TÓM TẮT:

Bài viết tập trung phân tích thực trạng công tác phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Gia Lai giai đoạn từ năm 2006 đến nay. Bằng phương pháp nghiên cứu chủ yếu là phân tích, tổng hợp, tác giả góp phần làm sáng tỏ một số kết quả thực hiện hoạt động này tại địa phương qua một số nội dung chính, như: Tổ chức bộ máy phòng, chống tham nhũng; phòng ngừa tham nhũng; phát hiện và xử lý tham nhũng.

Từ khóa: Phòng, chống tham nhũng; tỉnh Gia Lai.

  1. Nội dung cơ bản của công tác phòng chống tham nhũng

Ở Việt Nam hiện nay, các quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng được quy định trong nhiều văn bản pháp luật, như: Luật Phòng, chống tham nhũng; Bộ Luật Hình sự; Luật Thanh tra; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Cán bộ, công chức; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… và cả Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó Luật Phòng, chống tham nhũng (được ban hành lần đầu năm 2005 và sửa đổi, bổ sung năm 2007, năm 2012) là văn bản chủ đạo. Trong các văn bản pháp luật trên, nội dung về phòng chống tham nhũng rất rộng, bao quát nhiều khía cạnh khác nhau, có liên quan đến rất nhiều cơ quan trong việc tổ chức thực hiện.

Để các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng được áp dụng vào thực tiễn một cách nghiêm chỉnh, thống nhất thì việc tổ chức thực hiện pháp luật của các cơ quan, địa phương đóng vai trò quyết định. Trên thực tế, tổ chức thực hiện pháp luật nói chung, tổ chức thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói riêng là chức năng của cơ quan hành chính nhà nước. Theo đó, các cơ quan này cần có sự chuẩn bị các nguồn lực và một quy trình thực hiện bài bản với nhiều nội dung, bảo đảm sẵn sàng đưa pháp luật của Nhà nước vào trong đời sống xã hội một cách nhanh chóng và hiệu quả. Các nội dung này được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành, bao gồm: Tổ chức bộ máy thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; phòng ngừa tham nhũng; phát hiện và xử lý tham nhũng.

  1. Thực trạng hoạt động phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Gia Lai

2.1. Thực trạng tổ chức bộ máy phòng, chống tham nhũng

Hệ thống các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng của tỉnh Gia Lai cũng như các địa phương khác ở Việt Nam gồm cả cơ quan của Đảng và chính quyền: Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, Thanh tra nhà nước, Thanh tra chuyên ngành, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, huyện, v.v. Trong đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, đứng đầu là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có vai trò chủ đạo trong hoạt động động phòng, chống tham nhũng của địa phương. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng là cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, được lập ra trên cơ sở triển khai Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005.

Hiện nay, tỉnh Gia Lai có 47 cơ quan đang thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tất cả đều đặt dưới sự chỉ đạo thống nhất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Như vậy, có thể nhận thấy, công tác tổ chức bộ máy phòng, chống tham nhũng của tỉnh Gia Lai được thực hiện với quy mô tương đối lớn. Mỗi cơ quan đều thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo ngành, lĩnh vực, góp phần bảo đảm cho bộ máy nhà nước của tỉnh hoạt động ổn định và minh bạch.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây không chỉ là bộ máy lớn hay nhỏ mà là hiệu quả hoạt động của nó. Mặc dù tổ chức bộ máy lớn thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, thế nhưng theo số liệu thống kê của Thanh tra Nhà nước tỉnh năm 2017, trong giai đoạn 2006-2016, số vụ tham nhũng bị phát hiện tại Gia Lai còn ít, trong khi đây là địa bàn có sự phát triển nóng về kinh tế - xã hội ở khu vực Tây Nguyên. Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai cũng chỉ ra những hạn chế của các cơ quan phòng, chống tham nhũng. Theo đó, hiệu quả hoạt động của các cơ quan này chưa tương xứng với vị thế, chức năng; chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của các thành viên trong chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, v.v.

Nguyên nhân chính của những hạn chế trên xuất phát ngay từ việc tổ chức bộ máy phòng, chống tham nhũng.Việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước (được thể hiện trong Nghị quyết số 294a/2006/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội), ở Trung ương do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, ở tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban. Như vậy là, cơ quan phòng, chống tham nhũng của địa phương do người đứng đầu cơ quan thực hiện chức năng hành pháp - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, điều hành, trong khi hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương đặt dưới dự điều hành thống nhất của Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh. Thực tế này đã không tạo được cơ chế kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cơ quan phòng, chống tham nhũng, do đó sẽ khó có thể phát huy được hiệu quả của công tác này. Kết quả là trong suốt quá trình triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng của tỉnh Gia Lai hơn 10 năm qua, mới chỉ có 33 vụ, với 51 cá nhân vi phạm bị truy tố - một con số còn khiêm tốn so với tình hình thực tế về tốc độ tăng trưởng và phát triển xã hội mạnh mẽ của Tỉnh.

