Chung tay bảo vệ người lao động trước bệnh dịch nCoV

Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona, một số tập đoàn, tổng công ty đã tích cực triển khai các biện pháp để bảo vệ người lao động trước bệnh dịch nguy hiểm này.

Sáng 3/2/2020, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch nCoV (bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona) tới lãnh đạo các đơn vị thành viên.

Với khoảng 3 triệu lao động toàn ngành, đồng thời môi trường làm việc tập trung tại các Nhà máy, Dệt May là một trong những ngành có nguy cơ cao nhất trong những nhóm ngành dễ lây lan dịch bệnh. Do đó, lãnh đạo Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị thành viên không chủ quan, phải đặc biệt quan tâm tới từng CBCNV người lao động trong Nhà máy của mình. 

Tập đoàn yêu cầu các doanh nghiệp phải thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch, do người đứng đầu làm Trưởng Ban chỉ đạo, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc ngành May có lượng lao động lớn. Bên cạnh đó, trang bị đầy đủ khẩu trang, dụng cụ vệ sinh cho NLĐ tại các khu vực. Đồng thời siết chặt quản lý về thực phẩm, nhà ăn trong thời kỳ mưa ẩm tại miền Bắc, thực phẩm sau Tết khan hiếm, giá cả leo thang. 

Đối với hệ thống y tế trực thuộc Tập đoàn và các đơn vị, Bệnh viện Dệt May phải chủ trì, cũng như hướng dẫn các đơn vị trong hệ thống của Tập đoàn các công tác phòng chống dịch bệnh tại các khu vực, có biện pháp đo, kiểm tra thân nhiệt đầu giờ làm việc, nhất là đối với các doanh nghiệp May, tránh tình trạng công nhân đã "ủ bệnh" tới làm việc. Thêm vào đó, hỗ trợ các doanh nghiệp về các dụng cụ, thiết bị y tế khi gặp phải tình trạng khan hiếm, khó khăn ngoài thị trường, không được để cho công nhân thiếu nước rửa tay, khẩu trang, trước hết là các đơn vị phía Bắc.

ông lê tiến trường

Ông Lê Tiến Trường – TGĐ Vinatex giới thiệu khẩu trang dệt kim kháng khuẩn do Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân sản xuất

Ngành Dệt May cũng cam kết chuyển đổi một số dây chuyền may sang sản xuất khẩu trang y tế với sản lượng khoảng 300.000-400.000 cái/ngày để cung cấp ra thị trường, phục vụ nhu cầu của người lao động và người dân theo chỉ đạo của Bộ Công Thương.

Trước đó, ngày 31/01/2020, trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch nCoV, Phó Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Mạnh Kha đã ký văn bản gửi các Công đoàn trực thuộc yêu cầu các cấp công đoàn trong toàn Tập đoàn thực hiện nghiêm túc, hiệu quả một số nhiệm vụ quan trọng liên quan đến phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, đồng thời có báo cáo thông tin kịp thời về Công đoàn Dầu khí Việt Nam.

Công văn nêu rõ, các cấp công đoàn cần chủ động tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đoàn viên, công nhân lao động đối với công tác phòng, chống dịch bệnh nay. Mỗi cấp công đoàn, mỗi cán bộ công đoàn phải coi việc phòng, chống dịch như “chống giặc” nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho đoàn viên, công nhân lao động và nhân dân, hạn chế thấp nhất người bị lây nhiễm dịch bệnh này.

Công đoàn cơ sở cần chủ động phối hợp với ngành y tế và cơ quan có liên quan của địa phương, ngành tích cực triển khai một số công việc để ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của dịch bệnh, cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình, các biện pháp phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona để người lao động hiểu rõ và tích cực phòng chống bệnh đúng cách.

Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ với người sử dụng lao động trong xây dựng chương trình hành động cụ thể nhằm đảm bảo sức khỏe người lao động, nhất là sau khi người lao động vừa nghỉ Tết, quay trở lại doanh nghiệp. Thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cung cấp đủ nước uống, nước sạch cho người lao động, thường xuyên làm vệ sinh môi trường nơi làm việc; theo dõi, quản lý tốt sức khỏe đoàn viên, người lao động, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh; khi có hiện tượng bất thường hoặc dịch bệnh xảy ra cần thông báo ngay cho cơ quan y tế để được khám, điều trị kịp thời, kiên quyết không để dịch lây lan trong doanh nghiệp.

Các cán bộ công đoàn làm tốt nhiệm vụ là cầu nối tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh cho gia đình và cộng đồng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh viêm đường hô hấp cấp tính.  Các công đoàn cơ sở bên cạnh việc triển khai thực hiện cần có báo cáo thông tin kịp thời về Công đoàn Dầu khí Việt Nam.

Cũng trong ngày 31/01/2020, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành ký ban hành Chỉ thị số 492/CT-EVN về việc triển khai phòng, chống dịch bệnh nCoV. Mục tiêu của Tập đoàn là không có CNVCLĐ mắc bệnh nCoV và luôn đảm bảo sản xuất, kinh doanh điện an toàn, liên tục.

EVN
Lãnh đạo Công ty Điện lực Thanh Trì phát khẩu trang cho CBCNV 

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh do Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân làm Trưởng ban, đồng thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch trong toàn EVN. Hiện nay, các Tổng công ty trực thuộc EVN cũng đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị thành viên chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh này.

Điển hình, tại toà nhà EVN (số 11 cửa Bắc, Ba Đình, Hà Nội), Văn phòng EVN đã triển khai lắp đặt máy đo thân nhiệt và bố trí phòng cách ly tạm thời. Cùng với đó, EVN cũng đã tiến hành khử trùng toàn bộ toà nhà; đặt dung dịch sát khuẩn tại các vị trí thuận lợi. CBCNV làm việc trong toà nhà sẽ được phát khẩu trang, thuốc súc miệng, xịt mũi họng.

Hầu hết các đơn vị thành viên đều nghiêm túc triển khai các hoạt động phòng chống, nhằm chủ động bảo vệ người lao động và khách hàng trước dịch bệnh nguy hiểm.

Hoàng Hồ