

3.1. Hàn Quốc

Tháng 3/2007, Ủy Ban giám sát tài chính Hàn Quốc và Viện Kế toán Hàn Quốc đã thông báo một lộ trình cho việc chấp nhận IFRS vào hệ thống khuôn mẫu báo cáo tài chính Quốc gia (Thường được gọi là IFRS Hàn Quốc hay K-IFRS). K-IFRS được dịch từ IFRS, tuy nhiên cố gắng dịch đảm bảo tính dễ hiểu nhất trong ngữ cảnh ngôn ngữ Hàn Quốc thay vì dịch chính xác câu chữ của IASB. Việc dịch được chọn các từ ngôn ngữ Hàn Quốc được sử dụng hàng ngày nhiều nhất có thể và tránh sử dụng ngôn ngữ nước ngoài hoặc các từ có thiên hướng nước ngoài. Đồng thời, quá trình dịch tối đa hóa sử dụng câu chủ động và giảm thiểu việc sử dụng câu bị động, tránh sử dụng các câu phủ định 2 lần. Chỉ trừ khi bản dịch IFRS không diễn đạt trung thành được nội dung muốn truyền tải, thì mới dịch theo ý nghĩa của từng từ. Năm 2009, Hàn Quốc cho phép các công ty niêm yết được áp dụng IFRS, ngoại trừ các tổ chức tài chính. Từ năm 2011 đến nay, tất cả các công ty niêm yết, tổ chức tài chính, doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước và các đơn vị có lợi ích công chúng khác đều thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng IFRS.

Tất cả các công ty không niêm yết khác nếu tự nguyện áp dụng IFRS thì không bắt buộc phải áp dụng GAAP của Hàn Quốc.

Các công ty nước ngoài niêm yết tại thị trường Hàn Quốc được lựa chọn IFRS hoặc chuẩn mực IFRS được thông qua tại Hàn Quốc (K-IFRS), US GAAP.

Các đối tượng áp dụng K-IFRS đều được yêu cầu đối với cả báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tài chính riêng. Các đối tượng áp dụng IFRS cho mục đích niêm yết như các công ty nước ngoài niêm yết ở Hàn Quốc thì chỉ yêu cầu đối với báo cáo tài chính hợp nhất.

Quá trình áp dụng K-IFRS tại Hàn Quốc phải đối mặt với những thách thức trong thực tế cụ thể từng đối tượng như sau:

Đối với người sử dụng báo cáo tài chính: Khi áp dụng K-IFRS thì thiếu sự so sánh thông tin tài chính của báo cáo tài chính khi chuyển đổi. Vì vậy, KASB đã soạn thảo hướng dẫn thuyết minh thông tin.

Đối với người lập báo cáo tài chính: Phải tăng nội dung thuyết minh thông tin. Đồng thời, lập báo cáo tài chính phải dựa trên đo lường giá trị hợp lý.

Đối với kiểm toán viên: Số lượng và trình độ kiểm toán viên đáp ứng yêu cầu của K-IFRS còn hạn chế. Ngoài ra, còn thiếu các chuyên viên về đo lường giá trị hợp lý đối với các công cụ tài chính.

3.2. Malaysia

Năm 2008, Hội đồng Chuẩn mực kế toán Malaysia (MASB) chính thức tuyên bố về việc thông qua IFRS, dự kiến kế hoạch này sẽ hoàn thành vào năm 2012(Hanefah, 2012). Từ thời điểm đó trở đi, MASB và Viện Kế toán Malaysia (MIA) thực hiện nhiều bước chuẩn bị cho tiến trình áp dụng IFRS như đào tạo, huấn luyện lực lượng kế toán viên và kiểm toán viên có hiểu biết về IFRS nhằm đảm bảo quá trình áp dụng IFRS thành công. Ngày 19/11/2011, MASB ban hành khung CMKT thứ 3 tuân thủ theo IFRS nhưng có điều chỉnh cho phù hợp với đặc điểm riêng của Malaysia và đặt tên là chuẩn mực BCTC Malaysia (MFRS), bắt đầu áp dụng từ ngày 01/01/2012. Việc ban hành MFRS đã thể hiện cam kết của Malaysia trong tiến trình thông qua IFRS và MFRS trở thành chuẩn mực đáng tin cậy trong việc hướng dẫn cho các công ty niêm yết lập BCTC tuân theo IFRS.