2.2. Thực trạng phòng ngừa tham nhũng

Trong công tác phòng ngừa tham nhũng, tỉnh Gia Lai đã quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Ngay từ khi triển khai Luật Phòng, chống tham nhũng 2005, Tỉnh đã xây dựng và triển khai Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người dân. Lãnh đạo tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền cấp huyện, cấp xã quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, v.v. Đây là hoạt động mang tính chất và nội dung phòng ngừa nhằm ngặn chặn ngay từ đầu các hành vi có dấu hiệu tham nhũng.

Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã nêu rõ một số kết quả đáng chú ý trong công tác phòng ngừa tham nhũng của tỉnh giai đoạn 2006-2016 như sau:

- Gần 4.200 lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về phòng, chống tham nhũng được tổ chức, với hơn 451.000 lượt người tham gia;

- Gần 120.000 đầu sách, tài liệu về phòng, chống tham nhũng được xuất bản; tỉnh đã đưa chương trình giáo dục, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng vào chương trình giảng dạy của các cơ sở giáo dục, đào tạo.

- Các sở, ngành và các cấp chính quyền đã thực hiện công khai, minh bạch ở hầu hết các lĩnh vực trong hoạt động của đơn vị mình; 100% cơ quan, đơn vị của tỉnh thực hiện việc kê khai tài sản theo đúng quy định với số người phải kê khai tài sản, thu nhập trên toàn tỉnh là 10.345 người, đảm bảo minh bạch thu nhập, tài sản của cán bộ, công chức, viên chức.

Từ những kết quả nêu trên, có thể thấy, công tác phòng ngừa tham nhũng của tỉnh Gia Lai được quan tâm thực hiện với nhiều hình thức tuyên truyền, giúp cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân hiểu rõ hơn về công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai cũng chỉ ra những hạn chế trong công tác này, đó là nhiều biện pháp tuyên truyền còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp. Hệ quả là, một số cơ quan, đơn vị, chưa được thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, thậm chí vi phạm nhưng không bị xử lý nghiêm; vẫn còn có tình trạng lạm dụng quy định bí mật của Nhà nước để không công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Lý giải về những hạn chế đó, cũng theo Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh nêu trên, nguyên nhân chủ yếu là yếu tố chủ quan, theo đó, hoạt động tuyên truyền thực hiện pháp luật về phòng ngừa tham nhũng chưa được đầu tư theo chiều sâu, một phần do kinh phí dành cho hoạt động này còn hạn chế, một phần do hạn chế về năng lực tổ chức tuyên truyền của cán bộ, công chức làm công tác giáo dục phổ biến pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu.

2.3. Thực trạng phát hiện và xử lý tham nhũng

Trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng giai đoạn 2006-2016, các cơ quan chức năng của tỉnh Gia Lai đã tiến hành 161 cuộc thanh tra tại 320 cơ quan, đơn vị của các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh, trong đó:

- Sai phạm về tham nhũng: 160 cơ quan, đơn vị.

- Xử lý sai phạm về tham nhũng: Xử lý hình sự 33 vụ với 51 bị can; xử lý hành chính 30 vụ với 42 cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật.

- Số tiền sai phạm về tham nhũng 16.662.005.464 đồng.

- Kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 15.315.318.503 đồng, trong đó đã thu hồi được 10.287.048.297 đồng.

Thực tế chỉ qua thanh tra, kiểm tra, các cơ quan chức năng của tỉnh mới phát hiện vụ việc tham nhũng và số vụ tham nhũng còn ít. Việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng của các cơ quan, đơn vị hầu như được thực hiện mang tính hình thức, theo đó chưa có vụ việc tham nhũng nào được phát hiện qua hoạt động tự kiểm tra. Đây là một trong những hạn chế mang tính chủ quan, đó chính là tâm lý e ngại, né tránh trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, dẫn đến công tác tự kiểm tra phát hiện tham nhũng được thực hiện gần như không có kết quả.

  1. Kiến nghị

Qua phân tích thực trạng công tác phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Gia Lai, để phát huy những kết quả đạt được và hạn chế những yếu kém trong công tác này, tác giả bài viết kiến nghị với chính quyền tỉnh một số vấn đề sau:

- Thứ nhất, cần chú trọng củng cố tổ chức bộ máy phòng, chống tham nhũng theo hướng xác định rõ vị trí, vai trò của cơ quan chủ đạo và tạo cơ chế kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cơ quan chính quyền trong việc chỉ đạo, điều hành hoạt động phòng, chống tham nhũng.

