Con đường phát triển công nghiệp hỗ trợ các ngành chế tạo ở Việt Nam

Trong thời gian đến năm 2030, Việt Nam nên tập trung đến nhu cầu này của thị trường nội địa. Như vậy, Chính phủ cần khẳng định lại, ngành công nghiệp chế tạo nào ở Việt Nam sẽ phải huy động mọi nguồn lực để phát triển, nhằm tạo ra dung lượng thị trường lớn.

Tình hình phát triển Công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là hệ thống các doanh nghiệp chế tạo, cung cấp phụ tùng, linh kiện (và vật liệu, tùy theo định nghĩa của mỗi quốc gia), cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm như ô tô, xe máy, điện tử, máy móc công nghiệp nông nghiệp, đóng tàu... Ở Việt Nam, CNHT còn được xác định là hệ thống cung cấp nguyện phụ liệu cho ngành may mặc và giày dép. Do việc cung cấp này chiếm phần lớn trong cơ cấu chi phí của các sản phẩm công nghiệp (thường từ 80 – 90%), CNHT ngay trong một quốc gia phát triển mạnh sẽ giúp các ngành công nghiệp ở hạ nguồn nói trên đạt được hiệu quả cao. Ngược lại, các ngành CNHT thường chỉ phát triển được, khi mà dung lượng thị trường của các ngành công nghiệp hạ nguồn đủ lớn.

Trong CNHT, những linh kiện cồng kềnh hoặc đòi hỏi cung cấp hàng ngày và thay đổi thiết kế thường xuyên, thường được sản xuất gần nhà xưởng lắp ráp. Còn những linh kiện gọn nhẹ và phổ biến toàn cầu, đòi hỏi vốn đầu tư lớn và công nghệ cao hơn, thường được sản xuất ở một nơi và phân phối trên khắp thế giới. Do vậy, luôn có những loại linh kiện được sản xuất tại thị trường lắp ráp và có những linh kiện luôn nhập khẩu, tạo nên tỉ lệ tương đối tối ưu về cung ứng linh kiện cho mỗi nhà lắp ráp. Đối với các ngành chế tạo, thường có 3 nhóm linh kiện chính cần cung ứng: nhóm linh kiện liên quan đến kim loại, nhóm nhựa cao su và nhóm linh kiện điện-điện tử. Đối với ngành may mặc và giày dép, vật liệu và phụ liệu là 2 nhóm cần cung ứng.

Ở Việt Nam, mức độ sử dụng CNHT trong nước hiện nay vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với mức tối ưu. Hiện tại, CNHT cho ngành công nghiệp xe máy là thành công nhất, với việc hình thành một hệ thống lên đến hàng trăm các nhà cung ứng ngay trong nội địa. Do đặc thù phát triển với quy định nội địa hoá của Chính phủ và dung lượng thị trường hạ nguồn lớn, CNHT cho ngành xe máy đã phát triển mạnh nhất ở Việt Nam. Do thị trường tiêu thụ tốt, doanh nghiệp lắp ráp khi đầu tư vào Việt Nam đã kêu gọi được nhiều các nhà cung ứng đầu tư theo. Cùng với đó, các doanh nghiệp nội địa cũng đã được hình thành để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Theo đánh giá chung của Bộ Công Thương, tỷ lệ nội địa hoá hiện nay đạt đến 95%. Trong quá trình hợp tác, đã có sự chuyển giao công nghệ từ các công ty nước ngoài kể trên đến các doanh nghiệp Việt Nam cung ứng linh kiện. Ngành cơ khí và nhựa cung cấp cho xe máy, vì vậy, đã có những bước phát triển mạnh về trình độ kỹ thuật, quản lý và tay nghề lao động. Các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện và điện tử trong một số lĩnh vực cũng đã hình thành. Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu về chất lượng, thời gian giao hàng, giá cả, cung ứng thành công cho các nhà lắp ráp nước ngoài và nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu các sản phẩm này đi Nhật, châu Âu, Hoa Kỳ... Mặc dù dung lượng lớn, ngành công nghiệp xe máy từ năm 2013 đã bắt đầu có dấu hiện bão hòa về sản lượng.

