Covid-19 và vấn đề bảo vệ quyền thông tin cá nhân trên mạng xã hội

THS. TRƯƠNG THỊ ÁNH NGUYỆT (Khoa Luật - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng)

TÓM TẮT:

Thông tin về đại dịch Covid-19 đã được lan truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin truyền thông và mạng xã hội. Đáng chú ý, một số cá nhân đã cố tình bịa đặt, tung tin sai sự thật trên mạng về người mắc bệnh và những người đang bị cách ly do ảnh hưởng của Covid-19. Thông tin về nhân thân của những người này, mặc dù không được sự cho phép của họ, đã bị truyền đi tràn lan trên mạng. Bài viết trình bày quy định pháp lý về bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng xã hội của người nhiễm Covid-19 và người đang bị cách ly do nghi ngờ nhiễm bệnh; thực trạng xâm phạm quyền này và một số giải pháp nhằm bảo vệ thông tin cá nhân. 

Từ khóa: Covid-19, quyền thông tin cá nhân, mạng xã hội, thông tin giả.

1. Đặt vấn đề

Với sự bùng nổ của dịch bệnh Covid-19, thông tin cá nhân của người mắc bệnh và người đang bị cách ly do nghi ngờ mắc bệnh được lan truyền nhanh chóng. Mạng xã hội phát triển, cho phép mọi người có quyền đăng thông tin lên mạng. Quyền năng này tác động tiêu cực đến chủ thể thông tin và xã hội, nếu cá nhân lạm dụng mạng xã hội để đăng tin sai sự thật. Tình trạng này diễn ra phổ biến kể từ khi số lượng ca nhiễm Covid-19 gia tăng nhanh chóng trên thế giới và ở Việt Nam.

Ngày 30 tháng 3 năm 2020, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Hành vi đưa lên mạng thông tin giả mạo, sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình Covid-19, để lại dư luận xấu; và hành vi đưa trái phép thông tin cá nhân, bí mật đời tư, xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế, người tham gia phòng, chống Covid-19, người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 được quy định trong văn bản này. Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử đã được ban hành vào ngày 03 tháng 2 năm 2020, có hiệu lực từ ngày 15 tháng 4 năm 2020. Nghị định số 15 quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên mạng được cung cấp, tạo điều kiện cho việc bảo vệ quyền thông tin cá nhân.

2. Quy định pháp lý về thông tin cá nhân

2.1. Nguyên tắc thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân trên môi trường mạng

Nguyên tắc cơ bản nhất trong thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân trên mạng là phải được chủ thể thông tin đồng ý và việc sử dụng thông tin phải phù hợp với mục đích thu thập thông tin như đã thông báo trước với chủ thể đó. Theo Điều 21 Luật Công nghệ thông tin, tổ chức, cá nhân thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên mạng phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp thông tin cá nhân được sử dụng cho các mục đích: (i) Ký kết, sửa đổi hoặc thực hiện hợp đồng sử dụng thông tin, sản phẩm, dịch vụ trên mạng; (ii) Tính giá, cước sử dụng thông tin, sản phẩm, dịch vụ trên mạng; (iii) Thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Chủ thể thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác phải thông báo cho người đó biết về hình thức, phạm vi, địa điểm, mục đích của việc thu thập, xử lý và sử dụng thông tin.

2.2. Những thông tin cá nhân không được xâm phạm

Quyền được bảo đảm thông tin cá nhân thuộc quyền nhân thân của cá nhân. Thông tin cá nhân phản ánh danh dự, nhân phẩm và uy tín của mỗi người, đây là những thứ bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Theo Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình; việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp không cần đồng ý theo quy định pháp luật.

Trong môi trường mạng, bảo đảm thông tin cá nhân của người bệnh và người đang bị cách ly là đảm bảo quyền lợi hợp pháp của cá nhân đó, góp phần bảo vệ an ninh mạng. Hành vi lợi dụng không gian mạng xã hội để chia sẻ thông tin cá nhân của những người này với nội dung bịa đặt, sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác là hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng. Theo Khoản 2 Điều 3 và Khoản 5 Điều 37 Luật Khám bệnh, chữa bệnh, đối với việc điều trị cho người nhiễm Covid-19 và người đang bị cách ly, thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư của họ được ghi trong hồ sơ bệnh án phải được giữ bí mật. Đây là nguyên tắc quan trọng của người hành nghề khám, chữa bệnh và cũng là nghĩa vụ của họ.

