Chuyển từ “ưu tiên” sang thuyết phục người Việt Nam dùng hàng Việt Nam

Năm 2020 và những năm tiếp theo, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cần phải đổi mới cách thức triển khai, thực hiện. Từ chỗ vận động, ưu tiên nay cần quyết tâm, thuyết phục người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.

Đó là chỉ đạo của ông Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Hội nghị “Tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2019 và triển khai nhiệm vụ 2020” diễn ra sáng nay 28/2/2020 tại Hà Nội.

Kiều bào - kênh phân phối hàng Việt ra thế giới

Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động cho biết, với những nỗ lực của Ban Chỉ đạo Trung ương, các bộ ngành và các địa phương, sau 10 năm thực hiện, Cuộc vận động đã tác động tích cực đến toàn xã hội.

Cuộc vận động giúp người tiêu dùng, cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng đối với những sản phẩm, hàng hoá sản xuất trong nước. Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa Việt Nam đang tăng lên đáng kể.

cuộc vận động người việt nam ưu tiên dùng hàng việt nam
Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giúp người tiêu dùng, cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng đối với những sản phẩm, hàng hoá sản xuất trong nước

Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho biết, qua 10 năm triển khai Cuộc vận động, hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt ở tỷ lệ từ 90% trở lên. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên. Một số ngành hàng sản xuất Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm.

Đặc biệt, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp đã chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, quản lý, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý; nhiều sản phẩm thực sự chinh phục được người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tới một số nước trên thế giới

Lo ngại về tình trạng hàng hóa nước ngoài đội lốt hàng Việt, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng đề nghị, Bộ Công Thương cần rà soát hành lang pháp lý để tránh tình trạng trong doanh nghiệp vô tình mắc lỗi và vi phạm hướng dẫn của hành lang pháp lý.

Việc chống hàng giả phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền địa phương, nơi có sản phẩm hàng Việt sản xuất và xuất khẩu. Đồng thời cần có những giải pháp tuyên truyền cụ thể hơn để cuộc vận động thấm sâu vào trong nhân dân….”, ông Hoàng Quang Phòng đề xuất.

cuộc vận động người việt nam ưu tiên dùng hàng việt nam
Hội nghị đề cao vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong việc quảng bá và tạo sức lan tỏa của hàng Việt 

Đặc biệt, nhắc đến vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong việc quảng bá và tạo sức lan tỏa của hàng Việt, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi cho rằng, đây chính là kênh tuyên truyền hiệu quả, thiết thực nhất để đưa sản phẩm hàng Việt đến với bạn bè thế giới.

Thực tế hiện nay, tại mỗi chợ của người Việt ở nước sở tại, sản phẩm hàng Việt được bày bán rất nhiều và nhận được sự đón nhận nhiệt thành của người dân nước sở tại.

Bên cạnh đó, với đông đảo các công ty của người Việt đang trải khắp ở các nước trên thế giới, những mặt hàng được kiều bào đầu tư và kết nối đã đáp ứng được với nhu cầu thị hiếu của bạn bè quốc tế.

“Để thúc đẩy việc quảng bá hàng Việt, Bộ Ngoại giao đã yêu cầu các Đại sứ quán sử dụng sản phẩm hàng Việt làm quà tặng ngoại giao và tổ chức các gian hàng giới thiệu hàng Việt trong các cuộc chiêu đãi, gặp gỡ mà Đại sứ quán tổ chức”, ông Đặng Minh Khôi chia sẻ.

Thách thức cũng là cơ hội

Đánh giá về những kết quả sau 10 năm triển khai Cuộc vận động, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, Cuộc vận động đã đi đúng hướng và mang lại những kết quả to lớn, hiện hữu cho doanh nghiệp sản xuất cũng như cho nền kinh tế của đất nước.

Những kết quả đó góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu, tiến tới xuất siêu trong những năm gần đây, bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, không còn hiện tượng sốt giá, thiếu hàng vào các dịp lễ, Tết.

cuộc vận động người việt nam ưu tiên dùng hàng việt nam
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, Cuộc vận động đã đi đúng hướng và mang lại những kết quả to lớn, hiện hữu cho doanh nghiệp sản xuất cũng như cho nền kinh tế của đất nước

Nhấn mạnh tới tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và nền kinh tế trong nước, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, trước thực trạng doanh nghiệp Việt thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc, hiện đã có một số doanh nghiệp Việt Nam sản xuất ra những nguyên liệu đầu vào đáp ứng được yêu cầu thiết yếu của doanh nghiệp.

