Đánh giá một số chỉ tiêu hóa lý cơ bản trong ao nước nuôi tôm ở huyện Cần Giờ

LÊ THỊ ANH ĐÀO - ThS. NGUYỄN CÔNG HẬU (Khoa Kỹ thuật Thực phẩm và Môi trường, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bài viết khảo sát sự thay đổi của một số chỉ tiêu hoá lý cơ bản như pH, nhiệt độ, độ dẫn, độ mặn và DO ở các hồ nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng trong quá trình sinh trưởng của chúng tại huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh. Kết quả đạt được như nhiệt độ (26 - 330C), pH (7.2 - 8.5), độ dẫn (14000 - 21000 µS/cm) và độ mặn (15 - 25‰), phù hợp theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam.

Từ khoá: Nuôi tôm, độ dẫn, độ mặn, pH, huyện Cần Giờ.

1. Đặt vấn đề

Cần Giờ là một huyện ven biển, nằm ở phía Đông Nam của TP. Hồ Chí Minh, cách trung tâm khoảng 50 km. Đặc điểm nổi bật về thổ nhưỡng tại Cần Giờ là phèn và mặn với 56,7% diện tích toàn huyện là rừng ngập mặn đan xen với hệ thống sông rạch dày đặc, chứa đựng các hệ sinh thái mang tính đa dạng sinh học. Do đó, Cần Giờ là một vùng đất đầy tiềm năng để phát triển ngành nuôi tôm. Cần Giờ là huyện trọng điểm về nuôi trồng thủy sản nước mặn và nước lợ của thành phố [1]. Tuy nhiên, một trong các vấn đề mà những người nuôi tôm quan tâm là việc kiểm soát tốt nhất chất lượng nước nuôi tôm để đảm bảo điều kiện cho sự sinh trưởng và phát triển của tôm từ giai đoạn tôm giống đến giai đoạn trưởng thành. Bởi lẽ những tác động trực tiếp từ môi trường cũng như con người sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nước, từ đó ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi. Từ việc coi trọng nguồn lợi thủy sản, những chương trình quan trắc cảnh báo môi trường là vô cùng cần thiết để cảnh báo kịp thời các biến động trong môi trường nuôi tôm.

Bài viết tập trung khảo sát một số chỉ tiêu hoá lý được thực hiện tại ao nuôi tôm, như: pH, nhiệt độ, DO, độ dẫn và độ mặn để đưa ra các đánh giá về các biến động của chỉ tiêu này trong quá trình tôm nuôi từng giai đoạn phát triển của tôm.

2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

2.1. Thời gian, địa điểm tiến hành khảo sát và đối tượng khảo sát

Bảng 1. Đặc điểm các ao nuôi được khảo sát

Đặc điểm các ao nuôi được khảo sát

2.2. Lấy mẫu và bảo quản mẫu

Mẫu được lấy và bảo quản theo TCVN 5993:1995 [2]. Chai nhựa PET sạch được sử dụng để chứa mẫu, mẫu được nạp đầy bình và đậy nắp thật chặt giúp hạn chế tương tác với pha khí. Mẫu được để yên 5 phút cho dung dịch ổn định rồi đem đo.

2.3. Các thông số đánh giá chất lượng nước nuôi tôm tại ao

Các chỉ tiêu pH, DO, độ dẫn, độ mặn, nhiệt độ được đo trên bằng thiết bị Seven Excellence (Mettler Toledo) Seven Excellence. Máy được tích hợp 3 block có khả năng đo đồng thời tất cả các thông số trên. Thực hiện đo lặp 2 lần trên mỗi mẫu.

Trước mỗi ngày đo, tiến hành hiệu chuẩn các điện cực:

- Điện cực pH Mettler Toledo - Inlab Expert Pro-ISM được hiệu chuẩn (cablibrate) bằng các dung dịch chuẩn có pH 4.01, 7.00 và 9.21 (Hãng Mettler Toledo).

- Điện cực đo DO Mettler Toledo - Inlab Optiox được hiệu chuẩn bằng dung dịch có DO = 0 mg L-1 (hòa tan 1 viên Zero oxygen tablet for inlab sensors vào 40 mL UPW, đợi 10 phút cho tan hết).

- Điện cực đo độ dẫn và độ mặn được hiệu chuẩn bằng dung dịch có độ dẫn 1413 μS cm-1 (hãng Mettler Toledo).

