Cơ hội cho doanh nghiệp Việt trên sàn thương mại trực tuyến

Các hội nghị xúc tiến thương mại, sàn giao dịch điện tử trên nền tảng 4.0 của Bộ Công Thương trở thành cứu cánh cho doanh nghiệp hậu Covid-19.

Năm 2017, ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu cùng một nhóm đồng nghiệp bắt đầu nghiên cứu đưa trái cây vào sản phẩm cà phê hòa tan. Hai năm sau nhóm cho ra đời sản phẩm Meet More cà phê hòa tan trái cây. Ông Luận tin rằng sản phẩm tốt cho sức khoẻ này sẽ hấp dẫn khách hàng nước ngoài khó tính.

Tuy nhiên, Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc hồi đầu năm thay đổi tất cả. Những hội chợ lớn trên thế giới bị huỷ bỏ, các đoàn xúc tiến thương mại thường niên đưa doanh nghiệp đi Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng hoãn vô thời hạn.
"Chúng tôi đầu tư rất lớn cho dây chuyền sản xuất và nguyên liệu. Bây giờ chỉ còn giải quyết khâu đầu ra thì gặp khó khăn từ trên trời rơi xuống", ông Luận nói.

Hội nghị  trực tuyến xúc tiến thương mại Việt Nam - Ấn Độ thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia.
Hội nghị trực tuyến xúc tiến thương mại Việt Nam - Ấn Độ thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia.

Tưởng như việc kết nối giao thương đã khép lại thì ngày trong tháng 4, hai hội nghị xúc tiến thương mại trực tuyến với thị trường Trung Quốc, Ấn Độ đã diễn ra. Doanh nghiệp của ông Luận đem sản phẩm cà phê hòa tan trái cây thế hệ mới Meet More đi giới thiệu và được khách hàng quốc tế đánh giá cao. Ông cho biết đã đạt thoả thuận cho một số đơn hàng.

Theo đại diện Bộ Công Thương, cơ hội giao thương trực tuyến trong thời đại 4.0 đang rộng mở với mọi doanh nghiệp. Bộ nhận định thương mại điện tử là hình thức kết nối giao thương tiết kiệm chi phí nhất. Trong bối cảnh Covid-19 vô hiệu hóa nhiều cách thức giao thương truyền thống như triển lãm, hội chợ, thì thương mại điện tử trở thành cầu nối giúp doanh nghiệp Việt gặp gỡ đối tác quốc tế.

Từ sau Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương đã làm việc với các thị trường chính của Việt Nam, mục đích nhằm đảm bảo sự hoạt động liên tục của doanh nghiệp. Với vai trò là nước Chủ tịch Asean 2020, Bộ Công Thương thúc đẩy ý tưởng chuyển đổi số thông qua các hội nghị khu vực như tuyên bố chung "Tận dụng công nghệ và thương mại số để hỗ trợ và cho phép các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tiếp tục hoạt động".

Không chỉ các thị trường quen thuộc như Trung Quốc, Ấn Độ, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai các hội nghị xúc tiến thương mại với Mỹ, Nga, Singapore... nhằm giúp doanh nghiệp trong nước tiếp cận, kết nối được với các đầu mối sản xuất, cung ứng nguyên liệu.

Tại hội nghị trực tuyến đầu tiên với thị trường Trung Quốc, Tham tán Công sứ Trung Quốc tại Việt Nam nhận định rằng "Giao dịch trực tuyến sẽ trở thành hình thức mới và không thể thiếu được trong giao dịch thương mại Việt - Trung".

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh làm việc tại Lạng Sơn tìm hướng thúc đẩy xuất nhập khẩu qua cửa khẩu trong bối cảnh dịch covid-19.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh làm việc tại Lạng Sơn tìm hướng thúc đẩy xuất nhập khẩu qua cửa khẩu trong bối cảnh dịch covid-19.

Phục vụ cho quá mở rộng thương mại trực tuyến, Bộ đã xây dựng hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý quan hệ khách hàng (Customer Relationship Management - CRM). Hệ thống cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu này gồm trên 5.000 doanh nghiệp, phân loại theo nhóm, ngành hàng xuất nhập khẩu. Dữ liệu sẽ kết nối trực tiếp với hệ thống tham tán, văn phòng xúc tiến thương mại của Việt Nam ở hơn 50 nước trên thế giới. Nhà nhập khẩu nước ngoài có nhu cầu có thể vào hệ thống cơ sở dữ liệu này tìm kiếm doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.

Về lâu dài, Cục Xúc tiến thương mại đã lên kế hoạch xây dựng một nền tảng công nghệ thông tin, ứng dụng vào hoạt động xúc tiến thương mại một cách toàn diện. "Hệ sinh thái" này có người bán, có người mua, doanh nghiệp, người sử dụng, người tiêu dùng và bên thứ ba là doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ hỗ trợ xúc tiến thương mại.

Qua nền tảng công nghệ thông tin, doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam sẽ dễ dàng tìm đến ngân hàng, nhà bảo hiểm, những bên chứng nhận để chuẩn bị những yêu cầu cần thiết từ đối tác.

Bên cạnh đẩy mạnh thương mại trực tuyến, Bộ Công Thương vẫn nhận định không loại bỏ giao lưu thương mại truyền thống. Môi trường số là không gian lý tưởng để các doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa) đo đếm mức độ quan tâm của khách hàng, thị trường với sản phẩm của mình trong Covid-19. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp lựa chọn thị trường tiềm năng nhất nhằm thúc đẩy giao thương sau khi dịch bệnh qua đi.

Theo VnExpress