3. Thực trạng xâm phạm thông tin cá nhân và hệ lụy của Covid-19 đến bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng xã hội

3.1. Vấn nạn tung thông tin sai sự thật

Hành vi xâm phạm quyền thông tin cá nhân xuất phát từ sự thiếu ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật và cũng chịu ảnh hưởng từ yếu tố “tâm lý đám đông” trên mạng xã hội. Chỉ một thời gian ngắn sau khi đăng tin lên mạng, dù độ xác thực của nó có được kiểm chứng hay không, thông tin về nhân thân của công dân như địa chỉ nhà, số điện thoại và nơi làm việc đã được truyền đi nhanh chóng bởi nút “share” (“chia sẻ”) trên facebook. Một số cá nhân dùng mạng xã hội đã tung tin sai sự thật nhằm tăng tương tác và sự chú ý thông qua lượt “view” (xem), “like” (thích) và “comment” (bình luận) từ người khác.

Nhiều hành vi vi phạm đã bị xử lý trong thời gian gần đây. Điển hình là vụ việc liên quan đến bệnh nhân Covid-19 thứ 17. Chị L.T.N. là người bán hàng online, đã đăng lên facebook thông tin thất thiệt về việc bệnh nhân này đã tham dự sự kiện khai trương một cửa hàng thời trang tại Vincom Phạm Ngọc Thạch và đến một quán bar ở Tạ Hiện trước khi đưa vào cơ sở y tế để cách ly bắt buộc. Thông tin này gây tâm lý hoang mang cho một số người đã đến những nơi này trước khi nó được cơ quan chức năng xác nhận đó là thông tin sai sự thật .

3.2. Việc lan truyền thông tin cá nhân khi chưa được sự đồng ý

Sự xâm phạm thông tin còn liên quan đến việc bảo mật thông tin đúng sự thật của cá nhân đó. Thông tin cá nhân đã bị một số tổ chức, cá nhân khác biết được và cung cấp cho bên thứ ba, dù không được sự đồng ý của chủ thể thông tin và không thuộc trường hợp được pháp luật cho phép. Nội dung này được quy định tại Khoản 2 Điều 22 Luật Công nghệ thông tin.

Thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư của người bệnh được ghi trong hồ sơ bệnh án phải được giữ bí mật; và chỉ được phép công bố khi được người bệnh đồng ý, hoặc để chia sẻ thông tin phục vụ chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người trực tiếp điều trị cho người bệnh, hoặc trong trường hợp được pháp luật quy định.

Quyền tiếp cận thông tin sức khỏe người bệnh phải được người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh đồng ý. Chủ thể có quyền tiếp cận thông tin gồm: (i) Sinh viên thực tập, nghiên cứu viên, người hành nghề trong cơ sở khám, chữa bệnh được mượn hồ sơ bệnh án tại chỗ để đọc hoặc sao chép phục vụ công tác chuyên môn; (ii) Đại diện cơ quan quản lý nhà nước về y tế trực tiếp quản lý cơ sở khám, chữa bệnh, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, thanh tra chuyên ngành y tế, cơ quan bảo hiểm, tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, luật sư được mượn hồ sơ bệnh án tại chỗ để đọc hoặc sao chép phục vụ nhiệm vụ được giao; (iii) Người đại diện của người bệnh được nhận bản tóm tắt hồ sơ bệnh án. Các chủ thể này phải giữ bí mật thông tin và chỉ được sử dụng đúng mục đích như đã đề nghị với người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Quyền giữ bí mật thông tin sức khỏe của người bệnh là một trong những quyền đang bị xâm phạm nhiều. Các vụ việc xảy ra trong thực tế, thông tin được đưa và lan truyền trên mạng là thông tin thật của cá nhân, nhưng không được họ đồng ý và không thuộc trường hợp được pháp luật cho phép. Những vụ việc này xảy ra ở mức độ phân tán, nhỏ lẻ. Dù chưa thể thống kê số lượng, những hành vi vi phạm này chiếm tỉ lệ đáng kể nhưng không được cơ quan chức năng xử lý. Sự lan truyền thông tin còn do tâm lý bất an của người dân về dịch bệnh và sự mong muốn chung tay bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Tuy nhiên, thay vì ẩn đi thông tin về nhân thân của người nhiễm bệnh hoặc đang bị cách ly, nhiều người dùng mạng xã hội lại vô tư chia sẻ những nội dung đó. Là một người dùng facebook, tác giả nhận thấy thông tin về tên, ngày sinh, nơi cư trú, số điện thoại của cá nhân thường được công khai và lan truyền phổ biến. Việc bị lộ thông tin chỉ được chủ thể biết đến sau khi hành vi xâm phạm xảy ra. Những người đăng tin thậm chí còn không biết chính họ đã thực hiện hành vi vi phạm. Các cơ quan chức năng gặp khó khăn về kiểm soát những trường hợp này và sự thực thi quy định pháp luật còn hạn chế.

