Chuyện chiều thứ 6: Thương nhớ Cồn Sơn

Kể từ cái lần đặt chân đến Cồn Sơn cho đến nay, tôi cứ day dứt mãi. Vì muốn làm gì đó cho Cồn Sơn, muốn viết gì đó không phải to tát cỡ như đòi quyền lợi, đòi công bằng, mà chỉ là để các bạn í thêm động lực mà đi theo con đường đã chọn mà thôi.

Ghé Cần Thơ nhiều lần rồi mà lần nào cũng vội, lần này dư dả thời gian hơn, tôi được thổ dân mách cho đi thăm Cồn Sơn với lời quả quyết “Muốn thấy lại một miền Tây sông nước hoang sơ, làm du lịch mà như không làm thì nên ghé Cồn Sơn”. Thế là bắt taxi từ Nhà cổ Bình Thủy khoảng dăm bảy phút là chúng tôi tới bến đò. Chị Út Hiện bận chiếc áo mầu xanh lá đồng phục của hướng dẫn viên Câu lạc bộ Liên thế hệ lên tận bờ đón chúng tôi trong nụ cười tươi roi rói.

Con đò ngang đưa chúng tôi sang bờ bên kia dòng sông Hậu, giọng nói nhẹ nhàng đặc miền Tây của Út Hiện khá thu hút chúng tôi cho dù vẫn nghe bập bõm tiếng được tiếng mất do không hiểu hết. Đò ghé điểm đầu tiên là bè cá của chú 7 Bon. Ở đây là vậy, tên gọi thì nói đầy đủ, nhưng khi viết thì thành số hết, điều này tôi biết được sau khi lên face book của Du lịch Cồn Sơn sau này. Chú 7 Bon chuẩn dân miền Tây thứ thiệt, nhanh nhẹn, xốc vác, đi trên bè mà như người trượt patin sành điệu. Chú gọi bầy cá bắt mồi trong lu ra biểu diễn như người cha gọi lũ con ra chào khách.

Lũ cá có đôi mắt lồi hẳn ra ngoài nên quan sát và bắt mồi bằng cách phun nước bọt cực kỳ siêu đẳng, ruồi, muỗi hay chuồn chuồn là là bay qua thì chỉ có nước đi đời. Mọi người trầm trồ mãi với bầy cá, chả ai mua các sản phẩm thủy sản đông lạnh gì cả. Tôi để ý chú 7 Bon không buồn, chị Út Hiện cũng không buồn, cả hai rất nhiệt tình giới thiệu về diện tích, tiềm năng của bè cá, rồi tên tuổi, tập quán của từng loài. Khoát cánh tay ra xa, chú 7 Bon bảo: “Ôi tôi ở đây miết thi thoảng mới lên bờ, gì mà buồn đâu”. Quay trở lại đò, đoàn lại lục tục di chuyển đến điểm khác. Gió trên sông Hậu mát rười rượi thổi khiến nhiều người che tay dấu miệng ngáp...

Đến điểm thăm quan chính của Cồn Sơn, tôi càng ấn tượng về cách làm du lịch mà như không của họ. Dạo đó đúng mùa vú sữa, bước vào vườn vú cũng là lúc du khách ai cũng khát khô cổ. Những dĩa vú sữa đã được bổ và bày biện đẹp đẽ trên hai chiếc bàn tròn to đùng mát rượi dưới rặng cây vú sữa giữa vườn làm ai cũng không thể cầm lòng, ngon không thể tả được. Mát họng rồi chuyện trò ríu rít mới biết đây là vườn vú sữa Bơ Hồng của cô 6. Gần 70 tuổi, cô 6 mạnh khỏe, dẻo dai, năm vừa rồi mới “rửa tay gác kiếm” con cái không cho leo cây trảy quả nữa chứ mọi năm thì vẫn làm phăng phăng…

Sau đó là thăm quan, thưởng thức và tự tay làm các món bánh dân gian của miệt vườn. Cồn Sơn nhỏ bé vậy mà có rất nhiều các nghệ nhân làm bánh dân gian đã từng ra Hà Nội và đi rất nhiều tỉnh thành để mang tài nghệ làm bánh độc đáo được làm từ cỏ cây, hoa lá, không có hóa chất… đi thi thố trên các đấu trường ẩm thực. Những cái tên bánh lần đầu được nghe, những món bánh lần đầu được thưởng thức… khiến chúng tôi không khỏi ngẩn ngơ.