Các công ty tại Malaysia hoạt động dựa vào bộ 3 khuôn khổ kế toán.

Thứ nhất là khung chuẩn mực BCTC cũ (FRS) được ban hành dựa vào IAS.

Thứ hai là khung chuẩn mực báo cáo dành cho các tổ chức tư nhân (Private Entity Reporting Standards framework - PERS).

Thứ ba là khung chuẩn mực BCTC Malaysia (MFRS).

Bộ ba khuôn khổ này đều do MASB ban hành và được các tổ chức áp dụng ở Malaysia tùy thuộc vào từng loại hình tổ chức.

PERS chỉ được áp dụng bởi các công ty tư nhân, ngoại trừ những công ty đang chuyển đổi là những công ty tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp, bất động sản thuộc phạm vi điều chỉnh của MFRS 141 tương đương IAS 41 và IC Interpretion 15 tương đương IFRIC15. Công ty tư nhân theo định nghĩa của Hội đồng chuẩn mực kế toán Malaysia là doanh nghiệp hoạt động theo Luật công ty 1965, không buộc phải chuẩn bị và phát hành báo cáo tài chính theo Luật của Ủy ban chứng khoán Malaysia hay Ngân hàng Negara Malaysia. Công ty tư nhân cũng không phải là công ty con, công ty liên doanh, liên kết bị kiểm soát bởi công ty khác bị buộc phải chuẩn bị và phát hành BCTC theo Luật của Ủy ban chứng khoán Malaysia hay Ngân hàng Negara Maylaysia. Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2013 trở đi, các công ty đang chuyển đổi này bị buộc chuyển sang MFRS. Malaysia không yêu cầu IFRS cho SMEs, vì không đủ nguồn lực cho việc thực hiện. Còn MFRS được áp dụng cho tất cả loại hình công ty, trừ công ty tư nhân.

MASB cùng với sự trợ giúp của Tổ chức thiết lập chuẩn mực Châu Á - Châu Đại Dương (Asia - Oceanic Standards Setters Group - AOSSG) làm cho lộ trình thông qua IFRS diễn ra dễ dàng hơn khi thực hiện thành công nhiều buổi thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhóm nước “không tuân thủ IFRS” và “tuân thủ IFRS” như kinh nghiệm áp dụng của Úc vào năm 2005, của New Zealand năm 2007 và của Hàn Quốc năm 2011, làm cơ sở cho sự phát triển MFRS. Tuy tiến trình áp dụng IFRS của Malaysia là chậm và đều hơn so với nước đang thực hiện thông qua IFRS một cách nhanh chóng như Úc, Hồng Kông nhưng CMKT Malaysia hoàn toàn theo sát chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS.

Trong quá trình thông qua IFRS, Malaysia cũng gặp nhiều thách thức như việc thu nhập, chuẩn bị, trình bày thông tin làm phát sinh chi phí nhiều hơn lợi ích mang lại. Malaysia đã và đang thực hiện những bước chậm và theo hướng đúng đắn trên con đường áp dụng IFRS, khi kế thừa và xây dựng chính sách kế toán quốc gia vững mạnh; đồng thời nâng cao giáo dục, đào tạo những người hành nghề trong lĩnh vực kế toán, thúc đẩy sự phát triển các hiệp hội kinh doanh cũng như kế toán, là chìa khóa quan trọng cho tiến trình thông qua hoàn toàn IFRS.

3.3. Mỹ

Mỹ là một quốc gia có nền kinh tế mạnh và có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu, do đó Mỹ muốn xây dựng chuẩn mực kế toán quốc tế chất lượng cao, qua đó giúp thông tin có thể so sánh được trên báo cáo tài chính của các quốc gia và Mỹ. Từ năm 2002, thỏa thuận Norwalk được ký kết giữa IASB và Hội đồng chuẩn mực kế toán Mỹ (FASB) nhằm hợp tác xây dựng chuẩn mực kế toán quốc tế áp dụng cho các nước. Tại Mỹ, các công ty lập báo cáo tài chính tuân thủ theo chuẩn mực kế toán Mỹ (US GAAP) do FASB ban hành. Bên cạnh đó, các công ty niêm yết còn phải cung cấp thông tin theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC). Hiện nay, Mỹ chưa có quy định yêu cầu lập báo cáo tài chính theo IFRS đối với công ty trong nước, riêng các công ty tư nhân nước ngoài được phép áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính.