3.3. Nguyên nhân và hệ lụy của xâm phạm thông tin cá nhân trên mạng xã hội

Về nguyên nhân, theo giáo sư Alfred Hermida tại Trường Đại học British Columbia (Canada), sự sợ hãi là nguyên nhân chính khiến nhiều người nhạy cảm với các thông tin về Covid-19. Nguyên nhân khác là sự suy giảm khả năng sàng lọc thông tin được gây ra bởi mạng xã hội. Đối với nhiều người, việc phân biệt thông tin đúng, sai trên mạng xã hội là rất khó khăn. Sự thiếu thông tin về vi rút mới SARS-CoV-2, cùng với hiệu ứng “tâm lý đám đông” đã làm thay đổi cách thức thông tin được lan truyền trên mạng. Vì vậy, một số người dễ trở thành nạn nhân của những nguồn tin sai lệch.

Thông tin của các cá nhân liên quan đến Covid-19, dù chưa được kiểm chứng về độ xác thực và chưa được sự đồng ý của họ, vẫn được truyền đi dễ dàng mà thiếu sự kiểm duyệt, tôn trọng từ người đăng tin. Việc bảo đảm an toàn xã hội trên không gian mạng và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan được quy định trong Luật An ninh mạng 2018. Tuy nhiên, sự phổ biến ý thức và văn hóa tôn trọng thông tin cá nhân đến mọi người đang là thách thức lớn.

Về hệ lụy, thông tin cá nhân liên quan đến Covid-19 bị lan truyền rộng đã để lại những hậu quả nghiêm trọng. Đầu tiên là những ảnh hưởng không tốt về tâm lý của người bệnh hoặc người đang bị nghi nhiễm bệnh như sự hoang mang, lo sợ và căng thẳng. Sự phát tán thông tin cá nhân còn ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của họ, vốn là quyền bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc tung tin sai sự thật còn tạo ra sự hoang mang và mất niềm tin của người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh. Thông tin sai sự thật cũng gây khó khăn và lãng phí thời gian cho cơ quan chức năng trong việc truy tìm đối tượng vi phạm, ảnh hưởng đáng kể đến việc bảo vệ lợi ích cộng đồng.

4. Chế tài xử lý vi phạm pháp luật về xâm phạm thông tin cá nhân

Hành vi tung thông tin cá nhân sai sự thật, hoặc cung cấp thông tin khi chưa được sự đồng ý của họ lên mạng xã hội có thể cấu thành tội phạm mạng theo Khoản 7 Điều 2 Luật An ninh mạng. Hình thức xử lý hình sự đối với người vi phạm được áp dụng theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015. Người có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị xử lý về tội làm nhục người khác. Mức xử phạt có thể là cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Mức phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với hành vi dùng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác. Cụ thể tại mục 1.5 Công văn số 45/TANDTC-PC, hành vi xâm phạm được biểu hiện dưới dạng đưa trái phép thông tin cá nhân, bí mật đời tư. Đối tượng được xem là “người khác” gồm nhân viên y tế; người tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19; người mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19. Người nghi ngờ mắc Covid-19 là người chưa được xác định là dương tính với Covid-19 nhưng đang bị áp dụng biện pháp cách ly do vừa trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19; hoặc do đã tiếp xúc với người bị nhiễm Covid-19; hoặc đang sống trong khu vực đã có quyết định cách ly.

Nếu không thuộc trường hợp trên, tại Khoản 1 Điều 288 Bộ luật Hình sự, tội đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin trái với quy định pháp luật; hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cá nhân trên mạng máy tính mà không được phép của chủ sở hữu thông tin; hoặc hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính thì có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Như vậy, nếu thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư của người bệnh được ghi trong hồ sơ bệnh án bị đưa lên mạng xã hội, người vi phạm có thể bị áp dụng mức phạt cao nhất là 03 năm tù giam. Hành vi xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến hậu quả người bị xâm phạm tự sát có thể bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Về xử phạt hành chính, theo Khoản 1 Điều 84 Nghị định số 15/2010/NĐ-CP, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người có hành vi thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích thu thập và sử dụng thông tin; hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho bên thứ ba khi chủ thể thông tin đã yêu cầu ngừng cung cấp. Theo Khoản 2 Điều 84, mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu có hành vi sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận hoặc khi chưa được chủ thể thông tin cá nhân đồng ý; cung cấp, chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin; hoặc thu thập, sử dụng, phát tán, trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác.

Theo Điều 101 Nghị định này, người lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Nếu tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng và bị buộc gỡ bỏ thông tin này. Việc xử phạt hành chính đã được cơ quan chức năng áp dụng chủ yếu trong thời gian gần đây. Chẳng hạn, hành vi tung tin thất thiệt về bệnh nhân Covid-19 thứ 17 của chị N như được đề cập đã bị phạt hành chính 12,5 triệu đồng về tội “cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm cá nhân”.