Không như xe máy, CNHT cho các ngành công nghiệp chế tạo khác như điện tử, ô tô còn rất hạn chế. Mặc dù một số mẫu xe có tỉ lệ nội địa đạt gần 40% (Toyota Vietnam, Trường Hải), đa số các sản phẩm ô tô sản xuất tại Việt Nam có hàm lượng nội địa thấp hơn nhiều. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất ngành ô tô còn quá ít ỏi. Năm 2014, Toyota Việt Nam có 13 nhà cung ứng trong nước, thì chỉ có 02 doanh nghiệp Việt Nam, còn lại đều là các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, đa số là công ty chế xuất với mục tiêu cung cấp cho thị trường toàn cầu. Đến năm 2019, cung ứng linh kiện phụ tùng cho Toyoya cũng chỉ tăng thêm 3 công ty Việt Nam. Dù đã có sự hiện diện và dẫn đầu thị trường của Vinfast, là công ty Việt Nam, việc phát triển chuỗi cung ứng ô tô tại nội địa vẫn đòi hỏi sản lượng phải đủ lớn. Với sản lượng tiêu thụ ô tô trung bình trên toàn quốc năm 2019 vẫn chỉ đạt khoảng 300.000 xe/năm, với rất nhiều mẫu xe khác nhau, Việt Nam rất khó có khả năng hình thành CNHT ngành ô tô trong nội địa.

Trong khi đó, công nghiệp điện tử là ngành có sản lượng tiêu thụ rất lớn nhưng tỉ lệ nội địa cũng chỉ đạt trung bình trên dưới 20%. CNHT ngành điện tử có đặc thù với các linh kiện có kích thước nhỏ, giá trị lớn, có thể sản xuất tại một địa điểm và dễ dàng vận chuyển đi toàn cầu. Cũng vì lý do như vậy, việc tham gia vào mạng lưới sản xuất ngành điện tử không phải dễ dàng. Công ty Samsung điện tử Việt nam sản xuất điện thoại di dộng có gần 100 nhà cung cấp linh kiện phụ tùng tại Việt Nam, thì đến năm 2020 cũng chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp có 100% vốn nội địa. Đối với các sản phẩm điện tử gia dụng, sự tham gia của Việt Nam cao hơn, hầu hết ở lĩnh vực cơ khí và nhựa.

Bất cập còn thể hiện ở nguồn nhân lực kỹ thuật của Việt Nam còn chưa đủ và chưa đáp ứng yêu cầu. Do các ngành sản xuất chế tạo chưa phát triển, sinh viên giỏi không muốn theo đuổi các ngành cơ khí, chế tạo máy, điện tử... mà thường muốn tham gia vào các ngành dịch vụ, tài chính hoặc phần mềm. Điều này dẫn đến nguồn lực dành cho các ngành chế tạo càng ngày càng giảm sút. Các doanh nghiệp nội địa đang sản xuất CNHT thường có kinh nghiệm, hoặc có say mê rất lớn trong lĩnh vực này. Mức độ hấp dẫn tự nhiên của ngành chưa cao, nếu so sánh với việc đầu tư vào các ngành nghề khác.

Thực trạng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ lĩnh vực chế tạo

Các khảo sát hàng năm của Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho thấy (1):

Số lượng doanh nghiệp CNHT còn ít. Hiện tại trên toàn quốc trong số khoảng 1.800 doanh nghiệp CNHT, chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp CNHT trong nước sản xuất các phụ tùng, linh kiện trong ngành chế tạo (cơ khí, điện tử, cao su, nhựa…). Mặc dù đây là nền tảng để công nghiệp hóa, các năm qua số lượng các doanh nghiệp mới xuất hiện rất ít. Nhiều doanh nghiệp cũ đã hoạt động tốt cũng không muốn phát triển thêm mà duy trì cầm chừng, vì nhiều lý do, trong đó có dung lượng thị trường nhỏ và hiệu quả đầu tư của ngành không cao, lại liên tục cần đầu tư và đổi mới. Do số lượng ít nên nhiều lĩnh vực gia công không thuê ngoài được tại nội địa mà phải nhập khẩu hoặc sản xuất trong nội vi nhà máy, nên giá thành cao, sản phẩm CNHT khó hoàn thiện và nâng giá trị gia tăng. Việc hình thành các doanh nghiệp mới để bù vào các lĩnh vực thiếu chỉ có thể do chính các doanh nghiệp hiện tại đang sản xuất CNHT, nhưng do thị trường nhỏ nên họ không mặn mà.