Tháng 11/2008, SEC đưa ra văn bản dự thảo lộ trình hòa hợp IFRS. Đến tháng 2/2010, SEC tái khẳng định cam kết hướng tới một hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính toàn cầu và đưa ra kế hoạch làm việc, trong đó chỉ ra 6 yếu tố cần xem xét để SEC có thể kết hợp các IFRS vào báo cáo tài chính của Mỹ là phát triển đầy đủ IFRS và áp dụng cho hệ thống báo cáo trong nước; sự độc lập của cơ quan ban hành chuẩn mực vì lợi ích của nhà đầu tư; nhận thức của nhà đầu tư về IFRS; môi trường pháp lý; tác động của các tổ chức ban hành quy định; và nguồn nhân lực. Tuy nhiên, đến tháng 7/2012, SEC vẫn chưa có quyết định về việc kết hợp IFRS vào hệ thống báo cáo tài chính của Mỹ(SEC, 2008), (SEC, 2010). Gần đây, SEC công bố bản dự thảo chiến lược giai đoạn 2014 - 2018 đưa ra mục tiêu đạt được một hệ thống chuẩn mực kế toán có chất lượng tốt hơn và áp dụng toàn cầu với nhiều sáng kiến được đưa ra để thực hiện mục tiêu trên nhưng SEC không đề cập cụ thể đến việc áp dụng IFRS (SEC, 2012), (SEC, 2014).

Dự án hòa hợp chuẩn mực kế toán giữa IASB và Hội đồng chuẩn mực kế toán Mỹ (FASB) đã có một số kết quả như các IFRS mới được ban hành và sự thay đổi trong quy định của FASB, gần đây nhất là hướng dẫn ghi nhận doanh thu kết hợp IFRS15 công bố vào tháng 5/2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Tuy nhiên, sau khi công bố IFRS 15, kế hoạch hòa hợp các chuẩn mực về công cụ tài chính, thuê tài sản và một số nội dung khác đã bị ngừng. Việc áp dụng IFRS tại Mỹ chậm trễ có nhiều nguyên nhân như do chưa hòa hợp được giữa hai cơ quan IASB và FASB, do SEC tập trung ban hành những luật khác cần thiết hơn, cũng như do áp dụng IFRS ngay sẽ không thích hợp với các quy định lập báo cáo tài chính ở các thị trường vốn khác.

Mặc dù, IASB và FASB thể hiện thiện chí hòa hợp US GAAP và IFRS, nhưng do chưa có lộ trình rõ ràng và Mỹ cũng chưa khẳng định sẽ hòa hợp IFRS nên dự án làm việc giữa IASB và FASB sau khi có được một số kết quả nhất định đã tạm dừng cho thấy còn nhiều vấn đề cần giải quyết để có thể hòa hợp 2 hệ thống chuẩn mực kế toán của Mỹ và IFRS.

4. Định hướng và lộ trình áp dụng IFRS của Việt Nam

Việt Nam là một nước đang phát triển, nền kinh tế thị trường còn khá non trẻ. Thị trường tài chính Việt Nam trong những năm gần đây có những chuyển biến, đặc biệt là thị trường chứng khoán đã có những bước phát triển nhất định, song trình độ phát triển và quy mô còn khá hạn hẹp.

Vì vậy, khi áp dụng mô hình này, Việt Nam cần có các mục tiêu, định hướng và lộ trình cụ thể như sau:

4.1. Mục tiêu và quan điểm định hướng

Dựa trên lộ trình và kinh nghiệm áp dụng IFRS của một số quốc gia trên thế giới. Việt Nam có mục tiêu tổng quát là khắc phục những tồn tại, hạn chế của chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS), hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán. Đồng thời, nâng cao tính minh bạch của các thông tin tài chính hữu ích, nâng cao trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp, đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được các nguồn vốn và niêm yết trên thị trường quốc tế, để từ đó Việt Nam được công nhận là một nền kinh tế thị trường đầy đủ.

Ngoài mục tiêu chung, Việt Nam cần có những mục tiêu cụ thể như sau:

Cần xây dựng phương án, lộ trình, cách thức áp dụng chuẩn mực kế toán đối với từng nhóm đối tượng cụ thể tại Việt Nam.