Năm 2020, hàng hóa Việt Nam được đánh giá là chịu nhiều thách thức lớn, nhất là do tác động của dịch Covid-19. Cùng với đó, việc thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU và Hiệp định Bảo hộ đầu tư được ký kết và dự kiến có hiệu lực từ tháng 7-2020... sẽ khiến hàng hóa nước ngoài nhập vào nhiều hơn, do vậy, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị, các doanh nghiệp Việt Nam càng phải phát huy hết năng lực sản xuất, kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ngay tại thị trường trong nước.

Song song đó, Thứ trưởng cho rằng, việc nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, tận dụng thời cơ, phát huy thế mạnh, đối phó với thách thức, khó khăn khi Việt Nam đã chính thức tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới CPTPP, EVFTA là điều hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay của đất nước.

cuộc vận động người việt nam ưu tiên dùng hàng việt nam

cuộc vận động người việt nam ưu tiên dùng hàng việt nam
Để Cuộc vận động lan tỏa, đi đến những vùng sâu, vùng xa, các đại biểu cho rằng, cần tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông. Tổ chức thực hiện Cuộc vận động bằng những hoạt động thiết thực, có lợi cho người tiêu dùng

Để thực hiện có hiệu quả các Kế hoạch đề ra trong năm tới, Ban chỉ đạo Cuộc vận động đã đưa ra nhiệm vụ cho từng ngành, từng lĩnh vực để nâng tầm Cuộc vận động, khẳng định vai trò quan trọng của Cuộc vận động trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0.

Đối với ngành Công Thương, năm 2020, Ban chỉ đạo Cuộc vận động giao Bộ Công Thương tổ chức, đánh giá việc thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020. Tiếp đó, tăng cường các hoạt động kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng Việt Nam tại thị trường trong nước nhằm hỗ trợ người tiêu dùng Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với dịch bệnh Covid-19 gây ra và ngay sau khi dịch bệnh kết thúc.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo Cuộc vận động cũng yêu cầu, trong năm 2020, Bộ Công Thương tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, “Nghệ nhân nhân dân” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Cuộc vận động. Tiếp tục tổ chức Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” thường niên trên quy mô toàn quốc năm 2020.

Quyết tâm đổi mới từ vận động sang thuyết phục

Để hàng Việt tạo sức lan tỏa tới thị trường quốc tế, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, cần phải huy động sự vào cuộc của hơn 4 triệu kiều bào Việt Nam tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, phát triển các kênh phân phối tới người Việt Nam ở nước ngoài.

cuộc vận động người việt nam ưu tiên dùng hàng việt nam
Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, từ ưu tiên, vận động, nay cần chuyển sang thuyết phục người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

Đáng lưu ý, Chủ tịch Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, từ chỗ ưu tiên, vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, chúng ta phải quyết tâm đổi mới, thuyết phục người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.

Thuyết phục người dân bằng chất lượng, giá cả hợp lý và mẫu mã đa dạng, trong đó, chất lượng hàng hóa là yếu tố tiên quyết, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nói và nhấn mạnh, để người dân tự giác sử dụng hàng Việt, không còn là ưu tiên thì công tác tuyên truyền về Cuộc vận động phải được đẩy mạnh hơn nữa, nhất là trên hệ thống báo chí cả nước.

Tiếp đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng phải đề cao trách nhiệm đối với người tiêu dùng. Đồng thời phải sử dụng hiệu quả thương mại điện tử xuyên biên giới và phải thay đổi hình thức tiếp thị quảng cáo và tài liệu tuyên truyền sao cho phù hợp với điều kiện thực tế tại mỗi địa phương, từ đó nâng cao nhận thức của người tiêu dùng tới việc sử dụng hàng Việt và khẳng định được vị trí của hàng Việt trên thị trường.

Hạ An