5. Một số giải pháp bảo vệ quyền thông tin cá nhân trên môi trường mạng

Việc bảo vệ thông tin cá nhân cần sự chung tay hành động của các cơ quan, tổ chức và ý thức của mỗi công dân. Tuy nhiên, sự phức tạp và nguy hiểm của Covid-19; và sự khẩn trương trong phòng, chống dịch đã làm mờ nhạt yêu cầu về bảo vệ quyền lợi hợp pháp từ người bị xâm phạm quyền. Người bệnh dành phần lớn sự quan tâm cho việc chữa bệnh, hoặc việc cách ly của mình hơn là việc bảo vệ quyền lợi pháp lý. Vì vậy, mỗi người dùng mạng phải ý thức được vai trò bảo vệ thông tin cá nhân của mình bằng việc kịp thời cung cấp thông tin về bảo vệ an ninh mạng, nguy cơ đe dọa và hành vi xâm phạm an ninh mạng cho cơ quan có thẩm quyền. Đây là trách nhiệm của cá nhân sử dụng không gian mạng, theo Khoản 2 Điều 42 Luật An ninh mạng.

Cá nhân bị xâm phạm có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân lưu trữ thông tin cá nhân của mình trên mạng thực hiện kiểm tra, đính chính hoặc hủy bỏ thông tin đó; hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm. Người bị xâm phạm có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin có tác động xấu đó. Nếu không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình, người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng. Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu xóa bỏ, truy cập xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên mạng xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của họ hoặc của tổ chức, cá nhân khác.

Người dùng mạng nên lựa chọn thông tin có nguồn gốc xác thực từ cơ quan chính thống, chẳng hạn trang thông tin điện tử chính thống của ngành Y tế. Người dùng facebook cần cân nhắc, kiểm chứng thông tin trước khi kích nút “like”, “share”, không chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng và không đúng sự thật trên mạng xã hội. Nếu cần thiết phải chia sẻ thông tin, người đăng tin phải nhận được sự đồng ý từ chủ thể thông tin. Trước khi đăng, người đăng tin nên làm ẩn và không được chi tiết hóa các thông tin về nhân thân của người được đăng. Ngoài ra, việc nâng cao ý thức của người dân như tuyên truyền về tác hại của việc xâm phạm quyền và ý thức bảo vệ quyền, hướng đến bảo vệ quyền thông tin cá nhân và bảo đảm an toàn thông tin mạng là điều cần thiết.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2015). Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13.
  2. Quốc hội (2015). Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.
  3. Quốc hội (2018). Luật An ninh mạng số 24/2018/QH14.
  4. Quốc hội (2009). Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12.
  5. Quốc hội (2006). Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11.
  6. Chính phủ (2020). Nghị định số 15/2010/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
  7. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (2020). Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/03/2020 về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
  8. Nguyễn Phương Thảo (2020). Quyền giữ bí mật thông tin sức khỏe của người bệnh. Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, <https://tapchitoaan.vn/bai-viet/nghien-cuu/quyen-giu-bi-mat-thong-tin-suc-khoe-cua-nguoi-benh>, xem 18/04/2020.
  9. Danh Trọng (2020). Người bán hàng online bị phạt 12,5 triệu vì tung tin sai về bệnh nhân COVID-19 thứ 17, <https://tuoitre.vn/nguoi-ban-hang-online-bi-phat-12-5-trieu-vi-tung-tin-sai-ve-benh-nhan-covid-19-thu-17-20200318094700181.htm>, xem 18/04/2020.
  10. Vi Trân (2020). Tin giả trên mạng xã hội gieo rắc nỗi sợ về viêm phổi Vũ Hán, <https://thanhnien.vn/the-gioi/tin-gia-tren-mang-xa-hoi-gieo-rac-noi-so-ve-viem-phoi-vu-han-1175730.html>, xem 18/04/2020.

The Covid-19 pandemic and the issue of protecting the personal information rights on social networks

 Ll.m. truong thi anh nguyet

Faculty of Law, University of Economics, University of Da Nang

ABSTRACT:

Information about the Covid-19 pandemic has been widely spread in communication channels and social networks. However, some individuals have created and spread fake news on patients infected with the Covid-19 virus and people who are quarantined due to the Covid-19 outbreak. Personal information of these people is not allowed to disclose but is still spread on the Internet. This article presents the legal provisions on protecting the personal information rights of patients infected with the Covid-19 virus and people who are kept in the quarantine zone on the Internet, the current situation of this issue and some solutions to tackle this issue.

Keywords: Covid-19, personal information rights, social networks, fake news.