Xây dựng hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam (VFRS) phù hợp với IFRS. Đồng thời, cập nhật hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam hiện hành (VAS) và ban hành mới một số chuẩn mực kế toán mà Việt Nam chưa có trên cơ sở hệ thống IFRS/IAS có tính đến điều kiện đặc thù của Việt Nam

Hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam (VFRS): VFRS gần như là nguyên mẫu IFRS, áp dụng bắt buộc cho các công ty niêm yết, các đơn vị có lợi ích công chúng quy mô lớn chưa niêm yết, doanh nghiệp Nhà nước và các đối tượng khác có nhu cầu tự nguyện áp dụng

Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS hoặc Viet GAAP): Áp dụng đối với các doanh nghiệp không thuộc đối tượng bắt buộc hoặc tự nguyện áp dụng VFRS. Là hệ thống chuẩn mực được xây dựng theo hướng phù hợp với VFRS nhưng đơn giản hơn, có nhiều nội dung điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù cũng như năng lực của các doanh nghiệp.

4.2. Lộ trình và phương án áp dụng VFRS

* Đối tượng và phạm vi áp dụng

+ Đối tượng bắt buộc: Các công ty niêm yết, các doanh nghiệp chưa niêm yết nhưng là đơn vị có lợi ích công chúng quy mô lớn theo quy định của pháp luật (như các ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán và các tổ chức tài chính khác) và doanh nghiệp nhà nước.

+ Đối tượng tự nguyện: Tất cả các doanh nghiệp khác không thuộc đối tượng bắt buộc, nếu có nhu cầu và tự nguyện áp dụng

VFRS được áp dụng để lập và trình bày báo cáo tài chính của doanh nghiệp độc lập, báo cáo tài chính riênh và báo cáo tài chính hợp nhất công ty mẹ

* Cách thức và lộ trình áp dụng

Hiện nay, theo Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán - Bộ Tài chính đang triển khai Chiến lược Kế toán - Kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó việc phát triển và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về Chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần phải được sớm triển khai để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trong giai đoạn mới. Để làm được điều này, Bộ Tài chính đang xây dựng đề án đưa IFRS vào Việt Nam và cập nhật, ban hành VFRS. Theo đó, lộ trình áp dụng VFRS dự kiến như sau:

(i) Giai đoạn 2018 - 2020:

-Lựa chọn một số IFRS (khoảng từ 10-20 IFRS) đơn giản phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam và công bố tuân thủ, áp dụng đối với tất cả các đơn vị có lợi ích công chúng từ năm 2020. Các đơn vị được lựa chọn thí điểm áp dụng từ 2019.

-Xây dựng hướng dẫn áp dụng VFRS.

-Tiếp tục tuyên truyền, quảng bá, đào tạo VFRS cho các DN, công ty kiểm toán, trường đại học.

(ii) Giai đoạn 2020 - 2023:

-Tiếp tục công bố, tuân thủ thêm một số VFRS (dự kiến nâng số lượng VFRS được tuân thủ lên 30 Chuẩn mực).

-Khuyến khích các đơn vị không có lợi ích công chúng, nhưng có đủ điều kiện và mong muốn được lập và trình bày BCTC theo VFRS.

-Tiếp tục xây dựng hướng dẫn áp dụng VFRS.

-Tiếp tục hỗ trợ các DN trong việc triển khai áp dụng, các trường đại học trong việc đào tạo VFRS.

(iii)Giai đoạn 2023 - 2025:

-Tuyên bố tuân thủ hoàn toàn VFRS.

-Tiếp tục hỗ trợ các DN và trường đại học, xây dựng hoàn chỉnh bộ hướng dẫn áp dụng IFRS và sửa đổi, bổ sung, cập nhật hàng năm theo sự thay đổi của quốc tế.

Dựa theo lộ trình áp dụng VFRS trên của Bộ Tài chính, đây sẽ là chặng đường dài, có nhiều việc phải chuẩn bị, nhiều khó khăn và trở ngại phải vượt qua với Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người làm kế toán, kiểm toán, nhưng lợi ích với nền kinh tế rất to lớn. Do đó, các cá nhân người lao động, các chủ doanh nghiệp và các ban ngành cần hỗ trợ và hợp tác để triển khaihệ thống lập và trình bày báo cáo tài chính quốc tế hiệu quả theo lộ trình.

VFRS sẽ được áp dụng một cách đồng bộ tất cả các chuẩn mực kế toán tại cùng một thời điểm. VFRS nên áp dụng muộn nhất cho báo cáo tài chính kể từ ngày 1/1/2025. Bộ Tài chính nên căn cứ vào tình hình thực tế để quy định thời điểm bắt buộc áp dụng VFRS cho từng nhóm đối tượng cụ thể.

