Đánh giá tác động lan tỏa của tăng trưởng đến xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015

ThS. NGUYỄN QUỲNH HOA (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội)

TÓM TẮT:

Nhìn tổng quát, tác động của tăng trưởng kinh tế một cách phiến diện đến đói nghèo có nguyên nhân sâu xa từ việc duy trì quá lâu mô hình công nghiệp hóa đã lỗi thời ở thời đại hiện nay. Thực tiễn cho thấy, giải quyết vấn đề đói nghèo phải gắn liền đổi mới mô hình kinh tế với đổi mới tư duy và phương pháp quản lý. Bài viết đề cập đến những tác động cả về mặt tích cực và tiêu cực của tăng trưởng nóng tại Việt Nam lên vấn đề xóa đói giảm nghèo.

Từ khóa: Xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng, Việt Nam.

1. Về xóa đói giảm nghèo và tăng trưởng

1.1. Về xóa đói giảm nghèo

Xóa đói giảm nghèo là một chiến lược của Chính phủ Việt Nam nhằm giải quyết vấn đề đói nghèo và phát triển kinh tế tạiViệt Nam.

Theo đó, ngày 21/5/2002, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo". Đây là chiến lược đầy đủ, chi tiết phù hợp với mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) của Liên Hợp Quốc công bố. Trong quá trình xây dựng chiến lược có sự tham gia của chuyên gia các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như IMF, UNDP, WB,... tổng hợp thành các mục tiêu phát triển Việt Nam... Việt Nam đã ký vào Tuyên bố Thiên niên kỷ với 8 mục tiêu: 1) Xóa bỏ tình trạng cùng cực và thiếu đói. 2) Đạt phổ cập giáo dục tiểu học. 3) Tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế phụ nữ. 4) Giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh. 5) Tăng cường sức khỏe bà mẹ. 6) Phòng chống bệnh HIV/AISD, sốt rét và các bệnh khác. 7) Đảm bảo bền vững môi trường. 8) Thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì mục đích phát triển.

Bên cạnh đó, nhiều chính sách cũng đã được ban hành, gồm: Mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015 được thực hiện theo Nghị quyết 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về Định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011 - 2020; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 - 2015...

Hiện nay, chuẩn nghèo mới được ban hành theo hướng tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020. Cụ thể, tiêu chí về thu nhập, chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng; khu vực thành thị 900.000 đồng/người/tháng. Chuẩn cận nghèo khu vực nông thôn là 1.000.000 đồng/người/tháng; khu vực thành thị 1.300.000 đồng/người/tháng. Tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, bao gồm 5 dịch vụ: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm 10 chỉ số: Tiếp cận các dịch vụ y tế; BHYT; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.

1.2. Về tăng trưởng

Tăng trưởng kinh tế là sự tăng lên về số lượng, chất lượng, tốc độ và quy mô sản lượng của nền kinh tế trong một thời kỳ nhất định. Sự tăng trưởng được so sánh theo các thời điểm gốc sẽ phản ánh tốc độ tăng trưởng. Đó là sự gia tăng quy mô sản lượng kinh tế nhanh hay chậm so với thời điểm gốc. Quy mô và tốc độ tăng trưởng là "cặp đôi" trong nội dung khái niệm tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, trên thế giới, người ta thường tính mức gia tăng về tổng giá trị của cải của xã hội bằng các đại lượng tổng sản phẩm quốc dân hoặc tổng sản phẩm quốc nội.

- Tổng sản phẩm quốc dân (GNP) là tổng giá trị tính bằng tiền của những hàng hóa và dịch vụ mà một nước sản xuất ra từ các yếu tố sản xuất của mình (dù là sản xuất ở trong nước hay ở nước ngoài) trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm).

- Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là tổng giá trị tính bằng tiền của toàn bộ hàng hóa và dịch vụ mà một nước sản xuất ra trên lãnh thổ của nước đó (dù nó thuộc về người trong nước hay người nước ngoài) trong một thời gian nhất định (thường là một năm).