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Biến động của nhiệt độ trong ao nước nuôi tôm

Qua quá trình khảo sát cho thấy nhiệt độ các ao nuôi dao động từ 26 - 33oC, đây là nhiệt độ phù hợp cho tôm phát triển (theo QCVN 02 - 19:2014 của BNNVPTNT) [3]. Nhiệt độ ao chủ yếu phụ thuộc vào nhiệt độ của môi trường nên sẽ tăng về buổi trưa và giảm dần về đêm (Hình 1). Tuy nhiên, biến động này luôn giữ dưới 5oC, ao nuôi tôm thẻ chân trắng có biến động thấp hơn do có hệ thống quạt nước hoạt động liên tục. Ngoài ra, các ao mới nuôi do quá trình xử lý làm mất cân bằng sinh thái nên có biến động lớn hơn.

Hình 1: Xu hướng biến động nhiệt độ trong ngày, giữa các ao và các giống tôm

Xu hướng biến động nhiệt độ trong ngày, giữa các ao và các giống tôm

3.2. Biến động của pH trong ao nước nuôi tôm

Hình 2: Xu hướng biến động pH các mốc thời gian trong ngày và giữa các ao nuôi

Xu hướng biến động pH các mốc thời gian trong ngày và giữa các ao nuôi

Trong suốt quá trình khảo sát cho thấy pH trong các ao nuôi luôn được giữ trong một ngưỡng nhất định, khoảng từ 7.2 - 8.5. Môi trường này phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của tôm (theo QCVN 02 - 19:2014 của BNNVPTNT) [3]. Các yếu tố ảnh hưởng đến pH của hồ bao gồm: thời gian, nhiệt độ, giữa ao mới và ao cũ, giữa các giống tôm. Giá trị pH trong ngày thay đổi theo xu hướng tăng cao vào ban ngày và giảm xuống thấp vào ban đêm. Nguyên nhân là do sự chênh lệch giữa lượng CO2 trong hồ giữa ngày và đêm bởi sự hô hấp của vi sinh vật trong hồ. Ngoài ra, các ao mới nuôi sẽ có pH cao hơn do quá trình xử lý ao với vôi (Hình 2). Các ao nuôi có pH tăng theo xu hướng tăng nhiệt độ, khi nhiệt độ tăng thúc đẩy quá trình phân ly của các anion như CO3-, HS-, S2-,… tạo ra OH- làm tăng pH của nước. Nhiệt độ cũng xúc tác cho quá trình quang hợp của tảo và thực đáy.

Hình 3: Xu hướng biến động pH các mốc thời gian trong ngày và giữa các ao nuôi

Xu hướng biến động pH các mốc thời gian trong ngày và giữa các ao nuôi

Trong ngày khoảng biến đổi pH luôn duy trì trong khoảng 0.5, ngoại trừ một số yếu tố thời tiết ảnh hưởng như mưa lớn (Hình 4), ∆pH lớn hơn 0.5 ở các hồ mới. Ngoài ra, ao nuôi tôm thẻ chân trắng có khoảng ∆pH nhỏ hơn so với ao nuôi tôm sú do pH của ao được kiểm soát liên tục.

Hình 4: Xu hướng biến động ∆pH trong ngày

Xu hướng biến động ∆pH trong ngày

Ngoài các yếu tố làm ảnh hưởng đến pH vẫn còn có một số yếu tố tự nhiên. Chẳng hạn, nếu không xử lý nước với hoá chất thì pH nước ao tôm có xu hướng giảm do một số nguyên nhân, như: sự phân hủy của xác và chất thải động thực vật tạo ra CO2, H2S, NH4+, … Do đó, trong quá trình nuôi, người ta thường xử lý ao bằng vôi để làm tăng pH và tạo hệ đệm HCO3-/CO32- ổn định pH của nước.

3.3. Biến động của độ dẫn và độ mặn trong ao nước nuôi tôm

Trong ngày các yếu tố độ mặn và độ dẫn không thay đổi, các ao nuôi tôm sú có độ mặn cao hơn do yêu cầu kỹ thuật khi nuôi gần cửa sông.

Hình 5: Xu hướng biến đổi độ mặn trong ngày

Xu hướng biến đổi độ mặn trong ngày

Độ mặn của các ao nuôi dao động từ 6.5 - 13 psu (1psu = 1‰) là phù hợp để nuôi tôm thẻ chân trắng (5 - 35‰) và tôm sú (10 - 30‰). Độ mặn tối ưu cho sự sinh trưởng và phát triển của tôm là 15 - 25‰ [4]. Nếu nước ao nuôi tôm có nồng độ muối cao hơn 30‰ thường bị bệnh, nếu dưới 7% thì vỏ tôm sẽ mềm, yếu [5]. Độ dẫn có giá trị trong khoảng 14000-21000 µS/cm với xu hướng biến động theo xu hướng biến đổi độ mặn.

Độ mặn và độ dẫn của ao sẽ thay đổi nhiều nhất theo vị trí địa lý, ao nuôi tôm sú gần cửa sông nên chịu ảnh hưởng lớn bởi nước thải của người dân, vì vậy xu hướng thay đổi không theo quy luật, ao nuôi tôm thẻ có xu hướng giảm dần do lúc tôm trưởng thành vào mùa mưa.