Bộ Tài chính ban hành chuẩn mực và các văn bản hướng dẫn áp dụng không muộn hơn ngày 31/12/2023 để đảm bảo các đối tượng áp dụng VFRS có thời gian ít nhất 24 tháng để chuẩn bị.

Các doanh nghiệp có khả năng và nhu cầu áp dụng VFRS có thể đăng ký với Bộ Tài chính để áp dụng thí điểm trước khi chính thức áp dụng VFRS cho các đơn vị khác. Trường hợp này, đơn vị chỉ phải lập một bộ báo cáo tài chính theo VFRS.

5. Kết luận

Việc thực hiện theo IFRS được ví như một cuộc cách mạng trong công tác kế toán và lập báo cáo tài chính đòi hỏi phải nỗ lực rất lớn của tất cả các bên liên quan để vượt qua các thách thức và trở ngại. Theo các chuyên gia thì mô hình hợp lý cho việc áp dụng IFRS ở Việt Nam là vận dụng có chọn lọc IFRS trong giai đoạn đầu tiên. Trong tương lai, để có thể áp dụng rộng rãi và phổ biến IFRS nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về kinh tế và kế toán, Việt Nam cần tiến hành nhiều giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài, bao gồm cả giải pháp trực tiếp đối với hệ thống chuẩn mực kế toán và giải pháp thuộc về môi trường kinh tế, pháp luật. Các biện pháp cơ bản trong thời gian tới nên làm để đẩy mạnh công tác áp dụng IFRS được sớm nhất là:

Một là, tăng cường đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức về các chuẩn mực quốc tế dưới nhiều hình thức thông qua các tổ chức quốc tế (ACCA, ICAEW...), Hiệp hội nghề nghiệp trong nước (VACPA, VAA), các công ty tư vấn, dịch vụ kế toán - kiểm toán…

Hai là, tổ chức dịch thuật các chuẩn mực quốc tế sang tiếng Việt trên nguyên tắc đảm bảo sát với nguyên gốc và đồng thời chú trọng đào tạo đội ngũ lao động kế toán trẻ chuyên nghiệp, có kiến thức chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và thành thạo ngoại ngữ để có thể chủ động tham gia sâu vào thị trường kế toán - kiểm toán  khi hội nhập thế giới.

Ba là, nâng cao nhận thức cho các nhà quản lý doanh nghiệp về vai trò của chuẩn mực kế toán quốc tế trong quá trình hội nhập.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Tài chính, 2005b. Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam. Nhà xuất bản Tài chính, Hà Nội.
  2. Trần Quốc Thịnh, 2012, Thách thức của quá trình hội tụ kế toán quốc tế và những kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Kiểm toán số 3/2012.
  3. Baker, C.R. & Barbu, E.M., 2007. Trends in research on international accounting harmonization. The International Journal of Accounting, 42(3). [on line] Available at:<http://www.sciencedirect.com/science/ article/pii/ S0020706307000520>[Accessed August 12, 2011]
  4. IFRS, 2012a. Access the unaccompanied standards and their technical summaries.[online] Available at: http://www.ifrs.org/IFRSs/Pages/IFRS.aspx [Accessed Oct 2, 2012]
  5. IFRS, 2012b. The IFRS Foundation and its translation policies. [on line] Available at: <http://www.ifrs.org/Use-around-the-world/IFRS-translations/Pages/IFRS-translations.aspx> [Accessed Oct 2, 2012], IFRS, 2012c. The move towards global standards. [on line] Available at: http://www.ifrs.org/Use-around-the-world/Pages/Use-around-the-world.aspx [Accessed Oct 2, 2012].

 

THE INTERNATIONAL FINANCIAL REPORTING STANDARDS  AND THE IMPLEMENTATION PLAN OF VIETNAM: PATHWAY AND INTERNATIONAL EXPERIENCE

Master. TRAN TIEN HOANG

Van Xuan General Import and Export Corporation, Ministry of Defense 

ABSTRACT:

While the International Financial Reporting Standards (IFRS) have been implemented since 2005 by many countries, Vietnam is still considering how to implement the IFRS in the context of the countries changing economy. In addition, Vietnam has not had any specific the IFRS pathway implementation plan. This article is to introduce the IFRS implementation plan and experience of some countries, and lessons for Vietnam.

Keywords: Financial statements, experience, pathway.