Cả cá, cả vú sữa, cả bánh dân gian… tất cả đó chính là quần thể 10 hộ gia đình có chung ý tưởng cùng hợp tác xây dựng giá trị du lịch dân giã, làm du lịch một cách hồn hậu, nhẹ nhàng, rất sinh thái như ở Cồn Sơn. Mỗi khi có khách đến thăm quan Cồn Sơn, mỗi người một tay, mỗi nhà một món, sẽ mang những món ăn của nhà mình nấu góp vào mâm cơm chung của khách. Có nghĩa là đến Cồn Sơn, khách tham quan sẽ được ăn đặc sản đúng nghĩa – là những món được nấu từ trong mỗi căn bếp của mỗi gia đình, được nấu bởi những đầu - bếp - thường – dân.

Ôi chao, món ăn đã vậy, cách ăn còn đã hơn!

Ngồi trong căn nhà mái lá, sạch sẽ, thoáng mát, tứ bề là ao chuôm đầm lầy, lũ cá lúc nhúc dưới ao cứ liên tục ngoi lên lặn xuống một cách khá ầm ĩ. Và xung quanh là rất nhiều chú chó, loại chó ta bụng thon chân cao khôn không tả, chiều nóng cứ nhảy xuống ao tắm lội ì oạp rồi lên bờ chạy một hồi đã khô sạch tinh tươm. Và rất phong cách, chúng đứng cách khá xa bàn ăn của khách, chỉ có khách nào yêu súc vật cao hứng ném cho chúng ít đồ ăn thì mấy người bạn bốn chân rất trật tự, từ tốn nhường nhau, không tranh cướp ồn ào. Lạ thật đấy!

Chị Út Hiện được mời ngồi cùng bàn chúng tôi, mà chị có ăn đâu, chỉ để ý gắp cho đủ món. Hôm đó là lẩu cá bông điên điển, ngon quá là ngon luôn. Rồi Út Hiện đề nghị được ca vọng cổ tặng mọi người. Bài vọng cổ cũng là nỗi lòng của chị mà trên con đường từ khi bắt đầu hành trình vào Cồn Sơn chúng tôi đã được chị - người phụ nữ hiền hậu, nhiệt thành đã một lần đứt gánh giữa đường chia sẻ. Tiếng hát chị tròn dần, ngọt dần sau một hồi chập choạng, nhưng đọng đâu đó có tiếng nức nở, ai oán pha lẫn...

Bóng tối cũng lên dầy đặc hơn. Tôi có cảm giác mình giống như cậu bé An của nhà văn Đoàn Giỏi trên bước đường phiêu lãng đã may mắn được hòa rất sâu, nhập rất sâu vào đời sống văn hóa của người miền Tây sông nước thiệt thà, cam chịu… Vẫn nghe thi thoảng tiếng cá quẫy dưới ao. Vài cụ ông cụ bà đã kết thúc bữa ăn tranh thủ ngả lưng trên những chiếc võng mắc từ chiếc cột xung quanh căn nhà lá, thiu thiu ngủ, lời vọng cổ của Út Hiện như đưa họ vào giấc sâu hơn…  

Chỉ cách đất liền 5-10 phút đi đò nhưng Cồn Sơn là một thế giới hoàn toàn khác so với cuộc sống phố thị ồn ào. Trên đường ra, chị Út Hiện kể về sự không thoải mái của chính quyền khi thấy càng ngày du lịch sinh thái Cồn Sơn càng được những người yêu sự trầm mặc tìm tới. Họ lo sợ gì đó và đang muốn dẹp bỏ Câu lạc bộ Liên thế hệ của chị, hoặc nếu muốn tồn tại, phải theo ý của họ...

Chuyện chắc là nhiều phức tạp. Tôi vẫn theo dõi fb của Du lịch Cồn Sơn và vẫn thấy hoạt động mới, những niềm vui mới đến từ những vị khách mới. Mong sao đó không phải là ảo.

Tôi muốn nhiều người đến với Cồn Sơn hơn, để mọi người được biết, được hiểu cái tình của những người con Cồn Sơn làm du lịch ngay trên chính quê hương của họ. Phập phồng lo lắng, lòng tôi luôn cồn cào thương nhớ Cồn Sơn!

Thuy miny