Chuyển dịch làn sóng đầu tư: Doanh nghiệp Việt sẽ cầm quân trắng và đi trước?

Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 9/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra nhận định: “Có thể nói, làn sóng chuyển chuỗi giá trị đang xem Việt Nam như một ô cờ trung tâm cần được chiếm lĩnh trên bàn cờ vua. Các doanh nghiệp Việt Nam đang cầm quân trắng và có cơ hội đi trước”.

Bất ngờ nối tiếp bất ngờ

Dân mạng vừa chia sẻ về hình ảnh chiếc tai nghe AirPods Pro với dòng chữ "Assembled in Vietnam" (Lắp ráp tại Việt Nam) được in trên các hộp sạc. Thông tin này gây bất ngờ cả với công nghệ trong nước. Vì mới đây thôi, ngày 9/5, Nikkei, hãng truyền thông thạo tin về kinh doanh ở châu Á còn cho rằng Apple sẽ bắt đầu sản xuất chiếc tai nghe AirPods tại Việt Nam trong quý II này.

Tuy nhiên, trong bản tin của mình, Nikkei cho biết Apple sẽ chỉ sản xuất AirPods chứ không lắp ráp AirPods Pro tại Việt Nam. Nhưng tới ngày 21/5, mọi chuyện đã thay đổi với hình ảnh chiếc tai nghe AirPods Pro kèm dòng chữ "Assembled in Vietnam"

Trước đó, giới công nghệ trong nước cũng hết sức bất ngờ khi giữa tháng 1, thời điểm Trung Quốc và Hoa Kỳ ký thỏa thuận giai đoạn một để giảm bớt căng thẳng thương mại kéo dài, Apple đã làm chậm quá trình dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc.

Nhưng rồi đại dịch Covid-19 làm đảo lộn tất cả. Apple đã có bước nhảy đột biến để đưa dây chuyền sản xuất vào Việt Nam ngay giữa quý II. Apple tiếp tục làm kinh ngạc tất cả những ai quan tâm đến chuỗi cung ứng công nghệ khi yêu cầu các đối tác sản xuất ‌iPhone‌ của mình mở rộng sản xuất ở Ấn Độ và Việt Nam. Đối tác chính Foxconn cũng đã có các cơ sở lắp ráp quan trọng ở Việt Nam.

Cũng theo Nikkei, Panasonic sẽ đóng cửa nhà máy sản xuất tủ lạnh, máy giặt ở Bangkok vào tháng 10. Toàn bộ nhà máy này sẽ đóng cửa vào tháng 3/2021 để chuyển sang Việt Nam. Đáng lưu ý là tại Việt Nam đã có Nhà máy Panasonic, một cơ sở sản xuất tủ lạnh và máy giặt lớn nhất của hãng này ở Đông Nam Á.

Theo thống kê, hiện có khoảng 50 công ty đa quốc gia, trong đó có những tên tuổi lớn như Google, Amazon Home Depot… đã quyết định hoặc lên kế hoạch di dời toàn bộ hoặc một phần hoạt động sản xuất. Trong cuộc đại chuyển dịch này, cơ hội chia đều cho các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, song Việt Nam có nhiều lợi thế từ những hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký trong những năm qua, bao gồm FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Câu chuyện của Apple, Panasonic và của 50 công ty đa quốc gia nêu trên phản ánh một giai đoạn mới hậu Covid-19, tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng; đúng như nhận định của Bộ Công Thương: “Phải đánh giá đúng tình hình trong giai đoạn hiện nay, nhìn nhận được bản chất của các thay đổi trên thế giới. Vấn đề thị trường hiện nay không chỉ là sự thiếu hụt nhu cầu trong ngắn hạn mà là có sự đổi thay trong các chuỗi cung ứng lớn đang diễn ra sâu sắc”.

apple
Apple đã có bước nhảy đột biến để đưa dây chuyền sản xuất vào Việt Nam ngay giữa quý II

Hành động nhanh hơn nữa

Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 9/5 với chủ đề: “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra nhận định: “Có thể nói, làn sóng chuyển chuỗi giá trị đang xem Việt Nam như một ô cờ trung tâm cần được chiếm lĩnh trên bàn cờ vua. Các doanh nghiệp Việt Nam đang cầm quân trắng và có cơ hội đi trước. Các bạn hãy tận dụng cơ hội đó”.

Cơ hội ở đây được hiểu như thế nào? Về phía Chính phủ, thời gian qua đã có nhiều chính sách thay đổi. Nghị quyết 50 về thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn mới đã được thông qua, trong đó nhấn mạnh đến việc “Xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao..., thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam”.

Bên cạnh đó, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đang được cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung những chính sách mới để thu hút vốn FDI "sạch", công nghệ cao trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam vẫn cần phải hành động nhanh hơn nữa nếu muốn tạo thế cân bằng với các đối thủ trong khu vực cạnh tranh đón làn sóng dịch chuyển đầu tư sau dịch.

Cái cần phải hành động nhanh chính là đẩy mạnh cải cách thể chế, coi đó là nền tảng quan trọng nhất để Việt Nam đón nhận cơ hội này. Theo đó, mục tiêu đưa Việt Nam lọt vào nhóm 3, 4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh trong ASEAN như Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh.

Về phía doanh nghiệp, cơ hội phải chăng là tái cơ cấu theo mô hình doanh nghiệp có trình độ công nghệ, quản trị hiện đại, đào tạo chuyên sâu đội ngũ công nhân lành nghề để có thể tham gia từng phần trong chuỗi cung ứng.

Ngọc Châu