Đại dịch Covid-19 có thể khiến nền kinh tế thiệt hại hơn 10.300 tỷ USD

Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cho suy giảm kinh tế toàn cầu có thể lên tới 4,3% trong năm 2020. Tuy nhiên, mức thiệt hại kinh tế thực sự do đại dịch Covid-19 gây ra có thể cao hơn nhiều.
Suy thoái kinh tế
 Tác động kinh tế của đại dịch Covid-19 không chỉ gói gọn trong năm 2020 và 2021 mà còn tác động lâu dài đến triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế (Ảnh: Atlantic Council)

Mức suy giảm kinh tế do Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính tương đương những gì từng được ghi nhận trong cuộc Đại suy thoái hồi năm 1930 và trong hai cuộc chiến tranh thế giới. Tuy nhiên, tạp chí kinh tế The Economist (Anh), mức thiệt hại do WB ước tính là chưa phản ánh hết các tác động của đại dịch Covid-19. Do con số này mới chỉ so sánh giữa quy mô nền kinh tế toàn cầu trước và sau khi xảy ra dịch bệnh, chứ chưa so với quy mô sẽ đạt được của nền kinh tế nếu như đại dịch Covid-19 không xảy ra.

Vào thời điểm này của năm ngoái, khi mối đe doạ của đại dịch Covid-19 chưa hiện hữu, WB đã dự báo GDP toàn cầu tăng 2,5% trong năm 2020, đạt mức 86.000 tỷ USD. So với con số đó, GDP toàn cầu năm 2020 đã giảm 6,6%, tương đương khoảng 5.600 tỷ USD.

Báo cáo của WB cho thấy nền kinh tế thế giới có thể sẽ phát triển nhanh một cách không bình thường trong năm 2021 nhờ việc triển khai vaccine phòng ngừa Covid-19. Tuy nhiên, ngay cả khi dự báo này đúng và không có thêm biến cố nào xảy ra, sản lượng kinh tế thế giới năm 2021 vẫn sẽ thấp hơn 5,3% tương đương 4.700 tỷ USD so với dự báo của WB trước khi đại dịch xảy ra.

Tổng cộng, trong năm 2020 và 2021, đại dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 10.300 tỷ USD. Hiện chỉ có Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, có quy mô GDP hàng năm vượt ngưỡng 10.000 tỷ USD. Nếu quy đổi mức thiệt hại 10.300 tỷ USD, con số này bằng giá trị vốn hoá của 10 tập đoàn niêm yết lớn nhất trên thế giới, gồm: Amazon, Apple và Saudi Aramco.

Theo WB, khu vực các quốc gia sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) chịu tổn thất trên 2.000 tỷ USD và Hoa Kỳ chịu thiệt hại khoảng 1.700 tỷ USD do đại dịch Covid-19 gây ra. Trong số các quốc gia đang phát triển, Ấn Độ chịu mức thiệt hại lớn nhất, khoảng 950 tỷ USD. Mặc dù nền kinh tế của Trung Quốc lớn hơn nhiều so với nền kinh tế của Ấn Độ, nhưng nước này có mức thiệt hại thấp hơn, khoảng 680 tỷ USD.

Tuy nhiên, thiệt hại kinh tế do dịch bệnh gây ra sẽ không chỉ giới hạn trong năm nay và năm ngoái. WB dự báo GDP toàn cầu trong năm 2022 sẽ vẫn thấp hơn 4,4% so với mức mà tổ chức này dự báo trước khi đại dịch bùng phát.

WB cảnh báo dịch bệnh sẽ gây ra tác động lâu dài đối với đầu tư, nguồn nhân lực, qua đó tác động tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế cũng như nền kinh tế toàn cầu. Tổ chức này cũng lo ngại rằng các khoản nợ mà các chính phủ và doanh nghiệp đã vay để chống đỡ các tác động của dịch bệnh có thể gây hại cho tăng trưởng trong tương lai.

Còn một lý do khác dẫn đến những số liệu trên chưa đánh giá đầy đủ những tổn thất về kinh tế của đại dịch Covid-19. Nếu dịch bệnh không xảy ra, nền kinh tế toàn cầu có thể được mở rộng hơn mà còn phát triển theo hướng khác. Thay vì tập trung sản xuất khẩu trang, thực hiện xét nghiệm, sản xuất vaccine, tổ chức họp trực tuyến…., nền kinh tế toàn cầu sẽ tập trung nguồn lực cho các hoạt động khác và tiết kiệm được chi phí vốn đang phải bỏ ra cho các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.

Quang Đặng (Theo The Economist)