Năng lực doanh nghiệp chưa đáp ứng người mua. Hơn 300 doanh nghiệp CNHT trong nước hiện tại chủ yếu đang cung cấp cho công nghiệp xe máy (chủ yếu người mua là doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam), một số bắt đầu làm cho điện tử và rất ít bắt đầu cho ngành ô tô. Ngoài các ngành có quy mô thị trường lớn và sản xuất hàng loạt này, các doanh nghiệp cũng cung cấp linh kiện và phụ tùng thay thế cho một số ngành công nghiệp nặng như thiết bị nhà máy điện, xi măng, máy nông nghiệp… Tuy nhiên quy mô thị trường các lĩnh vực này thấp, do sản lượng nhỏ, thị trường không mở, cạnh tranh không công bằng như các ngành kể trên. Mặc dù đã sản xuất linh kiện cho FDI xe máy trong thời gian dài, các doanh nghiệp muốn tham gia vào ngành điện tử và ô tô hoặc xuất khẩu cần ít nhất từ 1-2 năm để nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu người mua, tối ưu hóa sản xuất, giảm giá thành để cạnh tranh toàn cầu. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp đầu tư mới, cả về máy móc thiết bị lẫn quy trình quản trị, tiêu chuẩn hóa theo yêu cầu, nhân lực… Ngoài ra, cách thức sản xuất của công nghiệp xe máy khác nhiều so với điện tử/ô tô và các lĩnh vực chế tạo khác, cũng như các quốc gia khác nhau và thị trường toàn cầu có cách thức mua hàng khác với Nhật Bản, rất ít doanh nghiệp CNHT Việt Nam thích nghi nhanh được với những sự thay đổi này.

Lĩnh vực sản xuất không đa dạng và ít đổi mới. Bên cạnh số lượng ít và chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu người mua, lĩnh vực sản xuất của các doanh nghiệp không đa dạng mà thường khá giống nhau, cả về trình độ, quy mô, công nghệ và sản phẩm. Trong đó, đa số là gia công các công đoạn cơ khí (dập, cắt, hàn, sơn…) rất ít doanh nghiệp đúc, gia công bề mặt. Không có doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử cơ bản, một số ít doanh nghiệp sản xuất SMT, dây điện và ắc quy, khuôn và linh kiện nhựa, linh kiện cao su… Điều này cũng là do tác động của thị trường cạnh tranh từ Trung Quốc, do các linh kiện điện tử xuất xứ Trung Quốc có giá rất thấp và nhập khẩu dễ dàng. Quy trình công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp cũng chậm đổi mới và gần như không có bằng sáng chế nào được cấp trong vài năm gần đây. Lý do căn bản là do các công đoạn cung cấp cho FDI vẫn ở mức đơn giản, và ngành hạ nguồn mà CNHT cung cấp vẫn chủ yếu là xe máy.

Quy mô doanh nghiệp CNHT Việt Nam rất nhỏ. Quy mô doanh nghiệp ngành này trung bình là dưới 200 lao động, máy móc ít, có vài dây chuyền, trình độ quản lý dừng ở mức này, nên chỉ đáp ứng được các đơn hàng nhỏ và linh kiện rời, chỉ một vài công ty có thể sản xuất cả cụm linh kiện. Trước tác động của chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu hậu Covid hay chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, để có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, các sản phẩm thường được yêu cầu là cụm linh kiện hoàn chỉnh. Như vậy doanh nghiệp cần thêm các công đoạn, hoặc cần có nhiều doanh nghiệp đảm nhận các khâu. Việc chia nhỏ này cũng góp phần cạnh tranh về giá. Hiện tại với nhiều hạng mục hoàn thiện, doanh nghiệp Việt Nam phải gửi sang Thái Lan/Trung Quốc gia công rồi gửi về, làm chi phí cao thêm.