Hình 6: Biến động độ dẫn và độ mặn của ao nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú theo quá trình phát triển

Biến động độ dẫn và độ mặn của ao nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú theo quá trình phát triển

3.4. Biến động của lượng oxygen hoà tan (DO) trong ao nước nuôi tôm

Qua quá trình khảo sát cho thấy: DO tăng vào ban ngày và giảm vào ban đêm.

Hình 7: Xu hướng biến đổi DO hòa tan trong ngày

Xu hướng biến đổi DO hòa tan trong ngày

Các hoạt động quang hợp của tảo, thực vật, vi sinh vật dưới xúc tác nhiệt độ và ánh sáng tạo ra O2 làm DO tăng. Khi nhiệt độ và độ mặn tăng, lượng DO giảm, nhưng do nhiệt độ của nước trong ngày biến đổi không nhiều (28 - 33oC) và độ mặn ít biến đổi nên ảnh hưởng không đáng kể đến hàm lượng oxygen trong nước. DO chủ yếu phụ thuộc vào mật độ tảo, vi sinh vật, thực vật đáy ao, hệ thống quạt và thổi khí.

Do đặc thù về kỹ thuật canh tác nên ao nuôi tôm thẻ chân trắng được trang bị hệ thống quạt nước hoạt động liên tục dẫn đến giá trị DO thu được cao hơn so với tôm sú (chỉ hoạt động khi cho ăn).

4. Kết luận

Qua 2 tháng tiến hành khảo sát một số ao nuôi tôm trên địa bàn huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh, kết quả cho thấy, các thông số dùng để phân tích và đánh giá tại ao nuôi (pH, độ mặn, độ dẫn, nhiệt độ, DO) có rất nhiều biến động do bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố tự nhiên và con người. Đây là các thông số có tầm quan trọng trong sự sinh trưởng và phát triển của tôm. Tuy nhiên, quy mô nuôi tôm tại đây phần lớn theo hộ gia đình, cùng với việc chưa được đầu tư bài bản về kiến thức nuôi tôm một cách đầy đủ, mà phần lớn dựa vào kinh nghiệm là chính. Với khảo sát này hy vọng trong tương lai, một mô hình kiểm soát và báo động các thông số về nước nuôi tôm được thiết lập, các hộ nuôi tôm sẽ có một công cụ dễ dàng, nhanh chóng và khoa học hơn để phát hiện kịp thời các biến động trong môi trường nuôi tôm và có những biện pháp xử lí kịp thời.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1] Bộ Thuỷ sản (2009), Quy hoạch vùng nuôi tôm thẻ chân trắng tại TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn 2025, Vol. 2000.

[2] TCVN 5993:1995, Chất lượng nước - Lấy mẫu - Hướng dẫn bảo quản và xử lý mẫu, (1995).

[3] QCVN 02 - 19: 2014/BNNPTNT. Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về Cơ sở nuôi tôm nước lợ - Điều kiện bảo quản vệ sinh thú y, Bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm, (2014).

[4] Wanninayate, W.M., T.B. Ratnayate, R.M.T.K and Edirisinghe, (2001). Experiment culture of tiger shrimp (Penaeus monodon) in low salinity environment in Sri Lanka. Asian Fisheris Forum, Kaohsing (Taiwan).

[5] Chanratchakool Pornlerd, James F. Turnbull, Simon J. Funge-Smith, Ian H. MacRae and Chalor Limsuwan (1995). Aquatic Animals Health Research Institute, Quản lý sức khoẻ tôm trong ao nuôi (Dịch bởi khoa Thủy sản Đại học Cần thơ, 2003). 

EXAMINING SOME BASIC PHYSICAL

CHEMICAL PARAMETERS RELATED TO SHRIMP FARMING

WATER QUALITY IN CAN GIO DISTRICT

• LE THI ANH DAO

MSc. NGUYEN CONG HAU

Faculty of Environmental and Food Engineering,

Nguyen Tat Thanh University

ABSTRACT:

This study examines some basic physical chemical parameters including pH, temperature, conductivity, salinity and dissolved oxygen (DO) in tiger and whiteleg shrimp farming ponds located in Can Gio District, Ho Chi Minh City during their growth. This study’s findings show that the temperature varies from 26 to 330C, the pH ranges from 7.2 to 8.5, the conductivity ranges from 14000 to 21000 µS/cm, and the salinity reaches 15 to 25‰, and they meets the recommended criteria of Vietnam Ministry of Agriculture & Rural Development.

Keywords: Shrimp farming, conductivity, salinity, pH, Can Gio District.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21, tháng 8 năm 2020]