2. Thực trạng tăng trưởng ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015

Các số liệu thống kê cho thấy, GDP nước ta tăng liên tục từ năm 2011 đến 2015. Năm 2012, tỷ lệ tăng GDP thấp nhất trong vòng nhiều năm, nhưng điều cần nhấn mạnh là sự “không bình thường” trong giai đoạn từ năm 2007 đến nay.

Theo đánh giá của chuyên gia: Mức tăng trưởng GDP năm 2016 tuy thấp hơn mức tăng 6,68% của năm 2015 và không đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% đề ra, nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận, giá cả và thương mại toàn cầu giảm, trong nước gặp nhiều khó khăn do thời tiết, môi trường biển diễn biến phức tạp thì đạt được mức tăng trưởng trên là một thành công, khẳng định tính đúng đắn, kịp thời, hiệu quả của các biện pháp, giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng thực hiện.

Trong mức tăng 6,21% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,36%, thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây, đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,57%, thấp hơn mức tăng 9,64% của năm trước, đóng góp 2,59 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,98%, đóng góp 2,67 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành Công nghiệp tăng 7,06% so với năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng cao 11,90%, đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung với 1,83 điểm phần trăm.

Ngành Khai khoáng năm nay giảm tới 4,00%, đã làm giảm 0,33 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung, đây là mức giảm sâu nhất từ năm 2011 trở lại đây. Nguyên nhân chủ yếu do giá dầu thế giới giảm khiến lượng dầu thô khai thác giảm hơn 1,67 triệu tấn so với năm trước; sản lượng khai thác than cũng chỉ đạt 39,6 triệu tấn, giảm 1,26 triệu tấn.

Trong khu vực dịch vụ, một số ngành có đóng góp với tỷ trọng lớn vào mức tăng trưởng chung, như: Bán buôn và bán lẻ; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; kinh doanh bất động sản; dịch vụ lưu trú và ăn uống.

Về quy mô nền kinh tế năm 2016, theo các chuyên gia: Tính theo giá hiện hành, quy mô nền kinh tế năm nay đạt 4.502,7 nghìn tỷ đồng; GDP bình quân đầu người ước tính đạt 48,6 triệu đồng, tương đương 2.215 USD, tăng 106 USD so với năm 2015. Về cơ cấu nền kinh tế năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 16,32%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32,72%; khu vực dịch vụ chiếm 40,92%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,04% (Cơ cấu tương ứng của năm 2015 là: 17,00%; 33,25%; 39,73%; 10,02%).

Xét về góc độ sử dụng GDP năm 2016, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,32% so với năm 2015, đóng góp 5,29 điểm phần trăm vào mức tăng chung (trong đó tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư đóng góp 4,81 điểm phần trăm); tích lũy tài sản tăng 9,71%, đóng góp 3,08 điểm phần trăm; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ở tình trạng nhập siêu làm giảm 2,16 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung.

3. Những tác động của tăng trưởng đối với giảm nghèo tại Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015

Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo suốt 2 thập kỷ qua. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu thì giảm nghèo giai đoạn vừa qua gặp nhiều khó khăn và thách thức như: Vấn đề phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, cơ sở; sự tham gia của người dân trong giảm nghèo; chồng chéo trong chính sách.

3.1. Những thành tựu

Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2015 đạt được kết quả giảm nghèo đã đạt được kết quả đáng khích lệ: Tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 4,25% năm 2015 theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015, bình quân giảm 2%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 58,33% cuối năm 2010 xuống còn 28%/năm 2015, bình quân giảm trên 6%/năm, đạt mục tiêu kế hoạch Quốc hội đề ra. Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước tăng lên 1,6 lần so với cuối năm 2011 đạt mục tiêu đề ra, cụ thể:

Đời sống người nghèo tiếp tục được nâng lên: Mặc dù, trong điều kiện kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn nhưng Quốc hội, Chính phủ vẫn tiếp tục ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Năm 2014, tổng nguồn vốn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo là 34.700 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, hộ nghèo, vùng nghèo là 30.800 tỷ đồng; vốn huy động là 3.800 tỷ đồng.

