Cơ hội từ EVFTA và EVIPA: Không chủ quan xem nhẹ thách thức

Sáng 1/7/2019, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức buổi “Đối thoại về Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu: Cơ hội cho doanh nghiệp”.

Phát biểu tại buổi Đối thoại, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định Hiệp định EVFTA và EVIPA mang ý nghĩa đặc biệt khi đánh dấu Việt Nam là nước thứ hai trong ASEAN và là nước đang phát triển đầu tiên trong khu vực ký kết FTA với EU – một FTA với tiêu chuẩn cao. Trong đó, EVFTA dự kiến sẽ có nhiều đóng góp tích cực cho tăng trưởng xuất khẩu cũng như quá trình đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu cho Việt Nam.

Ngay khi EVFTA có hiệu lực, 85,6% số mặt hàng, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế 0%.

Sau 07 năm, 99,2% số mặt hàng sẽ được hưởng thuế 0%, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (các mặt hàng còn lại theo hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%).

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định, bên cạnh các cam kết mở của thị trường hàng hóa, EVFTA còn điều chỉnh rất nhiều vấn đề khác như mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư và mua sắm của các cơ quan Chính phủ; thương mại điện tử; quyền sở hữu trí tuệ; doanh nghiệp nhà nước và phát triển bền vững.

“Các quy định dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế trong nhiều lĩnh vực về kinh doanh, thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ, v.v. chính là cơ sở để ta tiến hành cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, hiệu quả, đối đầu thành công với các thách thức trong giai đoạn nền sản xuất thế giới đang đứng trước các thay đổi như vũ bão của cách mạng công nghiệp 4.0. Khi đó, các cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh của Viêt Nam cũng sẽ giúp cho các hoạt động đầu tư – kinh doanh của các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp và nhà đầu tư của EU, được thuận lợi và và hiệu quả hơn”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định, bên cạnh các cam kết mở của thị trường hàng hóa, EVFTA còn điều chỉnh rất nhiều vấn đề khác của Việt Nam trong tăng trưởng bền vững

Chính vì vậy, theo các tính toán của chuyên gia Việt Nam, nếu Hiệp định EVFTA được thực hiện ngay thì có thể sẽ góp phần làm tổng sản phẩm quốc dân (GDP) tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% cho giai đoạn từ năm 2019 đến 2023; 4,57 đến 5,30% cho giai đoạn năm 2024 đến 2028 và từ 7,07 đến 7,72%  cho giai đoạn năm 2029  đến 2033. Song song với tăng trưởng kinh tế, Hiệp định EVFTA cũng giúp tăng thêm việc làm khoảng 146.000 lao động mỗi năm.
Về phía EU, theo nghiên cứu của Ủy ban Châu Âu (EC), Hiệp định EVFTA sẽ làm tăng thu nhập quốc dân của EU trong dài hạn với mức tăng có thể lên tới 29,5 tỷ Euro. Ngoài ra, dự kiến xuất khẩu của EU sang Việt Nam có thể tăng trung bình khoảng 29%.

Đối thoại về Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu: Cơ hội cho doanh nghiệp

Đối thoại về Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu: Cơ hội cho doanh nghiệp

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thẳng thắn nhìn nhận, cùng với các cơ hội đặt ra thì việc thực thi Hiệp định EVFTA cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt là với Việt Nam là nền kinh tế có trình độ phát triển thấp nhất so với các nước trong khu vực đã ký FTA với EU.

“Ta không chủ quan hay xem nhẹ các thách thức. Việc nhấn mạnh các cơ hội mà EVFTA và EVIPA mang lại là để thấy rằng EVFTA và EVIPA thực sự là Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU”, đại diện Bộ Công Thương cho biết, khẳng định “nếu Việt Nam tận dụng được một cách hiệu quả thì Hiệp định này sẽ giúp tạo cơ sở vững chắc cho việc củng cố và phát triển quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu lên một tầm cao mới, đem lại lợi ích thiết thực và to lớn cho doanh nghiệp và người dân của cả hai bên”.

 

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc ví EVFTA và EVIPA như một trong hai “niềm vui song hỷ” cho Việt Nam trong sáu tháng đầu năm nay, sau sự thành công của CPTPP

Nhận định về EVFTA và EVIPA, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ví đây như một trong hai tin mang lại “niềm vui song hỷ” cho Việt Nam trong sáu tháng đầu năm nay, sau sự thành công của CPTPP.