Giá không cạnh tranh. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là, ngay cả khi đã đạt về chất lượng và chủng loại sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam rất khó cạnh tranh về giá so với các đối thủ cạnh tranh ngành chế tạo từ các quốc gia láng giếng, như Trung Quốc, Ấn độ, Thái lan... Chi phí cao đến từ: lãi vay ngân hàng cao (công ty FDI tại Việt Nam vay theo hệ thống ngân hàng của họ chỉ 1-2%/năm), thuế và phí các loại cao, chi phí không chính thức cao (cao hơn so với FDI/công ty nhà nước tại Việt Nam, vì họ là doanh nghiệp lớn nên ít phải “bôi trơn” thủ tục hơn), khấu hao nhiều (hầu hết máy móc mới đầu tư), sản xuất chưa tinh gọn nên lãng phí không tận dụng hết năng lực, thiếu nhiều công đoạn gia công, CNHT phải nhập khẩu hầu hết nguyên vật liệu đầu vào. Các hỗ trợ của Chính phủ về đất đai, công nghệ, vốn, nhân lực chỉ tồn tại trên chính sách, hầu như CNHT không tiếp cận được, không hiệu quả, hoặc rất ít. Nếu so với các hỗ trợ mà CNHT ngành chế tạo được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ (cũng như các quốc gia khác như Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia) thì doanh nghiệp Việt Nam quá thiệt thòi.

 Chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam

Luật 71/2014/QH13 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế cho phép doanh nghiệp CNHT được hưởng ưu đãi về thuế suất thu nhập doanh nghiệp khi thực hiện dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển (theo Nghị định 111 năm 2011 của Chính phủ) và đáp ứng một trong các tiêu chí sau: (1) Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao theo quy định của Luật công nghệ cao; (2) Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất sản phẩm các ngành: dệt - may; da - giầy; điện tử - tin học; sản xuất lắp ráp ô tô; cơ khí chế tạo mà các sản phẩm này tính đến ngày 01 tháng 01 năm 2015 trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng phải đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh Châu Âu (EU) hoặc tương đương. Cho đến nay, chưa có doanh nghiệp nội địa nào được nhận ưu đãi từ chính sách này của Chính phủ, vì đều không đáp ứng yêu cầu đầu tư sau năm 2015.

Đề xuất các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

Chính sách tạo dung lượng thị trường nội địa đủ lớn cho các ngành công nghiệp chế tạo. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và đời sống ngày càng được cải thiện, nhu cầu về các loại sản phẩm tiêu dùng của công nghiệp chế tạo ở quốc gia đang phát triển với dân số đông như Việt Nam ngày càng tăng cao. Trong thời gian đến năm 2030, Việt Nam nên tập trung đến nhu cầu này của thị trường nội địa. Như vậy, Chính phủ cần khẳng định lại, ngành công nghiệp chế tạo nào ở Việt Nam sẽ phải huy động mọi nguồn lực để phát triển, nhằm tạo ra dung lượng thị trường lớn, chẳng hạn như công nghiệp ô tô, điện tử tiêu dùng. Với việc xác định ưu tiên và có các chính sách khuyến khích phát triển phù hợp, CNHT cho các ngành chế tạo này mới có tiền đề để phát triển.

Hệ thống mô hình phát triển CNHT. Phát triển các tập đoàn nội địa sản xuất sản phẩm cuối cùng, các tổ hợp doanh nghiệp, các cụm liên kết công nghiệp (Industrial Cluster), các vườn ươm doanh nghiệp CNHT để khuyến khích khởi sự doanh nghiệp vào lĩnh vực này, để Việt Nam gia tăng số lượng và chất lượng doanh nghiệp, dần dần làm chủ “cuộc chơi” công nghiệp chế tạo và có thể ưu tiên cho doanh nghiệp Việt Nam khi cung ứng.