Chính phủ cũng đã chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, dân tộc thiểu số, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để tiếp cận tốt hơn các nhu cầu khám, chữa bệnh, học tập, cải thiện nhà ở, điều kiện sống, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động. Đến nay, các bộ, ngành đã tiến hành rà soát 153 văn bản, trong đó tập trung vào 6 nhóm chính sách: giáo dục - đào tạo; tín dụng; y tế; hỗ trợ sinh kế (hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh; dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất); nhà ở; trợ giúp pháp lý; kết cấu hạ tầng...

Với những giải pháp đồng bộ về chính sách và ưu tiên nguồn lực, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 1,8 - 2% năm 2014. Ước tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 5% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 50,97% cuối năm 2011 xuống còn khoảng 33,20% cuối năm 2014; bình quân giảm trên 5%/năm.

Như vậy, trong những năm qua, bình quân tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước giảm 2%/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân trên 5%/năm, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Đời sống của hộ nghèo, người nghèo từng bước được nâng lên, phấn đấu từng bước tiến tới giảm nghèo bền vững.

Những kết quả đã đạt được thể hiện việc thực hiện đúng Nghị quyết của Đảng, Nhà nước; góp phần quan trọng trong việc định hướng xã hội chủ nghĩa; là bài học bổ ích để phấn đấu làm tốt hơn trong thời gian tới.

3.2. Một số thách thức

Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác giảm nghèo bền vững vẫn còn một số những khó khăn, thách thức như tỷ lệ tái nghèo cao, giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững, đặc biệt cả nước có 41 huyện nghèo có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%. Nhiều chủ trương, chính sách giảm nghèo chưa vận dụng có hiệu quả và còn chồng chéo, phân tán. Việc xác định, kê khai hộ nghèo còn chưa chính xác. Biến đổi khí hậu và sự cố môi trường cũng tác động đến công tác xóa đói giảm nghèo, dẫn đến tình trạng tái nghèo… Công tác giảm nghèo vẫn còn nhiều hạn chế như: hiệu quả đầu tư nguồn lực và chính sách giảm nghèo chưa cao, kết quả giảm nghèo chưa thực sự vững chắc, chênh lệch khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư còn cao, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc...

4. Đổi mới tư duy và phương pháp tiếp cận nghèo

Khắc phục những tồn tại, hạn chế, thực hiện Nghị quyết 76/2014/QH13 của Quốc hội đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm đólà; chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều dựa vào thu nhập sang phương pháp tiếp cận đo lường đa chiều; tổ chức rà soát, sắp xếp lại hệ thống các chính sách giảm nghèo theo Quyết định số 2324/QĐ-TTg ngày 19-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ, qua đó thu gọn đầu mối, thực hiện các chính sách giảm nghèo theo chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan Trung ương nhằm tập trung nguồn lực, hạn chế sự chồng chéo giữa các chính sách; xây dựng Khung Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

Giai đoạn 2016 - 2020, đẩy mạnh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là các xã nghèo, huyện nghèo.

Mục tiêu cụ thể là giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân từ 1 - 1,5%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện, xã nghèo giảm bình quân từ 3 - 4%/năm; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo, cận nghèo; kết cấu hạ tầng các huyện nghèo, xã nghèo được củng cố, tăng cường; thu nhập của nhóm hộ nghèo tăng 2 lần so với năm 2015.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015. Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

EVALUATING THE SPILLOVER EFFECTS OF VIETNAMS

ECONOMIC GROWTH ON THE POVERTY REDUCTION IN

VIETNAM BETWEEN 2011 AND 2015

Master. NGUYEN QUYNH HOA

National Economics University

ABSTRACT:

In general, the poverty could be attributed to the implementation of backward industrialization models in a long period. Practical experience shows that poverty reduction solutions need associate with reforms in economic models as well as economic management methods. This study analyzes both positive and negative impacts of the rapid growth of Vietnams economy on poverty reduction.

Keywords: Poverty reduction, growth, Vietnam.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 03 tháng 03/2017 tại đây