“Đây là hành trình chinh phục biển lớn Thái Bình Dương và Đại Tây Dương”, ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ, “trong đó có sự chung sức của các Bộ, ngành, các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp cả nước. Đặc biệt, đây là những Hiệp định tốt nhất với cả 2 nghĩa: tự do cao nhất và công bằng nhất”.

Theo đại diện VCCI, sự bổ sung, tương hỗ giữa hai nền kinh tế sẽ mang lại lợi ích cho 600 triệu người dân Việt Nam và châu Âu, khép lại khoảng cách phát triển trong tương lai, thu hẹp khác biệt văn hóa và nhân lên các giá trị thông qua thúc đẩy hợp tác giữa hai nền kinh tế thuộc hai khu vực, hai nền nông nghiệp nhiệt đới và ôn đới đặc trưng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Đối với Việt Nam, hai Hiệp định với EU sẽ là động lực thúc đẩy cải cách về thể chế và chiến lược phát triển bền vững. Bốn trụ cột giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức để tận dụng thị trường châu Âu sẽ là thông thị trường, thoáng thể chế, nâng cấp doanh nghiệp, đào tạo nhân tài.

Bên cạnh các sản phẩm xuất khẩu thế mạnh như dệt may, giày dép, nông sản, gỗ, Chủ tịch VCCI cho rằng Việt Nam còn rất nhiều mặt hàng tiềm năng khác với EU và ngược lại. Đặc biệt, EVFTA và EVIPA sẽ mở rộng cánh cửa hợp tác ở nhiều lĩnh vực như logistics, công nghệ, công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ,… mang lại lợi ích đầu tư, thương mại cho cả hai bên.

 

Cao ủy Thương mại Liên minh Châu Âu Cecilia Malmström

Cao ủy Thương mại Liên minh Châu Âu Cecilia Malmström khẳng định EVFTA và EVIPA là những Hiệp định hiện đại "của thế kỷ 21"

Chia sẻ với quan điểm của phía Việt Nam, Cao ủy Thương mại Liên minh Châu Âu Cecilia Malmström cho rằng EVFTA là một Hiệp định hiện đại với hệ thống tòa án thượng thẩm giải quyết các tranh chấp hiệp quả phù hợp với luật chơi của thế kỷ 21, tương tự như tại hai nước đã có Hiệp định với EU là Singapore và Canada.

“EVFTA sẽ thay thế 21 hiệp định song phương mà Việt Nam đang có với các nước thành viên liên minh EU, bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp thuộc khối này, hướng họ đầu tư mạnh mẽ hơn vào nền kinh tế Việt Nam 95 triệu dân. Chúng tôi muốn trở thành nhà đầu tư lớn hơn nữa ở Việt Nam”, Cao ủy Cecilia Malmström khẳng định.

Việc ký kết giữa Việt Nam và EU được bà Cecilia Malmström gọi là “thông điệp gửi đến thế giới” trong bối cảnh bảo hộ thương mại đang dâng cao. Theo bà, những người ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ cho rằng thương mại tự do, sự phụ thuộc lẫn nhau là thách thức dẫn đến khủng hoảng, trong khi nguyên nhân đến từ nhiều vấn đề khác như sự phát triển đột biến của công nghệ hay sự thay đổi của thị trường lao động.

Đại diện EU cũng chia sẻ, Hiệp định EVFTA với tính hiện đại, cập nhật của nó có thể là một ví dụ tham khảo tốt cho Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để thực hiện cải cách, đảm bảo xử lý vấn đề mới như bảo hộ trái phép của các quốc gia, tránh chiến tranh thương mại, trả đũa lẫn nhau của các nền kinh tế. Đặc biệt, bà Cecilia Malmström cũng tự tin rằng khi sớm được đưa vào thực thi và vận hành thương mại, EVFTA có thể mang lại quan hệ quốc tế với những luật lệ chặt chẽ không chỉ về thuế.

Tọa đàm Đối thoại về Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu: Cơ hội cho doanh nghiệp
Tọa đàm Đối thoại về Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu: Cơ hội cho doanh nghiệp
Thy Thảo