Hiện tại, các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng của tỉnh Gia Lai cũng như các địa phương khác trên cả nước là một hệ thống lớn, bao gồm cả cơ quan của Đảng và của chính quyền. Mỗi cơ quan đều có chức năng, nhiệm vụ phòng chống tham nhũng theo ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, giữa cơ quan của Đảng, cơ quan của chính quyền (Thanh tra nhà nước - Cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng - Cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh) trong một số trường hợp hoạt động không thông suốt do bị ràng buộc bởi cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo và hoạt động chuyên trách, độc lập.

Để đảm bảo tính tập trung, thống nhất trong công tác phòng, chống tham nhũng, rất cần có sự xác định rõ cơ quan chủ đạo, đầu mối trong việc quản lý, thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng và xử lý các vụ việc tham nhũng đã được phát hiện. Tiếp đến, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có chức năng, thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm sát, xét xử trong việc phát hiện và xử lý tham nhũng; xác định rõ hơn phương thức phối hợp giữa cơ quan có chức năng kiểm tra, thanh tra với các cơ quan điều tra, kiểm sát ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm nhằm xử lý nhanh chóng vụ việc; quy định việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn của cơ quan có thẩm quyền nhằm tránh tẩu tán tài sản hoặc xóa dấu vết vi phạm và các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng. Bên cạnh đó, cần kiểm soát được quyền lực của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước địa phương trong vai trò là trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng để hoạt động phòng, chống tham nhũng không bị chi phối bởi yếu tố chủ quan và đạt kết quả tốt.

- Thứ hai, cần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền pháp luật, theo hướng nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về phòng, chống tham nhũng; xây dựng văn hóa phi tham nhũng trong các hoạt động quản lý xã hội.

Giải pháp này đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền các cấp trong toàn tỉnh phải thường xuyên tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân về việc tham gia phòng, chống tham nhũng. Nội dung tuyên truyền chú trọng vào việc biểu dương, vinh danh và khen thưởng thích đáng, kịp thời đối với những người phát hiện, tố giác tham nhũng; thiết kế bộ tiêu chí xây dựng văn hóa về phòng, chống tham nhũng trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Các cơ quan thông tin đại chúng địa phương chú trọng đến việc nâng cao chất lượng và thời lượng các chuyên trang, chuyên mục về phòng, chống tham nhũng; thường xuyên đăng tải, giới thiệu các bài viết, chuyên đề, chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng; đưa tin, phản ánh các vụ việc tham nhũng và hoạt động phòng, chống tham nhũng. Về lâu dài, địa phương cần quan tâm đầu tư cả về nguồn kinh phí và nguồn nhân lực làm công tác phòng, chống tham nhũng, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác tuyên truyền và nội dung tuyên truyền để công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng được thực hiện một cách hiệu quả, nhất là về chiều sâu, tạo sự chuyển biến và qua đó mới thực sự nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về phòng, chống tham nhũng.

- Thứ ba, cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là công tác tự kiểm tra phát hiện tham nhũng, đồng thời cần có cơ chế tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác tự kiểm tra nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời những dấu hiệu sai trái, vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng ngay từ cơ sở. Theo đó, cần hoàn thiện các quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng theo hướng: Khen thưởng khi người đứng đầu cơ quan, đơn vị không để xảy ra tham nhũng; Biểu dương khi người đứng đầu cơ quan, đơn vị tự phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời tham nhũng; Xử lý nghiêm theo pháp luật khi người đứng đầu để xảy ra tham nhũng và gây hậu quả.

  1. Kết luận

Qua phân tích thực trạng công tác phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Gia Lai, tác giả đã chỉ ra được những hạn chế còn tồn tại và đặt ra thách thức trong quản lý xã hội của Tỉnh. Bài viết cũng đã góp phần cung cấp thông tin để các nhà lãnh đạo nhận thấy rõ hơn thực tiễn việc phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh hơn 10 năm qua, để từ đó có những điều chỉnh phù hợp, nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động này trong thời gian tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2007 và năm 2012).
  2. Tỉnh ủy Gia Lai (2011), Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.
  3. Tỉnh ủy Gia Lai (2016), Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.
  4. UBND tỉnh Gia Lai (2011), Báo cáo Tổng kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và sơ kết giai đoạn thứ nhất Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020.
  5. UBND tỉnh Gia Lai (2016), Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.

CORRUPTION PREVENTION ACTIVITIES OF GIA LAI PROVINCE

Master. Nguyen Huu Danh

Hanoi University of Home Affairs

Abstract:

This paper focuses on analyzing the corruption prevention activities of Gia Lai province from 2016 to present.  By mainly implementing the analysis and synthesis research methods, the paper identifies some results of the provincial corruption prevention activities that relate to some main contents including: organizing anti-corruption system, corruption prevention, and detecting and solving corruption.

Keywords: Corruption prevention, Gia Lai province.