Đề xuất hệ thống mô hình phát triển CNHT ở Việt Nam
Đề xuất hệ thống mô hình phát triển CNHT ở Việt Nam

 

Các khu công nghiệp hỗ trợ. Khu công nghiệp hỗ trợ là khu vực tập trung các doanh nghiệp cung ứng, là một mô hình rất phát triển ở Đông Á và ASEAN. Các khu CNHT khác biệt so với các khu công nghiệp thông thường, ở việc các doanh nghiệp đầu tư vào đây đều sản xuất trong các lĩnh vực cung ứng cho các ngành chế tạo. Do các doanh nghiệp đều có quy mô rất nhỏ, để khuyến khích họ đầu tư, hạ tầng tại các khu CNHT được cung cấp một cách đặc biệt, bao gồm cả nhà xưởng theo yêu cầu, cung cấp điện nước hoàn chỉnh trong công trình, hệ thống xử lý môi trường và các dịch vụ mềm khác, nhưng với diện tích tối thiểu để chi phí thấp nhất.

Các cụm liên kết ngành. Các doanh nghiệp Việt Nam có năng lực hạn chế nên quy mô sản xuất thấp, cần có mô hình tập hợp và phân công sản xuất giữa các doanh nghiệp nội địa này. Mô hình các Cụm liên kết ngành nhằm góp phần gia tăng năng lực cung ứng nội địa. Đây là mô hình đã thành công ở nhiều quốc gia khi phát triển CNHT.

Hệ thống vườn ươm doanh nghiệp cho CNHT. Sản xuất CNHT có đặc điểm quan trọng là đòi hỏi thâm dụng vốn, thâm dụng công nghệ kỹ thuật, với trình độ nhân lực cao, là các ngành khó để khởi sự kinh doanh so với các ngành thương mại, dịch vụ. Như vậy, để đáp ứng nhu cầu về CNHT, thiết lập được hệ thống cung ứng cho các ngành, rất cần một biện pháp mạnh mẽ và có gốc rễ nền tảng về phát triển doanh nghiệp ngay từ những bước đi ban đầu. Mục tiêu cụ thể của các vườn ươm doanh nghiệp cho CNHT là xây dựng hệ thống chuyên cung ứng cho các ngành công nghiệp chế tạo cơ bản. Hệ thống này trong giai đoạn đầu có thể tập trung sản xuất các linh kiện kim loại và linh kiện nhựa, sẽ đóng góp đáng kể vào năng lực sản xuất nội địa của quốc gia.

Ban hành Luật Công nghiệp hỗ trợ hoặc Luật Công nghiệp. Luật cũng để khẳng định tầm quan trọng của loại hình công nghiệp này, từ đó có các chính sách chuyên biệt, các ưu đãi phù hợp không bị hạn chế bởi các luật hiện hành, nhằm thúc đẩy đầu tư vào CNHT, đón các dòng đầu tư và dịch chuyển sản xuất từ các quốc gia. Luật cũng cần quy định cắt giảm thủ tục hành chính để giảm chi phí không chính thức, thay đổi thái độ của đội ngũ công chức đối với doanh nghiệp với tư tưởng đồng hành cùng doanh nghiệp chứ không chỉ là hỗ trợ, càng không phải là kiểm tra, giám sát. Luật này cũng xác định việc xây dựng chính sách phát triển các ngành vật liệu cho sản xuất CNHT, như: thép chế tạo, nhựa kỹ thuật, cao su kỹ thuật, vải sợi, da giày….

Như vậy để công nghiệp hỗ trợ các ngành chế tạo Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ và tận dụng hiệu quả tác động hậu-Covid, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và các hiệp định thương mại thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia, chính phủ cần hoạch định cụ thể một lộ trình ưu tiên rõ ràng với nguồn tài chính và cơ cấu nhân lực đầy đủ. Bên cạnh đó, để đảm bảo thành công, việc thực thi chính sách cần được chi tiết hóa ngay từ đầu với các nội dung hành động cụ thể, có tiêu chí thực hiện, thời gian và tổ chức chịu trách nhiệm. Có như vậy, Việt Nam mới có thể hình thành một nền công nghiệp hỗ trợ mạnh, đảm bảo thực hiện thành công công nghiệp hóa và nâng cao mọi mặt đời sống kinh tế.

(1). Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Niên giám công nghiệp hỗ trợ các ngành chế tạo Việt Nam, Nhà xuất bản Công Thương, Hà Nội, 2017-2018, 2019-2020.

TS. Trương Thị Chí Bình